Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN, PHƯƠNG PHÁP LUẬN NGHIÊN CỨU
2.8. Thực trạng và bài học kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trong 25 năm đổi mới vừa qua
2.8.1. Những thành tựu
Nhìn chung, qua hơn hai mươi năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, vùng dân tộc thiểu số đã có những bước phát triển lớn và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội: quyền bình đẳng giữa các dân tộc được thực hiện đầy đủ, toàn diện hơn; đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được tăng cường; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư; kinh tế phát triển theo hướng nhiều thành phần và sản xuất hàng hóa; sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa... có nhiều tiến bộ; văn hóa truyền thống của các dân tộc được tôn trọng và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện, nâng cao; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Trên lĩnh vực giáo dục, sự nghiệp giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đạt nhiều thành tựu quan trọng. Đảng và Nhà nước đã thông qua nhiều chính sách ưu tiên cho công tác giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: Chính sách về phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị giáo dục với chương trình kiên cố hoá trường, lớp học. theo Quyết định số 159/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ (giai đoạn I từ năm 2002 đến 2005 và giai đoạn II từ năm 2008 đến 2012);
Chính sách ưu đãi đối với học sinh dân tộc thiểu số được thực hiện theo Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg ngày 14/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Chính sách ưu đãi đối với cán bộ quản lý và nhà giáo công tác ở vùng dân tộc theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ; Ngoài ra còn có các chương trình, dự án khác như: Chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở các xã đặc biệt khó
khăn, theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong các hạng mục của chương trình có hạng mục xây dựng kiên cố hoá trường học; Chương trình mục tiêu Quốc gia giáo dục và đào tạo (Dự án Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng có nhiều khó khăn); Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; Dự án phát triển giáo dục trung học cơ sở; Dự án phát triền giáo dục trung học phổ thông.
Việc xóa điểm trắng giáo dục ở cấp bản đã được thực hiện khá triệt để nhằm chống nạn mù chữ và phổ cập giáo dục từ tiểu học đến trung học cơ sở. Tỷ lệ giáo viên đứng lớp bậc tiểu học vùng dân tộc đã đạt 1,15 giáo viên/lớp với trình độ hầu hết đã qua đào tạo cơ bản, từ 9+3; 12+2 trở lên.
Số giáo viên tiểu học là người dân tộc thiểu số tuy chưa nhiều, nhưng đã tương đối ổn định và ngày càng được các địa phương chú trọng, phát triển.
Hệ thống trường Phổ thông dân tộc nội trú năm học 2006-2007, đã mở rộng tới 49 tỉnh, gồm 7 trường Trung ương với 10.772 học sinh, 47 trường tỉnh, 225 trường huyện và cụm xã với 85.744 học sinh. Hàng năm có khoảng trên 40% học sinh dân tộc nội trú đỗ đại học, cao đẳng, 20% vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề. Các chính sách ưu tiên con em đồng bào thiểu số đã mang lại những quyền lợi thiết thực. Chỉ tính riêng Dự án phát triển giáo dục trung học tại 1.450 xã đặc biệt khó khăn mà chủ yếu là vung dân tộc thiểu số của 103 huyện thuộc 17 tỉnh trong đó có Cà Mau, Cao Bằng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Điện Biên, Hà Giang, Kon Tum, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Bắc Kạn, Sóc Trăng …được đầu tư số tiền lên tới 64 triệu USD, đã đầu tư xây dựng 960 phòng ở nội trú cho học sinh dân tộc thiểu số - cung cấp chỗ ở cho 7.680 học sinh; 48 phòng học mới cho các trung tâm giáo dục cộng đồng; 258 khu vệ sinh ở các trường Trung học cơ sở, trung tâm giáo dục thường xuyên; xây dựng và trang bị 180 thư viện, 112 phòng thí nghiệm, ngoài ra, trong khuôn khổ dự án, Bộ Giáo dục-Đào tạo sẽ cấp học bổng cho 800 học sinh của 18 nhóm dân tộc thiểu số, trị giá mỗi suất là 200 USD…
Mức hưởng thụ văn hóa, thông tin ở miền núi và vùng các dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt. Nguồn lực cho văn hóa - thông tin ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số bên cạnh sự đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn được tăng cường qua các hình thức xã hội hóa hoạt động văn hóa - thông tin và mở rộng sự hợp tác quốc tế. Các cơ quan thông tin đại chúng đã có
những bước cải tiến nội dung, hình thức tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước sao cho phù hợp với đặc điểm và điều kiện của từng vùng; chú trọng tuyên truyền vốn văn hóa, nghệ thuật các dân tộc, các điển hình làm ăn giỏi, vận động giữ gìn, bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường văn hóa, bài trừ tệ nạn xã hội, mở rộng và nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc; nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố; bưu điện văn hóa xã; hệ thống phòng đọc, tủ sách cơ sở… Hệ phát thanh tiếng dân tộc VOV4 đã duy trì phát sóng từ ngày 1/10/2004 bằng 11 thứ tiếng dân tộc gồm Mông, Khmer, Ê -đê, Jrai, Ba-na, Xơ-đăng, Cơ-ho, Thái, Chăm, Mnông, Dao với hệ thống máy phát sóng bố trí theo các khu vực Tây Bắc, Trung Bộ - Nam Bộ và Tây Nguyên, bao gồm máy phát sóng trung, sóng ngắn và sóng FM. VTV5 - kênh thông tin riêng, phát bằng nhiều thứ tiếng dân tộc của Đài truyền hinh Việt Nam bắt đầu phát sóng thử nghiệm tháng 2/2002, đến năm 2004 tách riêng sóng và phát qua vệ tinh phủ sóng toàn quốc. Hiện nay, VTV5 phát sóng 16h mỗi ngày bằng 13 thứ tiếng dân tộc thiểu số như: Mông, Thái, Dao, Khơme, Chăm, K’ho, Êđê.. với đủ các chuyên mục như chính trị, văn hoá, xã hội.. có nội dung biên tập vừa theo lối ‘tư duy’ của người dân tộc, ngôn ngữ dịch trong sáng, dễ hiểu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 01/GD-ĐT, ngày 3/2/1997 hướng dẫn việc dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số ở các địa phương. Đến nay, đã xây dựng được 8 bộ chương trình cho 8 thứ tiếng dân tộc thiểu số chính thức đưa vào các trường tiểu học và trường phổ thông dân tộc nội trú, gồm có: chữ Chăm, chữ Thái, chữ Bana, chữ Hán, chữ Mông và chữ Khmer, chữ Jarai, chữ Xơđăng.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được tổ chức theo các tiêu chí, tiêu chuẩn công nhận danh hiệu văn hóa phù hợp với với đặc điểm và điều kiện kinh tế - xã hội từng vùng trên cơ sở lấy ý kiến tham khảo từ các địa phương. Các đội văn nghệ quần chúng được xây dựng làm hạt nhân thúc đẩy các hoạt động văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu của sinh hoạt văn hóa cộng đồng, từ đó hình thành những điểm sáng văn hóa. Các đội chiếu bóng, đội tuyên truyền văn hóa lưu động được củng cố và phát triển với nhiều chương trình phục vụ đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Các trung tâm văn
hóa - thông tin - thể thao, các thư viện, hiệu sách, trạm phát lại truyền hình và đài truyền thanh ở cấp huyện có nhiều cải tiến trong quản lý và cơ bản đã phát huy hiệu quả. Các trạm văn hóa - thông tin ở các trung tâm cụm xã miền núi, đặc biệt là khu vực 3 được xây dựng gắn với các chợ, các nông - lâm trường, trạm trại, các trường phổ thông bán trú, đồn biên phòng đã phát huy hiệu quả tốt trong việc phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số.
Các cơ quan, đơn vị văn hóa - nghệ thuật phục vụ miền núi, dân tộc thiểu số được củng cố, kiện toàn, theo hướng chuyên trách từ trung ương đến địa phương. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được xem trọng. Các chính sách đối với cán bộ văn hóa - thông tin ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số đã được cải thiện và đáp ứng được những điều kiện cơ bản để họ có thể yên tâm phục vụ lâu dài ở vùng cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Hội Văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số Việt Nam đã có những bước phát triển mới, đội ngũ được bổ sung, bồi dưỡng, tạo điều kiện hoạt động nghề nghiệp; số lượng tác phẩm, công trình được công bố, xuất bản tăng lên; nhiều văn nghệ sĩ được trao tặng giải thưởng của Nhà nước và quốc tế.
Công tác sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian các dân tộc đã đạt được thành tựu đáng kể với hàng trăm công trình sưu tầm, nghiên cứu biên dịch các loại hình văn nghệ dân gian của các dân tộc như Tây Nguyên, Chăm, Tày, Nùng, Mường, Thái và Mông… Nhiều giá trị văn hóa đặc trưng vùng miền đã được tôn vinh, trong đó nổi bật là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới; chương trình sưu tầm và xuất bản sử thi Tây Nguyên giai đoạn 2001-2007 đã tổng điều tra toàn bộ trữ lượng hơn 800 tác phẩm sử thi; sưu tầm biên dịch và xuất bản 75 bộ…Các nhà nghiên cứu cũng đang cố gắng đưa ra những phương cách hữu hiệu để cho nguồn sử thi dồi dào này được phục dựng sống lại và tồn tại đúng ý nghĩa trong môi trường của chính nó.
Công tác bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số được chú trọng. Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo tổ chức các Ngày Hội văn hoá của các dân tộc thiểu số nhằm giới thiệu bản sắc văn hoá độc đáo của các dân tộc thiểu số Việt Nam với công chúng cả nước và bạn bè quốc tế. Bảo tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam đã thực hiện 16 đợt nghiên cứu, sưu tầm ở 18 tỉnh, thành phố trong cả
nước, 30 huyện, 40 thôn bản với 20 dân tộc (Mông, Dao, Cờ Lao, Pu Péo, Sán Dìu, Êđê, Mạ, Churu…), sưu tầm được 1.200 tài liệu vật khối, 800 phim ảnh tư liệu, 10 băng hình về văn hoá các dân tộc thiểu số.
2.8.2. Một số vấn đề tồn tại
Mặc dù đã có sự nâng cao rõ rệt nhưng mức hưởng thụ về giáo dục, văn hóa tại vùng các dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng và kháng chiến trước đây vẫn còn quá chênh lệch so với các vùng khác trong cả nước. Trong cơ chế kinh tế thị trường, đời sống văn hóa xã hội của các dân tộc thiểu số diễn ra với không ít những biến động:
a) Việc mất rừng do bị khai thác bừa bãi với tốc độ nhanh đã phá vỡ sự đa dạng sinh học và môi trường sống truyền thống của vùng các dân tộc thiểu số. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phá vỡ cấu trúc truyền thống văn hóa các dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, sự gia tăng dân số nhanh ở một số nơi do tình trạng di dân tự do cũng là nguyên nhân dẫn đến những phát sinh đối với cấu trúc văn hóa dân tộc thiểu số truyền thống. Trong khi sự đa dạng văn hoá tộc người bị mai một thì sự thống nhất lại diễn ra ở mức độ hỗn tạp giữa tự nguyện, tự phát với tính chất cố kết có phần duy ý chí dưới sự tác động của các chính sách kinh tế, văn hoá. Hơn nữa, tình hình này còn bị các thế lực thù địch lợi dụng để thực hiện các âm mưu diễn biến hòa bình tạo sự bất ổn về chính trị, gây ra những điểm nóng ở các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.
b) Những sắc thái văn hóa dân tộc đậm đà, thể hiện ở ba đặc trưng cơ bản là ngôn ngữ, trang phục và kiến trúc nhà ở là một trong những thế mạnh của du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang được quan tâm khai thác. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, các giá trị văn hóa truyền thống đang chịu tác động của các yếu tố hiện đại, có nguy cơ mất đi tính nguyên sơ và bản sắc độc đáo. Đồng bào các dân tộc, đặc biệt là lớp trẻ vì những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau đã ăn mặc, dựng nhà như người Kinh và nói tiếng phổ thông.
c) Nhìn chung kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn. Đời sống của một bộ phận đồng bào thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vẫn còn nghèo, lạc hậu. Tình trạng một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số do chưa biết cải tiến cách canh tác, lại thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất nên hiệu quả kinh tế thấp, làm cho
mức sống so với đồng bào Kinh ngày càng chênh lệch. Lợi dụng tình hình đó, các thế lực thù địch, và các phần tử xấu đội lốt dân tộc, tôn giáo, kích động một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ bỏ sản xuất, kéo đi khiếu kiện, biểu tình, gây bạo loạn... làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở Tây Nguyên và một số nơi có thời điểm rất phức tạp.
d) Chính sách phát triển giáo dục-đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số ở nước ta còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.
Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số học tại các trường phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Chế độ học bổng tuy được điều chỉnh theo mức lương cơ bản (hiện bằng 80% mức lương cơ bản), song việc tăng mức học bổng không theo kịp với tốc độ tăng của chỉ số giá cả sinh hoạt và tiêu dùng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến học tập và đời sống sinh hoạt của học sinh.
Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú hiện chưa đáp ứng theo Quyết định số 2590/GD-ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo là mỗi tỉnh có 1 trường trung học phổ thông dân tộc nội trú; mỗi huyện và cụm xã có 1 trường trung học cơ sở phổ thông dân tộc nội trú. Hơn nữa, quy định số lượng tuyển sinh cho từng cấp học rất hạn chế so với nhu cầu của địa phương và nguyện vọng của đồng bào các dân tộc.
Vấn đề đào tạo liên thông giữa trung học phổ thông dân tộc nội trú và trung học cơ sở phổ thông dân tộc nội trú; liên thông giữa bậc phổ thông dân tộc nội trú với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề còn nhiều bất cập, mới chỉ đạt tỷ lệ 41,3% (trong đó có 15% là học sinh cử tuyển) học sinh dân tộc thiểu số được tiếp tục theo học đại học, cao đẳng; số còn lại đi học nghề và đại đa số là trở về địa phương sản xuất.
Theo báo cáo giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khoá XI, số sinh viên tốt nghiệp cử tuyển trở về địa phương công tác chỉ đạt 80,7%, số còn lại đi đâu tỉnh không rõ. Như vậy, việc sử dụng sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp còn bất cập, số sinh viên không trở về công tác theo cam kết cũng chưa có biện pháp xử lý, chưa thực hiện bồi hoàn kinh phí đào tạo.
Chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng dân tộc hiện nay chưa đủ mạnh để khuyến khích giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tâm huyết, cống hiến hết khả năng của mình cho sự nghiệp phát triển
giáo dục và đào tạo vùng dân tộc. Chế độ tiền lương và phụ cấp như hiện nay chưa thu hút được giáo viên tình nguyện đến công tác ở vùng dân tộc khó khăn; những chế độ chính sách này được thực hiện theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ vẫn có những điềm bất cập đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại các thị trấn, thị xã ở các tỉnh vùng cao, miền núi.
e) Đội ngũ cán bộ làm văn hoá dân tộc quá thiếu về số lượng và nhất là trình độ chuyên môn sâu gắn với thực tiễn các vùng miền đại phương cụ thể. Đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số chưa nhiều, sự chênh lệch về lực lượng giữa các dân tộc, vùng miền còn khá lớn, đặc biệt là sự thiếu hụt lực lượng văn nghệ sĩ trẻ, bổ sung cho đội ngũ rất đông văn nghệ sĩ cao tuổi hiện nay. Vẫn còn hơn 20 dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam chưa có nhà văn, nghệ sĩ của mình.
g) Tình trạng tập tục lạc hậu tuy chiếm tỷ lệ nhỏ so với toàn cảnh đời sống văn hóa, xã hội khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ lan rộng, kể cả nguy cơ do kẻ xấu lợi dụng kích động, tạo thành "rào chắn" cản trở sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
2.8.3. Bài học kinh nghiệm
a) Việc bảo đảm tính ổn định tương đối của vùng lãnh thổ tộc người với không gian cảnh quan và môi trường lịch sử - văn hoá của dân tộc là điều đặc biệt cần được quan tâm. Ở Việt Nam hiện nay, vấn đề lãnh thổ tộc người và đặc trưng kinh tế đang có những biến động lớn, tình trạng cư trú xen kẽ và phân tán của hầu hết các dân tộc thiểu số đã trở nên khá phổ biến. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tình trạng di dân tự do của đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu từ miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã làm cho tính phân tán về lãnh thổ tộc người thêm phức tạp. Do đó cần phải bảo đảm tính ổn định tương đối về địa bàn cư trú hay vùng lãnh thổ tộc người và cùng với nó là cảnh quan và môi trường văn hoá tộc người. Trên cơ sở đó bảo đảm được tính ổn định tương đối của văn hoá vùng và văn hoá tộc người. Đây là yêu cầu và là phương châm rất quan trọng bảo đảm tính thống nhất nội tại của bản sắc dân tộc của nền văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
b) Thực tế thi hành những chính sách kinh tế trong văn hóa đối với đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy, qua nhiều năm, số lượng chính sách