Một trong những bài học cần phải rút kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động của các Đảng Cộng sản cầm quyền khi chuyển giao quyền lãnh đạo trong CNXH hiện thực hơn 8 thập kỷ qua là ở chỗ, đã để xảy ra quá nhiều khiếm khuyết trong công tác tổ chức và cán bộ dẫn tới tình trạng hẫng hụt cán bộ ở tầm chiến lược, việc chuyển giao diễn ra chậm chạp, không đúng lúc, không kịp thời, không đảm bảo chất lượng tương xứng với cương vị và trọng trách được giao. Các nguyên tắc tổ chức, quy trình lựa chọn, đào tạo, cất nhắc cán bộ không được đảm bảo chặt chẽ, việc bầu cử và sinh hoạt Đảng nói chung không đảm bảo dân chủ, nhiều khi còn dân chủ hình thức và vi phạm dân chủ. Điều đó dẫn tới những hiện tượng không lành mạnh, những lệch lạc chuẩn mực, những biến dạng về động cơ, mục đích ngay trong Đảng. Đó chính là những kẽ hở tạo ra ngoài ý muốn làm xuất hiện chủ nghĩa cơ hội chính trị và những thói tật xấu tham vọng quyền lực ở một số người tìm mọi cách để giành được những cương vị, những chức vụ trong Đảng. Công thức của Lênin: Lựa chọn đúng người, giao đúng việc, thường xuyên thử thách và kiểm tra vốn hết sức đúng đắn và được đưa ra từ những năm 20, khi bắt đầu thời kỳ xây dựng chính quyền Xô - viết đã không được thực hiện nhất quán và nghiêm chỉnh. Những hiện tượng bệnh hoạn trong vấn đề quyền lực, leo vào các bậc thang quyền lực bằng cách lợi dụng các quan hệ thân quen, ô dù,
bè cánh không phải là không có. Nó, thậm chí còn được thực hiện bằng hối lộ, tham nhũng hoặc che đậy kín đáo tinh vi hoặc lộ liễu thô bạo, các nguyên tắc tổ chức và chuẩn mực đạo đức bị chà đạp làm biến dạng quyền lực và hư hỏng con người lẫn tổ chức.
Hiện trạng này, như đã nói, xa lạ với bản chất Đảng Cộng sản và CNXH. Nó chỉ có thể bị xoá bỏ bằng sức mạnh lên án của dư luận xã hội đồng thời căn bản hơn, triệt để hơn là cuộc đấu tranh lâu dài và kiên trì trong nội bộ Đảng để làm trong sạch Đảng, kết hợp với công tác giáo dục, đào tạo cán bộ với công tác tổ chức chặt chẽ của Đảng, đảm bảo sự nghiêm minh của điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước. Có cơ chế tuyển chọn và sàng lọc cán bộ thật chính xác, khoa học để đảm bảo cho các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ trung ưng tới tận cơ sở chọn được những đại biểu ưu tú nhất, xứng đáng nhất của Đảng và của xã hội, là những tinh hoa trí tuệ, đạo đức, xứng đáng với sự uỷ thác của nhân dân và của toàn thể đội ngũ đảng viên.
Đảm bảo cho những thành viên trong các cơ quan lãnh đạo giữ cương vị tối đa là 2 nhiệm kỳ phải được thi hành nghiêm ngặt, tuyệt đối không có một ngoại lệ nào, đồng thời với sức ép của kiểm tra, thanh tra của Đảng và của dân, người lãnh đạo nào cũng luôn luôn đứng trước khả năng bị cách chức, bị miễn nhiệm chức vụ khi tỏ ra không xứng đáng. Thực hiện yêu cầu này phải đảm bảo nghiêm minh - công khai - dân chủ. Chỉ như vậy mới tạo được hiệu lực của kỷ cương, dần dần hình thành tâm lý bình thường hoá về vị thế có quyền hoặc thôi quyền. Đổi mới Đảng và đổi mới xã hội trong 15 năm qua đã bước đầu hình thành được tâm lý ấy, tuy tâm lý cũ bám giữ quyền lực lâu dài, coi chức vụ, quyền lực là cứu cánh, là con đường dẫn tới công danh, bổng lộc vẫn còn rất dai dẳng, vẫn còn phải cải tạo, giáo dục lâu dài.
Nhược điểm và khuyết tật căn bản, có tính phổ biến trong các Đảng Cộng sản cầm quyền từ Liên Xô tới Đông Âu, cho tới các Đảng Cộng sản khác ở Châu Á, phương Đông, trong đó có Đảng ta là ở chỗ, trong một thời gian dài trước đây đã hình thành và tồn tại một thứ quy định không thành văn là ở cưng vị lãnh đạo quá lâu, thậm chí suốt đời, chỉ có vào (bộ máy quyền
lực) mà không có ra, chỉ có lên (thăng chức, đổi chức) mà không có xuống (bãi chức, miễn chức, thậm chí có khi phải chịu truy tố vì có tội) đã làm cho việc chuyển giao quyền lãnh đạo thực hiện một cách khó khăn, chậm trễ, nhiều khi trở thành tình huống có vấn đề, rất khó giải quyết.
Hơn nữa, sự yếu kém của tính công khai, không cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực, khách quan và kịp thời về những vụ việc xử lý cán bộ trong Đảng cho xã hội và cho dân chúng biết, cho các đảng viên trong toàn Đảng biết đã làm giảm sút ý chí tự phê phán trong Đảng, giảm sút uy tín đạo đức của Đảng trước xã hội.
Lênin nói rằng: thái độ dũng cảm tự phê bình, thừa nhận sai lầm và quyết tâm sửa chữa sai lầm là thước đo về tính trung thực đạo đức và bản lĩnh chính trị của một Đảng Mác xít.
Cũng với ý ấy, Hồ Chí Minh khẳng định: Một Đảng mà che dấu khuyết điểm sai lầm là một Đảng hỏng.
Để xảy ra những hiện tượng trên đây tất làm cho việc chuyển giao quyền lãnh đạo trong Đảng vốn là đương nhiên, bình thường trở nên không bình thường, giải quyết chậm trễ và không tránh khỏi sai lầm.
Nguyên nhân của tình trạng trên là ở đâu? Có thể nói tới những nguyên nhân phổ biến như sau:
- Nguyên nhân căn bản, sâu xa là sự phát triển yếu ớt của dân chủ trong Đảng, tình trạng Đảng bị quan liêu và hành chính hoá, Đảng xa rời mối liên hệ với thực tiễn cuộc sống, với nhân dân, chủ nghĩa cá nhân phát triển khi Đảng đã ở vào vị thế Đảng cầm quyền, không ít cán bộ đảng viên khi đã có chức, có quyền thường xa rời lý tưởng cách mạng và đạo đức cách mạng. Đây là nguy cơ lớn nhất đối với Đảng cầm quyền.
- Nguyên nhân trực tiếp là sự lạc hậu của lý luận xây dựng Đảng, sự bất cập của cơ chế và chính sách của Đảng trong những vấn đề có liên quan tới công tác tổ chức và cán bộ. Việc nắm giữ các cương vị, chức vụ trong Đảng, dù nhỏ, dù lớn thường kèm theo những cơ hội thăng tiến khác trong hệ thống chức vụ quyền lực nhà nước và các đoàn thể xã hội, đi liền với những quyền
lợi vật chất và tinh thần mà người ta gọi là bổng, lộc, đặc quyền đặc lợi… vô hình chung đã kích thích mọi người tìm đến quyền lực như một định hướng giá trị, coi chức vụ, quyền lực là số đo đánh giá nhân cách. Đó là điều nguy hiểm, không làm cho Đảng mạnh lên mà làm cho Đảng yếu đi, làm cho Đảng càng xa cách xã hội và nhân dân.
Đây là một trong những chỗ yếu rất căn bản của các Đảng cầm quyền trong cơ chế thực hiện quyền lực và xử lý việc chuyển giao quyền lực lãnh đạo.
Đổi mới đã mở ra khả năng và điều kiện để khắc phục những chỗ yếu, những khuyết tật đó.
II. CÁC THẾ HỆ TRONG ĐẢNG VÀ VẤN ĐỀ CHUYỂN GIAO QUYỀN LÃNH ĐẠO TRONG NỘI BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI
Nghiên cứu các thế hệ trong Đảng và mối quan hệ giữa các thế hệ đó có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xử lý tình huống chính trị khi chuyển giao quyền lãnh đạo trong nội bộ Đảng Cộng sản cầm quyền.
Thực tiễn và kinh nghiệm Đổi mới của Việt Nam cho thấy, muốn giữ vững được ổn định chính trị, muốn thực hiện thành công các nhiệm vụ và mục tiêu của đổi mới, tăng cường được sức mạnh đoàn kết nhất trí và sức chiến đấu của Đảng, đảm bảo cho Đảng giữ vững được định hướng XHCN, không mất phương hướng chính trị trong những thời điểm bước ngoặt của phát triển với bối cảnh rất phức tạp của tình hình trong nước và thế giới thì việc chuyển giao quyền lãnh đạo các cấp ở trong Đảng đòi hỏi phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa các thế hệ trong Đảng.