Chương 1: LÝ LUẬN CHUNG VỀ LÀNG NGHỀ VÀ CÁC GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH ĐỂ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ
1.3. KINH NGHIỆM CỦA CÁC NƯỚC VÀ CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRONG VIỆC SỬ DỤNG CÁC GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH ĐỂ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ
1.3.2. Kinh nghiệm của một số địa phương trong nước và bài học cho tỉnh Nghệ An
1.3.2.1. Kinh nghiệm phát triển làng nghề ở một số địa phương trong nước
Trong những năm qua, để triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển làng nghề, các địa phương trong cả nước đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nghề và làng nghề. Trong quá trình, các địa phương đã có những kinh nghiệm khuyến khích, phát triển làng nghề như sau:
Kinh nghiệm xây dựng và quản lý các cụm công nghiệp làng nghề của tỉnh Bắc Ninh [12]; [49].
Bắc Ninh là một tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước với hơn 62 làng nghề đang phát triển mạnh mẽ, trong đó có 31 làng nghề truyền thống thu hút hơn 76 nghìn lao động và đóng góp gần 8% GDP của tỉnh.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh thực hiện chủ trương tất cả các dự án khả thi của các hộ sản xuất đều được Ngân hàng cho vay 70% giá trị mua sắm tài sản cố định bằng nguồn vốn vay trung hạn và hỗ trợ cho vay từ 30-50% vốn lưu động. Bắc Ninh đã chủ động tạo nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất. Ngoài ra còn có quỹ tín dụng, các tổ tiết kiệm, quỹ hỗ trợ nông dân cho vay các hộ sản xuất kinh doanh ở làng nghề với nhiều gói cho vay phù hợp với đặc thù làng nghề như trả góp lãi suất hàng tháng với lãi suất thấp.
Đi đôi với việc hỗ trợ vốn của các hộ sản xuất ở làng nghề, Bắc Ninh còn chú trọng đến tình trạng ô nhiễm môi trường do quá trình công nghiệp hóa tại làng nghề bằng việc chi đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề nấu rượu Đại Lâm, làng nghề Phong Khê, nước thải sinh hoạt thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn... nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề.
Thế nhưng, dường như các giải pháp xử lý ô nhiễm hay chữ “bẩn” cho làng nghề đều đi vào “ngõ cụt”. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm là do hệ thống thoát nước và quy trình xử lý nước thải tại các làng nghề chưa đáp ứng được yêu cầu; tiến độ dự án triển khai còn chậm, một số mô hình sau khi đầu tư xây dựng không được vận hành hoặc vận hành không hiệu quả.
Kinh nghiệm của tỉnh Quảng Nam [66]
Quảng Nam hiện có 61 làng nghề, đa dạng về quy mô và loại nghề truyền thống. Những làng nghề này sau khi khôi phục hoạt động khá tốt còn trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch làng nghề cũng như phối hợp với trung tâm khuyến công của tỉnh, Sở văn hóa thể thao và du lịch tổ chức thành công các Hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của tỉnh mỗi năm một lần, tổ chức tham gia các hội chợ triển
lãm, hội chợ du lịch trong nước và ngoài nước. Giới thiệu thông tin chi tiết về các sản phẩm làng nghề trên các tạp chí, các phương tiện thông tin đại chúng, các sách báo, ấn phẩm mà khách du lịch thường quan tâm theo dõi. Bên cạnh đó, tỉnh đã hỗ trợ 85 tỷ đồng để hỗ trợ 16 làng nghề tiềm năng như xây dựng vùng nguyên liệu (đay, cói, dâu tằm); hỗ trợ trang thiết bị máy móc (máy dệt chiếu, máy may...); xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới;
xúc tiến thương mại (hội chợ, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, xây dựng phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm); xây dựng bản đồ và tập gấp giới thiệu làng nghề gắn với điểm, tuyến du lịch; đào tạo tập huấn... cho các làng nghề, đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng đường giao thông làng nghề, xây dựng kè bảo vệ làng nghề, cầu tàu du lịch, hệ thống cấp thoát nước, cải tạo cảnh quan môi trường, hệ thống điện chiếu sáng, cổng chào du lịch làng nghề [64].
Kinh nghiệm phát triển làng nghề của tỉnh Thái Nguyên [65]
Thái Nguyên là hiện nay có 162 làng nghề được tỉnh cấp bằng công nhận;19 doanh nghiệp, HTX, tổ chức; 29 hội viên cá nhân, trên 11.720 hộ với số lao động làm nghề trên 22.760 lao động. Thu nhập bình quân từ 1,5-3 triệu đồng/ lao động/ tháng. Đặc biệt Thái Nguyên đã hình thành các vùng làng nghề chè đặc sản nổi tiếng tập trung như Tân Cương Tp Thái Nguyên, Phúc Thuận Phổ Yên, Trại Cài Minh Lập, Sông Cầu Đồng Hỷ, Khe Cốc Tức Tranh Phú Lương, La Bằng Đại Từ...vv Thông qua Hiệp hội tất cả các đề án hỗ trợ của Nhà nước là chỉ để giúp bà con “có cái cần câu để tự bà con câu lấy con cá” tức là Nhà nước không làm thay bà con. Các đề án chủ yếu tập trung vào đầu tư máy móc thiết bị bảo quản và chế biến chè. Bên cạnh đó Sở khoa học và cong nghệ đã hỗ trợ các làng nghề trong việc đăng ký thương hiệu và chứng nhận đăng ký quyền tác giả (logo) cho làng nghề, hỗ trợ nhãn mác sản phẩm, hàng hóa.
1.3.2.2. Bài học kinh nghiệm của các địa phương trong nước
Thứ nhất, quá trình phát triển kinh tế của mỗi địa phương đều quan tâm chú trọng phát triển làng nghề, coi ngành nghề nông thôn và làng nghề là một nội dung phát triển kinh tế quan trọng.
Thứ hai, muốn phát triển nghề, làng nghề có hiệu quả trước hết phải có sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước bằng việc ban hành những cơ chế chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; hỗ trợ về tài chính và tiếp cận nguồn vốn, trong đó cần có cơ chế, chính sách cho các hộ tại làng nghề vay vốn không cần thế chấp; đồng thời có chính sách đồng bộ về vùng cung cấp nguyên liệu.
Thứ ba, sản xuất làng nghề trước hết phải xuất phát từ nhu cầu thị trường.
Tập trung, đột phá khâu thiết kế sản phẩm nhằm xây dựng và phát triển các sản phẩm làng nghề chủ lực, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu. Đối với thị trường xuất khẩu, cần mời các chuyên gia của những nước nhập khẩu chính để tư vấn thiết kế, cải tiến mẫu mã sản phẩm, tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổ chức hội chợ, triển lãm, kết hợp làng nghề với các tour du lịch.
Thứ tư, đầu tư hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường công tác đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động làng nghề thông qua các trung tâm đào tạo, các viện nghiên cứu. Cần xác định rõ đối tượng, nội dung, hình thức đào tạo cho phù hợp với từng ngành nghề và điều kiện ở điạ phương, gắn giảng dạy lý thuyết với thực hành, tăng cường phổ biến kiến thức, khoa học kỹ thuật.
Quan tâm đến đội ngũ nghệ nhân, thợ cả, thợ giỏi, chú trọng đào tạo thế hệ lao động trẻ cho làng nghề.
Thứ năm, phát triển các tổ chức dịch vụ tư vấn, nghiên cứu và phổ biến kiến thức công nghiệp trong nông thôn, chủ yếu là hai loại hình dịch vụ, tư vấn các vấn đề kinh tế, quản trị doanh nghiệp nói chung và tư vấn về kỹ thuật sản xuất và chuyển giao công nghệ. Áp dụng công nghệ mới, hiện đại để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường tại các làng nghề.
Thứ sáu, hỗ trợ một số cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề trở thành doanh nghiệp đủ mạnh, thực hiện vai trò mở rộng thị trường, là đầu mối thu gom tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu.
Thứ bảy, phân loại những ngành nghề truyền thống có khả năng tồn tại phát triển, lựa chọn những sản phẩm đặc trưng để đầu tư; những ngành hoạt động cầm chừng hoặc có nguy cơ mai một để có chính sách phù hợp. Chú trọng phát triển các làng nghề truyền thống và có sản phẩm xuất khẩu thu ngoại tệ cao.
Thứ tám, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, mặt bằng sản xuất...) tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất phát triển; triển khai các giải pháp phát triển bền vững môi trường.
Kết luận chương 1
Trong chương 1, tác giả đã tìm hiểu, giải quyết các vấn đề cơ bản liên quan làng nghề và các giải pháp tài chính đối với việc khôi phục và phát triển làng nghề với nội dung là:
Thứ nhất: Tìm hiểu về Làng nghề, phát triển làng nghề, các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển làng nghề và vai trò của làng nghề trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.
Thứ hai: Tìm hiểu về các giải pháp tài chính chủ yếu đối với việc khôi phục và phát triển làng nghề, chủ yếu tập trung vào giải pháp chi ngân sách nhà nước, chính sách tín dụng và chính sách thuế.
Thứ ba: Kinh nghiệm của các nước và các địa phương trong việc sử dụng các giải pháp tài chính đối với việc phát triển làng nghề
Việc trình bày những vấn đề lý luận cơ bản về làng nghề và giải pháp tài chính sử dụng để phát triển làng nghề rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng để làm căn cứ đánh giá thực trạng sử dụng các giải pháp đó trong việc phát triển làng nghề tại tỉnh Nghệ An trong thời gian qua.
Chương 2
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG CÁC GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH ĐỂ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ Ở TỈNH NGHỆ AN