Về type truyện cổ tích có motif điềm báo, mộng báo

Một phần của tài liệu một điềm báo và mộng báo trong truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở tây nguyên (Trang 108 - 111)

CHƯƠNG 2: PHÂN LOẠI MOTIF ĐIỀM BÁO, MỘNG BÁO VÀ CẤU TẠO CỦA MOTIF ĐIỀM BÁO, MỘNG BÁO

3.5 Một vài so sánh với truyện cổ tích của người Việt

3.5.1 Về type truyện cổ tích có motif điềm báo, mộng báo

Cùng là type truyện về nhân vật mồ côi nhưng kết cục của mồ côi trong truyện cổ tích Tây Nguyên và trong truyện cổ tích của người Việt khác nhau. Mồ côi ở truyện cổ tích của các tộc người Tây Nguyên đều kết thúc có hậu: được đổi đời. Ban đầu nghèo khổ thì cuối cùng họ giàu có, lúc đầu xấu xí, dị dạng thì kết thúc họ thay đổi hình dáng xinh đẹp. Từ đầu sống thiệt thòi, lẻ loi thì sau đó họ kết hôn và sống hạnh phúc trong buôn làng ấm no, giàu mạnh. Còn nhân vật mồ côi trong truyện cổ tích của người Việt có nhiều kiểu kết cục. Có nhân vật mồ côi được báo mộng, tìm được vàng và sống sung túc. Có nhân vật mồ côi thì đầu truyện và cuối truyện không hề có sự đổi đời, tình trạng của mồ côi vẫn nguyên như cũ. Kết thúc khác nhau này là do tuỳ thuộc vào nội dung, mục đích của câu chuyện. Truyện “Hai anh em và cục vàng” phản ánh xung đột trong gia đình giữa người anh cả với người

em út trong phân chia tài sản, quyền thừa kế, nói đến thân phận hẩm hiu, khổ cực, thiệt thòi của người em út. Do đó, cũng như khuynh hướng chung của truyện cổ tích, người em “ở hiền gặp lành”, những người nghèo khổ, bất hạnh và chăm chỉ, thật thà sẽ được đến đáp xứng đáng. Truyện “Đàn lợn vàng làng Hóp” thì lại là câu chuyện để giải thích cho một hiện tượng, sự vật ở địa phương. Mối xung đột giữa người anh và người em không phải là mục đích chính. Cho nên, kết thúc truyện không có sự giải quyết mâu thuẫn cũng như không có sự thay đổi nào về số phận, thân phận của người anh hay người em.

Trong truyện cổ tích người Việt, nhân vật sau khi được báo mộng vẫn không tin giấc mộng đó là thực hay không, và nhân vật không coi trọng việc thực hiện theo lời báo mộng hay không. Do đó, kết thúc truyện hầu như lời báo mộng ít khi trở thành hiện thực.

Nếu như trong truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, nhân vật nghèo khổ được báo mộng, được ban cho của cải và sau đó sống sung túc, hạnh phúc đồng thời chia sẻ của cải với dân làng thì đến truyện cổ tích của người Việt, nhân vật cũng được báo mộng, nhận được của cải nhưng về sau, họ lại kết thúc không có hậu do bản tính tham lam, độc ác của mình. Trở nên giàu có, no đủ, họ không quan tâm, giúp đỡ những người khốn cùng, nghèo khổ khác. Họ quên đi cảnh sống thiếu thốn, bần hàn trước kia của mình, đối xử tàn nhẫn, xua đuổi người nghèo. Và thế là, họ vi phạm vào điều cấm kỵ, không thực hiện lời hứa với thần linh trong giấc mộng. Do đó, họ phải nhận sự trừng phạt cho sự vi phạm đó. Nhẹ thì nhân vật bị lấy lại toàn bộ của cải, trở lại cảnh sống nghèo nàn như xưa, còn nặng thì bị hóa thành loài vật bé nhỏ (con kiến), ngày ngày phải cần mẫn kiếm ăn. Từ nội dung và kết thúc của những truyện cổ tích này, ta thấy đây không phải là những truyện thể hiện ước mơ no đủ, hạnh phúc của dân gian, mà đây là lời răn đe, bài học đối nhân xử thế cho mọi người. Ở đời “tham thì thâm”, “ác giả ác báo”, dù ban đầu họ may mắn nhận được sự thương xót, cảm động của thần linh nhưng nếu không biết kiểm soát những tham vọng của mình, không biết chia sẻ, đồng cảm với người khác, người đó sẽ phải gánh chịu hậu quả, nhận lấy một kết cục không tốt đẹp.

Truyện “Lời tiên” kể về chú tiều nghèo, từ chỗ mong muốn sự giàu sang, đạt được đi đến tham vọng quyền lực. Tiền tài, quyền lực làm cho hắn mờ mắt, biến thành kẻ hống hách, cậy quyền thế bóc lột, khinh rẻ người nghèo khổ. Đối chiếu với nhân vật chính được báo mộng trong truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, ta lại thấy sau khi được ban phát cái ăn, cái mặc, họ biết nghĩ đến người khác, san sẻ sự no đủ, hạnh phúc đó cho người khác. Ta có thể thấy tâm hồn thuần phác, hồn nhiên ở họ: chỉ cần, chỉ mơ ước những thứ cần thiết, đủ cho cuộc sống. Không chỉ vậy, ta còn thấy được sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

3.5.1.2 Type truyện về nhân vật dũng sĩ

Truyện cổ tích của người Việt có một truyện thuộc type truyện này. Đó là truyện “Anh em sinh năm”. Đây kiểu truyện về những chàng trai khoẻ, những chàng dũng sĩ có nguồn gốc ra đời kì lạ, có sức mạnh phi thường. Ở mô hình này, người mẹ mang thai kì lạ được báo mộng sinh ra đứa trẻ khác người vượt qua thử thách chiến thắng và lên ngôi. Đối với truyện của người Tây Nguyên, sự lên ngôi ở đây được thay thế bằng địa vị chủ làng hay tù trưởng hùng mạnh. Tuy mô hình có motif mộng báo nhưng motif này không phải là motif chính của cốt truyện mà những motif quan trọng, chủ yếu của kiểu truyện này motif sự ra đời kì lạ, motif thử thách, motif chiến thắng và lên ngôi. Như vậy thì mộng báo cũng chỉ đóng vai trò phụ, mờ nhạt trong diễn biến cốt truyện, không ảnh hưởng gì nhiều đến câu chuyện

3.5.1.3 Type truyện về người kết hôn với thần tiên

So sánh mô hình có motif nằm mộng sau đó kết duyên cùng thần (Duyên tiên) trong truyện cổ tích của người Việt với mô hình này trong truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, người viết thấy rằng, về cơ bản nội dung truyện giống nhau: đều kể về chàng đánh cá nghèo, bắt được cá lạ, mơ thấy người đẹp và kết duyên cùng người đẹp. Nhưng nếu như kết cục của truyện “Chàng K’Làng và nàng tiên cá”, chàng đánh cá mồ côi được vua cá đồng ý gả con gái cho và cả hai sống hạnh phúc thì đối với truyện cổ tích của người Việt, nàng tiên cá trốn cha lên

trần, tự ý kết hôn với chàng trai. Do đó đã xảy ra một trận chiến giữa vua thuỷ tề và làng chài. Kết quả là sự chiến thắng của đôi vợ chồng và làng chài, từ đó mọi người sống yên vui, hạnh phúc.

Có vẻ như truyện của người Việt có cốt truyện phức tạp hơn, xây dựng nhiều tình huống mâu thuẫn giữa các tuyến nhân vật. Nàng tiên cá chủ động trong việc đính ước, se duyên cùng người yêu, trái với ý muốn của cha mình. Tình yêu và sự gắn kết giữa hai người không hề chịu sự sắp đặt hay cho phép của bất kì lực lượng bên ngoài nào. Đồng thời, cuộc chiến giữa dân làng chài và vua thuỷ cũng phản ánh cuộc đấu tranh với thiên nhiên của con người. Sự thắng lợi của làng chài là sự chiến thắng của con người trước thiên nhiên, cho thấy con người có khả năng đối đầu với thế lực thần linh, khẳng định sức mạnh của con người. Điều này khác với quan niệm của người Tây Nguyên, họ có niềm tin tuyệt đối vào sự tác động, chi phối của thần linh vào đời sống lao động sản xuất cũng như đời sống tinh thần của họ. Họ luôn luôn coi trọng việc làm đúng theo ý muốn, sự chỉ dẫn của thần linh bằng nhiều cách thức (bói điềm, báo mộng,….), họ rất sợ làm phật ý thần linh và bị trừng phạt. Sự khác nhau này có lẽ nảy sinh từ sự khác nhau về trình độ phát triển sản xuất, xã hội, tư duy giữa người Việt và các tộc người Tây Nguyên.

Tiểu kết: Nhìn chung, cùng có chung type truyện, nhưng có sự khác nhau khá rõ giữa truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên và truyện cổ tích của người Việt về tầm quan trọng của điềm báo, mộng báo trong cốt truyện cũng như diễn biến số phận và kết cục của nhân vật.

Một phần của tài liệu một điềm báo và mộng báo trong truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở tây nguyên (Trang 108 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(256 trang)