Tham nhũng gắn liền với quan liêu cũng là một căn bệnh phổ biến của các nhà nước. Ở nhiều nơi, tham nhũng còn phát triển tới mức trầm trọng.
Tham nhũng biểu hiện rõ nhất trong kinh tế và tổn hại của nó cũng nhìn thấy rõ nhất trong lĩnh vực kinh tế, gây thiệt hại rất lớn tới lợi ích quốc gia. Từ đó,
tham nhũng làm suy đồi đạo đức xã hội, làm hư hỏng cán bộ và có nguy cơ dẫn tới sự đổ vỡ của thể chế.
Tham nhũng do tình trạng yếu kém của thế chế gây ra như tình trạng buông lỏng quản lý, kiểm tra, kiểm soát, sự lợi dụng những kẽ hở trong cơ chế, chính sách để làm những điều bất minh, phi pháp, hành vi cố ý làm trái gây thiệt hạ tới tài sản công, làm thất thoát tiền của của nhà nước. Tham nhũng còn là bằng chứng cho thấy những thói xấu tệ hại về đạo đức, những sự hư hỏng, thoái hoá biến chất của những kẻ lợi dụng chức quyền vào việc mưu lợi cá nhân làm thiệt hại tới lợi ích của công dân và của xã hội. Tham nhũng như một vật thể gây bệnh nguy hiểm mà Hồ Chí Minh gọi là một thứ vi trùng độc hại nhất len lỏi vào cơ thể xã hội làm cho cơ thể đó mang bệnh, suy yếu, thậm chí có thể chết. Kết cục ấy chính là sự mục ruỗng từ bên trong rồi đổ vỡ nếu thể chế không có sức đề kháng, ngăn chặn và chống lại tham nhũng bằng những giải pháp quyết liệt, triệt để và hữu hiệu.
Đấu tranh chống tham nhũng là một cuộc đấu tranh sống còn để bảo vệ và giữ vững chế độ, để làm lành mạnh môi trường xã hội, làm trong sạch thể chế Đảng và Nhà nước, làm cho đạo đức tinh thần và môi trường xã hội – nhân văn khỏi bị ô nhiễm. Ngày nay, sự ô nhiễm này cũng nặng nề và nguy hiểm không kém gì, thậm chí còn gay gắt và nan giải hơn so với tình trạng môi trường tự nhiên sinh thái bị huỷ hoại.
Tham nhũng là một hành vi phản nhân văn, trái đạo lý, một hành vi chống xã hội được xác định là một tội phạm và phải được nghiêm trị theo pháp luật.
Vấn đề trở nên phức tạp và khó khăn ở chỗ, tham nhũng không chỉ diễn ra trong kinh tế, trong làm ăn kinh tế mà còn thâm nhập vào các tổ chức, cơ quan và một bộ phận không nhỏ những cán bộ trong tổ chức, cơ quan ấy có chức năng, nhiệm vụ thi hành và bảo vệ pháp luật, kỷ cương, trật tự xã hội.
Trong nền kinh tế thị trường với một thể chế đã tập nhiễm phải thói, tệ quan liêu thì tham nhũng càng có cơ hội lây lan, phát triển. Tham nhũng còn đi liền với các tội phạm và tệ nạn xã hội khác, nó gây ra sức tàn phá xã hội
không chỉ vật chất mà còn tinh thần, nó thực sự là hành vi chiếm đoạt, bóc lột
“phi kinh tế”, “siêu kinh tế” một cách tệ hại đáng ghê tởm nhất. Những thủ đoạn, mánh khoé lừa đảo trên thương trường, những vụ thanh toán lẫn nhau của các băng nhóm xã hội đen, những hoạt động kinh tế ngầm đục khoét vào thể chế kinh tế nhà nước, làm giàu bằng bất cứ giá nào của những bọn tội phạm kinh tế này lại thường tìm cách móc nối với những kẻ thoái hoá biến chất trong các cơ quan quyền lực, những kẻ đem quyền lực ra kinh doanh, dùng chức quyền để che chắn, để đồng loã với những kẻ làm ăn phi pháp và cùng nhau làm giàu, cướp đoạt từ mồ hôi, nước mắt của những người lao động, từ công sức, của cải của xã hội. Tham nhũng, do tính chất nguy hiểm của nó đối với xã hội phải được coi là một tội phạm kinh tế và chính trị.
Tham nhũng có thể xảy ra ở tất cả các cấp độ, các tầng bậc, nấc thang cao thấp khác nhau trong hệ thống quản lý với những mức độ và hậu quả khác nhau của nó.
Tham nhũng gắn liền với một loại chủ thể xác định là những người có chức, có quyền, những người được giao một nhiệm vụ, chức trách, quyền hạn nào đó để thực hiện công việc nhưng đã lợi dụng hoàn cảnh và vị thế đó để tham nhũng, để kiếm chác lợi lộc bất chính. Một nhân viên thường trực, bảo vệ ở cơ quan, ở nhà kho, một người bán hàng, một viên chức ở công sở, một cảnh sát, một nhân viên thuế vụ, hải quan… cho đến những người có chức vụ, quyền hành lớn trong các cơ quan nhà nước, ở mọi ngành, mọi nghề… đều có thể tham nhũng và có cơ hội thực hiện hành vi tham nhũng nếu cơ quan quản lý buông lỏng kiểm tra kiểm soát và nếu bản thân họ không còn lòng dạ trong sáng nữa – nói như Hồ Chí Minh – không tự mình đấu tranh để chiến thắng nổi chủ nghĩa cá nhân, một thứ giặc nội xâm ở ngay trong lòng mình.
Ở nhiều nước trên thế giới đã có không ít những chính phủ, những nội các rơi vào khủng hoảng, rối loạn triền miên chỉ vì những vụ tham nhũng, những bê bối ngay trong các quan chức cấp cao, gây nên những phản ứng, bất bình gay gắt trong xã hội. Chính phủ nước nào cũng đề ra nhiệm vụ và mục
tiêu chống tham nhũng nhưng không phải nước nào cũng thành công trong cuộc đấu tranh đó.
Cuối thế kỷ XX vừa qua, thế giới đã chứng kiến 5 Hội nghị quốc tế lớn bàn về chống tham nhũng. Hội nghị lần thứ nhất họp ở Oa sinh tơn, 10/1983 và Hội nghị lần thứ năm họp ở Bắc Kinh, năm 1995 với sự tham gia của nhiều nước, nhiều chính phủ và các nguyên thủ quốc gia. Cho đến nay, tham nhũng vẫn tiếp tục là một hiểm hoạ đáng sợ nhất của thể chế.
Vậy có thể quan niệm thế nào là tham nhũng và làm thế nào để chống tham nhũng có hiệu quả?
Tham nhũng bắt đầu từ lòng tham, tính tham, vốn là một tính xấu, thói xấu của con người từ khi tư hữu xuất hiện. Đó là ý thức và hành vi mà con người mắc phải do muốn lấy của người khác, biến thành của riêng của mình, không phải bằng lao động của chính mình. Thói tham lam vơ vét đó là tính ích kỷ, vụ lợi, chiếm đoạt của công, của người khác thành của riêng.
Từ lòng tham, tính tham dẫn tới lãng phí, ăn cắp, tham ô (biển thủ công quỹ).
Lãng phí là hành vi sử dụng của cải, thời gian, sức lực một cách phí phạm mà không đem lại những kết quả, hiệu quả tương xứng với những tiêu dùng đã bỏ ra. Lãng phí là cách tiêu dùng, sử dụng nguồn lực không hợp lý, nó xa lạ đối lập với tiết kiệm. Cái đáng nói ở đây là lãng phí xã hội, gây thiệt hại cho xã hội, gây thiệt hại cho xã hội chứ không phải cho cá nhân, chỉ thuộc về tài sản, của cải cá nhân.
Có nhiều nguyên nhân gây ra lãng phí. Do thiếu hiểu biết, năng lực quản lý kém cỏi, làm sai, làm hỏng việc mà gây lãng phí, nhất là lãng phí vật chất.
Lại cũng có khi do thiếu trách nhiệm, không chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo khi triển khai công việc, họp hành nhiều, chi phí tốn kém mà không giải quyết được công việc, gây ra lãng phí cả của cải, thời gian, sức lực.
Trong sử dụng nhân lực, những người quản lý nhiều khi vì bảo thủ, trì trệ, vì kém cỏi, thiển cận và những thiên kiến cá nhân đã không sử dụng những người tài giỏi dưới quyền mình gây lãng phí lớn về nhân lực, không
tận dụng được lao động. Lãng phí của cải, tiền bạc dễ nhận thấy với những thiệt hại vật chất của nó. Song lãng phí thời gian, lãng phí năng lực con người còn gây thiệt hại vật chất của nó. Song lãng phí thời gian, lãng phí năng lực con người còn gây thiệt hại lớn hơn nhiều. Điều này còn đáng sợ hơn trong điều kiện xã hội hiện đại và kinh tế tri thức. Đó là chưa nói tới khía cạnh đạo đức và lối sống. Tiết kiệm là biểu hiện của lối sống văn minh, là chuẩn mực của văn hóa tiêu dùng. Tiết kiệm là tiêu dùng hợp lý, hướng vào mục đích có ích, chính đáng. Nó khác với thói bủn xỉn, keo kiệt, sự bần tiện. Xã hội càng giàu có càng phải tiết kiệm, càng phải đề cao sự tiêu dùng hợp lý. Trong khi đó, lãng phí là sự tuỳ tiện, phóng túng, buông thả, tiêu dùng vượt quá khả năng thực tế của sản xuất, của kinh tế, không biết tới tính hợp lý của nhu cầu.
Đáng phải lên án hơn khi đem lợi ích chung, của xã hội để tiêu dùng lãng phí cho cá nhân. Những thiệt hại xã hội do lãng phí, do vô trách nhiệm gây ra ở những người có chức trách quyền hành phải được xử lý, hoặc bồi thường hoặc phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Lãng phí thường đi liền với tham ô. Lãng phí, tham ô không thể bị phê phán, mà còn phải bị trừng phạt, thậm chí phải chịu mức án cao nhất nếu gây thiệt hại lớn cho xã hội. Tham ô là hành vi ăn cắp của công, biến nó thành của riêng. Hồ Chí Minh coi lãng phí, tham ô là một tội ác. Kẻ tham ô lợi dụng chức quyền, công việc, hoàn cảnh, nhất là sự sơ hở trong quản lý để lấy tiền bạc, của cải của Nhà nước, của nhân dân, chiếm đoạt nó về mình. Nó là một tội phạm kinh tế. Có tham ô cá nhân mà cũng có tham ô tập thể. Có những kẻ chủ mưu, có kẻ đồng loã, có người liên đới trách nhiệm…).
Từ tham lam – lãng phí – tham ô với những điều nói trên, có thể hình dung tham nhũng như thế nào? Tham nhũng không chỉ có trong hành vi của nó những thói xấu nêu trên mà nó còn là sự nhũng nhiễu, sách nhiễu người khác để lấy tiền, để buộc đối tượng phải bỏ tiền của, hiện vật ra thì mới giải quyết được nhu cầu công việc của đối tượng.
Như vậy, kẻ tham nhũng không thể là dân thường mà phải là người có chức trách, phận sự giải quyết một công việc nào đấy. Chức trách, phận sự
của người này, ở bộ phận này lại liên hệ với chức trách, phận sự của người khác, ở bộ phận khác, ở những thẩm quyền cao hơn, cho tới tầng thẩm quyền cao nhất. Điều này giải thích vì sao trong xã hội có những hiện tượng gọi là
“đường dây tham nhũng”. Lẽ dĩ nhiên, trong tổ chức bộ máy của thể chế, không phải ai có chức có quyền cũng tham nhũng, cũng không phải cơ quan nào, ở nơi nào cũng xảy ra tham nhũng. Song không có chức quyền, vị thế nhất định, không đảm nhiệm những công việc và thực thi quyền hạn nhất định trong tổ chức và bộ máy thì không thể tham nhũng được.
Còn đối tượng chịu tác động, hậu quả của tham nhũng là những ai? Nói một cách chung nhất thì đó là dân chúng.
Một là, có những người lợi dụng chức quyền của người khác, đưa tiền của cho họ để mưu cầu lợi ích riêng của mình như để được cất nhắc, đề bạt, được bố trí công việc thuận lợi, được nhận vào làm việc, được đi nước ngoài, được tăng lương, được phân phối nhà, đất, được những lợi lộc nào đó trong các phi vụ làm ăn, buôn bán. Đút tiền có khi còn để chạy tội, trốn tội khi vi phạm pháp luật. Loại người này không ít trong thời buổi kinh tế thị trường.
Trong trường hợp này, tham nhũng là một hành vi được cấu thành từ hai phía: đưa hối lộ và nhận hối lộ. Kẻ đưa hối lộ trong trường hợp này là tự nguyện, có tính toán từ trước, có động cơ kiếm lợi, vụ lợi. Nó như một mánh lới đổi chác. Kẻ đua hối lộ và nhận hối lộ dưới những hình thức khác nhau, nhận trực tiếp hoặc nhận gián tiếp (qua người nhà, người thân, qua nhân viên trong cùng một đường dây, một ê kíp bất chính) là những kẻ có ý thức lợi dụng quyền chức, vì thế để trục lợi, cũng có thể ý thức đó không thật rõ ràng, không hẳn có động cơ thực sự nhưng do lòng tham, tính tham vốn có sẵn mà không vượt qua được cũng đã bị đồng tiền tham nhũng chi phối, cuối cùng trở thành kẻ tham nhũng.
Trong thời buổi kinh tế thị trường việc đưa hối lộ và nhận hối lộ diễn ra với nhiều cách: hoặc trực tiếp, công khai, thoả thuận sòng phẳng hoặc kín đáo, tinh vi núp dưới danh nghĩa quà tặng, quà biếu, đồ kỷ niệm, hoặc thô bạo trắng trợn hoặc kín đáo, tế nhị.
Hai là, đối với đa số dân chúng nói chung, khi có nhu cầu phải giải quyết công việc và phải đến các công sở, tiếp xúc với người có chức có quyền, họ thường vấp phải những lực cản do quan liêu gây ra với đủ thứ phiền hà, những sự cửa quyền, hách dịch. Họ chỉ có nguyện vọng được giải quyết công việc một cách hợp lý, hợp tình chứ không có động cơ vụ lợi, toan tính nào.
Song để được việc họ phải miễn cưỡng đưa tiền hoặc hiện vật (như kiểu quà tặng, tiền bồi dưỡng, quà cảm ơn…) mà thực chất cũng là hối lộ. Chỉ có điều, đây là hành vi đưa hối lộ không tự giác. Nó là kết cục khó tránh khỏi trong môi trường thể chế quan liêu tham nhũng đã thành phổ biến.
Đáng lưu ý là, hiện tượng này không chỉ có trong các công sở hành chính, quản lý nhà nước mà ngay trong cơ quan, trường học, bệnh viện, thậm chí cả cơ quan khoa học cũng đều có. Mặt trái của kinh tế thị trường thâm nhập vào khắp mọi nơi cùng với sự suy đồi đạo đức trong công chức đã dẫn tới hối lộ, tham nhũng phổ biến đó.
Sự phân biệt những trường hợp nêu trên là cần thiết để có những giải pháp cụ thể nhằm xử lý đúng người, đúng việc.