Chương 1: LÝ LUẬN CHUNG VỀ LÀNG NGHỀ VÀ CÁC GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH ĐỂ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ
3.1. MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC LÀNG NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020
3.1.2. Mục tiêu và định hướng phát triển làng nghề tỉnh Nghệ An
- Đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 25.500 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 phải đạt 21-23%. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu GDP của tỉnh là 16.985 tỷ đồng, trong đó công nghiệp là 10.606 tỷ đồng. Tỷ trọng CN-XD trong GDP của tỉnh chiếm trên 42,9% [22].
- Thực hiện đa dạng hoá sản xuất công nghiệp, vừa tập trung phát triển các ngành có thế mạnh ở địa phương như: công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp chế biến nông lâm sản thực phẩm, công nghiệp sản xuất VLXD... vừa phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao như cơ khí chế tạo, thiết bị kỹ thuật điện, điện tử công nghệ thông tin, sản xuất vật liệu mới thay thế nhập khẩu.
- Đa dạng hoá về quy mô và loại hình sản xuất công nghiệp: công nghiệp chủ đạo, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống. Khuyến khích phát triển công nghiệp quy mô vừa và nhỏ.
- Đẩy mạnh phát triển TTCN, xây dựng làng nghề ở các huyện, xã toàn tỉnh xây dựng được 150 làng nghề; đến năm 2020 xây dựng 180 - 200 làng nghề (Phụ lục 4). Các làng nghề cần chỉ đạo đầu tư ưu tiên trong giai đoạn 2015 - 2020 là lĩnh vực: Chế biến nước mắm cá, bột cá, chế biến thực phẩm (tương, bún bánh), mây tre đan, mây giang xiên, mộc mỹ nghệ, đá mỹ nghệ, chế biến khoáng sản. Phát triển nghề thêu ren, móc sợi, mây giang xiên, dệt thổ cẩm, sửa chữa cơ khí. Phấn đấu đến năm 2020 giá trị sản xuất ngành nghề TTCN đạt trên 1.500 tỷ
đồng, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 18 triệu USD. Xây dựng được 50 làng nghề đạt tiêu chuẩn, đưa tổng số làng nghề được tỉnh công nhận đạt 150 làng, giải quyết cho 20 vạn lao động có việc làm ổn định [22].
- Phát triển công nghiệp phải gắn liền với yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường. Kết hợp chặt chẽ phát triển công nghiệp với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Đa dạng hóa về quy mô và loại hình sản xuất công nghiệp. Kết hợp phát triển cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô lớn, khuyến khích phát triển cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống.
3.1.2.2. Định hướng phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Thứ nhất, phát triển làng nghề phải gắn liền với qui hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An, qui hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn và các qui hoạch liên quan khác nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng CNH, HĐH, đồng thời gắn với sự phát triển làng nghề chung của cả nước.
Phát triển làng nghề truyền thống phải gắn với qui hoạch xây dựng và phát triển của tỉnh trong đó có phát triển các khu công nghiệp, đô thị mới với các tuyến đường giao thông.
Phát triển làng nghề gắn liền với xây dựng nông thôn mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo cơ sở giải quyết việc làm, tăng thu nhập và sức mua của người dân, góp phần hình thành các trung tâm công nghiệp và dịch vụ nông thôn trong quá trình HĐH, CNH.
Phát triển làng nghề truyền thống phải góp phần tăng hàng hóa có chất lượng phục vụ tiêu dùng, phục vụ xuất khẩu và phục vụ du lịch.
Thứ hai, phát triển làng nghề truyền thống phải góp phần bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Phát triển làng nghề truyền thống phải góp phần bảo tồn, tôn tạo và xây dựng các giá trị văn hóa truyền thống, các công trình văn hóa. Phát triển các sản
phẩm làng nghề cần lưu ý đến việc lưu giữ những dấu ấn lịch sử của nghề (truyền thống nghề, tôn vinh tổ nghề…). Ngoài ra, các phương án qui hoạch về mặt kỹ thuật, cần quan tâm giữ gìn cảnh quan cũ nhằm phát huy các giá trị truyền thống của nghề cũng như thu hút khách du lịch thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm làng nghề truyền thống.
Thứ ba, phát triển làng nghề truyền thống phải xuất phát từ tiềm năng và nhu cầu thị trường, nhu cầu của xã hội đối với mỗi nghề.
Kế thừa kỹ thuật truyền thống tinh xảo kết hợp với việc cải tiến hoặc đổi mới phương thức thực hiện và từng bước áp dụng khoa học công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, có giá trị mỹ thuật, tính thương mại cao nhưng vẫn mang giữ được nét đặc trưng của làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Thứ tư, phát triển làng nghề truyền thống cần theo hướng tập trung sản xuất nhưng gắn liền với việc khôi phục, bảo tồn ngành nghề truyền thống, nghiên cứu phát triển thêm các nghề mới.
Xu hướng chung trong phát triển làng nghề truyền thống là phát triển sản xuất tập trung theo mô hình cụm làng nghề, doanh nghiệp làng nghề hoặc cụm tiểu thủ công nghiệp tập trung.
Tùy thuộc vào mỗi loại sản phẩm mà có các mức độ duy trì kỹ thuật truyền thống khác nhau, một số sản phẩm có khả năng áp dụng kỹ thuật mới nhưng có thể không có lợi hoặc làm giảm chất lượng sản phẩm thì vẫn nên giữ nguyên bản kỹ thuật truyền thống.
Xu hướng cải tiến sản phẩm truyền thống để làm tăng hàm lượng văn hóa, nghệ thuật của sản phẩm hoặc tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng vẫn cần dựa trên cơ sở phong cách truyền thống.
Thứ năm, phát triển làng nghề truyền thống cần chú trọng kết hợp bí quyết truyền thống với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào các công đoạn sản xuất.
Cùng với việc phát triển các làng nghề truyền thống cần nghiên cứu kết hợp kỹ thuật truyền thống với ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến.
Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến được ứng dụng trong các công đoạn sản xuất thuộc tất cả các khâu nhưng vẫn phải duy trì một số công đoạn mang tính truyền thống để đảm bảo tính đặc trưng của sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Thứ sáu, phát triển và mở rộng làng nghề truyền thống phải đảm bảo cân bằng sinh thái và bảo vệ môi trường, duy trì chất lượng sống khu vực dân cư tại địa phương nơi có làng nghề. Cần phát triển mô hình các doanh nghiệp trong làng nghề vì chỉ có các doanh nghiệp mới có đủ điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.