Sự chuyển giao quyền lực nói chung trong xã hội và chuyển giao quyền lực chính trị nói riêng trong các thể chế chính trị, tiêu biểu là trong Đảng và Nhà nước là một hiện tượng lịch sử phức tạp, gắn liền với hoạt động của con người, với tổ chức và các mối quan hệ xã hội, trong đó quan hệ về lợi ích và quan hệ về quyền lực giữa các chủ thể có vai trò chi phối trực tiếp.
Hình thái lịch sử đầu tiên của chuyển giao quyền lực mà nhân loại được biết đến là chế độ phụ quyền thay thế cho chế độ mẫu quyền.
Lúc đầu, trong xã hội Cộng sản nguyên thuỷ xa xưa, người phụ nữ có vai trò và vị trí ưu thế trong gia đình. Đứa con chỉ biết đến người mẹ. Gia đình được tổ chức theo chế độ mẫu hệ: quyền của người phụ nữ là quyền tổ chức, điều khiển các hoạt động và các quan hệ trong cuộc sống gia đình. Về sau này, những biến đổi trong sản xuất kinh tế, khi nền sản xuất kinh tế chiếm đoạt từ tự nhiên, phân công lao động xuất hiện như một tất yếu thì vị thế xã hội cũng thay đổi trong quan hệ giữa người đàn bà và người đàn ông. Khi
những công việc nặng nhọc trong lao động sản xuất chỉ có những người đàn ông mới gánh vác được vai trò của họ cũng nổi bật lên, dần dần chiếm ưu thế.
Biến đổi tương ứng về mặt xã hội diễn ra trong hôn nhân và gia đình, từ tạp hôn sang quần hôn rồi đình hình chế độ một vợ một chồng. Quyền lực chuyển vào tay người đàn ông. Chế độ phụ quyền thay thế chế độ mẫu quyền. Bước chuyển đó trong lịch sử gia đình, những tế bào cấu thành cộng đồng xã hội vào lúc mà Nhà nước vẫn còn chưa xuất hiện được Ăng ghen đánh giá là một bước ngoặt, một tiến bộ vĩ đại nhưng đồng thời cũng là một thất bại lịch sử đối với phụ nữ. Sự phụ thuộc, lệ thuộc của người phụ nữ vào người đàn ông trong gia đình khi phụ quyền được xác lập vẫn tiếp tục còn những tàn dư và những ảnh hưởng tiêu cực của nó trong xã hội hiện đại, đặc biệt trong các xã hội dựa trên chế độ tư hữu, bóc lột. Cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, khẳng định và thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ đối với nam giới trong xã hội và trong gia đình vẫn tiếp tục trong xã hội hiện đại vì tiến bộ và phát triển.
Khi chế độ tư hữu ra đời, giai cấp và nhà nươc xuất hiện, chế độ cộng sản nguyên thuỷ tan rã, chế độ chiếm hữu nô lệ thay thế thì bắt đầu từ đây ra đời một loại hình quyền lực đặc biệt là quyền lực chính trị. Biểu hiện tập trung và tiêu biểu của quyền lực chính trị là quyền lực Nhà nước. Quyền lực này bao giờ cũng gắn với một lực lượng nhất định, đó là quyền lực thuộc về một giai cấp, giai cấp có địa vị thống trị trong Nhà nước và trong xã hội nhờ đó nắm được quyền chi phối toàn xã hội về sở hữu tư liệu sản xuất.
Chế độ tư hữu đối kháng với giai cấp là đặc trưng kinh tế và chính trị trong các xã hội áp bức bóc lột của một thiểu số đối với đa số. Quyền lực và quyền lực chính trị trong xã hội đó chỉ thuộc về một thiểu số, tức là giai cấp nắm quyền thống trị. Nhà nước trở thành công cụ để thực hiện lợi ích, duy trì và bảo vệ quyền lực cho giai cấp ấy. Nó mâu thuẫn, xung đột với lợi ích của các giai cấp khác và với toàn xã hội. Mặt khác, ngay trong nội bộ giai cấp cầm quyền trong các thể chế chính trị và nhà nước dựa trên chế độ tư hữu đó cũng thường xuyên xung đột với nhau giữa các nhóm lợi ích. Các chế độ
chiếm hữu nô lệ, phong kiến và tư bản chủ nghĩa tuy thuộc vêc những trình độ phát triển khác nhau nhưng đều có cùng một bản chất ấy.
Do đó, chuyển giao quyền lực trong các chế độ xã hội này thường diễn ra bởi những cuộc đấu tranh quyền lực gay gắt, căng thẳng, thậm chí tàn khốc, không ít trường hợp trở thành nội chiến và đổ máu.
Giai cấp tư sản từ khi nắm được quyền thống trị xã hội đã không ngừng củng cố và hoàn thiện các phương tiện nhằm duy trì và bảo vệ quyền lực của nó. Giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong các nước TBCN vẫn không phải là chủ thể quyền lực, vẫn chỉ là đối tượng khai thác, bóc lột và thống trị của CNTB.
Họ không thể tiếp nhận sự chuyển giao quyền lực của giai cấp tư sản mà chỉ có thể tiến hành đến cùng sự nghiệp đấu tranh tự giải phóng mình, giành lấy quyền lực về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động chính là lô gic và tính tất yếu của cuộc cách mạng xã hội chống CNTB, tiến tới CNXH, là phủ định nền Dân chủ Tư sản để hình thành và phát triển nền dân chủ XHCN. Lịch sử đang tiếp tục vận động theo lôgíc tất yếu đó.
Khi giai cấp thống trị nắm quyền lực chính trị bằng Nhà nước, không phải là đại biểu và đại diện đích thực cho lợi ích và quyền lực của nhân dân, của xã hội, mà trái lại, nó đối lập với lợi ích và quyền lực chung thì trên thực tế không diễn ra sự chuyển giao quyền lực cho dân chúng. Giai cấp thống trị không tự nguyện chuyển giao quyền lực mà nó đang nắm giữ cho một chủ thể khác. Nó và quyền lực của nó chỉ có thể bị xoá bỏ, bị tước đoạt để giành cho một chủ thể khác, đại biểu chân chính và thể hiện cho lợi ích của toàn xã hội, đó là giai cấp công nhân. Thể chế chính trị và nhà nước Tư sản không tự biến đổi mình thành thể chế của CNXH mà chỉ có cách mạng xã hội, trước hết là cách mạng chính trị giành quyền để thiết lập chế độ XHCN với nhà nước XHCN của dân, do dân, vì dân mới thực hiện được mục tiêu vĩ đại của lịch sử là quyền lực thuộc về nhân dân.
Đó là phương diện thứ nhất của vấn đề chuyển giao quyền lực trong điều kiện thể chế quyền lực dựa trên nền tảng chế độ tư hữu, đối kháng giai cấp và áp bức bóc lột.
Phương diện thứ hai sẽ xem xét hiện tượng này trong nội bộ giai cấp thống trị qua các thiết chế tổ chức bộ máy cầm quyền của giai cấp ấy mà nhà nước tư sản là điển hình.
Như đã nói ở trên, trong nội bộ giai cấp thống trị cũng thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn và xung đột giữa các tập đoàn, nhóm phái, phe đảng xoay quanh vấn đề lợi ích và quyền lực. Chúng có thể thống nhất và liên minhvới nhau vì cùng có mục đích là bóc lột và thống trị xã hội. Song chúng cũng tìm mọi cách để đạt lấy ưu thế về phía mình bằng cách loại bỏ những các thế lực từ phía khác. Cuộc đấu tranh giành quyền lực là một đấu thường xuyên trên sân khấu chính trị của giới cầm quyền trong các thể chế mà dân chủ chỉ giành cho một số ít. Các thủ đoạn chính trị trong tình hình đó được huy động phục vụ cho mục tiêu quyền lực, từ thoả hiệp khi tương quan lực lượng giữa các phe phái chưa ngã ngũ thế mạnh thuộc về phía nào cho đến các hành vi đảo chính để tiếm quyền, đoạt quyền, từ những chiến dịch tuyên truyền, kích động tâm lý dư luận xã hội bằng các công cụ, phương tiện thông tin, tác động tới ý thức, những biện pháp xuyên tạc và bôi nhọ các đối thủ cho đến những trò gian lận trong bầu cử, tranh cử, thậm chí cả những vụ việc thanh toán và lật đổ lẫn nhau một cách tàn bạo. Ở các nước TBCN có trình độ phát triển cao – nơi vẫn thường được coi là có nhà nước pháp quyền mạnh, có truyền thống dân chủ và những đảm bảo hợp hiến, hợp pháp cho việc chuyển giao quyền lực – song trên thực tế, đấu tranh giành quyền lực vẫn xảy ra triền miên giữa các thế lực chính trị mà đứng đằng sau những thế lực này lại chính là các thế lực kinh tế, những tập đoàn kinh tế và những tổ hợp quân sự xuyên quốc gia với những sức mạnh khổng lồ về tài chính – kỹ thuật và công nghệ.
Trong lịch sử các thể chế chính trị thì thể chế chính trị phong kiến và thể chế chính trị tư sản có sự khác nhau căn bản về hình thức chuyển giao quyền lực chính trị.
Chế độ phong kiến là một chế độ chuyên chế, độc tài, xa lạ với dân chủ. Đó là chế độ mà trật tự đẳng cấp, thứ bậc được quy định rất chặt chẽ và bền vững. Quyền lực tập trung vào tay nhà vua, đó là thứ quyền lực tối thượng. Mệnh lệnh và quyền uy của nhà vua là tuyệt đối trong triều đình và trong xã hội, một xã hội mà dân chúng là thần dân chứ không phải công dân như trong xã hội và nhà nước tư sản sau này.
Quyền lực thống trị trong xã hội phong kiến được chuyển giao theo kiểu cha truyền con nối, theo dòng họ.
Sẽ xảy ra hai trường hợp sau đây:
Thứ nhất, nếu nhà vua là một đấng minh quân, có tư tưởng tiến bộ, có đầu óc sáng suốt và có phẩm hạnh (biết lo cho giang sơn xã tắc, có lòng yêu thương dân chúng, biết trọng kẻ hiền tài…) thì trong thời gian trị vì đã biết lo củng cố những cơ sở quyền lực, lựa chọn và đào tạo nhân tài, chủ động giao quyền cho người kế vị có tài, có đức nhờ được giáo dục, huấn luyện công phu từ trước. Khi đó, triều chính giữ được ổn định, không xảy ra những rối loạn do tranh chấp quyền lực.
Thứ hai, nếu nhà vua là kẻ tham vọng quyền lực, cố bám giữ ngôi báu, ưa kẻ xu nịnh, gạt bỏ hiền tài, không trọng lẽ phải, lại tham tàn bạo ngược thì triều chính sẽ rối loạn, những tranh chấp quyền lực sẽ xảy ra công khai hoặc ngấm ngầm trong nội bộ hoàng tộc. Lịch sử các triều đại phong kiến đã từng chứng kiến những vụ án thảm khốc, những cuộc nội chiến đẫm máu, những đổ vỡ thể chế chỉ vì tranh chấp quyền lực và chuyển giao quyền lực không đúng lúc, đúng chỗ, đúng người.
Trong xã hội tư sản, quyền lực được chuyển giao qua bầu cử theo những quy định được ghi trong hiến pháp và luật pháp của thể chế tư sản. Đó là một bước tiến bộ lớn dù nó vẫn bị hạn chế trong khuôn khổ của luật pháp và nền dân chủ tư sản. Việc quy định thời hạn cho một nhiệm kỳ nắm giữ một chức vụ, một cương vị nào đó trong bộ máy quyền lực đồng thời hình thành cơ chế kiẻm soát quyền lực đối với những người nắm quyền, khả năng có thể bị bãi chức, miễn chức ngay trong thời gian đang tại nhiệm đối với bất cứ một
quan chức nào nếu họ có hành vi phạm luật hoặc mất phẩm cách đã ngăn chặn có hiệu quả hiện tượng lạm dụng quyền lực. Đây là sự ngăn chặn tính vô hạn và vô định của quyền lực và thực thi quyền lực mà thể chế tư sản tỏ ra kinh nghiệm trong hoạt động quản lý mà thể chế tư sản tỏ ra kinh nghiệm trong hoạt động quản lý nhà nước và quản lý xã hội. Chế độ bẩu cử trực tiếp bằng phổ thông đầu phiếu, những thông tin rộng rãi về các ứng cử viên và cương lĩnh tranh cử đã tạo ra khả năng khách quan cho đông đảo cử tri quyền lựa chọn trong các cuộc bầu cử. Mặc dù vậy, vẫn thường xảy ra những va chạm và xung đột giữa các thế lực để giành giật quyền lực, những mánh lới và thủ đoạn, những trò gian lận trong bầu cử, những biện pháp kích động, mị dân xung quanh các lá phiếu bầu. Việc tranh giành quyền lực nhiều khi gay gắt, việc bầu cử để thực hiện chuyển giao quyền lực nhiều khi đã trở thành những tình huống chính trị phức tạp, thậm chí dẫn tới khủng hoảng.
Sự phức tạp này biểu hiện rõ nhất và tập trung nhất trong chuyển giao quyền lực chính trị vì nó liên quan tới sự tồn tại của thể chế, sự ổn định hay mất ổn định của toàn xã hội. Do đó, chuyển giao quyền lực chính trị chứa đựng nhiều khả năng, tiềm tàng tình huống chính trị, mất ổn định chính trị, thậm chí nổ ra khủng hoảng chính trị.
Việc chuyển giao quyền lực chính trị càng diễn ra trong những thời điểm phức tạp của tình hình và bối cảnh xã hội (như khủng hoảng, suy thoái kinh tế, xã hội rối loạn, mất ổn định, nội bộ giới cầm quyền mâu thuẫn, xung đột và phân liệt, chiến tranh …) thì càng có nhiều nguy có trở thành một tình huống chính trị.
Chuyển giao quyền lực chính trị gắn với tổ chức chính trị và con người chính trị – những chính khách, những thủ lĩnh với những nhân cách chính trị của họ.