Type truyện về nhân vật mang lốt

Một phần của tài liệu một điềm báo và mộng báo trong truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở tây nguyên (Trang 90 - 94)

CHƯƠNG 2: PHÂN LOẠI MOTIF ĐIỀM BÁO, MỘNG BÁO VÀ CẤU TẠO CỦA MOTIF ĐIỀM BÁO, MỘNG BÁO

3.2 Các type truyện có motif điềm báo, mộng báo

3.2.4 Type truyện về nhân vật mang lốt

Nhân vật mang lốt là một kiểu nhân vật quen thuộc trong truyện cổ tích . Nhân vật mang lốt có ngoại hình xấu xí, dị dạng, hoặc hiện lên dưới lốt động vật. Y Đăm mồ côi với đôi tai to lớn dị thường; nàng Ka Kồng với ngoại hình xấu xí hay chàng Jiông sinh ra với dáng vẻ ốm yếu, xanh xao khác người. Chàng cóc, chàng khỉ, tắc kè sinh ra với lốt loài vật. Bên dưới cái lốt xấu xí ấy là những con người ngoại hình đẹp đẽ, phẩm chất tốt đẹp, có tài năng và cả phép thuật. Đối với nhân vật có vẻ ngoài xấu xí, họ nhận được mộng báo giúp họ thay đổi hình dạng xinh đẹp hơn. Nàng Ka Kồng được thần núi động lòng thương giúp trở lại xinh đẹp như xưa, Jiông gặp hồn cha trong giấc mơ, được cha cho thuốc thần giúp trút bỏ vẻ ngoài xấu xí, lại có thêm sức mạnh. Cuối cùng, họ tìm được cuộc sống hạnh phúc, kết hôn.

Những truyện về nhân vật mang lốt có thế khái quát thành những mô hình như sau:

Mô hình thứ nhất được khái quát từ 2 truyện:

- Chàng cóc (TC IV, tr.104).

Hơ Lúi xinh đẹp, uống nước trong hốc cây, mang thai, bị đuổi đi, được bà cháu chàng Rít cưu mang. Hơ Lúi đẻ ra một con cóc, bà định đem chôn, buồn ngủ, nghe thấy tiếng người nói xin đừng chôn, để cóc lại nuôi, sẽ có ích. Cóc lớn lên, ai cũng yêu quý. Cóc dùng phép lạ khiến cho nhà cửa đẹp đẽ, có đủ thức ăn, của cải.

Cóc theo bác về nhà chơi, Hơ – bia con gái tù trường mê mẩn cóc, biết cóc là một chàng đẹp trai, muốn cưới cóc, bị tù trưởng khinh ghét. Hai người ở ngoài bìa rừng.

Cóc đi xa làm rẫy, làm phép biến ra một làng giàu có, đem vợ đến sống yên vui. Vợ chồng tù trưởng đến mừng lễ nhà mới, biết được tài năng của cóc, cóc cởi lốt thành một chàng trai tuyệt đẹp, làm tù trưởng.

- Chàng rể khỉ (TC IV, tr.138)

Hai vợ chồng nghèo, cầu thần linh cho có con, sinh được một con khỉ, người chồng định giết. Đêm đó, người vợ ngủ mơ thấy một cụ già, râu tóc bạc phơ đến bảo ráng sức nuôi khỉ, khỉ sẽ làm cả nhà sung sướng. Khỉ lớn nhanh như thổi, thành thạo việc nương rẫy, săn thú, bắt cá. Cha mẹ chết, khỉ sống một mình, Hơ – bia hái cà giống của khỉ, khỉ bắt Hơ – bia làm vợ. Cha Hơ – bia là Mơ tao bắt giết khỉ nhiều lần không được. Hơ – bia lấy khỉ, đêm đến, khỉ đều hóa thành chàng trai đẹp đẽ, khỏe mạnh. Một hôm, khỉ lên đường tìm nơi buôn làng giàu có, đón vợ về cùng. Hơ – bia mê con trai tù trưởng bên cạnh, tìm bí mật cây sinh mệnh của khỉ, chặt cây ngã, khỉ chết. Hơ – bia cưới tình nhân làm chồng. Chẳng bao lâu, của cải hết dần, trâu bò chết hết, hai đứa nghèo đói, vào rừng đào củ mài, bị ngã xuống hố mài, chết.

Mô hình: Sinh con dị dạng  muốn giết  tự nhiên buồn ngủ  thấy mộng báo dặn để nuôi  lớn lên  cởi lốt, kết hôn.

Nhân vật vì mang cái lốt động vật lúc mới sinh nên khiến gia đình xấu hổ, muốn vứt đi. Trong tình huống ấy, mộng báo có tác dụng ngăn cản ý muốn có hại cho nhân vật, đồng thời cũng báo trước về tương lai của đứa bé. Chúng ta thấyẩn giấu trong lốt động vật ấy là chàng trai đẹp đẽ, có nhiều tài phép. Cuối cùng, khi cưới được người con gái đẹp như ý muốn, nhân vật cởi lốt hoàn toàn.

Trường hợp truyện “Tắc kè con trời” kể về hai chị em mồ côi, chị ở nhà một mình, có thai, bị đuổi ra ở bìa rừng. Đêm đầu tiên ở nhà mới, nằm mơ thấy có người đến xưng là thần Mặt Trời, nhận là cha đứa trẻ, dặn khi sinh phải hứng con vào chiếc la đồng, không để nó nằm trên chiếu, trên đất. Tỉnh dậy, thấy có la đồng bên cạnh. Sau đó, sinh ra tắc kè. Tắc kè khôn lớn, bay lên trời tìm cha, được trả hình người đẹp và khỏe mạnh không ai bằng, trở về với mẹ, tạo thành một buôn làng giàu mạnh, cưới chồng cho mẹ. truyện “Tắc kè con trời” cũng có motif mang thai kì lạ, motif người mang lốt vật, motif cởi lốt,… giống với mô hình trên, nhưng motif mộng báo xuất hiện với vị trí, vai trò khác cho nên chúng tôi không xếp nó cùng nhóm với 2 truyện "Chàng cóc” và “Chàng rể khỉ”. Trong khi đó, người viết nhận thấy motif mộng báo của truyện “Tắc kè con trời” gần với motif mộng báo trong truyện “Chàng K’Tỉa Truôi” (TC IV, tr.59). Cả 2 truyện “Tắc kè con trời”, “Chàng K’Tỉa Truôi” đều có dạng mô hình:

Cô gái có thai kì lạ mộng thấy thần dặn dò sinh con lớn lên, giàu có, hùng mạnh.

Tuy nhiên, truyện “Chàng K’Tỉa Truôi” không thuộc type truyện về nhân vật mang lốt, vì thế, luận văn cũng không thể xếp 2 truyện này thành một mô hình của type truyện về nhân vật mang lốt.

Nhân vật mang lốt trong truyện cổ tích không chỉ xuất hiện trong hình dạng loài vật mà những nhân vật ngoại hình xấu xí, dị dạng cũng được coi là một dạng mang lốt. Từ 2 truyện có dạng nhân vật mang lốt xấu xí:

- Chàng Jiông (TT I, tập 15, tr.385)

Jiông mồ côi, ốm yếu, xấu xí, nhờ lũ trẻ xin nước uống của H’bia Phu Lem Hu nhưng cha nàng không cho. Jiông vào rừng tìm dây cột nhà, ngủ mơ thấy cha cho ba viên thuốc thay đổi hình dạng, dặn tắm ở giọt nước của H’bia Pơsêh. Tỉnh dậy, uống thuốc, đi tắm, gặp H’bia Pơsêh, hẹn ước. Trở về, cầu khấn có căn nhà to đẹp, lên trời với H’bia Pơsêh, lừa nhốt nàng trong nhà, bay về làng, cưới H’bia Phu, sống hạnh phúc

- Nàng Ka Rồng xấu xí (TC VI, tr.85)

Hai vợ chồng Ka Rồng nghèo nhưng hạnh phúc. Chồng Ka Rồng bị rủ rê, ham chơi, để vợ ở nhà làm lụng một mình vất vả. Ka Rồng trở nên xấu xí, bị chồng chê bai, đuổi đi. Ka Rồng đi vào rừng, đêm đói và lạnh, ngủ mơ thấy đi lạc vào một khu rừng rậm rạp, gặp một người đàn ông đứng tuổi, cưỡi ngựa, tay cầm ná (là Giàng Bơ – nơm) kể lại sự tình, được hóa phép biến thành xinh đẹp. Tỉnh dậy, thấy mình đổi khác, gặp và kết hôn với K’Giú – con thần đá. Về thăm nhà, tự chặt đứt ngón trỏ, chồng cũ vẫn nhận ra, dỗ dành nàng về, Ka Rồng không chịu, chạy thẳng vào rừng, đi qua vách đá về với chồng mới. Chồng cũ trở về, ân hận, sống một mình mãi mãi.

chúng tôi khái quát thành mô hình như sau:

Mô hình: Nhân vật xấu xí  vào rừng  nằm mơ được giúp thay đổi hình dạng  tỉnh dậy, trở thành người đẹp  kết hôn, sống hạnh phúc

Nhân vật mang lốt xấu xí không tự cởi lốt, cũng không có những phép thuật phi thường như nhóm truyện người mang lốt động vật mà cần sự trợ giúp từ những lực lượng thần bí, vô hình. Thông qua giấc mộng, họ được trợ giúp cởi lốt xấu xí để trở nên xinh đẹp và tìm được hạnh phúc của mình.

Nhân vật mang lốt xấu xí, dị dạng không chỉ được báo mộng trợ giúp cởi lốt mà còn được trợ giúp thực hiện một mong muốn nào đó. Truyện Y Đăm tai to (TC VIII, tr.73) kể về Y Rít mồ côi, ở với bà, săn bắn giỏi, gặp Y Đăm – ngoại hình kì dị trong rừng, kết nghĩa anh em, sống cùng nhau. Y Đăm ở nhà một mình, cởi lốt thành một chàng trai đẹp ngồi đan gùi, gặp H’Bia Mơ Nga – con gái Mơ tao. Y Đăm, Y Rít đêm đêm đến nhà Mơ Nga. Y Đăm bí mật gặp nàng. Mơ Nga có thai, đẻ con trai. Đứa bé lớn lên, nhận Y Đăm là cha. Y Đăm lên đường tìm đất lập buôn, ngủ mơ thấy thần hứa giúp cho có một buôn làng đẹp. Sau bảy ngày, Y Đăm đến thấy buôn làng đã có sẵn. Bảy ngày sau, dẫn dân làng, vợ con đến ở, trở thành chủ buôn làng giàu có. Đối với truyện này, Y Đăm được thần giúp đỡ khi đangtìm kiếm vùng đất lập buôn và được thần báo mộng trợ giúp, ban cho một buôn làng giàu mạnh.

Tóm lại, motif mộng báo trong truyện cổ tích về nhân vật người mang lốt thường báo thông báo về nguồn gốc thần linh, báo trước về sức mạnh kì lạ cũng như tương lai của nhân vật. Mộng báo cũng trợ giúp nhân vật cởi lốt hoặc giải quyết khó khăn, ban tặng cho nhân vật phần thưởng xứng đáng với vẻ đẹp phẩm chất của mình.

Một phần của tài liệu một điềm báo và mộng báo trong truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở tây nguyên (Trang 90 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(256 trang)