Về vấn đề điềm báo, mộng báo

Một phần của tài liệu một điềm báo và mộng báo trong truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở tây nguyên (Trang 30 - 36)

CHƯƠNG 2: PHÂN LOẠI MOTIF ĐIỀM BÁO, MỘNG BÁO VÀ CẤU TẠO CỦA MOTIF ĐIỀM BÁO, MỘNG BÁO

2.1 Những vấn đề chung

2.1.2 Về vấn đề điềm báo, mộng báo

Điềm báo và mộng báo là những hiện tượng có từ rất xa xưa, cho đến nay vẫn còn được những nhà nghiên cứu Đông và Tây nghiên cứu, giải mã.

Điềm báo (présage) được định nghĩa là “dấu hiệu báo trước một sự kiện sẽ diễn ra trong tương lai” [33, tr.132). Điềm báo được các học giả xa xưa cũng như các nhà khoa học thời hiện đại luôn quan tâm, nghiên cứu. Ngày xưa nó còn được gọi là điềm triệu. Người ta thường dựa vào các dấu hiệu để nhận ra điềm báo. Dấu hiệu đó có thể là một âm thanh như tiếng chim kêu, tiếng thú rừng kêu; hay một hình ảnh, một biểu tượng có tính chất báo động nào đó… Điềm báo đôi khi cũng xuất hiện thông qua giấc mơ, mộng mị. Hiện tượng này gọi là điềm mộng. Nhìn những dấu hiệu đó, họ sẽ biết đó là điềm lành hay điềm dữ được báo trước để từ đó quyết định hành động như thế nào.

Người phương Đông hay phương Tây đều dù ít dù nhiều đều tin tưởng chúng, đặc biệt là người phương Đông. Mặc dù, lâu nay người ta vẫn chưa thể đi đến một lý giải thuyết phục và chính xác về nguyên nhân, nguồn gốc và mức độ tin cậy của những gì gọi là điềm báo, điềm triệu ấy.

Cùng với điềm báo, mộng và chiêm mộng có thể coi là một trong những hiện tượng văn hóa thần bí xuất hiện sớm nhất trong đời sống nhân loại. Mộng xuất hiện khi con người ở trong trạng thái nửa thức nửa ngủ. E.P.Taylor đưa ra lý thuyết hiện tượng mộng bắt nguồn từ quan niệm vạn vật hữu linh. Thuyết này được dùng để soi chiếu, cắt nghĩa chuyện mộng thời viễn cổ.

Người xưa cho rằng giấc mơ và hiện thực có quan hệ nội tại, nghĩa là giấc mơ có tác dụng dự báo hiện thực. Giấc mơ là cầu nối giữa con người và thần linh, là điềm báo lành hay dữ, họa hay phúc. Con người thời cổ có niềm tin tuyệt đối vào giấc mơ. Họ cho rằng, mọi thứ trên thế gian đều do ý thần, ý trời và giấc mơ chính là con đường thần linh truyền đạt thông tin đến cho con người. Do đó, chiêm mộng được coi trọng ở một số nhà nước phong kiến. Chiêm mộng là một hoạt động quan trọng của triều đình để xét đoán ý trời, phục vụ chủ yếu cho mục đích chính trị.

Trong triều đình sẽ có một chức quan chuyên giữ trọng trách cầu mộng, giải mộng – những giấc mộng được cho là có vai trò lớn đối với số phận của quốc gia, dân tộc.

Đối với khoa học hiện đại, các nhà khoa học cho giấc mơ là kết quả của hoạt động tư duy khi ngủ và có liên quan đến những kinh nghiệm trong sinh hoạt hằng ngày và tâm lý con người. Sigmud Freud – người sáng lập phân tâm học cho rằng mộng là sự biểu hiện, thậm chí là sự thực hiện những dục vọng bị kiềm nén của con người (những uẩn ức tâm lí, tính dục). Còn K.Jung xem “mộng là sự thể hiện một cách tự nhiên và đương cái thực trạng vô thức”. Mộng thuộc vùng vô thức, chệch ra ngoài vùng kiểm soát của ý thức con người. Cho đến ngày nay, con người vẫn mang tham vọng vén bức màn bí ẩn của mộng mị, xem việc giải mã giấc mơ như một con đường để thấu hiểu đời sống tinh thần của con người.

Jung nói: “Mộng mị thường là những dự cảm, những tiên đoán” [23, tr.168]. Chiêm mộng, theo Frédéric Gausen đã nói, “là biểu tượng của cuộc phiêu

lưu cá thể, được cất sâu trong tâm khảm đến nỗi nó vượt ra khỏi vòng cương toả của người sáng tạo ra nó, hiện ra với chúng ta như là biểu hiện bí mật nhất và trơ trẽn nhất của chính chúng ta” [23, tr.168]. Ở giấc mơ, chúng ta sống trong thế giới mộng mị của các biểu tượng. Freud đã nói, giải thích mộng mị là con đường vương giả để đạt tới hiểu biết lòng người.

Có nhiều ý kiến khác nhau trong những ý niệm về chiêm mộng. Với Freud, giấc mộng là biểu hiện, thậm chí là sự thực hiện những dục vọng bị kiềm nén, với Jung, đó là sự tự thể hiện một cách tự phát và tượng trưng cái thực trạng của vô thức,….Roland Cahen đã viết:

Chiêm mộng là biểu hiện của cái hoạt động tinh thần ấy, nó sống trong ta, nó suy nghĩ, cảm xúc, tự biện ở ngoài lề những hoạt động ban ngày của chúng ta, ở tất cả các cấp độ, từ cấp sinh vật nhất đến cấp tinh thần nhất của con người, mà chúng ta không biết đến. Biểu thị dòng tâm thức ngấm ngầm và những dữ liệu của một chương trình sống được ghi ở nơi sâu nhất của con người, chiêm mộng thể hiện những khát vọng sâu kín của cá thể và vì thế nó là nguồn thông tin vô cùng quý giá, về mọi phương diện, đối với chúng ta. [23, tr.164]

Những khảo cứu phân tâm học, dân tộc học, ngoại cảm học đã phân chia những loại giấc mộng là:

- Chiêm mộng tiên tri hay giáo huấn, một sự báo trước ít nhiều úp mở về một nguy biến đã qua, đang xảy ra hoặc sẽ đến; nguồn gốc của những giấc mộng này hay được quy cho một sức mạnh trên trời.

- Chiêm mộng truyền pháp, thí dụ của thầy pháp Saman hay phật tử Tây Tạng dòng Bardo – Todol, có công hiệu thần kỳ, nhằm đưa linh hồn sang thế giới bên kia bằng một trí thức hay một hành trình tưởng tượng.

- Chiêm mộng thần giao cách cảm, làm cho ý nghĩ và tình cảm của những con người hoặc nhóm người xa cách liên thông được với nhau.

- Chiêm mộng linh thị, chuyển con người vào cái mà H.Corbin gọi là thế giới linh tưởng; kiểu chiêm mộng này giả định rằng ở con người, ở một

cấp tâm thức nhất định, có những sức mạnh mà nền văn minh phương Tây của chúng ta có thể đã làm cho thui chột hoặc tê liệt; H.Corbin đã tìm thấy những bằng chứng về những sức mạnh ấy ở những thần hiệp Iran; đây không phải là mộng tiên báo, mộng du hành mà là những linh thị.

- Chiêm mộng linh tính, cho phép ta đoán định và dành ưu tiên cho một trong ngàn khả năng…

- Chiêm mộng thần thoại, sao lại một mẫu gốc lớn nào đó và phản ánh một mối lo âu cơ bản, của cả nhân loại. [23, tr.165-166]

Lévy Bruhl đã nhận xét: “Giấc mơ, với tư cách là kinh nghiệm thần bí, có một tầm quan trọng cực kỳ to lớn trong mắt của phần lớn những người nguyên thủy” [24, tr.129]. Thật vậy, trong đời sống tâm linh của các dân tộc Tây Nguyên, điềm báo, mộng báo có một vị trí và vai trò quan trọng. Dournes đã tìm hiểu và chỉ ra rằng trong quan niệm của người Sêrê “mỗi cá thể chỉ có một linh hồn, soan, mang nhiều biểu hiện khác nhau; nó ở trong hơi thở (nhom), trong bóng tối (huing);

cơ thể của chúng ta là một hình ảnh của nó, rup; nó lang thang trong các giấc mơ”

[6, tr.335]. Người Ê đê thì cho rằng một cá thể có ba linh hồn và m’gat (các yang thấy nó dưới hình dáng một con trâu) sinh ra giấc mơ.

Nguyễn Tấn Đắc đã chỉ ra những điều kiện chỉ đạo hành động của người Tây Nguyên là giấc mơ, điềm triệu, bói điềm, phép thử... là phương pháp để con người biết được ý muốn của thần linh, từ đó có những hành động, việc làm theo đúng ý thần. Giấc mơ là cách thức mà thế giới siêu linh hướng dẫn con người hành động. Con người xem giấc mơ là một thông báo của thần linh để họ đưa ra những quyết định, việc làm đúng với ý muốn của thần.

Khi làm bất cứ việc gì, người ta cũng tìm sự giúp đỡ của thần linh. Họ có tục lệ cầu xin thần linh kết thân với mình để tăng sức mạnh cho bản thân. Người Tây Nguyên kết giao với các thần cũng hoàn toàn giống như kết giao với người, họ sẽ kết giao với thần rừng, thần nước, thần núi, thần súc vật,….Việc kết thân được tiến hành qua mộng mị và được thần cho vật thiêng như: rìu đá, rìu đồng,… mà thần

sẽ trú ngụ trong đó. Con người có thể nhận biết Yang qua giấc mơ và báo mộng.

Nếu là báo mộng tốt thì con người tin và làm theo, ngược lại nếu Yang báo mộng xấu thì người ta sẽ bỏ dở công việc. Quan niệm về Yang (thần, hồn) tạo nên giao cảm tinh tế giữa người và vật. Con người nhân hoá mọi hiện tượng xung quanh mình. Quan niệm này cũng tạo ra những xúc cảm, tưởng tượng ảnh hưởng tới đời sống văn hoá và những sáng tạo nghệ thuật của cư dân Tây Nguyên.

Việc kết nghĩa bạn bè ở người Rơngao dựa trên duyên cơ thông thường là giấc mơ. Khi nằm mơ thấy mình kết nghĩa với một người hàng xóm, ấy tức là hai linh hồn đã kết nghĩa trước mặt thần linh. Và một lời hứa như vậy là linh thiêng hơn mọi thứ, người ta phải giữ trung thành như với thần linh vì trong trường hợp này thần linh đã được báo về việc kết nghĩa này.

Dân tộc Gia Rai có tập tục đoán số phận qua giấc mơ sau lễ thành hôn.

Tương lai của đôi vợ chồng được dự báo dựa vào giấc mộng mà họ gặp trong ngày đầu thành hôn. Trước khi làm một việc lớn người ta bao giờ cũng cần có sự mách bảo của thần linh và tìm câu trả lời của thần bằng nhiều cách như nằm mộng ở nhà rông, theo dõi những điềm báo: nghe tiếng chim, tiếng thú rừng,….

Có thể nói, giấc mơ là khoảnh khắc cũng là không gian để con người tiếp xúc với các thần thông qua hồn của mình. Giấc mơ là điểm gặp nhau giữa con người với thần linh, giữa cái tự nhiên và cái huyền diệu, giữa thế giới hữu hình và thế giới vô hình.

Trong cuốn “Miền đất huyền ảo”, Dournes đã chỉ rằng, đối với người Tây Nguyên, thế giới hiện lên như là một chuỗi hình ảnh mà nội dung không giải thích được nó. Chúng ta chỉ nắm được những hình ảnh, còn ý nghĩa, sự thật sâu xa bên trong chúng thì chẳng thể biết. “Tinh thần biểu tượng khiến cho người ta nhìn thấy trong mỗi sự vật hình ảnh của một vật khác, sự ham muốn được tham gia vào thế giới tâm linh bằng những tiếp xúc với thế giới đó khiến cho ta nhận ra trong mỗi trường hợp một dấu hiệu, một thông báo nào đó của thần linh đối với con người.

Thông thường hơn cả là một cuộc gặp gỡ, đặc biệt là sự gặp gỡ trong giấc mơ đem đến cho chúng ta những điềm triệu” [6, tr.355].

Trong trạng thái thức, việc gặp một vật nào đó được coi như một điềm báo.

Ví như, người Xơ Đăng quan niệm gặp rắn trên đường về nhà là dấu hiệu sắp có tai hoạ,… Người Mơ Nông thì cho rằng tiếng nai kêu, vượn hót báo điềm không lành, tiếng cây gãy cũng là điềm xấu, hoặc trên đường đi mà nghe tiếng chim kêu phía phải là sẽ gặp trắc trở, người ta phải hoãn chuyến đi lại, còn nếu tiếng chim kêu phía trái là điềm may mắn.Còn trong trạng thái ngủ, linh hồn thoát ra khỏi thể xác, đi lang thang rồi có những cuộc gặp gỡ qua các giấc mơ, đó là điềm triệu. Hồn thoát ra, các giấc mơ cho ta biết những gì nó nhìn thấy nhưng những hình ảnh trong giấc mơ, được hồn nhìn thấy khác với thế giới hiện thực khi chúng ta thức. Vì thế, các giấc mơ là những hình ảnh biểu tượng, ẩn dụ của thực tại do linh hồn “thoát ra” cảm nhận được. Các giấc mơ cho phép chúng ta thấy vài điều về những gì sắp xảy ra thông qua con đường giải mã mộng mị.

Điềm báo và mộng báo tuy cùng có vai trò tiên tri nhưng vẫn có sự khác nhau rõ rệt. Bởi điềm báo được mang đến cho con người thông qua những dấu hiệu mà con người bắt gặp trong cuộc sống, xã hội; trong khi đó mộng báo xảy đến trong lúc con người đang ngủ, bằng những hình ảnh xảy ra trong giấc mơ. Không những thế, mộng báo ngoài vai trò tiên tri, báo trước một sự việc, hành động thì nó còn có nhiều vai trò khác mà người viết sẽ trình bày cụ thể trong các chương chính của luận văn.

Tóm lại, thế giới siêu nhiên tồn tại cùng con người, hoạt động cùng con người. Thần linh và hồn là một bộ phận của thế giới thực tại, cùng tham gia vào công việc và giải quyết một số khó khăn của con người. Và do đó, người Tây Nguyên sử dụng nhiều phương thức bói toán để biết được tình cảm của các thần, biết được nguyên nhân của các biến cố. Sự bói toán, niềm tin vào các điềm báo, mộng báo thể thể hiện mong muốn làm theo đúng ý thích của thần linh trong tâm lí con người, và cũng là sự mong muốn những ý thích đó của thần linh cũng tương ứng với các tình cảm của chính mình.

Một phần của tài liệu một điềm báo và mộng báo trong truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở tây nguyên (Trang 30 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(256 trang)