Chương 1: LÝ LUẬN CHUNG VỀ LÀNG NGHỀ VÀ CÁC GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH ĐỂ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ
1.2. CÁC GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI VIỆC KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ
1.2.3. Chính sách tín dụng tác động đến phát triển làng nghề
Quan hệ tín dụng ra đời và tồn tại từ đòi hỏi khách quan của quá trình tuần hoàn vốn để giải quyết hiện tượng dư thừa, thiếu hụt vốn diễn ra thường xuyên giữa các chủ thể trong nền kinh tế.
Trong nền kinh tế thị trường, các quan hệ tín dụng ngày càng được mở rộng và các hình thức tín dụng ngày càng trở nên đa dạng, có thể bao gồm: tín dụng thương mại, tín dụng ngân hàng, tín dụng nhà nước, tín dụng thuê mua, tín dụng tiêu dùng, tín dụng quốc tế. Ngoài ra, còn có các hình thức tín dụng khác của dân cư: HTX tín dụng, NHTM cổ phần nông thôn, các hình thức tín dụng đoàn thể, hiệp hội, tín dụng nặng lãi… Các hình thức tín dụng được xem xét và phân chia theo nhiều tiêu thức khác nhau như: theo tính chất pháp lý của quan hệ tín dụng; theo thời hạn tín dụng; theo đối tượng tín dụng; theo mục đích sử dụng
vốn tín dụng; theo chủ thể tham gia vào quan hệ tín dụng… Tuy nhiên, phù hợp với phạm vi nghiên cứu của luận án chỉ tập trung trình bày về tác động của tín dụng ngân hàng đối với sự phát triển làng nghề.
Tín dụng ngân hàng là việc ngân hàng chấp thuận để khách hàng sử dụng một lượng tài sản (bằng tiền, tài sản thực hay uy tín) với nguyên tắc hoàn trả cả gốc và lãi khi đến hạn [53].
1.2.3.1. Chính sách tín dụng tác động đến kết cấu hạ tầng làng nghề - Góp phần thay đổi bộ mặt làng nghề theo hướng nền kinh tế thị trường.
Ngay từ khi mới bắt đầu vào sản xuất kinh doanh, các hộ và các cơ sở làng nghề đã cần nhà xưởng, đất đai để người lao động có nơi sản xuất. Nguồn vốn tự có không đủ nên các cơ sở làng nghề phải vay ngân hàng, các tổ chức tín dụng.
Một khi hoạt động phát triển, hệ thống nhà xưởng sẽ được mở rộng thêm. Mức độ tập trung hóa được tăng cường. Thông qua việc gián tiếp thúc đẩy tập trung hóa lao động nông thôn, tín dụng đã góp phần thay đổi kinh tế làng nghề phát triển theo cơ chế thị trường. Đồng thời, việc tạo điều kiện cho làng nghề phát triển sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển các khu công nghiệp mà làng nghề làm vệ tinh.
- Tham gia vào quá trình hình thành một số làng nghề mới và thúc đẩy làng nghề hiện tại phát triển.
Tín dụng ngân hàng tác động vào nhu cầu về vốn sẽ giúp cho các làng nghề này có khả năng phát triển thành các làng nghề mới. Với các làng nghề đang tồn tại thì tín dụng ngân hàng cung ứng vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó giúp các làng nghề ngày một phát triển, từ đó góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
1.2.3.2. Chính sách tín dụng tác động đến nhân tố tổ chức sản xuất Đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề.
Vốn là một trong những vấn đề khó khăn nhất mà các làng nghề đang phải đối phó trong việc mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã. Đa phần qui mô sản xuất của các doanh nghiệp làng nghề nhỏ, việc huy động vốn gặp khó khăn. Chính sách tín dụng có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh và cả chi phí sử dụng vốn, và ảnh hưởng đến yếu tố
đầu vào của các làng nghề. Các khoản tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, điều kiện vay vốn thuận lợi sẽ tạo khả năng về vốn đầu tư để mở rộng qui mô sản xuất với chi phí thấp hơn, do đó sẽ tác động làm tăng cung.
Đối với yếu tố đầu ra, chính sách tín dụng có tác dụng đến cầu sản phẩm chủ yếu gián tiếp thông qua khả năng hoạt động của công nghiệp chế biến hoặc những chính sách tín dụng trực tiếp cho công tác thu mua nguyên liệu, công tác dữ trự nguyên vật liệu và chính sách tín dụng đối với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Các chính sách tín dụng có tác dụng làm tăng cầu sản phẩm thông qua hoạt động xuất, nhập khẩu. Bằng các chính sách tín dụng ưu đãi đối với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, mở rộng được thị trường xuất, nhập khẩu và làm tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm trong nước.
1.2.3.3. Chính sách tín dụng tác động đến yếu tố thị trường
- Chính sách tín dụng có hiệu quả góp phần giải quyết khó khăn về vốn cho chủ sản xuất làng nghề trong việc tìm kiếm thị trường nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Để phát triển bền vững làng nghề truyền thống đòi hỏi thị trường các yếu tố đầu vào phải ổn định, đảm bảo chất lượng và yêu cầu và với chi phí thấp nhất.
Các yếu tố đầu vào của làng nghề có thể được cung cấp từ nguồn tại chỗ, từ trong nước nhưng cũng có thể từ nguồn nhập khẩu. Để tìm kiếm thị trường đầu vào ổn định, đảm bảo yêu cầu cho sản xuất bền vững thì vốn là yếu tố quan trọng. Với chính sách hỗ trợ lãi suất thấp, điều kiện và thủ tục vay vốn đơn giản, thuận tiện, nhanh gọn… sẽ góp phần hỗ trợ nguồn đầu vào cho cơ sở sản xuất làng nghề, giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm và tạo sự phát triển ổn định, bền vững của làng nghề truyền thống.
* Cơ chế tác động của chính sách tín dụng
- Tác động trực tiếp đến tình hình tài chính của các cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề.
Tăng vốn lên là một cách hữu hiệu để tăng khả năng đầu tư, từ đó tăng năng suất lao động. Các cơ sở SXKD làng nghề muốn thực hiện sản xuất kinh doanh phải có một lượng vốn lớn để mua sắm máy móc thiết bị, nguyên vật liệu,
các trang thiết bị hiện đại, các máy móc bảo quản chế biến nông, lâm, thủy, hải sản… Với chính sách tín dụng của Nhà nước, thông qua chính sách lãi suất thấp, qua chính sách và các qui định tín dụng phục vụ phát triển làng nghề như qui định về đối tượng phạm vi cho vay, chính sách về nguồn vốn, cơ chế đảm bảo tiền vay, thời hạn cho vay và lãi suất cho vay… sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở SXKD có thể vay vốn từ các ngân hàng, các tổ chức tín dụng phục vụ phát triển SXKD.
Bên cạnh vốn đầu tư cho SXKD của các làng nghề, cần lượng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, văn hóa xã hội, phát triển các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục… góp phần ổn định và nâng cao đời sống người dân, tạo ra cơ sở hạ tầng thuận lợi để phát triển du lịch làng nghề, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm…
chính là nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các cơ sở làng nghề phát triển.
Chính sách tín dụng có thể tác động tới ba quyết định tài chính cơ bản của cơ sở sản xuất kinh doanh, bao gồm: quyết định nguồn vốn, quyết định đầu tư và quyết định phân chia lợi nhuận. Đây là những quyết định tài chính ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Trong đó quyết định nguồn vốn hay còn gọi là quyết định tài trợ, tìm nguồn vốn phục vụ cho đầu tư sản xuất kinh doanh và thường bao gồm: Quyết định huy động vốn ngắn hạn (quyết định vay ngắn hạn hay sử dụng tín dụng thương mại); Quyết định huy động vốn dài hạn; Quyết định quan hệ cơ cấu giữa nợ và vốn chủ sở hữu; Quyết định vay để mua sắm hay thuê tài sản. Trong số các kênh truyền dẫn chính đến chính sách tín dụng truyền thống, kênh lãi suất được coi là kênh truyền dẫn quan trọng và hiệu quả. Kênh lãi suất sẽ bắt đầu từ sự thay đổi các mức lãi suất phi rủi ro tác động đến lãi suất ngắn, trung và dài hạn trên thị trường tiền tệ, sau đó tiếp tục được tiếp tục truyền dẫn tới các mức lãi suất bán lẻ (lãi suất cho vay và lãi suất huy động) của các NHTM, là các mức lãi suất có tác động trực tiếp tới hành vi tiêu dùng của cá nhân, hoạt động huy động vốn, và đầu tư của doanh nghiệp.
Khi lãi suất cho vay của các NHTM tăng cao, các cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ chuyển hướng sang các kênh huy động vốn khác như phát hành cổ phiếu, trái phiếu hay chiếm dụng vốn khách hàng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn vì
hạn chế từ kênh vay nợ ngân hàng, hoặc các cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn phải chấp nhận lãi suất cao và tiếp tục vay vốn của ngân hàng. Tuy nhiên, với lựa chọn vay vốn thì: (i) cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ chuyển hết phần chi phí vốn tăng thêm này vào giá bán và như vậy, giá cả không những không giảm mà tăng thêm, khi đó thị trường đầu ra của sản phẩm sẽ bị thu hẹp và tình hình kinh doanh của các cơ sở sản xuất sẽ xấu đi; hoặc là (ii) chi phí sản xuất kinh doanh tăng lên song cơ sở SXKD không thể chuyển phần chi phí này vào giá bán, kết quả bản thân cơ sở SXKD chịu nhiều khó khăn, có thể dẫn đến thua lỗ, giảm qui mô kinh doanh, tình hình tài chính bị xói mòn, dẫn đến không trả được nợ, do đó các cơ sở SXKD tiếp tục chiếm dụng vốn nhiều hơn đẩy cấu trúc vốn vào tình trạng rủi ro hơn với tỷ lệ nợ quá cao.
- Tác động gián tiếp:
Tác động đến năng suất, chất lượng và kỹ năng làm việc của các cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề. Phương thức tài trợ có hoàn lại của tín dụng nhằm duy trì nguồn cung cấp tài chính và có điều kiện mở rộng qui mô chính sách tín dụng.
Thông qua các phương thức tài trợ này, các mục tiêu chính sách được đáp ứng một cách chủ động và hiệu quả hơn. Khi các đối tượng chính sách buộc phải quan tâm đến hiệu quả sử dụng vốn để đảm bảo hoàn trả đúng thời hạn thì kỹ năng lao động của họ cũng sẽ được cải thiện từng bước. Do vậy, năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng cao, khả năng tiêu thụ sản phẩm sẽ có nhiều triển vọng vì mục tiêu doanh thu và lợi nhuận. Đây là cơ sở quan trọng để quyết định đến sự mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh của các cơ sở làng nghề.
Để phát huy vai trò và hiệu quả tích cực của chính sách tín dụng, cần huy động đủ nguồn vốn đa dạng để đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách tín dụng.
Mặt khác, phải xác định đúng đối tượng cần vốn. Việc cho vay tràn lan của các ngân hàng, tổ chức tín dụng không chỉ làm hao hụt nguồn vốn tín dụng, đối tượng vay không có khả năng hoàn trả mà nghiêm trọng hơn là làm sai lệch mục tiêu hoạt động của các làng nghề truyền thống, giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh, làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế, gây rối loạn các hoạt động tài chính - tiền tệ.