CHƯƠNG 2: PHÂN LOẠI MOTIF ĐIỀM BÁO, MỘNG BÁO VÀ CẤU TẠO CỦA MOTIF ĐIỀM BÁO, MỘNG BÁO
2.5 Kiểu nhân vật nhận được điềm báo hoặc mộng báo
2.5.1 Nhân vật mồ côi
Kiểu nhân vật mồ côi là kiểu nhân vật chiếm số lượng đông đảo nhất trong truyện cổ tích của các dân tộc. Nhân vật mồ côi cũng là những con người bình thường trong cộng đồng nhưng gặp bất hạnh: mất cha hay mẹ, hoặc mất cả cha lẫn mẹ. Những nhân vật được sinh ra do người mẹ ăn phải một thứ trái cây hay uống một thứ nước lạ…. cũng được coi là nhân vật mồ côi. Nhân vật mồ côi trong truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thường sống một mình nơi rẫy cũ, lều cũ, gần như tách biệt với mọi người. Có khi nhân vật mồ côi sống với mẹ, hoặc với bà. Dù là sống một mình, sống với mẹ, hay sống với bà thì tựu trung lại, họ vẫn là những người phải chịu đựng cuộc sống thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần, tình cảm, ít được cộng đồng để ý đến, và có khi bị coi thường, ruồng rẫy. Khi có việc trọng đại của làng, thậm chí người ta không thèm nhớ đến anh ta/cô ta. Bởi thế, nhân vật mồ côi trong truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên có thể không có danh xưng cụ thể, cũng có thể có tên riêng, và có một cái tên phổ biến thường được dùng để gọi những chàng mồ côi là Rit, Y Rít, hay Đrit.
Những nhân vật sống với cậu mợ nhưng cậu mợ lại là những kẻ tham lam, tàn nhẫn, luôn tìm cách hắt hủi, bóc lột người cháu của mình, những người mồ côi đi ở, làm tôi tới cho chủ làng và thường bị bắt làm những công việc rất vất vả song lại không được trả công xứng đáng. Chung qui lại, họ không chỉ bất hạnh vì hoàn cảnh mồ côi mà còn bị đối xử tàn nhẫn, bóc lột. Một nhân vật sống với người mẹ góa hay người bà hiền hậu, luôn yêu thương, đùm bọc cháu, nhưng sự đối xử của những người xung quanh với họ cũng không hề thay đổi: vẫn ghẻ lạnh, thờ ơ, coi thường.
Mồ côi – nghèo khổ: chúng ta thường gặp hình ảnh những con người mồ côi sống trong sự cô đơn, lẻ loi, nghèo khổ, thiếu ăn, thiếu lúa gạo… Chính vì thế, truyện cổ tích – miền đất gieo mầm những ước mơ, khát vọng về hạnh phúc đã dành cho lớp người này sự quan tâm và cảm thông đặc biệt. Và có lẽ hơn ai hết, chính họ - những con người mồ côi, bất hạnh là những người khao khát nhất một cuộc sống đầy đủ, sung sướng. Ước muốn ấy đã đem đến những giấc mơ – con đường giải toả những uẩn ức tâm lí, con đường hiện thực hoá những mong muốn không thể có được trong thực tại.
Rơ-bah mồ côi, nghèo khổ thường bị dân làng cười nhạo nhưng cậu lại được Giàng NĐu đổi cho một hòn đá có phép lạ. Linh hồn của đá đã nhiều lần báo mộng hướng dẫn cậu bé cách làm việc, trồng trọt, thu hoạch. Rơ-bah cuối cùng cũng có nhiều thóc lúa và khi lớn lên, cậu trở thành một chủ làng giàu có, tốt bụng.
Cô gái H’Long mồ côi, bị cậu mợ đối xử tệ bạc nhưng được sự giúp đỡ của thần trong giấc mộng đã có được nhiều lúa thóc, trâu bò và cưới con trai chủ làng, sống rất hạnh phúc.
K’Ram mồ côi, bị cậu mợ hắt hủi, bị mọi người cười nhạo. Thương cảm hoàn cảnh bị cô lập của cậu, thần đã ban cho mũi tên thần và báo mộng để dặn dò.
Cuối cùng, cậu trở thành một chàng trai vạm vỡ, tài giỏi trong việc săn bắn. Đồng thời, chàng còn được kết hôn với con gái của thần, được sống hạnh phúc, giàu có.
Chàng cũng không quên giúp đỡ cho dân làng cũ khi họ gặp mùa màng đói kém, phải kéo nhau đi xin ăn.
Tuy cuộc sống của những nhân vật mồ côi xoay quanh cái đói, cái nghèo nhưng hầu hết họ đều có những phẩm chất đáng ca ngợi: sự chăm chỉ, cần cù, sự thật thà, tốt bụng. Vì thế, thần linh luôn ngự trị xung quanh cuộc sống con người, quan tâm, giúp đỡ những số phận bất hạnh. Trong giấc mộng, thần linh hiện lên giúp đỡ, chỉ bảo cho họ cách thức có được của cải. Đó là một cách bù đắp cho sự nghèo khổ, bất hạnh, ban thưởng cho nhân phẩm đẹo đẽ của họ. Không phải thần linh đến với tất cả mọi người, giúp đỡ tất cả mọi người. Thần chỉ đến và ban thưởng cho những con người xứng đáng. Chàng K’Làng giỏi câu cá, cảm động được con vua Nước và được kết hôn với nàng công chúa con vua Thủy tề; cô gái nghèo, lương thiện, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác được thần Xơ- ri giúp cho thóc gạo đầy nhà, trở nên giàu có,….
Mồ côi – xấu xí: nhân vật mồ côi – xấu xí không chỉ sống cô độc, nghèo mà còn bị mọi người chê cười, xa lánh vì vẻ ngoài vô cùng xấu xí của họ. Nhưng đối lập với cái lốt xấu xí bên ngoài, họ lại siêng năng, chịu khó, thậm chí là tài giỏi. Lúc nào cũng thế, kết thúc câu chuyện, nhân vật hoặc là được cởi lốt xấu xí để lộ ra hình dáng đẹp đẽ, khoẻ mạnh, hoặc là nhờ vào sự trợ giúp thần kì để biến thành người đẹp. Cái xấu xí vẻ ngoài lúc đầu đó là để che giấu đi cái vẻ đẹp thực sự bên trong.
Truyện cổ tích mà nhân vật chính là kiểu nhân vật mồ côi – xấu xí thể hiện một cái nhìn khoan hậu, khích lệ của dân gian đối với những số phận không may trong cộng đồng – những người xấu xí, nghèo khổ, tật nguyền,….
Y Đăm – tai to, mồ côi lại xấu xí, dị dạng với đôi tai “to như hai chiếc nong sẩy gạo”. Chàng được bà cháu Y Rít nhận cho ở cùng, được thần giúp đỡ báo mộng ban cho một ngôi làng đẹp đẽ và giàu có, được cưới nàng Mơ Nga xinh đẹp con gái mtao cùng một đứa con trai kháu khỉnh, thông minh.
Nhận được sự giúp đỡ gián tiếp của thần linh hoặc chính cha mẹ đã mất của mình qua các giấc mộng, nhân vật mồ côi – xấu xí nói riêng và nhân vật mồ côi nói chung đã thay đổi hoàn toàn số phận cuộc đời mình: trở nên giàu có, trút bỏ được lốt xấu xí, lấy được vợ đẹp, hưởng cuộc sống hạnh phúc. Thông qua số phận, kết cục của nhân vật mồ côi, thông qua những giấc mộng của họ, truyện cổ tích thể hiện
ước mơ của con người về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trong đó, những người có thân phận thấp hèn, có số phận bất hạnh, nghèo khổ, xấu xí sẽ được hưởng những điều tốt đẹp xứng đáng với phẩm chất, nhân cách của họ.
Của cải, hạnh phúc, địa vị,… là những sự ban tặng “thần kỳ” cho những nhân vật bất hạnh nhưng cần cù, tốt bụng, thật thà. Người mồ côi cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc trọn vẹn về cả vật chất và tinh thần. Và nói cho cùng, con người giành được hạnh phúc, ước mơ là nhờ vào cái thiện trong con người mình. Trong truyện “Chàng KTỉa Truôi”, chính thần Nước đã hiện lên trong giấc mơ của nàng Hơ-rum Mơ-lút và nói: “Em không biết rằng người nghèo hèn nhất mà ráng sức làm lụng thì cũng sẽ ấm no, sung sướng hay sao. Những kẻ giàu sang mà độc ác thì sớm muộn sẽ mất đi, họ sẽ chết mãi mãi và không bao giờ được trở lại làm người”. Đây cũng chính là quan niệm của dân gian về cái thiện – cái ác, người tốt – người xấu, thể hiện ước mơ về một cuộc sống mà chiến thắng thuộc về cái tốt, điều thiện.
Tiểu kết: Nhân vật mồ côi là kiểu nhân vật chính rất thường thấy trong truyện cổ tích của tất cả các dân tộc không chỉ ở Việt Nam mà còn của các dân tộc trên thế giới. Điều này cho thấy điểm gặp gỡ trong tâm lí, quan niệm của các cộng đồng người. Họ luôn luôn dành sự quan tâm đặc biệt, cảm thông đặc biệt đối với những con người có vị trí thấp bé trong xã hội, những con người có số phận bất hạnh nhất. Khởi đầu, nhân vật chính vốn rất nghèo, nhưng cuối cùng, khi nhận được sự giúp đỡ, ở đây sự trợ giúp được biểu hiện bằng motif mộng báo, họ đã có sự thay đổi về tài sản và địa vị. Tất cả họ đều được sống hạnh phúc, giàu có, lấy được vợ/chồng đẹp. Hơn nữa, khi những con người mồ côi – nghèo khổ này được no đủ, trở nên giàu có cho chính mình, họ vẫn không quên giúp đỡ những người nghèo khổ khác, họ đem cả sự no đủ và giàu có ấy cho cả buôn làng. Đó chính là giá trị nhân văn của truyện cổ tích.