Về kiểu nhân vật báo mộng

Một phần của tài liệu một điềm báo và mộng báo trong truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở tây nguyên (Trang 72 - 77)

CHƯƠNG 2: PHÂN LOẠI MOTIF ĐIỀM BÁO, MỘNG BÁO VÀ CẤU TẠO CỦA MOTIF ĐIỀM BÁO, MỘNG BÁO

2.6 Một vài so sánh với truyện cổ tích của người Việt

2.6.2 Về kiểu nhân vật báo mộng

Cũng như ở truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, nhân vật báo mộng là thần linh trong truyện cổ tích của người Việt chiếm số lượng nhiều nhất. Tuy vậy, người viết nhận thấy có rất nhiều sự khác biệt trong hình ảnh thần linh của người Việt so với thần linh trong quan niệm, tín ngưỡng của người Tây Nguyên. Thần linh báo mộng cho nhân vật ở truyện cổ tích của người Tây Nguyên là những vị thần quen thuộc gắn liền với những hiện tượng xung quanh cuộc sống của họ: núi, rừng, đất, sấm sét, mặt trời,… Hệ thống thần linh này đậm nét tư duy nguyên thuỷ.

Thần linh trong truyện cổ tích người Việt chỉ là vị thần chung chung, không cụ thể. Thần thường xuất hiện dưới hình dạng ông lão, được gọi bằng những danh

xưng khái quát như: thần, tiên, Bồ Tát,…. Ở đây ta nhận thấy có sự ảnh hưởng từ Đạo giáo, Phật giáo.

Không chỉ vậy, địa vị và sức mạnh thần linh trong truyện cổ tích người Việt không được tuyệt đối hoá trong truyện cổ tích của Tây Nguyên. Người Tây Nguyên tin tuyệt đối vào thần, vào sự tác động và hỗ trợ của thần. Ở cổ tích người Việt, có những nhân vật báo mộng là thần linh nhưng lại không có phép màu, không có khả năng siêu phàm chi phối, quyết định cuộc sống của con người. Có thể gọi đây là những tiểu thần, thường là những thần của làng, thần đền, thần miếu,… Thần thậm chí còn phải tôn kính, lễ phép với những con người đức cao vọng trọng, hoặc những con người mà tương lai có địa vị, danh phận cao quý. Vị thần trong truyện “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng” chỉ là một vị thần làng, cũng có thái độ cung kính, tôn trọng, e dè đối với người học trò. Mỗi khi người học trò đi ngang qua, thần đều báo mộng trước cho người giữ đền, dặn dò quét dọn sạch sẽ đền để đón tiếp được chu đáo.

Nếu thần giúp đỡ nhân vật đổi đời thì sự giúp đỡ luôn luôn kèm theo một điều cấm, một lời hứa từ nhân vật. Đồng thời, sự giúp đỡ của thần linh không phải lúc nào cũng đem đến kết thúc tốt đẹp cho nhân vật. Người ăn mày và chú tiều phu trong “Lời tiên” và “Con kiến” cuối cùng vẫn không thể hưởng thụ sự giàu sang cả cuộc đời do họ vi phạm lời hứa sẽ giúp đỡ người nghèo khi đã được giàu sang. Mặc dù kết cục của họ là xứng đáng nhưng qua đó cũng thấy rằng, thần linh không tác động tuyệt đối đến đời sống con người mà số phận của con người tuỳ thuộc vào nỗ lực, vào nhân cách, vào thái độ sống của họ.

Như vậy, ta thấy có sự khác nhau rõ ràng trong kiểu nhân vật báo mộng này trong truyện cổ tích của người Việt và truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Trong truyện cổ tích của người Việt, yếu tố thần kỳ cũng đóng vai trò trợ giúp cho hành trình của nhân vật chính. Nhưng sự trợ giúp này chủ yếu đến từ những người trợ giúp mà nhân vật gặp gỡ trên đường đi, từ những vật thần kì/vật trợ giúp mà nhân vật có được từ nhân vật trợ giúp, hoặc từ kẻ thù của mình. Cũng là sự giúp đỡ của nhân vật thần kỳ, trong truyện cổ tích của người Việt, Bụt hiện ra khi

nhân vật chính gặp khó khăn, thử thách, còn trong truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, nhân vật chủ yếu nằm ngủ và gặp thần trong giấc mơ rồi tỉnh dậy làm theo lời báo mộng. Do đó, vai trò của giấc mơ trong hành trình của nhân vật, chỉ dẫn, trợ giúp cho nhân vật cũng trở nên ít hơn và mờ nhạt hơn.

Ở truyện cổ tích của người Việt, hồn ma cũng là một kiểu nhân vật báo mộng xuất hiện nhiều lần. Đó là linh hồn của những người đã chết: người bạn học (Ma học trò hiện hình), người cha (Từ Đạo Hạnh hay Sự tích thánh Láng), hồn cô gái (Tháp báo ân). Người Việt cũng có quan niệm về người sống – người chết. Họ tin vào sự tồn tại của thế giới bên kia, thế giới của những hồn ma – linh hồn những người đã khuất. Khi con người chết, hồn thoát ra khỏi thân xác, phiêu diêu, lang thang nơi cõi trần. Có những linh hồn sẽ được đầu thai kiếp khác, nhưng cũng có những linh hồn vì còn vương vấn chốn trần gian, còn một nỗi oan ức hoặc còn tâm nguyện dang dở, chưa hoàn thành. Những linh hồn này không chịu siêu thoát, vẫn sẽ lang thang trên cõi trần, tìm cách giải nỗi oan, hoặc thực hiện ý nguyện, công việc của mình. Đây là quan niệm của Phật giáo cũng như của dân gian về oan hồn.

Trong khối lượng truyện khảo sát, chúng ta thấy sự xuất hiện của hồn ma người học trò tìm cách đền ơn cho người bạn đã chu đáo lo toan chôn cất mình, hồn ma của cô gái trọng tình trọng nghĩa muốn báo đáp tình cảm mà người yêu – anh học trò dành cho cô, là linh hồn của người cha đến để động viên, khuyên bảo đứa con trai thiệt thòi, nghèo khổ. Họ không phải là thần linh với những năng lực siêu nhiên hay quyền lực vô biên. Họ dù sống hay chết, là những con người có tâm hồn cao đẹp, sống vẹn tình vẹn nghĩa, trả ơn, báo đáp người còn sống, giúp người còn sống có được kết quả tốt đẹp, cuộc sống hạnh phúc.

Ở truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, ta ít thấy kiểu nhân vật báo mộng này. Chỉ có một truyện là “Chàng Jiông” trong đó nhân vật báo mộng là hồn người cha hiện lên trong giấc mơ của Jiông trở thành chàng trai đẹp hơn người, chỉ dẫn bước hành động tiếp theo của nhân vật chính. Còn lại, người báo mộng hầu hết là lực lượng siêu nhiên, thần bí, có uy lực, sức mạnh kì diệu. Hơn nữa, người Tây Nguyên với quan niệm về sự sống – cái chết, về người sống – người

chết có một chút khác biệt. Như đã nói, người Tây Nguyên cho rằng cái chết là sự khởi đầu cho một cuộc sống mới hoàn toàn mới, con người được trở về với tổ tiên, qua nhiều lần chuyển hóa, hồn sẽ quay về đầu thai ở đứa bé trong dòng họ. Sau khi làm lễ bỏ mả, người sống và người chết sẽ không còn mối liên hệ ràng buộc lẫn nhau, người sống đã hết trách nhiệm với người chết. Hơn nữa, người Tây Nguyên còn có sự tin tưởng tuyệt đối vào sự báo mộng, tiên tri, giúp đỡ của thần linh, của thế giới siêu nhiên. Họ cho rằng chỉ có yang mới có uy quyền và sức mạnh để tác động đến số phận, cuộc sống của họ.

Trong truyện cổ tích của người Việt, có những hồn ma báo mộng để trả ơn, nhưng cũng có những oan hồn chịu cái chết uất ức nên báo mộng để cảnh cáo, báo thù những kẻ đã gây nên oan khuất của họ. Đó là mộng báo ở truyện “Từ Đạo Hạnh hay sự tích Thánh Láng”, một câu chuyện mang hơi hướng tôn giáo.

Đối với người Việt, người ta tin rằng vẫn có mối quan hệ giữa người sống và người chết, đó là mối quan hệ bằng tâm linh và thông qua thờ cúng. Trong tâm linh người Việt, người đã khuất vẫn tồn tại như một thể vô hình, có thể tham gia, chứng kiến và góp phần xử lý mọi vấn đề.

Đối với kiểu nhân vật báo mộng là linh hồn của con vật, kiểu nhân vật này thường xuất hiện trong các truyện mang hơi hướng tôn giáo như: Rắn báo oán, Sự tích cây huyết dụ,…Dân gian tin rằng trong mỗi loài vật đều có mang linh hồn như con người. Vì thế mà đạo Phật khuyên con người chớ nên sát sinh, sát sinh sẽ tạo nên nghiệp chướng và con người sẽ phải trả nghiệp chướng ấy trong kiếp này, thậm chí cả kiếp sau. Ở những câu chuyện cổ tích này, con vật tiếp xúc, trò chuyện với người trong giấc mơ dưới lốt người: đó là mẹ con đàn lợn dưới hình dáng của một người đàn bà và năm đứa con nhỏ, là rắn mẹ dưới hình dạng người đàn bà. Dễ dàng nhận ra rằng nhân vật báo mộng ở đây là linh hồn của những con vật đang mang thai. Như vậy, thiêng tính nữ không chỉ có ở con người mà còn có ở những loài vật khác.

Truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cũng có nhân vật báo mộng là loài vật, đồ vật. Nhưng trong tâm thức của đồng bào, đó phải là con vật

thiêng, là đồ vật thiêng. Chúng cũng có vị trí sánh ngang thần linh, thần linh trú ngụ trong chúng. Do đó, họ tôn kính, nể sợ chúng. Còn những loài vật là nhân vật báo mộng trong truyện cổ tích người Việt là những con vật bình thường thường gặp trong cuộc sống. Điều này có thể giải thích bằng việc các tộc người Tây Nguyên với tín ngưỡng đa thần, có xu hướng “thiêng hóa” những đồ vật, loài vật quan trọng, có ý nghĩa trong đời sống lao động, tinh thần, tâm linh của họ. Và một lần nữa xin nhấn mạnh mộng báo và vai trò của mộng báo là vô cùng quan trọng trong cuộc sống cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Họ tin vào thần linh, vào sự linh thiêng, luôn cầu mong một tín hiệu từ thần linh, từ yang để hành động. Cũng bởi thế, họ cho rằng các điềm báo, mộng báo chỉ có thể đến từ những thế lực siêu phàm ấy.

Một điểm khác biệt nữa là yang trú trong đồ vật thiêng, con vật thiêng báo mộng cho nhân vật (trong truyện cổ tích của dân tộc Tây Nguyên) là để giúp đỡ, chỉ dẫn hành động, mang lại của cải, hạnh phúc cho nhân vật. Còn trong truyện cổ tích người Việt, linh hồn loài vật báo mộng cho nhân vật là để cầu xin sự cứu giúp, cụ thể là xin giữ lại mạng sống cho chúng. Linh hồn người mẹ trong chúng đã cầu xin sự bảo vệ, che chở cho mình và đàn con của mình. Hơn nữa, khi lời báo mộng cầu khẩn kia không thực hiện được, con vật sẽ quay lại trả thù chính người nằm mộng mà vì một lí do nào đó, vô tình không thể cứu thoát bầy con của nó. “Rắn báo oán”

là một ví dụ. Truyện “Rắn báo oán” có thể do tầng lớp nho sĩ đặt ra nhằm huyền thoại hóa tấn thảm kịch của người anh hùng Nguyễn Trãi, truyện có những yếu tố hoang đường.

Nói tóm lại, về kiểu nhân vật báo mộng, ta thấy có sự khác nhau rất lớn giữa truyện cổ tích của người Việt và truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở tây Nguyên. Dù thoạt nhìn, nhân vật thần linh đều xuất hiện trong truyện cổ tích của hai bên nhưng xét đến tận cùng vẫn bộc lộ những điểm không đồng nhất. Nhân vật báo mộng trong truyện cổ tích Tây Nguyên đa số đều là những lực lượng thiêng liêng, thần kỳ, có sức mạnh và uy lực to lớn, được mọi người kiêng nể, kính trọng. Hơn nữa, những lực lượng ấy hầu như đóng vai trò trợ giúp cho nhân vật chính. Còn các

kiểu nhân vật báo mộng trong truyện cổ tích người Việt, ta lại thấy không có sự tập trung thống nhất về địa vị, sức mạnh, vai trò của từng kiểu nhân vật. Có nhân vật thần linh với vai trò hỗ trợ nhưng vai trò này không được thực hiện đến cùng như ở cổ tích Tây Nguyên. Có kiểu nhân vật hồn ma có lúc đóng vai trò giúp đỡ, có lúc giữ vai trò là cầu sự trợ giúp. Còn kiểu nhân vật linh hồn loài vật, hoàn toàn không phải là nhân vật trợ giúp, mà là nhân vật cần sự tương trợ, thậm chí quay ngược lại trở thành kẻ thù chống đối, hãm hại nhân vật chính. Kiểu linh hồn loài vật này hoàn toàn khác biệt với kiểu nhân vật thiêng báo mộng trong truyện cổ tích của các tộc người Tây Nguyên.

Tiểu kết: Nhìn chung, cổ tích Tây Nguyên và cổ tích người Việt đều quan tâm đến những nhân vật bất hạnh như người mồ côi, người nghèo khổ, người xấu xí,… và cũng sử dụng yếu tố thần kỳ như một thủ pháp nghệ thuật là phát triển cốt truyện hỗ trợ nhân vật với những motif chung. Tuy vậy, ngoài những đặc điểm chung thì mỗi tộc người đều có bản sắc riêng của dân tộc mình trên cơ sở đặc điểm tự nhiên, đời sống lao động sản xuất, đời sống tâm linh, tín ngưỡng,….Có thể khẳng định hiện tượng điềm báo và mộng báo bao phủ đời sống tinh thần của các tộc người Tây Nguyên, làm cho nó xuất hiện đậm đặc trong truyện cổ tích, trong khi đó, ở truyện cổ tích của người Việt, yếu tố mộng báo, điềm báo ít nhiều mờ nhạt.

Một phần của tài liệu một điềm báo và mộng báo trong truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở tây nguyên (Trang 72 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(256 trang)