CHƯƠNG 2: PHÂN LOẠI MOTIF ĐIỀM BÁO, MỘNG BÁO VÀ CẤU TẠO CỦA MOTIF ĐIỀM BÁO, MỘNG BÁO
3.5 Một vài so sánh với truyện cổ tích của người Việt
3.5.2 Về vai trò, chức năng của motif điềm báo và mộng báo trong cốt truyện cổ tích
Vai trò, chức năng của motif điềm báo và mộng báo trong truyện cổ tích của người Việt cũng có nhiều điểm khác biệt so với vai trò, chức năng của các motif này trong truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Trong một số truyện cổ tích, mộng báo cũng có vai trò chỉ dẫn hành động của nhân vật nhưng nội dung, diễn biến, kết thúc của truyện lại không phải xoay
quanh hành trình, số phận của nhân vật mà nhằm một mục đích, mục tiêu khác: giải thích sự vật, hiện tượng nào đó (Sự tích cây huyết dụ, Nhà sư và con cá kình).
Không ít truyện, mộng báo không đóng vai trò quan trọng đối với số phận của nhận vật, không có tính chất dẫn dắt tình huống chính hay hành trình thử thách của nhân vật. Ở những truyện này, sự báo mộng diễn ra ở phần kết thúc của truyện nhằm báo cho người nằm mộng biết được kết quả của một công việc đã được thực hiện xong. Kiểu báo mộng này có thể thấy trong các truyện “Ma học trò hiện hình”,
“Âm dương giao chiến”, “Truyện Thủ Huồn”. Người học trò được hồn ma giúp đỡ thi đỗ, sau đó mới nằm mộng được báo cho biết, vị tướng sau khi chết vì bị thuỷ thần hãm hại, báo mộng cho chị mình biết tình hình cuộc chiến giữa hai bên. Thủ Huồn được báo mộng sau khi đã cải tà qui chính, cố gắng thực hiện những hành vi sám hối.
Một số truyện cổ tích khác, sự cầu mộng từ thần linh được coi như là một sự mê tín, bói toán của tầng lớp vua quan để xin sự chỉ dẫn hành động của lực lượng siêu nhiên này. Tuy vậy, sự báo mộng ấy không mang đến điều tốt đẹp cho những nhân vật nghèo hèn trong xã hội mà để phục vụ cho lợi ích của tầng lớp trên.
Truyện “Vì sao sông Tô Lịch và sông Thiên Phù hẹp lại” là một dẫn chứng cho điều này.
Người nhận được mộng báo không hẳn tin vào giấc mộng nên sự giúp đỡ không phải lúc nào cũng được thực hiện. Trong truyện “Rắn báo oán”, cụ đồ không chắc chắn vào mộng mị và đã không thể kịp ra tay cứu giúp kẻ cầu xin trong giấc mộng.
Trong một số truyện, chi tiết mộng báo dường như không giữ vai trò quan trọng. Ở một số dị bản, chi tiết này được lược bỏ hoặc được thay thế những chi tiết khác. Cụ thể như bản kể “Anh em sinh năm”, cuộc gặp gỡ giữa cô gái mang thai với thần không diễn ra trong giấc mơ; “Truyện Thủ Huồn”, sự báo mộng ở cuối truyện không được nhắc đến mà đã bị lược bỏ.
Về chức năng của motif mộng báo, ở truyện cổ tích của người Việt, chức năng tiên tri rất mờ nhạt, hầu như là không có trong khi sự tiên tri đóng vai trò chủ đạo trong truyện cổ tích của các tộc người Tây Nguyên,
Motif mộng báo trong truyện cổ tích người Việt chủ yếu có chức năng thông báo một tin tức, khuyên răn, chỉ dẫn, cầu xin sự giúp đỡ. Người được báo mộng tiếp xúc với nhân vật báo mộng trong những giấc mơ và giấc mơ trở thành môi trường giao tiếp, gặp gỡ giữa người sống với những con người thuộc thế giới vô hình, siêu nhiên.
Đối với sự trợ giúp: chức năng này được biểu hiện bằng những lời chỉ dẫn hành động, bằng lời động viên. Nhân vật chính nhận được mộng báo, thay đổi được số phận, từ cảnh sống nghèo khó, rách rưới thành cuộc sống giàu sang, quyền lực.
Nhân vật được giúp đỡ trực tiếp thông qua sự ban phát của cải, chỉ đường để tìm vàng, hoặc được giúp đỡ về mặt tinh thần, được an ủi, động viên. So sánh với truyện cổ tích của các cư dân bản địa ở Tây Nguyên, ta thấy các giấc mộng cũng đóng vai trò là sự trợ giúp, nhưng không đi kèm với một điều cấm kỵ nào. Nhân vật báo mộng, thường là thần linh, báo mộng để giúp đỡ những người mồ côi, những người bị hắt hủi, nghèo khổ, cô độc để họ đổi đời. Được sự giúp đỡ, chỉ dẫn, họ có nhiều thóc lúa, trâu bò, trở nên giàu có, được thay đổi hình dáng xấu xí thành xinh đẹp, có khi còn kết hôn với chàng trai/cô gái đẹp, có tài và sống hạnh phúc. Truyện của các cư dân bản địa Tây Nguyên chỉ đơn giản như vậy.
Xét đến sự giúp đỡ của nhân vật báo mộng trong truyện cổ tích người Việt, ta thấy diễn biến câu chuyện có thêm nhiều tình tiết, cốt truyện phức tạp hơn và thường thì nhân vật không có kết quả tốt đẹp. Sự giúp đỡ của thần tiên thường đi kèm với sự cảnh báo, hoặc một điều kiện kèm theo mà ta có thể gọi chung là “điều cấm kỵ”. Truyện “Con kiến”, “Lời tiên” sau khi ban cho nhân vật vàng bạc hay chỉ dẫn nhân vật có được vàng, bao giờ thần, tiên cũng dặn nhân vật sau này phải giúp đỡ, đối xử tốt với những người khác. Có nhân vật phải trả giá bằng cái chết, hoá thân thành một loài vật nào đó, có nhân vật thì bị tước hết tất cả những gì đã được ban cho, trở lại cảnh sống nghèo khổ như xưa.
Đối với truyện của người Tây Nguyên, ta thấy được mơ ước của cả cộng đồng về một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn mà ở đó, thần linh ra tay giúp đỡ, ban phát những thứ tốt đẹp cho con người bất hạnh nhưng có những tính cách, phẩm chất cao quí. Một cuộc sống lý tưởng trong tưởng tượng của dân gian, một cuộc sống chỉ có được trong thế giới cổ tích. Còn truyện của người Việt gần với thực tế cuộc sống, xã hội của họ. Trong xã hội ấy, sự giàu có, quyền lực làm con người loá mắt, khơi lên sự tham lam, tính ích kỷ, thói háo danh của con người. Do đó, con người phải bị trừng phạt, trả giá cho hành vi của mình.
Cầu xin sự trợ giúp cũng là một biểu hiện nữa của motif mộng báo trong truyện cổ tích của người Việt. Người báo mộng đến để nhờ vả, cầu khẩn sự cứu giúp, tương trợ từ người nằm mộng. Ở cổ tích của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, ta cũng thấy có những mộng báo xin sự giúp đỡ, tương trợ. Đó là khi nhân vật chính gặp phải sự đe doạ đến tính mạng, nên tìm kiếm sự che chở, giúp đỡ từ lực lượng trợ giúp. Cùng là mộng báo xin trợ giúp nhưng diễn biến, cốt truyện và nội dung của cổ tích người Việt không giống như truyện của người Tây Nguyên.
Vai trò người trợ giúp và người xin trợ giúp có khác. Nhân vật báo mộng xin sự giúp đỡ không phải là nhân vật chính của truyện, nhân vật nhận mộng báo có lúc chỉ đóng vai trò như một nhân vật chức năng. Sự phát triển của câu chuyện không xoay quanh nhân vật nhận mộng báo hay nhân vật báo mộng. Truyện “Rắn báo oán”có cái lõi lịch sử là đề cập đến nỗi oan của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi nhưng người được báo mộng là cụ đồ, người báo mộng là rắn mẹ. Ở “Sự tích cây huyết dụ”, nhân vật được báo mộng là nhà sư, nhân vật báo mộng là Bồ Tát nhưng truyện lại tập trung giải thích tên gọi của một loại cây.
Tiểu kết: Tóm lại, trong truyện cổ tích của người Việt, motif điềm báo và mộng báo rất ít xuất hiện, do đó nội dung của điềm báo và mộng báo không đa dạng như ở truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở tây Nguyên, cũng như vai trò của các motif này mờ nhạt hơn. Tuy cùng có sự gặp gỡ, tương đồng giữa một số nội dung và vai trò, chức năng của motif điềm báo và mộng báo nhưng diễn biến, kết quả của truyện cổ tích người Việt lại có những điểm khác biệt khá rõ rệt. Có thể nói, sự khác
nhau, hay đúng hơn là sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế, xã hội, tư duy cùng với sự khác nhau về đặc điểm tín ngưỡng, phong tục tập quán đã dẫn đến những sự khác biệt trên. Đều xuất phát từ văn hoá nguyên thuỷ nhưng người Việt sớm bước vào xã hội giai cấp. Do đó, dấu vết văn hoá nguyên thuỷ không phải không được thể hiện trong truyện cổ tích người Việt mà là những yếu tố văn hoá mới của thời kì giai cấp và nhà nước đã bộ lộ rõ rệt trong truyện cổ tích của người Việt.