Trở thành Đảng cầm quyền, có trọng trách lãnh đạo Nhà nước và xã hội là một bước ngoặt trong sự trưởng thành của Đảng. Đó là sự trưởng thành về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nhờ đó, Đảng với tư cách là đội tiên phong của giai cấp công nhân đã lãnh đạo giai cấp và dân tộc tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng chính trị giành quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động, xác lập thể chế chính trị XHCN và nhà nước kiểu mới, đưa nhân dân lao động mà nòng cốt là khối liên mịnh công – nông – trí thức mới thực sự là chủ thể quyền lực, nền dân chủ XHCN mới thực sự là dân chủ của đa số.
Nhà nước kiểu mới mang bản chất giai cấp công nhân là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đảng Cộng sản cầm quyền mà Lênin gọi là Đảng chấp chính, lãnh đạo xã hội, lãnh đạo nhà nước. Đó là những bộ phận cốt yếu, chủ đạo, quan trọng nhất của hệ thống chính trị Đảng và Nhà nước là người đại biểu, người thể hiện trung thành nhất lợi ích, quyền lực và ý chí của đông đảo quần chúng nhân dân, của dân tộc và của xã hội.
Quyền lực của Đảng Cộng sản cầm quyền tiêu biểu cho quyền lực chính trị trong xã hội XHCN. Quyền lực ấy được thể hiện và thực hiện bởi vai trò và chức năng lãnh đạo của Đảng. Là lực lượng dẫn đạo xã hội tới CNXH, Đảng vạch ra đường lối và chiến lược, quyết định những chủ trương, đường lối và chính sách ở tầm chiến lược phát triển xã hội. Đảng đảo tạo, bố trí cán bộ, đảng viên của Đảng vào các vị trí quan trọng trong thể chế ở mọi cấp, mọi ngành, Đảng đồng thời còn tiến hành giáo dục, tuyên truyền sâu rộng hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, của CNXH khoa học vào trong các tầng lớp dân chúng, làm cho hệ tư tưởng đó của giai cấp công nhân trở thành hệ tư tưởng chủ đạo của xã hội. Tất cả những quan điểm, tư tưởng của Đảng được thể chế hoá thành luật, đảm bảo không ngừng nâng cao uy tín, ảnh hưởng của Đảng trong xã hội và làm cho đường lối, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực ở trong xã hội. Đó là quyền lực của Đảng, thể hiện thành quyền lực chính trị. Đảng khởi xướng Đổi mới, lãnh đạo theo những định hướng XHCN, quy tụ mọi sức mạnh của xã hội, dẫn dắt xã hội tới mục tiêu của Đổi mới: dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Đó là trọng trách lịch sử của Đảng trước xã hội mà cũng là quyền lực chính trị. Ở nước ta, trong điều kiện nhất nguyên chính trị và một Đảng duy nhất cầm quyền, chỉ có Đảng Cộng sản mới là lực lượng tiêu biểu nhất cho quyền lực chính trị đó.
Quyền làm chủ của nhân dân được đảm bảo bởi sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Như vậy, mục đích và lý do duy nhất sự tồn tại của Đảng và Nhà nước chỉ là để phục vụ nhân dân và xã hội, thực hiện quyền lực chân chính của nhân dân lao động.
Nhân dân là chủ thể của quyền lực. Nền dân chủ cho số đông, về thực chất là sự uỷ quyền của nhân dân vào cơ quan lãnh đạo và quản lý xã hội của mình là Đảng và Nhà nước. Tiếp nhận sự uỷ quyền đó, Đảng và Nhà nước là những chủ thể đại diện quyền lực của nhân dân, làm tất cả những gì có thể làm đượcvì mục đích phục vụ cuộc sống của nhân dân. Hồ Chí Minh đã nói rất rõ ràng, rành mạch mối quan hệ ấy: Nước ta là một nước dân chủ. Nhân dân là người chủ, có quyền làm chủ đồng thời cũng có nghĩa vụ của người chủ. Bao nhiêu quyền lực đều là của dân. Bao nhiêu lợi ích cũng thuộc về dân. Quyền hành và lực lượng đều ở trong dân. Dân là chủ và dân làm chủ.
Đảng và Nhà nước phải có kế hoạch thật tốt để tổ chức và chăm lo cuộc sống cho dân. Cán bộ, đảng viên và mọi công chức nhà nước phải tận tuỵ phục vụ nhân dân, là công bộc, đầy tớ của dân. Muốn vậy, phải ra sức tu dưỡng và thực hành đạo đức cách mạng: cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, kiên quyết đấu tranh và đánh bại chủ nghĩa cá nhân. Nó là một kẻ thù nguy hiểm nhất, một thứ giặc nội xâm ở trong mỗi con người. Nó làm hư hỏng cán bộ và suy yếu tổ chức, nó đẻ ra trăm nghìn thói hư tật xấu, trở nên quan liêu, mệnh lệnh, xa rời dân chúng, biến thành “quan chủ”, “quan cách mạng” chứ không còn phục vụ nhân dân nữa. Vì thế mà mất tín nhiệm với dân, bị dân oán ghét, không còn được dân tin, dân yêu, dân mến phục và ủng hộ nữa. Người còn nhấn mạnh rằng, đã là người đại biểu của dân, thể hiện trung thành quyền lực và lợi ích của dân thì phải ra sức thực hành dân chủ, làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, có nhà ở, được học hành, được tiến bộ, làm cho dân có cuộc sống ấm no, tươi vui, tự do và hạnh phúc. Người đề ra phương châm hành động thật thiết thực và cụ thể: Phải biết tập hợp, động viên, giáo dục dân chúng, đem tài dân, sức dân mà làm lợi cho dân, mà mưu cầu hạnh phúc cho dân, việc gì có lợi cho dân thì phải cố làm cho bằng được, việc gì có hại cho dân, dù chỉ là một cái hại nhỏ, một điều sai trái nhỏ cũng phải quyết tránh cho bằng được. Do đó, trong mọi việc lớn, nhỏ hàng ngày, ở tất cả mọi cơ quan của Đảng và Nhà nước, trong mọi tổ chức đoàn thể của dân chúng phải thường xuyên thực hành tiết kiệm, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng,
tham ô. Phải đẩy mạnh tự phê bình và phê bình. Có khuyết điểm, sai lầm phải thật thà, dũng cảm nhận lỗi trước dân và kiên quyết sửa chữa lỗi lầm ấy. Đó là về phía Đảng và Nhà nước, cán bộ, đảng viên và các công chức, viên chức của chính phủ, từ Trung ương tới tận làng xã. Còn về phía dân chúng, Hồ Chí Minh cũng nhiều lần đề nghị: Dân chúng phải đoàn kết, một lòng ủng hộ Đảng và Chính phủ, góp ý với Đảng và Chính phủ để mọi kế hoạch, chủ trương, chính sách đưa ra phù hợp với tình hình, phục vụ tốt hơn cuộc sống của dân. Dân chúng phải tôn trọng và thi hành đúng pháp luật, giúp đỡ Đảng và Chính phủ giáo dục cán bộ, kịp thời uốn nắn và sửa chữa những sai sót, giới thiệu những người có tài, có đức để Đảng và Chính phủ trọng dụng, để ngày càng có nhiều người tài giỏi ra giúp nước, phụng sự tổ quốc, phụng sự dân chúng.
Người còn căn dặn dân chúng phải thường xuyên kiểm tra công việc và hành vi của cán bộ từ cơ sở, mạnh dạn và thẳng thắn góp ý phê bình để cán bộ thực sự sữa chữa những khuyết điểm sai lầm làm tổ chứ ngày càng vững mạnh, cán bộ ngày càng tốt, mối liên hệ giữa Đảng, nhà nước với dân ngày càng bền chặt.
Những tư tưởng nêu trên của Hồ Chí Minh có thể tìm thấy rất nhiều trong di sản mà Người để lại. Đó là những kiến giải sâu sắc, phong phú và hiện đại nói lên thực chất quyền lực của nhân dân, thực chất sự uỷ thác quyền lực đó của dân vào Đảng và Nhà nước. Đây chính là sự khác biệt cơ bản về chất giữa quyền lực và quyền lực chính trị trong CNXH mà chủ thể là nhân dân lao động được giải phóng và làm chủ với quyền lực và quyền lực chính trị trong các chế độ trước XHCN chỉ thuộc về một thiểu số mà giai cấp thống trị đã tước đoạt từ xã hội để áp bức, bóc lột và nô dịch trong nhân dân lao động.
Do đó, xét về bản chất, việc chuyển giao quyền lực, trong đó có quyền lãnh đạo trong nội bộ Đảng Cộng sản cầm quyền là chuyển giao quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ từ những người lãnh đạo này sang những người lãnh đạo khác có cùng mục tiêum lý tưởng XHCN, phục vụ nhân dân, phục vụ xã
hội. Đó là sự chuyển tiếp giữa những đại diện xứng đáng cho sự uỷ thác quyền lực của dân để phục vụ dân chứ không phải dùng quyền lực ấy để mưu cầu danh vọng, lợi ích riêng của cá nhân.
Bản chất ấy, về mặt khách quan, đảm bảo cho sự chuyển giao quyền lực lãnh đạo trong nội bộ Đảng Cộng sản cầm quyền diễn ra với sự đoàn kết, nhất trí, tích cực, với động cơ trong sáng, lành mạnh. Nó không thể và không cho phép diễn ra trong sự mâu thuẫn, xung đột, tranh giành như vốn thường xảy ra trong các bộ máy quyền lực của thể chế tư sản. Càng thấy rõ sự sâu sắc, thâm tuý của Hồ Chí Minh khi người định nghĩa về chính trị với hai điểm sau:
- Chính trị là đoàn kết.
- Chính trị là thanh khiết, từ việc nhỏ tới việc lớn
Nếu thực tế không diễn ra như vậy, mỗi nhiệm kỳ Đại hội Đảng các cấp, từ Đại hội toàn quốc của Đảng để bầu ra cơ quan lãnh đạo cao nhất đến Đại hội Đảng ở các cấp địa phương và cơ sở để bầu ra các cấp uỷ, trong việc lựa chọn nhân sự, bố trí các chức vụ lãnh đạo mà không làm tăng lên sự đoàn kết và nâng cao sức chiến đấu của Đảng, không đảm bảo lựa chọn được người ưu tú nhất vào các chức vụ lãnh đạo… thì điều đó là trái với bản chất của CNXH và dân chủ XHCN. Những biểu hiện mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ, kéo bè kéo cánh, mưu cầu địa vị, danh lợi cá nhân đều xa lạ với đạo đức cách mạng, đều vi phạm điều lệ Đảng với nghĩa là bộ luật tối cao của toàn Đảng, đều làm tổn hại tới uy tín và thanh danh của Đảng bởi chủ nghĩa cá nhân vị kỷ và thói cơ hội chính trị. Nó đặt Đảng trước nguy cơ thoái hoá, biến chất, biến dạng cả quyền lực lẫn nhân cách.
Tình hình đó cũng đã từng xảy ra ở nơi này, nơi khác với những mức độ và hậu quả khác nhau trong các Đảng Cộng sản cầm quyền, đặc biệt là trong thời kỳ CNXH lâm vào khủng hoảng, Đảng mất vai trò lãnh đạo, thể chế XHCN bị sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu cuối thập kỷ 90 vừa qua. Tổn thất đó là một bài học cảnh tỉnh nghiêm khắc và luôn có tính thời sự đối với
các Đảng cộng sản hiện đang cầm quyền ở các nước XHCN đang tiến hành cải cách, đổi mới, trong đó có Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam.