Vậy khi nào việc chuyển giao quyền lực lãnh đạo trong nội bộ Đảng Cộng sản cầm quyền diễn ra trong trạng thái tích cực, giữ vững được sự ổn định chính trị – xã hội, thúc đẩy sự phát triển và trái lại, khi nào sự chuyển giao đó dẫn tới mất ổn định, trở thành một tình huống chính trị kéo theo những hậu quả tiêu cực?
Ở đây, với mỗi trường hợp đều phải khảo sát hai mặt của tình hình:
Tình hình xã hội, tức là môi trường kinh tế – xã hội của Đảng và tình hình trong Đảng, tức là hoạt động của nội bộ Đảng, là trạng thái chính trị, tư tưởng, tổ chức của Đảng, là tư cách đạo đức, phẩm chất của đội ngu cán bộ đảng viên, nhất là các đảng viên là cán bộ lãnh đạo, là tính chất và trình độ phát triển dân chủ trong Đảng và mối liên hệ của Đảng với nhân dân, với xã hội. Khi Đảng cầm quyền thì tình hình trong Đảng có ảnh hưởng quyết định và chi phối trực tiếp tình hình xã hội. Đảng chịu trách nhiệm về toàn bộ tình hình diễn ra trong xã hội và trong Nhà nước.
Việc chuyển giao quyền lãnh đạo trong nội bộ Đảng sẽ diễn ra tích cực, trở thành một hiện tượng bình thường, lành mạnh, không rơi vào tình huống chính trị mặc dù việc chuyển giao này luôn luôn có ý nghĩa là một sự kiện chính trị trọng đại được cả xã hội quan tâm nếu tình hình xã hội quan tâm nếu tình hình xã hội và tình hình trong Đảng mang những đặc điểm sau đây:
- Nền kinh tế, sản xuất phát triển bình thường, duy trì được mức độ tăng trưởng cho phép tạo thêm được chỗ làm việc và cải thiện được mức sống cho người lao động.
- Nhu cầu an ninh xã hội và an ninh của công dân được đảm bảo, giữ vững. Cộng đồng các tầng lớp dân cư, các dân tộc, các tôn giáo trong xã hội có sự đoàn kết, nhất trí, đồng thuận.
- Bầu không khí tâm lý - đạo đức trong xã hội lành mạnh, dân chúng có niềm tin vào đường lối chính sách của Đảng, pháp luật kỷ cương của Nhà
nước được mọi người tuân thủ thực hiện, hiệu lực quản lý của Nhà nước được khẳng định trên thực tế. Đó là những dấu hiệu của ổn định kinh tế và xã hội.
- Xã hội đạt được sự nhất trí cao về hệ tư tưởng mà Đảng và Nhà nước truyền bá vào trong dân chúng, ở một thế hệ. Điều đó được biểu hiện ở ý thức và tâm trạng của dân chúng phấn khởi tin tưởng đi theo con đường XHCN đã lựa chọn, ở đời sống, văn hóa tinh thần lành mạnh theo các định hướng giá trị và chuẩn mực đạo đức XHCN, dân chủ được đảm bảo để phát huy tính tích cực chính trị - xã hội của quần chúng.
- Đảng là một khối đoàn kết, nhất trí. Các nguyên tắc và kỷ luật của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ, lãnh đạo tập thể, phê bình và tự phê bình được thực hiện nghiêm chỉnh từ trên xuống dưới, giữ cho Đảng là một Đảng chiến đấu, Đảng hành động theo lý tưởng và mục tiêu cộng sản chủ nghĩa. Sức mạnh tổ chức của Đảng được đảm bảo bởi sức mạnh của đường lối chính trị đúng đắn, sáng suốt và sức sống của hệ tư tưởng khoa học và cách mạng. Đảng là một cơ thể sống, thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức được thể hiện tiêu biểu ở năng lực lãnh đạo của các cấp của Đảng từ Trung ương tới địa phương và cơ sở. Năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng được thể hiện đúng như điều mà Hồ Chí Minh xác định: Trung ương là bộ não, là thần kinh của toàn Đảng, cấp uỷ các cấp là lực phát động, truyền dẫn quan điểm, tư tưởng, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; chủ trương, đường lối của Đảng trở thành ý nguyện và quyết tâm hành động của quần chúng. Chi bộ và các đảng viên trong các tổ chức Đảng cơ sở là cầu nối giữa Đảng và quần chúng. Cán bộ, đảng viên là những tấm gương sáng cho quần chúng noi theo.
Uy tín và ảnh hưởng của Đảng vào sâu trong xã hội được hình thành và phát triển bền vững từ những điều nói trên. Cũng từ đó mà Đảng thu hút được những phần tử ưu tú nhất trong quần chúng vào Đảng, làm tăng sức mạnh cho Đảng. Một Đảng có đời sống chính trị như vậy là một Đảng mạnh và khi cần thiết phải chuyển giao quyền lãnh đạo giữa các thế hệ trong Đảng sẽ diễn ra theo chiều hướng tích cực, không xảy ra những mâu thuẫn phân biệt dẫn tới tình huống chính trị.
- Chất lượng của một Đảng Cách mạng, một Đảng chiến đấu và hành động tuỳ thuộc vào chất lượng của tổ chức và của các đảng viên. Chất lượng đó quy tụ vào năng lực và đạo đức của các đảng viên, trước hết là các đảng viên có chức, có quyền, có trọng trách lãnh đạo. Năng lực đó chính là trình độ khoa học, trí tuệ của đảng viên và của toàn Đảng. Đảng yếu kém về lý luận, về trí tuệ khoa học thì không thể dẫn đường cho xã hội, không thể lãnh đạo được. Đảng viên mà thua kém quần chúng, không xuất sắc hơn quần chúng không thể có uy tín, không thể giáo dục tuyên truyền cho quần chúng được.Đảng và đảng viên nếu không có đạo đức trong sáng, không tỏ rõ các đức tính trung thực, khiêm tốn, nhất quán giữa nói và làm không thể nêu gương cho quần chúng được, không thể lôi cuốn quần chúng đi theo mình để hành động.
Nghị quyết TW6 (lần 2) khoá VIII về xây dựng Đảng đã nhấn mạnh tới tính toàn diện phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và lối sống là vì vậy.
Đạt được một tình hình như trên trong Đảng và trong xã hội thì việc chuyển giao quyền lãnh đạo trong các cấp của Đảng sẽ diễn ra ổn định, bình thường, sẽ là dịp để Đảng mạnh lên nhờ được tiếp thêm những sinh lực mới từ các thế hệ, các lớp cán bộ kế cận, kế tục sự nghiệp của các thế hệ đi trước.
Trong trường hợp ngược lại, khi trong xã hội lâm vào tình trạng suy thoái kinh tế, đời sống nhân dân gặp khó khăn, quần chúng mất lòng tin hoặc suy giảm niềm tin đối với chế độ và Đảng cầm quyền, pháp luật kỷ cương lỏng lẻo gây nên nhiều hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội, một bộ phận cán bộ đảng viên thoái hoá, biến chất làm tổn hại tới uy tín của Đảng thì xã hội trở nên mất ổn định, rơi vào trì trệ, có nguy cơ phát triển thành các cuộc khủng hoảng. Mức độ trầm trọng nhất là khủng hoảng chính trị, đe doạn trực tiếp vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn tại của thể chế nhà nước. Trong bối cảnh đó, Đảng đại hội thường kỳ hoặc bất thường để xem xét nhân sự lãnh đạo và thực hiện chuyển giao quyền lãnh đạo thì sự xuất hiện các tình huống chính trị là một khả năng thực tế rất gần. Thêm vào đó, nếu nội bộ Đảng không giữ vững
được sự đoàn kết, thống nhất về quan điểm chính trị, về hệ tư tưởng làm cho Đảng xuất hiện nhiều luồng tư tưởng khác nhau mà không có sự định hướng chỉ đạo từ cơ quan lãnh đạo cao nhất thì đó sẽ là một tình huống rất bất lợi.
Mất ổn định sẽ bắt đầu từ trong Đảng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến trạng thái tư tưởng và tinh thần cua xã hội. Nó dẫn tới sự suy yếu về tổ chức, dễ dẫn tới phân liệt, rối loạn, tình trạng hoạt động vô tổ chức vượt ra khỏi nguyên tắc và kỷ luật. Tình hình đó trong Đảng làm phức tạp thêm tình hình ngoài xã hội.
Sự mất tín nhiệm của Đảng đối với xã hội biểu hiện thành sự mất khả năng, năng lực và hiệu lực lãnh đạo của Đảng, ở mọi cấp. Nhà nước do Đảng lãnh đạo cũng ở trong tình trạng tương tự. Đảng suy yếu thì nhà nước suy yếu, cũng như Đảng mạnh thì phải biểu hiện ở sức mạnh nhà nước.
Lênin đã từng cảnh cáo rằng, trong những thời điểm bước ngoặt của tình hình, điều nguy hiểm nhất là Đảng mất phương hướng chính trị, nó rất dễ rơi vào sự từ bỏ vô nguyên tắc những nguyên tắc hệ tư tưởng và những nguyên tắc tổ chức, dù tự giác hay không tự giác. Đảng mất cơ sở của một Đảng hành động có tổ chức, muôn người như một người, trở thành Đảng nghị viện, một câu lạc bộ bàn suông vào lúc cần phải hành động quyết liệt. Đó là sự tự sát chính trị. Giai đoạn cuối của cải tổ, Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước Xô - viết rơi vào đúng tình trạng bi đát này nên đã sụp đổ.
Trong trường hợp này, mọi chuyển giao quyền lãnh đạo đã mất hết ý nghĩa. Tình huống chính trị hoặc là đã không chủ động đề phòng, ngăn ngừa từ trước, hoặc là đẻ nó phát triển tới mức độ trầm trọng nhất, không còn khả năng sửa chữa nữa. Sự tan rã cua Đảng Cộng sản Liên Xô trong thời kỳ cải tổ, một Đảng hùng mạnh có lịch sử đấu tranh Cách mạng gần 1 thế kỷ, với đội ngũ đảng viên tới 18 - 19 triệu người, sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu chẳng những có thể rút ra rất nhiều bài học về Cải tổ thể chế, xây dựng CNXH mà còn là những bài học xương máu về xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước cũng như chuyển giao quyền lãnh đạo trong Đảng Cộng sản cầm quyền.