Để đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống quan liêu tham nhũng cần phải áp dụng những giải pháp chủ yếu, cấp bách sau đây:
- Thực hiện triệt để cải cách hành chính, tinh giảm tổ chức bộ máy và giảm biên chế. Sắp xếp lại hệ thống các cơ quan Đảng phù hợp với tính chất đặc thù của công tác Đảng, đảm bảo sự phân định rành mạch chức năng, nhiệm vụ, phương thức và phương pháp công tác giữa cơ quan Đảng với cơ quan Nhà nước, tránh tình trạng chồng chéo lẫn lộn làm suy yếu cả Đảng lẫn Nhà nước. Khắc phục tình trạng Đảng bị nhà nước hoá và nhà nước bị hình thức hoá. Một nhà nước pháp quyền và có thực quyền với sức mạnh của pháp luật và đội ngũ công chức tinh thông chuyên môn nghiệp vụ, tận tuỵ, liêm khiết, tự giác tôn trọng kỷ luật công vụ là một đảm bảo quan trọng để tránh những tập nhiễm quan liêu tham nhũng.
- Đảm bảo thông tin khách quan, trung thực, kịp thời trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Nghiêm chỉnh thực hiện những điều quy định về dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra trong quy chế dân chủ ở cơ sở. Bổ sung kịp thời những biện pháp chế tài cần thiết để tăng cường hiệu lực của quy chế dân chủ.
- Quy định rõ và thực hiện nghiêm chỉnh chế độ trách nhiệm của công chức, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân của người có chức có quyền. Chức càng to, quyền càng lớn thì trách nhiệm càng nặng.
Thực hiện đúng chỉ dẫn quan trọng của Lênin:
Thảo luận thì chung, trách nhiệm thì riêng, riêng đến từng người một.
Bộ máy phải phục vụ chính trị chứ chính trị không phục vụ bộ máy.
- Nghiêm trị những kẻ lợi dụng vị thế chức quyền để bao che, ô dù cho những cá nhân và hành vi phạm tội hòng chạy tội, trốn tội, kéo bè kéo cánh, phá hoại sự đoàn kết và sức cố kết quả của tổ chức, trù dập làm hại những người lương thiện, chính trực, bất kể đó là ai, làm gì, giữ chức vụ nào.
- Có chế độ kiểm tra thường xuyên và bất thường đối với công chức và với các tổ chức, cơ quan, đặc biệt là các cơ quan kinh tế, công khai hoá những đánh giá và biện pháp xử lý.
- Quy định và thực hiện chế độ công tác tại cơ sở theo tinh thần “Tất cả cho cơ sở, hướng tới cơ sở”, kiểm tra và giải quyết tại chỗ để tháo gỡ những
khó khăn, ách tắc tại cơ sở, đảm bảo cho cơ sở là nơi chính quyền trong lòng dân có được những điều kiện tốt nhất để phát triển.
- Tận dụng các phương tiện thông tin, tuyên truyền, truyền thông đại chúng để tạo dư luận xã hội tích cực chống quan liêu, tham nhũng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm minh những hiện tượng lạm dụng thông tin, đưa tin sai sự thật, có động cơ và dụng ý xấu để gây mất ổn định và làm giảm hiệu lực của cuộc đấu tranh chống quan liêu tham nhũng.
- Cải cách triệt để chế độ bầu cử và tiếp dân, khắc phục chủ nghĩa hình thức, phê phán và xử lý những biểu hiện xa dân, không tôn trọng và không tin dân, đồng thời cũng nghiêm trị những kẻ mị dân, lợi dụng tâm lý dân chúng để kích động, lôi kéo dân chúng vào những hành động phá vỡ chuẩn mực pháp luật, kỷ luật, đạo đức.
- Đẩy mạnh giáo dục nhận thức lý luận và thực hành trong thực tiễn đối với các cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ngành về phương pháp và kinh nghiệm xử lý quan liêu – tham nhũng như một tình huống chính trị.
- Cải cách chế độ tiền lương, khắc phục chủ nghĩa bình quân, làm cho tiền lương thực sự trở thành đảm bảo công bằng xã hội, khuyến khích mọi người theo đuổi nghề nghiệp chuyên môn và trở thành chuyên gia chứ không chạy theo con đường quan chức. Trả lương sao cho có thể tạo ra tất yếu kinh tế để loại trừ tham nhũng.
- Áp dụng những biện pháp điều tiết xã hội, trong đó có đánh thuế thu nhập cao, kê khai các khoản, các nguồn thu nhập, kê khai tài sản của các loại công chức nhà nước.
- Thi hành chính sách tiết kiệm, coi tiết kiệm là quốc sách. Quy định những biện pháp cụ thể kèm theo các chế tài để đủ sức sống chống lãng phí, tham ô.
- Chú trọng học tập, nghiên cứu và vận dụng những kinh nghiệm và bài học chống quan liêu, tham nhũng, trong đó có kinh nghiệm rất độc đáo và đặc sắc của Xing-ga-po, kinh nghiệm chống quan liêu tham nhũng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội của Trung Quốc trong cải cách.
Theo tinh thần này, còn cần thiết phải nghiên cứu và vận dụng kinh nghiệm của ông cha ta trong việc trị nước, an dân, kết hợp đức trị với pháp trị, thưởng phạt nghiêm min, trị ác, trừ gian, bảo vệ người lương thiện, bảo vệ lẽ phải và công lý. Đó là những biện pháp chủ yếu nhằm đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và xử lý quan liêu, tham nhũng như một tình huống chính trị – xã hội nhằm bảo vệ thể chế và nền dân chủ.
Bài 4
XỬ LÝ TÌNH HUỐNG CHÍNH TRỊ KHI CHUYỂN GIAO QUYỀN LÃNH ĐẠO GIỮA CÁC THẾ HỆ TRONG ĐẢNG CỘNG SẢN
CẦM QUYỀN
Chuyển giao quyền lãnh đạo trong nội bộ Đảng Cộng sản cầm quyền là một hiện tượng tự nhiên, tất yếu, hợp quy luật trong đời sống chính trị của XHCN. Hiện tượng này có tính phổ biến ở tất cả các nước XHCN, trong đó có nước ta, nơi mà Đảng Cộng sản đã xác lập vị thế của một Đảng cầm quyền, có vai trò lãnh đạo xã hội, kể cả lãnh đạo nhà nước.
Chuyển giao lãnh đạo của Đảng cầm quyền diễn ra trong nội bộ Đảng từ cơ quan lãnh đạo cao nhất của toàn Đảng đến từng tổ chức Đảng cơ sở, thường gắn liền với thời điểm quan trọng trong đời sống chính trị – những nhiệm kỳ đại hội hoặc những bước ngoặt trong sự phát triển của Đảng. Do là Đảng cầm quyền nên việc chuyển giao quyền lãnh đạo trong Đảng, tuy diễn ra trong nội bộ Đangt nhưng lại trở thành một sự kiện chính trị nổi bật trong đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển xã hội. Sự kiện đó nhanh chóng thu hút sự chú ý của xã hội, biểu hiện thành tâm trạng và dư luận xã hội. Tính nhạy cảm của sự kiện này còn dẫn tới sự quan tâm, bình luận và đánh giá của dư luận quốc tế.
Chuyển giao quyền lãnh đạo trong Đảng cầm quyền mang tính chất và ý nghĩa của chuyển giao quyền lực, đó là quyền lực chính trị, là nội dung căn bản và quyết định của chuyển giao quyền lực chính trị, Đây là tính phổ biến đối với tât cả các Đảng chính trị cầm quyền, còn chuyển giao quyền lãnh đạo
trong nội bộ Đảng cộng sản cầm quyền lại là hình thái đặc thù của tính phổ biến đó.
Việc chuyển giao này được xem xét, phân tích và xử lý như một tình huống chính trị, nó chứa đựng tiềm tàng khả năng trở thành một tình huống chính trị mặc dù về mặt lý thuyết, không phải bất cứ sự chuyển giao quyền lực nào cũng là một tình huống chính trị, tức là không được đồng nhất giản đơn những hiện tượng này làm một. Cũng về mặt lý thuyết, có thể và cần phải làm cho việc chuyển giao quyền lãnh đạo trong nội bộ Đảng Cộng sản cầm quyền không trở thành một tình huống chính trị, đẩy xã hội tới mất ổn định, rối loạn và khủng hoảng.
Ở Việt Nam, chuyển giao quyền lãnh đạo trong nội bộ Đảng Cộng sản cầm quyền là vấn đề được đặt ra, được giải quyết theo tinh thần ổn định, đổi mới, phát triển, giữ vững định hướng XHCN, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ của đổi mới, những mục tiêu và lý tưởng của CNXH.
I. CHUYỂN GIAO QUYỀN LỰC VÀ CHUYỂN GIAO QUYỀN LỰC CHÍNH TRỊ