Một số khái niệm cơ bản

Một phần của tài liệu đề tài phát triển văn hoá việt nam giai đoạn 2011-2020 (Trang 24 - 59)

Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN, PHƯƠNG PHÁP LUẬN NGHIÊN CỨU

1.1. Một số khái niệm cơ bản

Văn hóa là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi và phổ biến trong cuộc sống hàng ngày và trong ngôn ngữ khoa học. Văn hóa là một thuật ngữ đa nghĩa gắn liền với tất cả hoạt động sống của con người. Tính đa nghĩa của khái niệm văn hóa trước hết có căn cứ vào tính nhiều mặt bao chứa trong nội hàm của khái niệm văn hóa, làm cho khái niệm này có khả năng đề xuất những phương hướng và những nhiệm vụ khác nhau trong việc sử dụng nó. Tính đa nghĩa của khái niệm văn hóa không chỉ có ý nghĩa về phương diện nhận thức mà còn là vấn đề thực tiễn lịch sử, nó luôn luôn vận động theo thời gian.

Do khái niệm văn hóa được sử dụng và phản ánh nhiều lĩnh vực của nhiều ngành khoa học cụ thể như dân tộc học, xã hội học, lịch sử, triết học, văn hóa học,… nên người ta đã sử dụng phương pháp liên ngành để nghiên cứu khái niệm này.

Quan điểm sinh thái học có thời kỳ chiếm một vị trí đặc biệt trong phương pháp tiếp cận văn hóa. Quan điểm sinh thái học xem xét và nghiên cứu đối tượng văn hóa từ sự thích nghi của con người với môi trường. Các tập quán, các niềm tin, các tín ngưỡng, các phong tục, các hoạt động sáng tạo, hoạt động nhận thức, đánh giá của con người… nói chung là các hoạt động sinh tồn và giao tiếp của con người gắn với tự nhiên được quan điểm sinh thái học đặc biệt chú ý. Phạm trù thích ứng là phạm trù nền tảng của quan điểm sinh thái học trong tiếp cận văn hóa.

Khác với quan điểm sinh thái học, quan điểm chức năng luận lại coi văn hóa không phải là sự ứng xử, sự thích nghi, sự tập nhiễm mà là một chức năng điều hòa xã hội. Văn hóa theo quan điểm chức năng luận là phương thức giao tiếp, phương thức hoạt động, phương thức phát triển, phương thức điều hòa các xung đột xã hội. Bản chất của quan điểm chức năng luận là quan tâm đến cách thức tiến hành, cách thức hoạt động của con người. Văn hóa là cái vận động liên tục tạo ra sự bình yên giữa con

người với con người, giữa cộng đồng với cộng đồng, giữa con người và tự nhiên.

Quan điểm chức năng luận thường được sử dụng trong lĩnh vực dân tộc học khi nghiên cứu khái niệm văn hóa. Văn hóa ở đây như là một hệ thống tự tại của mỗi dân tộc. Hệ thống này rất ít quan tâm đến tiến bộ văn hóa, đến phương diện lịch sử của quá trình văn hóa.

Khác với quan điểm chức năng luận, quan điểm thực chứng luận nhân danh việc nghiên cứu văn hóa từ dưới lên thông qua những kinh nghiệm, những thử nghiệm đã khẳng định chủ nghĩa truyền thống, chủ nghĩa lịch sử trong nghiên cứu văn hóa chỉ có nội dung và ý nghĩa tư tưởng thuần túy. Quan điểm thực chứng luận bác bỏ nội dung lịch sử của khái niệm văn hóa. Nó chỉ chú ý đến các quan hệ đương đại mà không chấp nhận các quan hệ lịch đại trong khái niệm văn hóa. Quan điểm thực chứng luận khi giải thích khái niệm văn hóa đã đem đối lập chức năng đánh giá và chức năng mô tả thực chất của quan điểm thực chứng là tái hiện nền kỹ trị hiện đại và từ chối những truyền thống văn hóa. Nó muốn vĩnh cửu hóa cái nhất thời, cái đương đại. Chủ nghĩa thực chứng thường cổ vũ cho phương pháp tham thông (compré hension) với nguyên tắc là vượt truyền thống, hướng vào giải phóng cá nhân, cá tính một cách triệt để; đón nhận những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại trong việc xác lập khái niệm văn hóa.

Phương pháp tham thông trong nghiên cứu văn hóa là phương pháp xuất hiện trong cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật của thế kỷ XX. Người ta thường cho rằng phương pháp tham thông là thành quả triết học hiện đại, bao chứa sự vận động hỗn loạn của nhiều hình thức vật chất và tinh thần khi lý giải khái niệm và các mô hình văn hóa. Phương pháp này nghiên cứu các quá trình giải thể văn hóa của quá khứ dựa vào những thành tựu của khoa học. Phương pháp tham thông có tham vọng bao chứa toàn diện sự vận động của nhiều hình thái vật chất từ vi mô đến vĩ mô, từ các giá trị vật chất đến các giá trị tinh thần trong khái niệm văn hóa.

Phương pháp tham thông đã chối bỏ truyền thống, đồng thời không chấp nhận chủ nghĩa lịch sử khiến cho khái niệm văn hóa trở nên nghèo nàn và mất sức sống...

Tiếp thu thành quả của nhiều phương pháp nghiên cứu ngoài mác xít, cách tiếp cận mác xít về văn hóa là một thành tựu xuất sắc của khoa học xã hội và khoa học nhân văn.

Trước hết, văn hóa, trong quan niệm của những nhà sáng lập chủ nghĩa Mác không những không tách rời, mà nó còn là một bộ phận hữu cơ của chủ nghĩa duy vật về lịch sử. Các vấn đề văn hóa, học thuyết về văn hóa của chủ nghĩa Mác có mối liên hệ nội tại với học thuyết về hình thái kinh tế xã hội. C.Mác, Ph.Ăngghen và V.Lênin đều đã nghiên cứu và vạch ra bản chất văn hóa của các xã hội nguyên thủy, xã hội chiếm hữu nô lệ, xã hội phong kiến, xã hội tư bản và văn hóa của chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa cộng sản.

Trên quan điểm hình thái kinh tế - xã hội, học thuyết về văn hóa của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã bàn về bản chất xã hội, tính dân tộc, tính giai cấp, tính thời đại và tính nhân loại phổ biến của rất nhiều quan hệ văn hóa. Các phạm trù văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần đã được các nhà lý luận mác xít luận giải trên cơ sở học thuyết duy vật biện chứng về mối tương quan giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, giữa hoạt động vật chất và hoạt động tinh thần của con người. Chính C.Mác và Ph.Ăngghen cũng như Lênin đã bàn đến văn hóa lao động, văn hóa sản xuất, văn hóa quản lý, sự phát triển văn hóa của nhân dân lao động, của các cá nhân và các dòng văn hóa khác nhau trong một nền văn hóa.

Khác với nhiều quan điểm ngoài mácxít khi tiếp cận khái niệm văn hóa, giá trị học mác xít khẳng định văn hóa có tính độc lập tương đối, nhưng trong chiều sâu của mình, nó mang tính dân tộc đậm đà. Nói đến văn hóa là nói đến dân tộc. Tính dân tộc này thể hiện trước tiên ở truyền thống, ở sự bền vững và độc đáo. Truyền thống dân tộc được đặc trưng bởi truyền thống văn hóa. Các cơ chế của truyền thống dân tộc được lưu giữ trong các truyền thống văn hóa. Văn hóa gìn giữ gương mặt của dân tộc, tiếp biến các giá trị mới làm đa dạng hóa truyền thống văn hóa, lưu giữ tính đặc thù dân tộc tạo ra sự khác biệt văn hóa vừa là nguồn cội của sự thống nhất trong đa dạng vừa là gốc rễ của sự phát triển văn hóa.

Có thể nói, cách tiếp cận giá trị học mácxít về văn hóa trước hết là gắn với hoạt động sáng tạo của con người. Trong quan niệm ấy văn hóa là trình độ người của các quan hệ xã hội. Văn hóa không chỉ gắn với các quan hệ xã hội mà còn gắn trực tiếp với tự nhiên, bởi tự nhiên là thân thể

vô cơ của con người. Tiếp cận giá trị học mácxít với văn hóa phải tiếp cận các quan hệ của con người với tự nhiên. Chính thập kỷ thế giới phát triển văn hóa được phát động vì các nước công nghiệp hóa đã tàn phá tự nhiên dữ dội tạo ra tình trạng phản văn hóa ở khắp nơi trên hành tinh. Thập kỷ này dành 10 năm để con người tự điều chỉnh quan hệ văn hóa của mình và sau 10 năm ấy, từ đầu thế kỷ XXI tới hôm nay UNESCO đã thông qua khá nhiều công ước về bảo tồn các di sản văn hóa.

Văn hóa không chỉ gắn với xã hội, với tự nhiên mà còn gắn với sự phát triển của chính bản thân con người. Nghiên cứu văn hóa chính là nghiên cứu việc tăng trưởng nguồn lực con người, bồi dưỡng những khả năng hiểu biết, khám phá, sáng tạo, lưu giữ của con người.

Các quan hệ văn hóa khi gắn con người với tự nhiên, với xã hội, với sự phát triển của chính bản thân mình, nó còn gắn với các phương thức hoạt động, các thiết chế nền tảng của đời sống xã hội như thiết chế lao động, thiết chế tín ngưỡng, thiết chế gia đình, thiết chế văn hóa nghệ thuật. Như vậy phạm vi của khái niệm văn hóa rất rộng. Trong bài Ban đầu và cuối cùng là văn hóa của ông Mayor viết trên tạp chí Người đưa tin UNESCO đã nhận xét: “Văn hóa là nền tảng và linh hồn của cuộc phiêu lưu của con người”1. Đến những năm cuối thế kỷ XX, do quá trình công nghiệp hóa đã mang đến nhiều phản văn hóa ở hầu khắp mọi nơi trên hành tinh, tổ chức UNESCO đã đề xuất rất nhiều nội hàm trong khái niệm văn hóa. Ngoài quan niệm về văn hóa của ông Tổng giám đốc Mayor đã nêu trên, tổ chức và tạp chí Người đưa tin UNESCO đã nêu lên những nội hàm về văn hóa tri thức, văn hóa thông tin, văn hóa nông nghiệp, văn hóa sáng tạo, văn hóa hòa bình, văn hóa chính trị, bản sắc văn hóa quốc gia.

Cho đến đầu thế kỷ XXI, Công ước quốc tế về đa dạng văn hóa của UNESCO được thông qua năm 2006 còn đề xuất mối quan hệ giữa văn hóa và dân chủ, văn hóa khoan dung, sự cân đối văn hóa, quyền văn hóa cũng như bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập.

Có thể nói khái niệm văn hóa gắn bó hữu cơ với phương thức sản xuất. Theo quan điểm hình thái kinh tế xã hội thì văn hóa có cơ cấu:

1 F. Mayor. Ban đầu và cuối cùng là văn hóa. Người đưa tin UNESCO số 10, 1994 tr.35.

1- Lịch sử văn hóa là văn hóa của các hình thái kinh tế xã hội khác nhau.

2- Văn hóa và tự nhiên tức hoạt động cải tạo tự nhiên xây dựng các môi trường sinh thái nhân văn.

3- Văn hóa sản xuất, hay văn hóa lao động bao gồm các hệ thống sản xuất xã hội, sản xuất vật chất tức văn hóa vật chất; sản xuất tinh thần tức văn hóa tinh thần.

4- Văn hóa nhân cách tức văn hóa tự phát triển bản thân con người.

5- Văn hóa xã hội bao gồm một hệ thống các hoạt động văn hóa trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, lối sống, quản lý, y tế...

6- Văn hóa giáo dục bao gồm văn hóa giáo dục và tự giáo dục đó là quá trình nâng cao năng lực thể chất, tinh thần và sự phát triển của chính bản thân con người.

7- Văn hóa nghệ thuật, lãnh vực đặc thù và rất cao của văn hóa tinh thần.

8- Văn hóa tín ngưỡng, tâm linh.

9- Hệ thống các phương thức giao tiếp văn hóa.

10- Các thiết chế văn hóa nền tảng như thiết chế lao động, thiết chế gia đình, thiết chế tâm linh, thiết chế nghệ thuật.

Trong quan niệm của Đảng ta về văn hóa, lý lụân văn hóa nằm trong toàn bộ hệ thống lý luận cách mạng. Nó gắn liền với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Văn hóa là những mắt xích quan trọng xuyên suốt sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Văn hóa không nằm ngoài thực tiễn cách mạng và lịch sử. Văn hóa là thành tố chủ yếu của sự vận động lịch sử thực tế của xã hội Việt Nam tiến từ một nước tiểu nông lên một nước công nghiệp hiện đại. Trong các tư tưởng văn hóa của Đảng, văn hóa là sự phản ánh, sự tổng hợp, tổng kết cuộc đấu tranh của nhân dân ta làm chủ tự nhiên, làm chủ xã hội và làm chủ bản thân mình. Trên ý tưởng đó Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII vào năm 1998 - năm bản lề giữa hai thế kỷ XX và thế kỷ XXI, năm cuối của thiên niên kỷ thứ II và mở đầu cho thiên niên kỷ thứ III - đã phác thảo một chiến lược phát triển văn hóa quan trọng nhằm giữ gìn và phát huy toàn bộ di sản văn hóa thiêng liêng của cha ông và xác lập mục tiêu hiện thực xây dựng nền văn hóa mới cho thời kỳ phát triển mới của dân tộc. Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII của Đảng đã đưa ra nội hàm của khái niệm văn hóa theo

nghĩa rộng tập trung vào văn hóa tinh thần: “trong đó đề cập tám lĩnh vực lớn, trong tám lĩnh vực này thì tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa được coi là những lĩnh vực quan trọng nhất hiện nay cần đặc biệt quan tâm”1. Theo chúng tôi, bên cạnh tám lĩnh vực mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã đề cập, cần bổ sung thêm lĩnh vực văn hóa môi trường và văn hóa đối ngoại cho phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Đây là nội dung cơ bản để đề tài tiếp tục đi sâu nghiên cứu trong quá trình thực hiện mục tiêu.

1.1.2. Khái nim phát trin văn hóa

C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng thực thể người là sự thống nhất toàn vẹn cái sinh học, cái xã hội và cái lịch sử; do đó phát triển văn hóa với tư cách là sự phát triển con người không chỉ là sự phát triển về mặt ý thức của con người mà là sự phát triển con người toàn vẹn lịch sử. Trong quan niệm của C.Mác và Ph.Ăngghen, văn hóa là một phạm trù lịch sử thể hiện trình độ, tính toàn diện trong thực tiễn hoạt động của con người.

Trình độ phát triển của con người với tư cách là chủ thể lịch sử, đó là trình độ hoạt động thực tiễn vật chất và tinh thần của con người. Sự phát triển văn hóa không tách rời tồn tại tự nhiên và tồn tại xã hội của con người.

Tính toàn vẹn sinh học - xã hội – lịch sử của sự phát triển con người tạo thành thước đo thực tế của sự phát triển văn hóa của con người. Sự phát triển của văn hóa trong tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen được biểu hiện ở khả năng con người biến đổi những điều kiện tự nhiên và những điều kiện xã hội thành những tiền đề khách quan của tồn tại của mình với tư cách là chủ thể của lịch sử.

Khi đánh giá sự phát triển văn hóa của các thời đại khác nhau, C.Mác và Ph.Ăngghen không luận chứng cho những thành tựu riêng biệt của mỗi thời đại trong một hoạt động nào đó mà các ông đề cập tới trình độ phát triển chung thông qua những thông số quan trọng nhất về tồn tại của con người trong quan hệ với tự nhiên và với nhau. Có thể nói trong tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen thì sự phát triển văn hóa được thể hiện trực tiếp trong sự phát triển những điều kiện tự nhiên và xã hội; và những tiền đề của hoạt động con người được thể hiện trong quá trình ấy.

1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1998, tr.19-20.

Nếu văn hóa là sự thống nhất thực tiễn hoạt động của con người với tự nhiên và xã hội, là phương thức tồn tại tích cực được quy định về mặt tự nhiên và xã hội trong hoạt động người thì phát triển văn hóa phải phát triển cả hoạt động thực tiễn – tinh thần và thực tiễn vật chất của con người. Như vậy, phát triển văn hóa có liên quan đến tiến bộ xã hội bởi vì bản chất của tiến bộ xã hội tức là phát triển con người.

Theo quan điểm về hình thái kinh tế xã hội của C.Mác và Ph.Ăngghen thì sự phát triển của xã hội loài người đã trải qua xã hội cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến và tư bản. Tất nhiên xã hội tư bản đang tạo tiền đề để làm xuất hiện một hình thái kinh tế sau nó. Đó chính là một quá trình tiến bộ xã hội dần dần và cũng đồng thời là sự phát triển văn hóa – từ nền văn hóa cổ đại đến nền văn hóa hiện đại. Sự tiến bộ xã hội như vậy có một số mặt đồng nhất với sự phát triển văn hóa bởi vì về mặt lực lượng sản xuất cũng như quan hệ sản xuất những năng lực người đều được phát triển.

Tuy nhiên, không phải sự tiến bộ xã hội nào cũng đồng nhất hoàn toàn với sự phát triển văn hóa, bởi vì trong sự tiến bộ xã hội đều có những song đề văn hóa được đặt ra. Con người được phát triển trong cải tạo tự nhiên đồng thời nó cũng làm mất cân bằng giữa tự nhiên và con người.

Con người đạt được những thành tựu to lớn trong cải tạo xã hội làm cho xã hội tiến lên rất mau, nhưng đồng thời cũng tạo ra xung đột không tránh khỏi giữa người này và người khác. Con người tự phát triển mình trong quá trình cải tạo tự nhiên và cải tạo xã hội giải phóng năng lượng của mình đồng thời cũng vấp phải hàng loạt những song đề về bệnh tật, trí tuệ, tình cảm. Nhìn thấy những song đề như vậy trong quá trình phát triển văn hóa, tức phát triển con người, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đề xuất một giải pháp cực kỳ quan trọng là khi phát triển tự do của người này đồng thời phải phát triển tự do của người khác “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”1.

Như vậy, dù có tiến bộ xã hội, nhưng mỗi nấc thang của sự tiến bộ xã hội vẫn phải giải quyết vấn đề phát triển văn hóa. Mỗi nấc thang ấy phải giải quyết dần dần cho sự phát triển tự do của con người dù cho xã

1 C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.628.

Một phần của tài liệu đề tài phát triển văn hoá việt nam giai đoạn 2011-2020 (Trang 24 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(398 trang)