CHƯƠNG 2: PHÂN LOẠI MOTIF ĐIỀM BÁO, MỘNG BÁO VÀ CẤU TẠO CỦA MOTIF ĐIỀM BÁO, MỘNG BÁO
2.6 Một vài so sánh với truyện cổ tích của người Việt
2.6.3 Về kiểu nhân vật nhận mộng báo
Trong truyện cổ tích của người Việt, các nhân vật nằm mộng hoặc nhận điềm báo rất đa dạng, đủ mọi tầng lớp, mọi loại người. Bên cạnh những kiểu nhân vật phổ biến: kiểu nhân vật mồ côi, kiểu nhân vật người nghèo, kiểu nhân vật người mẹ, giống với truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên còn có những kiểu nhân vật mới: nhà sư, học trò, quan lại,…
Nhân vật mồ côi
Nhân vật mồ côi là kiểu nhân vật chính xuất hiện ở phần lớn truyện cổ tích của các dân tộc trên thế giới. Truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và người Việt cũng không ngoại lệ. Tuy nhân vật nhận mộng báo đều là người mồ
côi nhưng vẫn có những điểm khác nhau giữa nhân vật mồ côi trong truyện của người Tây Nguyên và nhân vật mồ côi trong truyện cổ tích của người Việt.
Nếu như ở truyện cổ tích của các dân tộc Tây Nguyên, nhân vật mồ côi được mô tả là nghèo đói, xấu xí, cô đơn thì đối với mồ côi trong truyện cổ tích của người Việt, đặc điểm đáng lưu ý của họ là vị trí em út trong gia đình. Trong xã hội người Việt, cũng như trong những xã hội đã hình thành sự phân chia giai cấp, hình thành mô hình nhà nước, thì những người con út thường có thân phận thiệt thòi, thấp cổ bé họng trong gia đình, vai trò và quyền lợi trong gia đình của họ rất ít. Đặc biệt, khi gia đình mất cha mẹ, anh chị em trở thành những đứa trẻ mồ côi thì người em út càng phải chịu nhiều uất ức, thiệt thòi hơn. Do đó, xã hội có sự quan tâm đặc biệt dành cho thân phận những người em út mồ côi, thương cảm, mong muốn giúp đỡ họ. Trong xã hội mà người con trưởng được quyền thừa kế chính; và vì vậy, người con út trở thành kẻ đáng thương, bị hắt hủi. Tác giả dân gian đã mượn những câu chuyện cổ, mượn thế giới cổ tích với những giấc mơ để đem đến hạnh phúc cho những người em út bất hạnh ấy. Tuy có sự khác biệt nhỏ như vậy, nhưng ta có thể khẳng định rằng đối với mọi cộng đồng, mọi xã hội, dân gian đều có chung một quan điểm: những người bất hạnh, nghèo khổ nhưng có phẩm chất tốt đẹp, trong sáng xứng đáng được quan tâm, được hưởng cuộc sống sung sướng, hạnh phúc.
Nhân vật người nghèo
Ở truyện cổ tích Tây Nguyên, mồ côi luôn đi liền với nghèo khổ. Do đó kiểu nhân vật mồ côi và kiểu nhân vật nghèo khổ là một. Trong khi đó, ở truyện cổ tích của người Việt, ta có thể phân kiểu nhân vật người nghèo thành một nhóm riêng biệt với kiểu nhân vật mồ côi. Những người nghèo khổ cũng có số phận bất hạnh, cái đói, cái nghèo luôn đeo bám cuộc sống của họ cho dù họ có làm việc chăm chỉ, siêng năng. Đó là kẻ ăn mày, một lớp người vô cùng bé nhỏ trong xã hội, sống lay lắt qua ngày dựa vào sự giúp đỡ, bố thí của người khác. Đó cũng có khi là một chú tiều, quanh năm suốt tháng lao động quần quật mà chỉ có thể kiếm được bữa cơm qua ngày, không có cách nào ngóc đầu lên nổi. Sự nghèo khổ, cơ cực ấy khiến cho con người ta luôn trông chờ, mong muốn vào sự đổi đời, vào cuộc sống
giàu sang, phú quí. Sự nghèo khó của họ làm cho mọi người cảm thông, thương xót, và làm cảm động cả thần linh. Và thế là, thần linh hiện lên trong giấc mơ để giúp đỡ họ thực hiện mong ước của mình một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Người ăn mày trên đường kiếm ăn sau khi ngủ thiếp đi vì mệt và đói đã mơ thấy núi vàng và vị thần của núi vàng này đã ban cho anh ta của cải, hay chú tiều nghèo mong muốn sự giàu có đã ngủ mơ được tiên chỉ cho vị trí của kho vàng. Ngoài ra, không chỉ ban phát cho sự giàu có, thần tiên còn dặn dò người nằm mộng sau này phải đối xử tốt, giúp đỡ những người khác, những người cũng phải chịu đựng sự khốn cùng. Thế nhưng, giấc mơ giàu sang trở thành hiện thực chưa phải là kết thúc viên mãn của họ.
Như đã trình bày, cộng đồng nhân dân Tây Nguyên rất quan tâm đến những người mồ côi, nghèo khổ và họ tin rằng thần linh cũng luôn dõi theo, cảm thương và ra tay giúp đỡ người mồ côi, nghèo khổ. Nhân vật được sống giàu có, sung sướng và không quên chia sẻ thóc lúa, của cải với dân làng. Sự chia sẻ này được thực hiện một cách tự nguyện. Đối với nhân vật người nghèo trong truyện cổ tích của người Việt, nhân vật không được giới thiệu là mồ côi nhưng ta cũng có thể nhận thấy hoàn cảnh cô độc của họ. Người ăn mày không gia đình, chú tiều nghèo chỉ có thể nuôi đủ bản thân. Họ cũng được thần linh giúp đỡ, thay đổi cuộc đời. Nhưng sự giúp đỡ, chia sẻ của họ đối với người khác không tự nguyện mà là do bị ràng buộc bởi lời hứa – được coi như điều cấm kỵ. Của cải, quyền lực làm cho người ta lóa mắt, làm cho lòng tham trỗi dậy. Khi đó, nhân vật không còn nhớ đến lời dặn dò, cố tình quên và không thực hiện đúng lời hứa. Họ không nghĩ rằng thần tiên đem đến cuộc sống sung sướng cho họ thì cũng có thể tước đi nó nếu họ vi phạm sự thỏa thuận trước đó, tức là vi phạm điều cấm kỵ. Người ăn mày, sau khi được những thỏi vàng, ban đầu anh ta còn nhớ đến lời hứa trong giấc mộng, giúp đỡ cho những người ăn mày đến xin trước cửa nhà anh ta. Nhưng dần dần, anh ta hình như đã quên mất thân phận, cuộc sống trước kia của mình, dần dần bị của cải làm lu mờ lòng thương người. Anh ta trở nên keo kiệt, coi thường, mắng chửi, và không còn ra tay chia sẻ tiền bạc cho người khác nữa. Thái độ và cách sống đó khiến thần linh tức giận. Nếu
như trước kia, cảm động vì sự khốn cùng của con người nên ban giúp cho họ được như ý thì giờ đây tức giận vì sự thay đổi, vì sự bạc bẽo của con người, thần lại xuất hiện, trách mắng và trừng phạt hắn. Người ăn mày không chỉ mất hết nhà cửa, tiền bạc mà bản thân hắn bị biến thành con kiến nhỏ bé, ngày ngày phải cần mẫn kiếm ăn, từng chút từng chút một tự tích lũy cái ăn. Còn đối với anh chàng tiều phu, khi được giàu sang rồi, lòng tham chưa dừng lại tại đó, anh ta còn muốn cả địa vị. Và một lần nữa thần linh thỏa mãn ước muốn đó. Nhưng cũng với lời hứa đối xử tốt với mọi người, anh ta không hoàn thành nó. Không chỉ không giúp đỡ kẻ khác, anh ta hống hách với người nghèo, thậm chí là bóc lột người dân khi đã lên làm quan.
Thông qua kết cục của những nhân vật này, câu chuyện đem đến bài học đối nhân xử thế cho con người.
Những câu chuyện cổ tích sinh hoạt của người Việt chỉ rõ những khía cạnh phản diện khác vốn thấy ở con người: sự tham lam, ngu si, thói hiếu danh,…Truyện cổ tích sinh hoạt phê phán gay gắt thói hư tật xấu của con người, chỉ ra những vấn đề trong sinh hoạt hàng ngày của con người. Có lẽ vậy nên kết cục của những nhân vật không kết thúc có hậu, viên mãn như thường thấy trong các truyện cổ tích thần kỳ.
Nhân vật người mẹ
Lại có nhân vật nữ nhận báo mộng nhưng không phải là nhân vật chính của truyện. Đây là những bà mẹ mang thai kì lạ, mang thai những đứa con tài giỏi, có nguồn gốc thần linh. Do đó, khi mang thai, họ thường được thần báo mộng để dặn dò, chỉ bảo những điều cần phải làm sau này, khi những đứa trẻ ra đời. Nhân vật nữ trong cốt truyện này giống với nhân vật trong truyện cổ tích người mẹ nhân mộng báo, điềm báo trong truyện cổ tích của các nhân vật dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Tuy không phải là nhân vật trung tâm của truyện nhưng người mẹ và giấc mộng báo dẫn đến sự xuất hiện những chàng trai khoẻ mạnh, có tài, thực hiện hành trình vượt qua thử thách để chiến thắng và trở thành người mạnh nhất, đứng đầu cả cộng đồng.
Nhân vật nho sĩ, nhà sư
Truyện cổ tích của người Việt có motif điềm báo và mộng báo xuất hiện một số kiểu nhân vật mà truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên không có. Đó là tầng lớp nho sĩ: học trò, quan lại; là những nhà sư.
Đây là kiểu nhân vật mà ở truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên không có. Điều này cũng dễ hiểu bởi do trình độ phát triển xã hội khác nhau giữa người Việt và các tộc người ở Tây Nguyên. Trong khi xã hội người Việt sớm hình thành nhà nước phong kiến thì ở Tây Nguyên vẫn duy trì xã hội công xã nguyên thủy với trình độ tư duy thần bí, tín ngưỡng nguyên thủy còn ngự trị khá đậm nét. Sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai, các luồng tư tưởng khác nhau trong đó có Nho giáo làm cho xã hội người Việt xuất hiện tầng lớp nho sĩ, học trò. Hình tượng người học trò trong truyện kể thường là những người không chỉ có học thức mà còn có một nhân cách tốt đẹp, trọng tình trọng nghĩa. Chính bởi nhân cách đẹp mà họ được trả ơn xứng đáng, đạt được điều mà mọi người học trò luôn mong đợi là thi đỗ, làm quan, có một gia đình hạnh phúc. Còn nhân vật nhà sư được nhắc đến với những đặc điểm tính cách đặc trưng của nhà Phật, những người có thể ra tay cứu độ chúng sinh, cụ thể như trong truyện “Sự tích cây huyết dụ”, nhờ nhận được mộng báo của linh hồn của lợn mẹ mà nhà sư đã giúp giữ được mạng sống cho mẹ con đàn lợn, đồng thời khiến cho bác đồ tể từ bỏ công việc sát sinh của mình.
Tiểu kết: Nhìn chung, kiểu nhân vật nhận mộng báo trong truyện cổ tích của người Việt đa dạng, phong phú hơn nhưng mức độ tập trung vào một số kiểu nhân vật nhất định cũng thấp hơn so với trong truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Sự khác biệt này một phần nào đó là do sự khác nhau về đặc điểm phát triển kinh tế, xã hội, đời sống văn hóa giữa các tộc người Tây Nguyên và
người Việt.
Chương 3: VAI TRÒ, CHỨC NĂNG CỦA MOTIF ĐIỀM BÁO VÀ MỘNG BÁO TRONG CỐT TRUYỆN CỔ TÍCH CỦA