Về motif điềm báo

Một phần của tài liệu một điềm báo và mộng báo trong truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở tây nguyên (Trang 38 - 46)

CHƯƠNG 2: PHÂN LOẠI MOTIF ĐIỀM BÁO, MỘNG BÁO VÀ CẤU TẠO CỦA MOTIF ĐIỀM BÁO, MỘNG BÁO

2.3 Khảo sát motif điềm báo và mộng báo

2.3.1 Về motif điềm báo

Có nhiều cách để phân chia các kiểu điềm báo của motif điềm báo trong truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Nếu dựa vào tính chất của điềm báo, chúng ta có thể phân loại thành 2 kiểu: điềm may mắn và điềm tai họa hay gọi cách khác là điềm lành và điềm gở. Điềm báo tai hoạ là nội dung chủ yếu của motif điềm báo trong cách truyện cổ tích được khảo sát. Những dấu hiệu, hiện tượng xảy ra mà nhân vật nhận biết được thường thông báo một khó khăn, một sự nguy hiểm mà nhân vật sắp gặp phải như: vợ bị cướp, vật quí bị mất, cái chết của người thân, sắp bị thần linh trừng phạt,…

Còn điềm báo may mắn chủ yếu gắn với các giấc mộng. Khi nhân vật nằm mộng thấy những hình ảnh kì lạ, đó là điềm báo trong tương lai, nhân vật sẽ nhận được sự trợ giúp, số phận giàu có, hạnh phúc, hoặc đơn giản là sẽ được như ý nguyện: sắp có con,…

Dựa vào chức năng, vai trò của motif điềm báo, ta lại có hai kiểu: điềm báo báo trước tương lai và điềm báo báo sự việc đã, hoặc đang xảy ra.

Nếu dựa vào dấu hiệu của điềm báo, chúng ta có các kiểu:

- Kiểu điềm báo dựa vào giấc mơ, có thể gọi tắt là điềm mộng;

- Kiểu điềm báo dựa vào trạng thái của thực vật: cây cỏ, hoa lá;

- Kiểu điềm báo dựa vào trạng thái của đồ vật: sữa, chỉ, nhẫn, vòng tay;

- Kiểu điềm báo dựa vào âm thanh: tiếng chiêng trống.

Ở phần này, luận văn dựa vào dấu hiệu của điềm báo để phân loại các kiểu điềm báo.

2.3.1.1 Về điềm mộng

Các hình ảnh trong những giấc mơ là những ký hiệu – những chỉ dẫn, cảnh báo. Dựa vào những hình ảnh trong giấc mộng, người ta có thể đoán được ý nghĩa của giấc mộng đó là tốt hay xấu, dự báo điều gì. Các hình ảnh trong giấc mộng có tính biểu tượng, ẩn dụ. Giải mã hình ảnh ấy người ta có thể nhận biết được thông điệp của giấc mộng được đem đến cho người nằm mộng.

Như đã trình bày ở trên, người xưa, đặc biệt là người nguyên thủy, để biết được ý muốn, nguyện vọng của thần linh thường dựa vào những giấc mộng. Họ xem giấc mơ là tín hiệu thông báo của thế giới siêu nhiên đem đến cho con người.

Ở các bộ lạc nguyên thủy hay một số nhà nước phong kiến thường có một thầy pháp giữ trách nhiệm cầu mộng, nằm mộng để giao tiếp với thần linh. Những giấc mộng này rất quan trọng đối với vận mệnh của bộ tộc, đất nước.

Trong truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, có nhiều giấc mộng mang tính chất là điềm báo, gọi tắt là điềm mộng. Qua khảo sát 61 truyện cổ tích, chúng tôi nhận thấy có 7/61 truyện xuất hiện điềm mộng, chiếm tỉ lệ khoảng 11,4%, bao gồm:

- Chàng Y Dú và nàng H’Ri (TC VII, tr.109) - Hrôm Dú (TT I, tập 15, tr.519)

- Chàng Dua (TT I, tập 15, tr.369)

- Nữ thần Đăng Giai (TC X, tr.81) - Chàng Trăng (TC IX, tr.57)

- Chàng K’Pút con thần Mặt Trời. (TC III, tr.154) - Cầu vồng hút nước (TT I, tập 16, tr.87)

Trong đó, có giấc mộng là điềm báo trước đường đời, số phận của nhân vật.

Điềm mộng này xuất hiện trong kiểu truyện về nhân vật dũng sĩ, có sức mạnh và vẻ đẹp phi thường. Điềm báo về số phận nhận vật thường là những hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng trong giấc mơ. Trong truyện cổ tích, các chàng trai ngủ ở nhà rông và đều có giấc mơ của riêng mình. Nếu những người khác mơ những điều hết sức bình thường như: thấy được cá, gặp rắn,… thì hai chàng trai trong “Chàng Dua”, chàng Hrôm Dú, chàng Y Dú đều có những giấc mơ đặc biệt, khác thường. Ở truyện “chàng Dua”, hai anh em mơ thấy giọt nước vàng, giọt nước bạc ở núi H’Grông; chàng Hrôm Dú thì mơ thấy lưng tựa vách núi, chân đạp bờ suốt, tay sờ vú nàng Hbia Đriăng; còn chàng Y Dú mơ thấy lấy được bông hoa đẹp từ tay nàng H’rí.

Điềm mộng thường xuất hiện trong phần giới thiệu lai lịch nhân vật. Các bà mẹ chiêm bao thấy sự lạ rồi mang thai, sinh con. Giấc mộng báo trước sự ra đời của một đứa trẻ có nguồn gốc thần linh, có sức mạnh tựa thần thánh. Người mẹ trong truyện “Chàng Trăng” của người Mơ Nông sau khi đi cầu tự thì về nhà nằm mộng thấy thỏ trắng nhảy qua nhảy lại trên ngực mình. Đó là điềm báo bà sẽ sinh được một đứa con, đứa con của thần Mặt Trời, đẹp đẽ, có sức mạnh giúp đỡ buôn làng.

Hai vợ chồng nghèo mơ ước có một đứa con. Trong giấc ngủ, bà già mơ thấy một vị thần chói sáng như mặt trời, còn bà đang vỗ về một đứa bé. Về sau, bà sinh được một đứa trẻ bụ bẫm giống hệt đứa bé trong giấc mơ. Đứa bé ấy được đặt tên là K’Pút và là con của thần Mặt trời. Lớn lên, chàng đã trải qua nhiều cuộc phiêu lưu, lập được nhiều chiến công chiến thắng bọn giặc, quái vật, rồi cưới ba cô gái xinh đẹp làm vợ, trở thành chủ làng, bảo vệ dân làng. Giấc mộng báo trước sự sinh nở ra một nhân vật tài giỏi còn xuất hiện trong truyện “Nữ thần Đăng Giai” của người Xơ

Đăng. Điềm mà người mẹ nhận được trong giấc mộng là hình ảnh một viên đá từ trên trời rơi xuống, người mẹ há miệng đớp và viên đá sáng rực lên trong một lúc.

Hiện tượng điềm mộng này mang dấu ấn của văn hóa cổ xưa, văn hóa nguyên thủy. Điềm mộng sinh con mang bóng dáng của totem thời cổ khi con người cho rằng tổ tiên mình là con vật, hay cây cỏ nào đó.

Đối với giấc mơ của ông bà Điang không có con tuy không phải là diềm báo về sự ra đời của một đứa trẻ mà là điềm báo việc ông bà gặp được Hrôm Dú và nhận chàng làm con nuôi.

Ngoài những điềm – mộng báo trước một việc tốt đẹp thì lại có điềm – mộng báo cho người ta một việc tồi tệ sắp sửa xảy ra. Trong truyện “Cầu vồng hút nước”, nhân vật chính sau khi có trong tay vật thần kì là viên ngọc quí cùng với người vợ đẹp đã nằm mơ thấy vợ bị cướp mất. Giấc mơ này báo việc anh ta bị mất viên ngọc quí. Thế là anh ta ngay lập tức trở về tìm cách bảo vệ nó.

2.3.1.2 Điềm báo dựa vào trạng thái của thực vật

Điềm báo này đến một cách trực tiếp, hiển hiện trong hiện thực chứ không phải trong giấc mơ. Sự thay đổi trạng thái của cây cối, hoa cỏ thường đem đến điềm báo không may, thậm chí là nguy hiểm cho nhân vật, còn điềm báo may mắn thì lại hiếm thấy. Trong 6/61 truyện có điềm báo dựa trên trạng thái của thực vật, chiếm tỉ lệ gần 9,8% thì điềm báo may mắn chỉ xuất hiện trong một truyện là “Nàng H’Dung Wai và H’Mai Dak”, 5 truyện còn lại gồm:

- Ma lai con mang vàng (TT I, tập 16, tr.115) - Chàng Nam và con Cù Lân (TT I, tập 15, tr.407) - H’Pya và chó sói (TC VII, tr.46)

- Con quạ gian ác (TC III, tr.136)

- Set, Rok và Cắc kè (TT I, tập 15, tr.685)

Có thể thấy, những loại cây cỏ được dùng để báo điềm là cây tre, bông hoa, dây bí. Khi nhân vật, mà sinh mệnh được xem là gắn bó với cây, hoa gặp nạn, cây tre hoặc hoa sẽ héo rũ.

Cây trồng bị héo:

Điềm báo trong các truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số thường dựa vào trạng thái của thực vật: cây cối, bông hoa. Theo quan niệm của người Tây Nguyên về giai đoạn sau khi chết của con người, giai đoạn thứ tư của sự chuyển hoán linh hồn là chuyển nơi cư trú sang chòm rễ của cây to. Trong các truyền thuyết, huyền thoại, chúng ta thấy có sự xuất hiện của nhân vật anh hùng được sinh ra từ loại trái cây. Sự sinh ra từ một loại cây, trái cây là biểu tượng của sự sống, là hệ quả và biểu hiện của huyền thoại trung tâm về chu trình người – thực vật. Trong tâm linh cổ truyền của nhiều dân tộc trên thế giới, con người sinh ra từ cây và khi chết, họ cũng nhập xác vào cây.

Truyện “Ma lai con mang vàng” kể về ba anh em trong một gia đình muốn rời nhà ra đi phiêu lưu. Mỗi người lần lượt ra đi. Mỗi khi cây tre trước nhà bị héo có nghĩa là người ra đi gặp nạn, người ở nhà sẽ biết được mà đến cứu. Có một mối quan hệ đặc biệt giữa cây tre và các nhân vật. Đó là vào ngày ra đời của ba người, ở trước nhà cũng mọc lên ba cây măng, lớn lên cùng với sự trưởng thành của ba anh em. Người anh cả và người anh thứ hai đều gặp nạn và cây tre của hai người đều bị héo rũ. Đến lượt người em út nhận được điềm báo ấy và ra đi, cứu được hai anh cũng như trừng trị kẻ thù. Cây tre đặc biệt có vị trí quan trọng trong đời sống của các tộc người nơi đây, tre nứa như là một người bạn thân thiết, gắn bó từ khi sinh ra, lớn lên cho đến khi qua đời. Vì vậy, đồng bào xem tre nứa như một phần không thể thiếu của cuộc sống. Đặc biệt, tại các lễ hội truyền thống của cộng đồng Mơ Nông thì tre nứa chính là “linh hồn”làm nên thành công của buổi lễ.

Hoa héo hoặc rụng mất một cánh

Truyện “Set, Rok và Cắc kè”, “Con quạ gian ác”, “Chàng Nam và con Cù lân” thì vật để báo điềm là bông hoa. Ba anh em Set, Rok và Cắc kè mỗi người giữ

một bông hoa, nếu bông hoa héo nghĩa là có người gặp nạn, những người khác sẽ lập tức đến cứu giúp; cũng như chàng Nam khi chia tay các bạn của mình là Gấu, Cù Lân, Thác nước trao cho họ bông hoa với lời hẹn nếu thấy bông hoa héo đi thì biết chàng Nam gặp nạn, phải lên đường trợ giúp. Người chồng trong “Con quạ gian ác” phải rời nhà đi xa, khi vợ ở nhà gặp nạn thì bông hoa vợ hay cài đầu rụng mất một cánh, đồng thời chiếc vòng tay của vợ trao cho trước lúc đi biến mất.

Người vợ gặp tai họa là do vi phạm lời cấm kỵ, tức lời dặn dò của chồng “không được vào rừng hay ra bến nước”. Nhận được điềm báo, người chồng trở về nhà, giết kẻ mạo danh và cứu sống vợ mình.

Dây bí: Nếu như cây trồng, bông hoa héo rũ đem đến điềm gở, điếm báo tai họa thì trạng thái của dây bí trong truyện “Nàng H’Dung Wai và H’Mai Dak” đem đến điềm lành. Bầu, bí là motif quen thuộc và phổ biến trong văn học dân gian các dân tộc Đông Nam Á. Hình ảnh dây bí gần gũi với motif dây bầu thiêng thường xuất hiện trong truyện cổ tích của đồng bào Tây Nguyên. Nàng H’Dung Wai sau khi bị dụ dỗ vào rừng, trải qua nhiều biến cố đã có được hạnh phúc nên mong muốn tìm đường về nhà gặp cha mẹ. Nàng đã gieo hạt bí, dây bí mọc không thấy ngọn đâu báo cho nàng biết là cha mẹ vẫn còn sống để nàng về thăm nhà. Ngọn bí đã dẫn đường cho người con gái trở về với gia đình, cội nguồn.

2.3.1.3 Điềm báo dựa vào trạng thái của đồ vật

Không chỉ có cây cối, hoa cỏ liên quan đến sinh mệnh nhân vật mà những đồ vật gắn bó gần gũi, thiêng liêng, quý giá đối với nhân vật cũng có chức năng báo điềm. Đó là nhẫn đeo tay mà cha mẹ cho, nhẫn cưới, vòng đeo tay. Có khi nhân vật còn dùng sợi chỉ và sữa trâu để làm vật báo điềm. Dạng điềm báo này xuất hiện trong 4/61 truyện, chiếm tỉ lệ 6,5% bao gồm:

- Chàng đánh cá Y Ang (TT II, tr.275) - Bảy anh em trai và nàng Arế (TC IV, tr.73) - Con quạ gian ác (TC III, tr.136)

- Đứa trẻ mồ côi (TT II, tr.234)

Truyện “Chàng đánh cá Y Ang”của người Mơ Nông kể lại việc chàng đánh cá trước khi ra đi diệt ác quỷ đã vắt một chén sữa trâu và để lại 7 sợi chỉ treo lên rồi dặn người thân nếu sữa biến thành màu đỏ nghĩa là chàng gặp nguy hiểm, nếu sợi chỉ bị chùng tức là chàng đang gặp phải khó khăn nhưng không đáng lo.

Sợi chỉ: hình ảnh sợi chỉ gợi nhớ đến sợi chỉ số phận trong thần thoại Hy Lạp. Sợi chỉ dùng để dệt, cọc sợi và con suốt nơi sợi chỉ cuộc vào và trải ra là những dấu hiệu của số phận đặt trong tay những vị nữ thần lớn trong thần thoại Hy Lạp, La Mã. Sợi chỉ dọc là yếu tố bất biến, liên kết các thế giới và trạng thái. Sợi ngang luôn vận động, phát triển số mệnh có điều kiện của mỗi người. Khi sợi dọc, tức là yếu tố bất biến thay đổi đồng nghĩa với việc có một sự thay đổi lớn, thường là tai họa, sự đe dọa đến vận mệnh của cá nhân.

Đồng thời, con số 7 cũng được coi là con số linh thiêng. Con số 7 được coi như là một motif xuất hiện rất nhiều trong các truyện cổ tích của hầu hết các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Con số bảy là con số kì diệu, linh thiêng,… Người Tây Nguyên cho rằng con người sau khi chết, hồn sẽ trải qua bảy hóa thân liên tiếp.

Trong truyện cổ tích, ta cũng thường gặp con số 7: đi bảy ngày bảy đêm, vượt bảy núi bảy sông, ăn hết bảy nồi cơm, uống bảy bầu nước,….

Sữa đổi màu: trong quan niệm xưa của một số dân tộc trên thế giới “màu trắng, màu của ánh sáng và sự sáng chói, là một điềm lành. Người ta gán cho sữa một khả năng thần kỳ, một phần cũng vì màu của nó” [23; tr.564]. Trong khi đó, màu đỏ lại gợi lên sự nguy hiểm, gợi đến màu máu, màu của tai họa, nguy hiểm. Có lẽ vậy mà sữa trắng đổi sang màu đỏ được xem là điềm báo gở, điềm tai họa.

Nhẫn rơi hay vòng đeo tay biến mất cũng báo cho người ta biết một điềm không may đang, sắp xảy ra: vợ ở nhà bị hại, người bạn đồng hành – người anh em bị đe dọa tính mạng, gặp nguy hiểm,….

Cột nhà gãy: Người Tây Nguyên khi làm nhà xem xét các điềm triệu, cúng tế,…. rất cẩn thận. Việc chọn, chặt cây làm cột nhà được lựa chọn vô cùng kĩ lưỡng, hệ trọng và phải tiến hành các nghi thức thờ cúng thần linh. Nếu có điềm xấu, người

ta sẽ phải chọn cây khác để làm cột. Do vậy, việc cột nhà bị gãy tất yếu là đem đến một điềm xấu cho con người.

Người ta quan niệm về linh hồn tồn tại trong cây cối, đồ vật gần gũi, tín vật.

Do đó, số phận, vận mệnh của con người có sự liên quan mật thiết với trạng thái tồn tại của những vật ấy.

2.3.1.4 Điềm báo dựa vào âm thanh

Người xưa vẫn chú ý lắng nghe âm thanh của chim chóc, muôn thú để biết trước được những gì sẽ xảy ra, để nhận biết tốt hay xấu, điềm lành hay điềm gở để quyết định hành động. Tiếng chiêng trống cũng có thể báo điềm cho nhân vật . Trong các truyện được khảo sát, có một truyện duy nhất “K’Chơi và Ma Lêng” (TC II, tr.72) xuất hiện điềm báo là âm thanh của tiếng chiêng trống, chiếm tỉ lệ 1,6%.

Hai anh em K’Chơi và Ma Lêng mồ côi, sống gắn bó và yêu thương nhau.

Ma Lêng xinh đẹp, có giọng hát hay bị vua cá sai chim ác đến bắt về. K’Chơi ở ngoài rẫy nghe thấy tiếng chiêng trống báo với anh điều tai họa:

“Đri, đri, uau uau uat

Em gái Ma Lêng chim thần bắt mất Nhà anh chỏ còn chòi lúa bỏ không Mau mau về nhà tìm ná, mài gươm…”

Và K’Chơi lập tức trở về, không thấy em gái đâu. Chàng trai bắt đầu hành trình tìm kiếm đứa em gái đã bị chim thần bắt mất với nhiều tai họa, đe dọa trên đường đi.

Tiểu kết: Người Tây Nguyên dựa vào các giấc mơ, vào các dấu hiệu của thế giới xung quanh để nhận ra điềm báo. Trong truyện cổ tích, điềm báo đến với nhân vật dưới dạng là một hình ảnh, hay một dấu hiệu nào đó. Và khi nhân vật bắt gặp hình ảnh, hay dấu hiệu đó, người đó tin là chúng báo cho họ một điều đã, đang hoặc sắp sửa xảy ra, có liên quan đến cuộc sống, vận mệnh của họ. Những điềm mộng thường là điềm báo may mắn, còn điềm báo tai họa lại được gắn với những thay đổi, những biến chuyển trong trạng thái của cây cối, đồ vật, âm thanh, …

Một phần của tài liệu một điềm báo và mộng báo trong truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở tây nguyên (Trang 38 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(256 trang)