- Giữ vững được ổn địng chính trị ở tất cả các cấp trong Đảng, trong nhà nước và trong xã hội. Đây phải là ổn định tích cực, làm điều kiện và tiền đề để đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới theo đúng định hướng XHCN, để phát triển kinh tế - xã hội thực hiện thắng lợi các mục tiêu của đổi mới ở thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH. Yêu cầu này liên quan trực tiếp tới việc lựa chọn, bố trí cán bộ chủ chốt để thực hiện chuyển giao quyền lãnh đạo. Phải lựa chọn được những người ưu tú nhất, tiêu biểu nhất cho sức chiến đấu của Đảng, cho sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. Đó phải là những cán bộ đã thực sự được rèn luyện và trải qua thử thách trong môi trường hoạt động thực tiễn, trong phong trào có đức và có tài, có bản lĩnh chính trị và kinh nghiệm thực tế trong công tác lãnh đạo và quản lý phù hợp với lĩnh vực ngành chuyên môn của họ. Đó là những người có năng lực trí tuệ, tư duy đổi mới, nhạy cảm với cái mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tận tuỵ với sự nghiệp chung, gần gũi dân chúng, được dân chúng tín nhiệm. Có khả năng tập hợp quần chúng, biết làm việc với con người. Phải có những biện pháp hữu hiệu nhất đảm bảo cho việc lựa chọn và quyết định nhân sự trong cơ quan lãnh đạo được diễn ra với động cơ hoàn toàn trong sáng, phát huy được dân chủ, trí tuệ tập thể, thể hiện trách nhiệm cao nhất của Đảng đối với nhân dân và xã hội không thể để chủ
nghĩa cơ hội và những phần tử cơ hội chính trị ảnh hưởng vào trong Đảng và lọt vào cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng. Đây là một vấn đề sống còn, một yêu cầu rất nghiêm ngặt để giữ cho Đảng không bị thoái hoá về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
- Việc chuyển giao quyền lãnh đạo trong Đảng phải đảm bảo cho Đảng giữ vững được cơ sở nền tảng hệ tư tưởng, đó là hệ tư tưởng Mác - Lênin, hệ tư tưởng của giai cấp công nhân cách mạng, đảm bảo cho tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng thực sự là khoa học và cách mạng, theo CNXH khoa học. Chỉ như vậy, cá nhân các nhà lãnh đạo và Ban lãnh đạo mới của Đảng ở các cấp mới đảm bảo thực hiện vai trò lãnh đạo của mình theo đúng đường lối, nghị quyết mà các Đại hội của Đảng đã vạch ra. Yêu cầu này đặc biệt quan trọng trong tình hình và bối cảnh hiện nay khi cuộc đấu tranh ý thức hệ đang diễn ra phức tạp và gay gắt, nhất là trong điều kiện nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế đang phát triển, xu hướng hoá toàn cầu hoá đang gia tăng. Do đó, trong Đảng phải thường xuyên đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng chính trị và các hoạt động nghiên cứu lý luận nhằm tăng cường tiềm lực tư tưởng và trí tuệ của Đảng, đảm bảo cho Đảng đạt được sự thống nhất cao về quan điểm, tư tưởng, không rơi vào những sự dao động, mất phương hướng dẫn tới sự phân liệt, thậm chí tan rã về tổ chức.
- Việc chuyển giao quyền lãnh đạo trong Đảng phải đảm bảo giữ vững và phát huy được truyền thống đoàn kết của Đảng, làm cho Đảng và các tổ chức Đảng không ngừng lớn mạnh, củng cố và mở rộng được mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với quần chúng. Đây là cơ sở xã hội của Đảng; để suy yếu hoặc mất đi cơ sở xã hội đó Đảng không thể đứng vững, không thể tồn tại. Do vậy, mỗi lần thực hiện chuyển giao quyền lãnh đạo trong Đảng, mỗi lần bổ sung và đổi mới các cán bộ lãnh đạo và các cơ quan lãnh đạo của Đảng phải làm cho uy tín và ảnh hưởng của Đảng được nâng cao ở trong xã hội, được quần chúng nhân dân thừa nhận, ủng hộ và tin cậy. Chỉ như vậy, nhân dân mới ủng hộ, giúp đỡ và bảo vệ. Dân chúng nhìn vào đạo đức, tư cách và nhân cách nói chung của người lãnh đạo, người được bầu vào cơ quan lãnh đạo, từ
đó xem xét hành động thực tế và lối sống của họ, quan hệ của họ đối với quần chúng như thế nào để đánh giá, nhận xét về Đảng.
Không thể được xem là đúng đắn khi một người được bầu vào cấp uỷ mà lại bị quần chúng chê trách, phê phán, dị nghị hoặc về khả năng trình độ hoặc về đức độ, phẩm chất.
Để không xảy ra tình trạng đó, phải đặc biệt chú trọng xem xét thực chất uy tín, ảnh hưởng của cán bộ trong quần chúng, lắng nghe ý kiến, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của quần chúng. Dựa vào dân để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh trở thành một phương châm cơ bản của Đảng cầm quyền.
- Phải giữ vững nguyên tắc Đảng trong toàn bộ các khâu, các việc, các quy trình và bước đi trong quá trình thực hiện chuyển giao quyền lãnh đạo, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; đảm bảo quyền lực tập trung, quyền quyết định của cơ quan lãnh đạo có thẩm quyền được thực hiện trên cơ sở dân chủ thực chất chứ không phảidân chủ hình thức, tuân thủ nghiêm ngặt những quy định điều lệ Đảng, những quy định về tiêu chuẩn của cán bộ lãnh đạo, không được tuỳ tiện đặt ra những ngoại lệ núp dưới danh nghĩa là “vận dụng linh hoạt, sáng tạo”. Mọi ngoại lệ tự tiện đặt ra vượt khỏi sự kiểm soát của tổ chức, của nguyên tắc đều làm tổn hại tới Đảng, dẫn tới nguy cơ phá vỡ tổ chức, phủ nhận nguyên tắc của Đảng. Hiện tượng và tình trạng này trên thực tế không phải đã không xảy ra. Những bài học phản diện rút ra từ những sai lầm và thất bại của Đảng Cộng sản Liên xô trong thời kỳ cải tổ khi Goóc - ba - chốp đứng đầu Uỷ ban Trung ương đã từng là những bài học đau đớn, phải trả giá đắt dẫn tới sự tan rã Đảng và sụp đổ chế độ.
Những bài học đó vẫn luôn có tính thời sự và ý nghĩa cảnh báo đối với Đảng ta. Đó là sự tuỳ tiện vi phạm và phá vỡ nguyên tắc hệ tư tưởng, nguyên tắc tổ chức, nguyên tắc chính trị (chấp nhận đa nguyên hệ tư tưởng, từ bỏ tập trung dân chủ và rút khỏi hiến pháp điều quy định vai trò của Đảng, cho phép tồn tại đa đảng, biến Đảng cách mạng, Đảng chiến đấu, Đảng hành động chỉ còn là một câu lạc bộ hỗn loạn, bàn suông, phá vỡ sự ổn định cơ cấu của cơ quan
lãnh đạo tối cao, thay đổi thường xuyên các chức vụ, cùng một lúc đưa ra khỏi cơ quan lãnh đạo tối cao 101 uỷ viên Trung ương, rơi vào tình trạng bè phái, đấu đá, tranh giành quyền lực ...).