ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, KINH TẾ XÃ HỘI TỈNH NGHỆ AN ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ

Một phần của tài liệu Giải pháp tài chính để phát triển làng nghề ở tỉnh Nghệ An (Trang 69 - 74)

Chương 1: LÝ LUẬN CHUNG VỀ LÀNG NGHỀ VÀ CÁC GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH ĐỂ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ

2.1. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, KINH TẾ XÃ HỘI TỈNH NGHỆ AN ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ

Nghệ An nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, trên trục đường giao thông Bắc - Nam, phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hoá, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Đông giáp Biển Đông, phía Tây giáp CHDCND Lào. Với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của tỉnh Nghệ An đã ảnh hưởng đến phát triển làng nghề trong giai đoạn 2010-2015.

2.1.1. Cơ hội về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội ảnh hưởng đến phát triển làng nghề ở Nghệ An

Thứ nhất, Nghệ An có hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối tốt tạo thuận lợi cho sự phát triển của các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Về đường bộ, Nghệ An có quốc lộ 1A dài 85 km và đường Hồ Chí Minh dài 132 km chạy xuyên suốt chiều dài của tỉnh. Cắt 2 trục đường này có nhiều đường quốc lộ, tỉnh lộ chạy từ đông sang tây làm thành mạng lưới: quốc lộ 7 chạy từ cửa khẩu Nậm Cắn sang Lào dài 225 km; quốc lộ 48 Yên Lý - Quế Phong dài 122 km; quốc lộ 46 Cửa Lò - Đô Lương dài 84 km… Phía Tây có đường 15 chạy theo hướng cùng quốc lộ 1 dài 149 km; Ngoài ra còn có 365 đường cấp tỉnh;

5.930 km đường cấp huyện, xã và hàng ngàn km đường vùng nguyên liệu.

Nghệ An có tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua tỉnh dài 94 km với 6 ga, trong đó ga Vinh là ga lớn nhất

Về đường biển, Nghệ An hình thành cụm cảng, gồm Cửa Lò, Bến Thuỷ, Xuân Hải, Hòn Ngư. Về đường sông, Nghệ An có nhiều sông lớn như sông Lam, sông Hiếu nhưng các sông đều có độ dốc lớn.

Về đường hàng không, Nghệ An có sân bay Vinh.

Kết cấu hạ tầng nông thôn: Hệ thống điện, nước sinh hoạt và phục vụ sản

xuất của Nghệ An tương đối tốt. Các phụ tải được cấp từ hệ thống điện miền bắc thông qua 3 trạm biến áp 220 KV (Hưng Đông, Nghi Sơn và Đô Lương) cung cấp đại bộ phận cho thành phố Vinh và các huyện, kể cả các cụm công nghiệp, khu công nghiệp... trên địa bàn tỉnh. Nghệ An được xếp thứ 9/64 tỉnh thành trên cả nước về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và truyền thông, có mặt hầu hết các mạng điện thoại di động và cố định, phủ sóng hết các huyện, thành phố, thị xã trong cả tỉnh.

Như vậy, hệ thống giao thông đa dạng với đầy đủ đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, vận chuyển hàng hoá trong nước và ngoài nước. Các tuyến đường vào biên giới, đường chở nguyên liệu và đường giao thông nông thôn đã được rải nhựa và bê tông hóa.

Hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, điện, nước... là những điều kiện cần thiết để các cơ sở sản xuất làng nghề khởi đầu cho các hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi. Với sự ra đời của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và đặc khu kinh tế miền Trung trong đó có BTB có 5 khu kinh tế tổng hợp:

KKT Nghi Sơn, KKT Đông Nam, KKT Vũng Áng, Hòn La và Chân Mây và thành phố Vinh đã trở thành trung tâm phát triển hành lang kinh tế Đông Tây đến năm 2020. Dưới dự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp... được hưởng các chính sách ưu đãi trong đầu tư phát triển, sẽ là điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất làng nghề có thể di dời và hoạt động, hưởng các ưu đãi nhằm phát triển sản xuất kinh doanh.

Với diện tích đất trên địa bàn tỉnh rộng nhưng diện tích chưa sử dụng hiện đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh sẽ là cơ hội thuận lợi để sử dụng mặt bằng cho các cơ sở sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, cơ sở làng nghề của tỉnh.

Thứ hai, với tiềm năng sẵn có của các yếu tố sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng tạo cơ hội lớn cho các cơ sở sản xuất làng nghề phát triển bền vững.

Nghệ An có diện tích tự nhiên 1.648.729 ha, lớn nhất nước với 21 huyện thị (gồm 1 thành phố, 3 thị xã và 17 huyện), là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước

với 1.648.997 ha, địa hình phong phú, đa dạng, có biển, đồng bằng, trung du và miền núi.Chủng loại thổ nhưỡng phong phú, đa dạng, có nhiều tiềm năng về tài nguyên rừng. Đất đai của Nghệ An có diện tích lớn phù hợp cho việc phát triển các cây công nghiệp. Rừng ở Nghệ An có chủng loại phong phú, trữ lượng khai thác được còn lớn. Tài nguyên khoáng sản thiên nhiên ở Nghệ An phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều loại phù hợp với phát triển nghề có trữ lượng lớn… là nguồn nguyên liệu dồi dào cho phát triển nghề. Hơn nữa, Nghệ An thuộc đới khí hậu gió mùa chí tuyến, á đới có mùa đông lạnh và khí hậu rất thích hợp với nhiều loại cây trồng như: lúa, lạc, vừng, mía, dứa, chuối... và một số cây công nghiệp ăn quả như cà phê, cao su, cam, nhãn, xoài... Đây là cơ hội thuận lợi để các cơ sở sản xuất làng nghề có nguồn nguyên liệu dồi dào và phát triển.

Nghệ An có bờ biển dài 82 km và diện tích vùng biển 4.230 hải lý vuông.

Dọc bờ biển có 6 cửa lạch, tàu từ 50 đến 1.000 tấn ra vào được. Vùng biển có tới 267 loài cá thuộc 91 họ. Một số loài có trữ lượng lớn như: cá trích, cá nục, cá cơm, tôm, mực… Trữ lượng hải sản các loại khoảng 80.000 tấn. Khả năng khai thác hợp lý khoảng 35.000 - 37.000 tấn/năm. Ngoài ra, dọc bờ biển có khoảng 3.500 ha diện tích mặt nước lợ có thể nuôi trồng thuỷ sản.

Tài nguyên khoáng sản của Nghệ An tương đối phong phú, trong đó có các loại như đá trắng, một số loại có chất lượng tốt và màu sắc đẹp, có thể làm nguyên liệu chế tác sản phẩm mỹ nghệ [17]. Với trữ lượng khoáng sản lớn, chủ yếu là vật liệu xây dựng, được phân bổ tương đối tập trung, có chất lượng cao, gần đường giao thông nên là cơ hội tốt để phát triển các làng nghề sản xuất xi măng, gốm sứ, gạch lát, sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Nghệ An có hệ thống 17 trường đại học, cao đẳng và hệ thống các trường dạy nghề, tạo điều kiện cho hoạt động đào tạo, cung cấp lao động quản lý và lao động kỹ thuật hàng năm khoảng từ 22.000 -25.000 lao động kỹ thuật. Số lượng lao động vùng nông thôn chiếm tỷ lệ cao (80%) trong tổng số lao động trên địa bàn tỉnh. Đây là những yếu tố hết sức thuận lợi, là nguồn cung dồi dào về nguyên liệu, về nhân công... cho sự phát triển của các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Kinh tế Nghệ An trong những năm qua đã đạt được kết quả khả quan. Giai đoạn 2010 -2015, Nghệ An có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,89%. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp, thể hiện sự chuyển dịch theo hướng CNH - HĐH. Đã hình thành một số vùng nguyên liệu tập trung (mía, dứa, sắn, rừng nguyên liệu) cho công nghiệp chế biến. Đã hình thành các khu kinh tế trang trại, áp dụng công nghệ cao (vùng trồng hoa, rau Nghĩa Đàn, bò sữa TH Truemilk, chè tuyết san Kỳ Sơn, chanh leo Quế Phong…). Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 29 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ dân được dùng nước sạch khu đô thị là 98,8%, khu vực nông thôn đạt 68%, khu vực miền núi đạt 47% [58].

Thứ ba, Nghệ An hội tụ đủ các yếu tố cơ bản để có thể khai thác và phát triển được các yếu tố thị trường hỗ trợ cho sự phát triển của các làng nghề truyền thống.

Hệ thống giao thông đa dạng bao gồm cả đường bộ, đường thủy và đường sắt, đường hàng không... một mặt sẽ tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, giao lưu hàng hóa, nguyên liệu giữa các vùng, miền trong tỉnh cũng như giữa tỉnh với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Đồng thời, với lợi thế về phát triển du lịch, có thể kết hợp phát triển du lịch làng nghề và phát triển các sản phẩm TCMN, đẩy nhanh quá trình tiêu thụ sản phẩm với các vùng, miền và với các nước khác trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

2.1.2. Những thách thức về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội ảnh hưởng đến phát triển làng nghề ở Nghệ An

Thứ nhất, hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa thực sự hoàn thiện và đang có xu hướng ngày càng xuống cấp nên ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định đầu tư của các cơ sở làng nghề, các doanh nghiệp.

Nghệ An nằm trong vùng có điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt cùng với địa hình rộng lớn, dốc từ Tây sang Đông, bị chia cắt bởi các dãy núi cao và kèm theo mưa lũ thường xuyên dẫn tới hạ tầng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt các huyện miền Tây của tỉnh Nghệ An. Chính vì vậy, ảnh hưởng đến các điều kiện cần thiết khi các hộ, cơ sở làng nghề hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nghệ An vẫn là tỉnh nghèo, thu ngân sách không đủ chi, kém phát triển so với các tỉnh trong vùng, trong cả nước. Công nghiệp qui mô chủ yếu là vừa và nhỏ, số cơ sở công nghiệp có qui mô lớn, nhất là công nghiệp trung ương còn chiếm tỷ trọng hết sức nhỏ (7%) sẽ là hạn chế trong việc phát triển các ngành nghề dịch vụ, hỗ trợ sự phát triển của các làng nghề truyền thống.

Với hệ thống truyền tải điện bước đầu đã phủ hết thành phố Vinh và 19 huyện của tỉnh song vẫn chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.

Dung lượng nước cho nhu cầu sản xuất công nghiệp và sản xuất nông nghiệp chủ yếu nhờ vào hệ thống sông, ngòi, hồ, đập sẵn có và lượng mưa hàng năm. Hiện có 20 nhà máy nước sạch đang vận hành ở các thị xã và thị trấn song mới chỉ đáp ứng khoảng 10% so với nhu cầu hiện tại của toàn tỉnh. Đây cũng là những thách thức đặt ra đối với các cơ sở sản xuất làng nghề trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, điều kiện tự nhiên tương đối phức tạp nên ít nhiều gây cản trở đến việc cung cấp các yếu tố sản xuất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề.

Lực lượng lao động ở nông thôn chiếm tỷ trọng lớn song có xu hướng ra thành thị để kiếm việc làm, trong khi lao động qua đào tạo chỉ chiếm 20,94%, trong đó lao động tay nghề là 17,08% chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất. Sự phân bổ lực lượng lao động không đồng đều và tập trung chủ yếu ở các huyện đồng bằng ven biển (Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu...) trong khi ở các huyện miền núi lại phân bổ thấp (Con Cuông, Kỹ Sơn, Quỳ Châu...) gây trở ngại cho các cơ sở sản xuất làng nghề ở các huyện miền núi.

Hệ thống các cơ sở dạy nghề chủ yếu tập trung ở thành phố, thị xã và các huyện đồng bằng. Các cơ sở dạy nghề ở các huyện đầu tư cơ sở vật chất còn hạn chế, thiếu phương tiện, thiết bị và đồ dùng dạy học. Các chương trình dạy nghề chưa đổi mới, chưa phù hợp với điều kiện phát triển nghề, chưa gắn kết với sản xuất. Nghệ An nằm trong khu vực kinh tế chưa phát triển, xa Hà Nội và các trung tâm kinh tế năng động, đầu mối giao lưu của cả nước; xa khu vực ĐBSH là nơi có làng nghề phát triển nhất cả nước nên khó khăn trong việc tiếp cận để học hỏi phát triển làng nghề.

Thứ ba, việc phát triển các yếu tố thị trường nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề truyền thống vẫn còn những trở ngại nhất định.

Đường sắt Bắc - Nam xuyên suốt chiều dài 90 km qua 8 ga trong đó ga Vinh là một trong những ga vận tải hàng hóa và hành khách lớn của cả nước. Tuy nhiên, chưa trở thành nội lực trong lưu thông nội tỉnh, còn thiếu các tuyến đường sắt đặc thù kết nối các vùng trồng cây công nghiệp ngắn - dài ngày, vùng khai thác nguyên liệu giữa các huyện miền núi.

Cảng biển của Nghệ An là tiềm năng lớn cho ngành vận tải biển và xuất, nhập khẩu hàng hóa cho cả khu vực BTB và là cửa ngõ kết nối nước bạn Lào và Đông Bắc Thái Lan trong quan hệ thương mại, song chưa đáp ứng được nhu cầu về vận tải hàng hóa, nguyên vật liệu... khi tập kết tại cảng trong giai đoạn hiện nay.

Diện tích tự nhiên rộng, lại bị chia cắt bởi hệ thống sông, suối, đồi, núi nên việc phát triển kết cấu hạ tầng, giao lưu học hỏi cũng như mua, bán, trao đổi sản phẩm giữa các vùng không thuận lợi, làm tăng chi phí vận chuyển.

Tuy tốc độ tăng trưởng cao nhưng qui mô xuất phát điểm thấp. Năm 2015, GDP của tỉnh chỉ chiếm 2% GDP cả nước, trong khi dân số chiếm 3,64 dân số cả nước nên qui mô tăng thêm không đáng kể.

Một phần của tài liệu Giải pháp tài chính để phát triển làng nghề ở tỉnh Nghệ An (Trang 69 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(233 trang)