Chức năng của motif điềm báo và mộng báo trong truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên

Một phần của tài liệu một điềm báo và mộng báo trong truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở tây nguyên (Trang 103 - 108)

CHƯƠNG 2: PHÂN LOẠI MOTIF ĐIỀM BÁO, MỘNG BÁO VÀ CẤU TẠO CỦA MOTIF ĐIỀM BÁO, MỘNG BÁO

3.4 Chức năng của motif điềm báo và mộng báo trong truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên

Các hình ảnh trong những giấc mơ do hồn cảm nhận khi đi lang thang là những kí hiệu – những chỉ dẫn, cảnh báo, tiên tri,….Do đó, những điềm báo và mộng báo có thể được nhóm thành những nhóm có chức năng tương đồng. Qua khảo sát, thống kê, người viết phân nhóm chức năng của motif điềm báo và mộng báo thành các nhóm chức năng như sau: sự tiên tri, sự giúp đỡ (sự giúp đỡ bao gồm sự chỉ dẫn và sự hứa hẹn), và sự cảnh cáo.

3.4.1 Sự tiên tri

Những điều thấy được trong giấc mơ báo trước những điều sắp sửa xảy ra, thay đổi cuộc sống của nhân vật. Mộng báo hay điềm báo đều có thể báo trước về số phận của nhân vật chính. Đó có thể là sự báo trước về sự cần trợ giúp, về sự ra đời kì lạ của nhân vật chính. Nói chung motif điềm báo chủ yếu có vai trò là tiên tri, báo trước.

Ở Ai Cập, người ta qui cho chiêm mộng giá trị tiên báo: “Thượng Đế đã sáng tạo ra những giấc mơ để chỉ đường cho loài người, một khi họ không có khả năng nhìn thấy tương lai”. Người Bantous ở Kasai (thung lũng Công) tin rằng trong giấc mơ, hồn người ngủ rời khỏi thể xác và chuyện trò với hồn những người đã chết, và những giấc mơ này có tính chất tiên báo liên quan đến người này hay người kia.

Những cư dân bản địa Tây Nguyên có niềm tin vào việc những mộng mị, điềm triệu là có thật và sẽ trở thành sự thực. Chàng K’Làng trong truyện “Chàng K’Làng và nàng tiên cá” đã mơ thấy chiếc ché mà mình nuôi cá đẹp ở trong bị vỡ, sau đó có một cô gái xinh đẹp tuyệt vời bước ra từ đó. Và khi tỉnh dậy thì thật sự cô gái ấy đã ở ngay bên cạnh. Như vậy giấc mộng báo trước về sự gặp gỡ, kết thân giữa người và thần tiên.

Cũng có những giấc mơ mà hình ảnh của nó có tính chất tượng trưng, báo trước một sự việc tốt hoặc xấu đối với cuộc sống nhân vật. Các truyện ở đây cũng

thường nhắc đến những mộng mị hay điềm báo về một sự sinh nở ra nhân vật phi thường, nhân vật có nguồn gốc thần linh. Những cặp vợ chồng hiếm muộn ngày đêm cầu xin thần linh ban cho một đứa con. Thế là sau đó, bà mẹ sẽ nhận được một giấc mơ có những hình ảnh kì lạ. “Nữ thần Đăng Giai” của dân tộc Xê Đăng kể về giấc mơ của bà hoàng hậu: thấy có một viên đá đẹp từ trên trời rơi xuống, bà liền há miệng đớp lấy, viên đá sáng rực lên một lúc rồi tắt. Sau đó, bà đã hạ sinh một nàng công chúa – nữ thần Đăng Giai giáng trần. Chính nàng công chúa này là nhân vật chính của truyện, được miêu tả như một nữ anh hùng của dân tộc với nguồn gốc thần linh, tính cách khác người và chiến công phi thường.

Trong khi đó, truyện “Chàng Trăng” của người M’Nông lại kể về hai vợ chồng đã già mà vẫn chưa có con, sau khi đi cầu tự thì người vợ nằm mơ thấy thỏ trắng nhảy qua nhảy lại trên ngực. Đó là điềm tiên tri về việc ra đời của một đứa bé xinh đẹp, dũng mãnh – con của thần Mặt Trời.

Ông bà Điang buổi tối cùng mơ có một đứa con, hôm sau hai người gặp được Hrôm Dú và nhận chàng làm con nuôi. Trong “Chàng K’Pút con thần Mặt Trời”, hai vợ chồng nhà nghèo hiếm muộn, người vợ nằm mơ thấy một vị thần, đồng thời thấy mình đang vỗ về một đứa trẻ bụ bẫm.

Trong “Cậu bé cứu dân”, cậu bé – nhân vật chính, không rõ lai lịch, chỉ sống trên lưng cá voi. Khi đã lớn, cậu được cá voi báo mộng cho biết cậu sẽ trở thành người mạnh nhất. Sau đó, cậu đã dùng tài năng của mình để giúp đỡ người dân, trừ khử những kẻ tàn bạo, độc ác. Và cuối cùng cậu đã thật sự là người mạnh nhất.

Người đồng bào thiểu số còn có niềm tin rằng giấc mơ của một chàng trai khi ngủ ở nhà rông sẽ cho thấy được tương lai của người đó. Thường trong các truyện cổ tích, trong khi các nhân vật khác mơ thấy những điều rất bình thường, thậm chí tầm thường thì nhân vật chính lại nhận được một giấc mơ với những hình ảnh tượng trưng cho số phận tương lai: giàu có, hùng mạnh, cưới được vợ đẹp.

Trong truyện cổ tích của người Gia Rai, hai anh em chàng Dua có giấc mơ thấy giọt nước vàng, giọt nước bạc ở núi H’Gông. Chàng Hrôm Dú thì lại có giấc mơ chân

đạp bờ suối, lưng tựa vách núi. Và vì những giấc mơ này mà họ đã bị đuổi đi, trải qua hành trình chông gai, được thần linh giúp đỡ trở nên giàu mạnh, thậm chí lấy được vợ đẹp, con gái của thần linh.

Mặt khác, sự tiên tri còn biểu hiện ở những điềm báo. Nó cho biết về tình trạng, số phận của người thân thuộc đang ở cách xa. Thường thì các nhân vật ra khỏi nhà, để lại cho người thân một vật gì đó như: bông hoa, chiếc nhẫn, chén sữa, sợi chỉ, cây cối,… Nếu như những vật này có sự biến đổi thì chắc hẳn người kia đang hoặc sắp gặp chuyện không may, có khi nguy hiểm đến tính mạng.

Quả thật, cư dân Tây Nguyên tin tưởng vào những giấc mộng tiên tri. Giấc mơ của một người nào đó có sức ảnh hưởng lớn, thậm chí là quyết định đối với cuộc sống của người đó. Niềm tin này thể hiện chính ngay trong cuộc sống hiện thực của các dân tộc bản địa. Jacques Dournes là một nhà nghiên cứu dân tộc học nổi tiếng, có một niềm đam mê và yêu mến đối với con người, núi rừng Tây Nguyên. Trong cuốn sách “Rừng, đàn bà, điên loạn”, ông đã kể lại những câu chuyện được nghe trực tiếp từ những người dân sống nơi đây về các giấc mộng của họ, chủ yếu là giấc mơ có tính chất điềm báo cho những người được chọn làm bà lang. Những người này đã kể về những giấc mơ thời trẻ, được gặp thần linh, được trao cho những vật biểu tượng cho nghề thầy lang, và bị buộc phải làm theo lời báo mộng này, nếu không, họ sẽ bị trừng phạt: bị ốm nặng, bị đe dọa bởi cái chết,….

3.4.2 Sự trợ giúp

Sự giúp đỡ ở đây có thể là sự chỉ dẫn hành động hoặc là sự hứa hẹn, ban tặng vật thần kỳ.

Những cư dân bản địa ở Tây Nguyên tin vào sự thông giao giữa con người và thần linh. Thần linh hiện lên trong giấc mơ không chỉ để báo trước cho họ những việc sắp sửa xảy ra mà còn để hướng dẫn họ những việc cần thực hiện. Có những giấc mơ trong truyện cổ tích, thần linh đến với con người, chỉ dẫn cho họ cách thức làm việc, cách tìm được thức ăn, của cải, cách trở nên xinh đẹp, giàu có…

Qua khảo sát những truyện cổ tích có motif mộng báo hoặc motif điềm báo, chúng ta có thể thấy nhân vật báo mộng thông qua giấc mơ đã chỉ bảo cho nhân vật chính cách thức kiếm được thức ăn:

K’Bâu đói khát, vừa ngủ vừa mong muốn có được đồ ăn, thức uống. Rồi trong giấc mơ của mình, K’Bâu được nàng Ngà bày cách thò tay vào ngà voi mà lấy. Thế là, khi tỉnh dậy, thực hiện theo lời chỉ dẫn, anh chàng đã có được ngay những cái mình muốn trong giấc ngủ. Thông qua những sự báo mộng giúp đỡ này, ta thấy được giấc mơ no đủ của nhân vật, và qua đó là giấc mơ của cả cộng đồng.

Dân gian không mơ những thứ viễn vông, xa xỉ mà chỉ mơ những thứ thiết yếu cho cuộc sống: cái ăn, cái mặc, nhà cửa, nương rẫy,…

Thần còn bày con người cách lao động. Trong truyện “Cậu bé Rơ-bah và Giàng NĐu”, thần đã hiện lên trong giấc mộng bày cậu bé mồ côi cách làm một cái kho lớn để chứa lúa bắp, lại bày cho cậu cách để đem lúa về kho một cách thần kỳ.

Không chỉ trực tiếp ban cho nhân vật của cải, thức ăn, thần còn chỉ cho con người cách có được nhiều của cải: chiêng, ché, trâu bò, … Hrit trong “Hrit và voi thần” mơ thấy hồn voi chỉ cho cậu lấy ngà voi trồng để có được nhiều đồ đẹp, Nkring thì được ông già bày cách bắt voi trong giấc mơ. Từ đó, Nkring trở nên giàu có và nổi tiếng về tài săn bắt voi của mình.

Sự chỉ dẫn trong giấc mơ còn là bày cho nhân vật nằm mộng hành trình đi tìm vợ/chồng, đi tìm sức mạnh, hoặc tìm sự giàu có: lời dặn dò đi tìm thần Ulâm cất giữ ống rốn (vốn là vật làm cho người giàu, nghèo), hay cụ già đến trong giấc mơ của cô gái út xinh đẹp bảo nàng ra đi tìm anh chàng đốt than và lấy làm chồng, chàng Rít nghèo lại được nữ thần chỉ cho xuống hang để gặp thần linh, …. Những giấc mộng này làm cho nhân vật tin theo, và thực hiện theo. Họ đã lên đường tìm kiếm những thứ cần tìm kiếm theo lời dặn dò, chỉ bảo của thần linh trong giấc mộng. Cuối cùng, họ đã tìm được, đồng thời có một cuộc sống giàu có, hạnh phúc.

Cô gái út xinh đẹp đã tìm được người chồng đốt than chăm chỉ, làm cho anh trở nên đẹp đẽ, người nhà nghèo cũng tìm được thần Ulâm, Rít thì xuống hang và có được của cải cũng như người vợ tốt.

Cũng có lúc, thần linh hiện lên không chỉ dẫn cho họ cách thức trực tiếp đạt được những mong muốn mà chỉ cho họ cách vượt qua các khó khăn, thử thách mà nhân vật được giao, từ đó, sau khi giải quyết những thử thách được giao, vượt qua những khó khăn gặp phải, nhân vật mới đi đến cái kết cục tốt đẹp. Cụ thể như trong truyện “Chiếc sừng bò”, nhân vật Bò – anh trai của Y Rít đã bị hại chết, Y Rít thì bị bắt buộc làm những việc vô cùng khó khăn và vô lí. Và 6 lần thử thách là 6 lần anh Bò hiện lên trong giấc mơ để bày cho Y Rít cách vượt qua từng biến cố đó. Kết quả là Y Rit lấy được vợ và hưởng cuộc sống yên lành

Thần cũng giúp đỡ nhân vật không chỉ bằng cách đưa ra lời chỉ dẫn để nhân vật làm theo, mà còn hứa hẹn sẽ trợ giúp, phù hộ cho nhân vật trên hành trình của mình, hoặc hứa ban phát cho điều thần kì: chàng Srôt được thần thương tặng cho viên đá thần, hứa ban cho ché thần để có thể giàu có hơn, nàng Biarat được cụ già bày cách làm cho người chồng đốt than của nàng trở thành người đẹp, hay ông già hứa giúp anh nông dân (Chuyện bắt cua) lấy được người vợ tốt,….

3.4.3 Sự cảnh báo

Những giấc mộng trong đó thần linh giao tiếp với con người nhằm mục đích dặn dò răn đe, cảnh cáo xuất hiện rất ít. Thường thì thần sẽ đến trong mơ, đưa ra một lời dặn dò về sự cấm kỵ mà nếu nhân vật vi phạm điều cấm ky đó sẽ bị trừng phạt. Có sự cảnh cáo với mức độ nhẹ nhằm ý thân thiện, cùng có lời cảnh cáo thù địch. Cụ thể trong các truyện được khảo sát, ta thấy rằng có lời cảnh báo với ý tốt cho nhân vật. Trong giấc mơ, thần giao tiếp với con người, đưa ra một lời dặn dò nhân vật phải hành động như thế nào để tránh điều không hay xảy ra. Truyện “Tắc kè con trời” có kể về giấc mơ của người con gái mang thai kì lạ thấy thần mặt trời dặn lấy chiếc la đồng hứng con khi sinh chứ không được để nằm trên chiếu trên đất.

Truyện “K’Ram và mũi tên của thần Sơ-na”, thần lại dặn K’Ram cách sử dụng mũi tên thần cho đúng, không được vi phạm vào điều cấm kỵ ấy, nếu không sẽ bị trả giá.

Có thể thấy, ở hai ví dụ trên, thần linh là người trợ giúp, mong muốn đem lại điều tốt lành cho con người.

Nhưng cũng có sự báo mộng để cảnh cáo, răn đe. Có mộng báo ở mức độ khiển trách (H Rit kể chuyện chàng Tun), có mộng báo ở mức độ răn đe, đe dọa sự trừng phạt bằng cái chết (Thần nước Jakia và nàng Ma Kọ)

Motif điềm báo dựa vào trạng thái của thực vật, đồ vật, âm thanh thường thực hiện chức năng cảnh báo nguy hiểm, tai họa cho nhân vật.

Tiểu kết: Trong cốt truyện cổ tích, điềm báo, mộng báo có chức năng tiên tri, trợ giúp, hoặc cảnh báo. Đặc biệt, chức năng tiên tri, dự báo trước tương lai, số phận của nhân vật và trợ giúp là những chức năng chủ yếu. Điều này phù hợp với quan niệm, niềm tin của đồng bào về điềm báo, mộng báo trong cuộc sống lao động, đời sống tinh thần, tâm linh. Như vậy, motif điềm báo và mộng báo thể hiện một mặt của văn hoá tâm linh – tín ngưỡng trong đời sống của các tộc người bản địa Tây Nguyên và những motif này có thể được coi như là là một thủ pháp trong phát triển cốt truyện, trợ giúp nhân vật chính chính diện để dẫn đến kết quả có hậu cho nhân vật.

Một phần của tài liệu một điềm báo và mộng báo trong truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở tây nguyên (Trang 103 - 108)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(256 trang)