CHƯƠNG 2: PHÂN LOẠI MOTIF ĐIỀM BÁO, MỘNG BÁO VÀ CẤU TẠO CỦA MOTIF ĐIỀM BÁO, MỘNG BÁO
3.3 Vai trò của motif điềm báo và mộng báo trong cốt truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
Giấc mơ và điềm báo có vai trò quan trọng, quyết định trong đời sống của cộng đồng cư dân thiểu số ở Tây Nguyên. Và như vậy, giấc mơ và điềm báo cũng thâm nhập vào đời sống của những câu chuyện cổ tích Tây Nguyên. Motif điềm báo và motif mộng báo xuất hiện hầu khắp các truyện và có khi được lặp đi lặp lại nhiều lần trong một truyện. Trong diễn biến cốt truyện, hai motif này có tính chất quyết định sự phát triển của truyện, nói cách khác là quyết định những bước kế tiếp trong hành trình của nhân vật chính. Và những bước kế tiếp này là bước ngoặt tạo nên sự đổi đời của nhân vật, tạo nên số phận chung cuộc của nhân vật đó.
Thứ nhất, motif mộng báo đóng vai trò trực tiếp thay đổi số phận của nhân vật: motif báo mộng có thể xuất hiện sau khi nhân vật rời nhà, do tự nguyện hoặc bị đuổi. Trong lúc đói, khát, mệt, ngủ thiếp đi và được báo mộng. Nhờ có giấc mộng
này mà nhân vật chính trực tiếp nhận sự giàu có hay được thay đổi ngoại hình, và kết hôn.
Thứ hai, motif điềm báo, mộng báo dẫn đến sự rời nhà ra đi tìm kiếm của nhân vật chính. Sau khi được báo mộng, nhân vật nhận được một lời khuyên bảo, một sự hướng dẫn hành động, và nhân vật thực hiện theo lời chỉ dẫn của người báo mộng đi tìm vật thần kì hoặc thần linh. Trên hành trình đi tìm này, họ phải vượt qua thử thách để tìm được vật trợ giúp hoặc người trợ giúp để rồi có được sự giàu có, hạnh phúc, kết hôn với một người xứng đáng: người đẹp, con của thần linh,….
Đối với những truyện mà nhân vật là những chàng trai dũng sĩ, motif mộng báo hầu hết xuất hiện ngay từ đầu truyện, từ đó dẫn đến việc nhân vật rời khỏi nhà, do tự nguyện hoặc bị đuổi đi và bắt đầu cuộc hành trình của mình. Nhân vật chính phải trải qua những trắc trở và cuối cùng nhận được kết thúc tốt đẹp.
Trong khi đó, motif điềm báo lại xuất hiện khi nhân vật chính đã rời khỏi nhà, có thể là đi làm, đi xa… Trong cốt truyện cổ tích, nhân vật rời nhà ra đi sẽ bắt đầu đối mặt với những khó khăn, cạm bẫy trên đường. Mỗi khi nhân vật chuẩn bị ra đi thường để lại ở nhà một vật làm tin kèm theo những lời dặn dò. Những vật này sẽ thông báo tình trạng của người ra đi cho người nhà biết. Sự biến đổi trạng thái, màu sắc, hình dạng của vật chính là điềm báo về tai họa, khó khăn mà người đi xa đang hoặc sắp gặp phải. Người ở nhà nhận được điềm báo sẽ lập tức rời nhà cứ giúp người gặp tai họa ở xa.
Có trường hợp ngược lại, motif điềm báo dẫn đến sự trở về của nhân vật.
Nhân vật vì một lí do nào đó phải đi xa nhưng vẫn lo lắng cho sự an toàn của người thân, cụ thể là người vợ, nên cũng dùng các đồ vật, cây cối làm tín hiệu báo trước sự an nguy của người thân. Lúc này, người chồng nhận được điềm báo (hoa rụng mất một cánh, vòng rơi) nên trở về, tiêu diệt đối thủ và cứu được vợ. Thường thì ở các mô hình có điềm báo, người kể không nói rõ diễn biến hành trình của nhân vật mà những biến cố, thử thách của nhân vật được đặt ra sau khi nhân vật nhận điềm báo và quay về.. Trên đường đi, nếu nhận thấy điềm báo từ những vật thân thuộc của người vợ (người vợ vì vô tình không thực hiện theo nên bị hại) người chồng sẽ
lập tức trở về để trợ giúp, cứu sống người thân của mình. Đối với truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thì trường hợp này là phổ biến. Điềm báo sẽ dẫn đến sự trở về của nhân vật chính, và nhân vật chính sẽ có những hành động bảo vệ người bị hại, trừng phạt kẻ xấu, kẻ hãm hại.
Cũng có một số truyện mà nhân vật được báo mộng nhiều lần. Motif báo mộng được lặp lại mỗi khi nhân vật gặp khó khăn mới, thử thách mới, giúp nhân vật giải quyết khó khăn, thử thách ấy. Nhân vật chính kết giao bạn bè (cá, rắn, người em ruột trong lốt thú), sau đó vì bị người xấu hãm hại mà người bạn kết giao này bị chết còn nhân vật chính thì bị kẻ xấu đưa ra hết yêu cầu khó này đến yêu cầu khó khác, hết thử thách này đến thử thách khác. Mỗi lần như vậy, hồn người bạn báo mộng nhiều lần để giúp thực hiện những nhiệm vụ mà nhân vật bị bắt buộc phải thực hiện. Kết cục kẻ xấu bị trừng phạt còn nhân vật chính được sống yên bình, hạnh phúc.
Đôi khi, nhân vật chính là người trực tiếp đi vào giấc mơ của người khác để cầu mong sự trợ giúp, bảo vệ. Lúc này, mộng báo cũng có vai trò giúp đỡ nhân vật giải quyết khó khăn, vượt qua sự nguy hiểm, sự đe dọa. Chàng K’Lanh trong lúc bị loài cọp tinh đuổi theo đã biến vào trong quả xoài, được cá nuốt vào bụng. Trước nguy hiểm ấy, chàng đã cầu đến sự giúp đỡ của bà lão sống một mình ven hồ. Nhờ bà lão, K’Lanh đã từ quả xoài bước ra, làm con nuôi của bà và tìm cơ hội tiêu diệt kẻ thù. Cô gái tóc thơm bị cọp tinh giả mạo, đã báo mộng cho chồng của mình.
Người chồng được vợ báo cho biết sự thật và bày cách hồi sinh vợ. Người Tây Nguyên quan niệm con người có nhiều linh hồn, cái chết của con người không phải là sự chấm hết mà là sự tái sinh qua 7 lần chuyển hoá. Linh hồn con người trong lúc ngủ lang thang, phiêu lưu đâu đó và trong lúc lang thang, phiêu lưu, có thể gặp gỡ, tiếp xúc nhau. Có một điều đáng chú ý là nhân vật bị hai, bị đuổi theo khi gặp nguy hiểm thường ẩn mình vào trong cây cối, con vật: trốn vào quả xoài, vào bụng cá,
…Trường hợp này cũng dễ hiểu, bởi lẽ cư dân Tây Nguyên với tư duy thần bí, với cuộc sống nhuốm màn sương huyền ảo cho rằng con người, vạn vật cùng chung nguồn gốc và có sự gắn kết chặt chẽ.