Cái tôi trữ tình

Một phần của tài liệu cái tôi trữ tình trong thơ trẻ việt nam 1965 1975 (Trang 22 - 28)

CHƯƠNG 1: CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ TRẺ VIỆT

1.1. Quan niệm về cái tôi trữ tình

1.1.2. Cái tôi trữ tình

Theo Hegel, nguồn gốc và điểm tựa của thơ trữ tình là “ở chủ thể, và chủ thể là người duy nhất và độc nhất mang nội dung” [60, tr.995]. Thơ ca là tiếng nói xuất phát từ nhu cầu nội tại của con người, có khi đó là nhu cầu độc bạch của thế giới tâm hồn. Nhiều định nghĩa về thơ trữ tình đều hướng đến giải mã sự thôi thúc của nhu cầu sáng tạo xuất phát từ góc độ đó. Thơ là sự bắt nhịp của những tâm hồn đồng điệu, là tiếng nói tri âm… Quá trình sáng tạo thơ ca trước hết là nhu cầu rung cảm tự thân của người nghệ sĩ, là con đường tìm sự đồng vọng. Thơ trữ tình với tư cách là sự biểu hiện của cái tôi, là phương tiện để con người cảm thấy sự tồn tại của mình” [181, tr.140]. Bản chất của thơ chính là sự hiện diện của cái tôi trữ tình. Vì thế có thể xem cái tôi là nhân tố xuyên suốt hành trình sáng tạo thơ trữ tình.

“Thơ trữ tình là phương tiện để con người tự khẳng định bản chất tinh thần của mình so với tồn tại vật chất, là phương tiện để tự đồng nhất mình, xây dựng hình tượng về mình…” [181, tr.140]. Cái tôi có vai trò quan trọng trong thơ với tư cách là trung tâm để bộc lộ tất cả suy nghĩ, tình cảm, thái độ bằng giọng điệu riêng;

nhờ vậy làm nên cái độc đáo không lẫn giữa thế giới nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ.

Sáng tạo thơ ca là kết quả tất yếu của quá trình dồn tụ cảm xúc, là khoảnh khắc thăng hoa của cái tôi thi sĩ khao khát tự bộc bạch, giãi bày. Không có sự thúc bách bên trong đời sống nội cảm, không có cái tôi chênh chao giữa thế giới hiện hữu, không có niềm vọng tưởng về một quá khứ mờ xa thì không thể có Điêu tàn đi về trong những miền hư tưởng. Sẽ không có Di cảo thơ như một cuộc chạy đua dốc sức cuối cùng về với bến bờ của đời người nếu không có một tâm hồn luôn trên hành trình suy tưởng về số phận, về cái chênh vênh giữa cõi sống và cõi lò thiêu.

Cũng như nếu không có cái tôi cảm nghiệm thân phận buồn trống trải thì không thể có thơ tình Lâm Thị Mỹ Dạ, không thể có lời tự thú xót cay: Nhiều khi muốn mình như chiếc bóng/ Tan trong màn đêm/ Để không ai nhận ra/ Mình có mặt trong đời

(Tặng nỗi buồn riêng). Hegel đã khẳng định: “điều làm thành trung tâm và nội dung thực sự của thơ trữ tình, đó chính là cái chủ thể” [60, tr.1007]. Tác phẩm thơ trữ tình chỉ tồn tại khi đó là nhu cầu tự ý thức, nhu cầu xúc cảm của chủ thể sáng tạo.

Điều đó có nghĩa sẽ không có tác phẩm trữ tình nếu không có nhu cầu tự khẳng định, không có nhu cầu tìm kiếm tri âm của chủ thể. Hoặc có thể tác phẩm trữ tình vẫn ra đời nhưng không thể nhận được sự đón đợi của công chúng. Vậy để có một tác phẩm trữ tình đích thực, trước hết phải khởi đi từ sự rung động của chính chủ thể. Sự xuất hiện của cái tôi trữ tình là điều kiện cốt yếu của thơ trữ tình.

Từ những cơ sở lí luận nền tảng trên, tác giả luận án quan niệm cái tôi trữ tình là biểu hiện của cách nhận thức và suy tư của chủ thể trước thế giới hiện thực; qua những điểm nhìn nghệ thuật, thể hiện tư tưởng, cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ.

Ở đây, cái tôi trữ tình được hiểu theo nghĩa rộng, là “bản chất chủ quan của thể loại trữ tình” [152, tr.22]. Và bản chất của thơ trữ tình là sự hiện diện của cái tôi.

Cái tôi trữ tình và cái tôi tác giả có mối quan hệ thống nhất nhưng hoàn toàn không đồng nhất. “Cái tôi trữ tình chỉ là sự hiện diện bộ mặt tinh thần của nhà thơ trong những tác phẩm thơ ca” [46, tr.167]. Việc quy cái tôi trữ tình vào khuôn nghĩa hẹp tương ứng với cái tôi tác giả hoặc gán ghép cái tôi trữ tình vào cái tôi tiểu sử sẽ đưa đến một cách nhìn phiến diện về bản chất của cái tôi trữ tình trong thơ. Trong thực tế sáng tác, tác phẩm và người sáng tạo quan hệ mật thiết. Có khi thơ chính là âm bản, là hồn phách của người nghệ sĩ. Cái tôi trữ tình bộc lộ trong thơ “dưới dạng trực tiếp của một tình cảm riêng tư, một câu chuyện, một cảnh ngộ, một sự việc gắn với cuộc đời riêng của người viết” [45, tr.73]. Nguyễn Trãi với nỗi lòng chồng chất ở non nước Côn Sơn; Hồ Xuân Hương với kiếp lấy chồng chung; Xuân Diệu cùng nhịp sống nôn nao, cuống quýt, vội vàng; Hàn Mặc Tử tủi phận trước tình đời hờ hững hay một Lưu Quang Vũ lận đận với nỗi niềm bài hát ấy vẫn còn dang dở… Nhà thơ mang thế giới riêng tư in vào trang viết. “Nhà thơ là nhân vật, là cái tôi, là hình tượng trung tâm. Đọc thơ, chúng ta thấy giữa thơ và cuộc đời tác giả là một, là thống nhất” [86, tr.19]. Cái tôi trữ tình ở đây dường như chính là cái tôi nhà thơ.

Não nề đến rên xiết, cô độc đến trống rỗng, khát thèm đến đê mê… là cõi riêng tây của hồn thơ Hàn Mặc Tử. Trong đó, Đau thương là duyên phận lỡ làng của đời thơ ông. Lỡ làng yêu đương, lỡ làng thân phận và cuộc phiêu diêu vào mộng tưởng cũng lỡ làng. Ở đó, người thơ dấn thân vào tận cùng bi kịch bằng một cái tôi mê dại. Xa đời, xa người và xem thế giới ảo mộng là người tình tri kỉ, Hàn Mặc Tử mê tơi trong những ảnh hình kì dị. Cái tôi trao phận vào cõi hư vô ắp đầy ám gợi. Để tự giải thoát sượng sần thân xác. Để thỏa ẩn ức đời tư và bức bách hơn là để chạm tới cạn sâu những ước vọng mà chủ thể không tìm thấy trong thực tại:

Ta đã ngậm hương trăng đầy lỗ miệng/ Cho ngây người mê dại đến tâm can (Rướm máu). Không nén nổi cơn khát yêu mà trong ngắn ngủi cuộc đời, nhà thơ vắt kiệt mình nếm trải. Vườn yêu trong cõi Hàn Mặc Tử dậy men tình mà cũng chật ních rạn vỡ tái tê. Dự cảm đổ vỡ đón đợi người thơ ngay trong khoảnh khắc say sưa nhất của ái tình, sẽ chán chường và sẽ chán chê (Tối tân hôn). Trải nghiệm đau thương là đối mặt với định mệnh. Song tận sâu tâm thức Hàn Mặc Tử là sự cưỡng lại thân phận. Say trăng, rượt trăng, chơi trên trăng hay ngủ với trăng âu cũng là sự phân thân của cái tôi mê dại. Cái tôi đắm mình trong trăng đến hoang tưởng. Rượt đuổi trăng mà viễn tưởng đến ái tình không xác thịt. Ngủ với trăng lại tưởng vọng đến thổn thức, phập phồng niềm yêu đương… Không phải là sự quy chụp cuộc đời bệnh tật của Hàn Mặc Tử vào thế giới nghệ thuật thơ của chủ thể, giữa cái tôi nhà thơ và thế giới hình tượng thơ vẫn có một độ “vênh” nhất định. Sáng tạo thơ ca trước hết là cái nhìn qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Dẫu là cuộc đời thi sĩ đấy nhưng chưa hẳn là đời, là tôi nhưng cũng không hoàn toàn là tôi. Song nếu không có một Hàn Mặc Tử cô đơn giữa cõi người rộng rinh trong mặc cảm bệnh tật giày vò, không có một Hàn Mặc Tử cồn cào khát sống thì sẽ không có Đau thương. Quả thật, khi người thơ đóng dấu ấn đời tư vào tác phẩm, cái tôi trữ tình ít nhiều đều mang bóng dáng của cái tôi tác giả như là sự phơi trải chính mình.

Cái tôi trữ tình có thể bộc lộ gián tiếp qua cảnh ngộ không phải của riêng mình mà tác giả chỉ nói lên cảm nghĩ của mình về những cảnh ngộ, những sự kiện đó.

Lúc này, “cái tôi trữ tình là nhân vật trữ tình chủ yếu của sáng tác” [45, tr.74]. Tây

Tiến của Quang Dũng, Bên kia sông Đuốngcủa Hoàng Cầm, Đây mùa thu tới của Xuân Diệu… là những trường hợp như thế. Hay cũng không ít tác phẩm viết về một nhân vật trữ tình được xác định nào đó: Mẹ Tơm, Mẹ Suốt, Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi…, khi đó “nhân vật trữ tình của sáng tác tồn tại bên cạnh cái tôi trữ tình của nhà thơ” [45, tr.74]. Đối với những trường hợp này, dù cái tôi nhà thơ không bộc lộ trực tiếp song qua nhân vật trữ tình, cái tôi trữ tình vẫn tiềm ẩn. “Từ cảm hứng chủ đạo đến giọng điệu thi ca, nhà thơ luôn cần phải hiện diện. Chính cái khác nhau của những cái tôi trữ tình góp phần quyết định tạo nên những tiếng nói thơ ca khác nhau” [45, tr.74-75]. Như trong địa hạt thơ tình, người đọc luôn nhận ra sự khác nhau, đa dạng của những lời “tự hát”: một Xuân Quỳnh giăng mắc dự cảm;

một Ý Nhi duyên thầm, trầm lắng; một Dương Hương Ly ngọt ngào, thao thức; một Lê Anh Xuân mãnh liệt, chân thành…

Thơ là độc bạch mà cũng là đối thoại. Chừng nào có sự phân thân của tác giả để nhập vai vào từng số phận - nhà thơ đồng nhất cảm xúc với khách thể được phản ánh thì chừng đó xuất hiện cái tôi trữ tình. Ở không ít trường hợp, cái tôi trữ tình không đơn thuần là cái tôi hóa thân vào đối tượng miêu tả, cũng không chỉ là cái tôi nói hộ tiếng lòng người khác, tiếng lòng chung. Trước khi hóa thành cái tôi trữ tình, người đọc nhận ra cái tôi của chính chủ thể đang bộc lộ cảm xúc, suy tư. Và dẫu là trực tiếp hay gián tiếp thì sự xuất hiện của cái tôi trữ tình không thể đi ra ngoài cái tôi chủ thể. Rõ ràng ở đây, “cái tôi trữ tình là cái tôi được nghệ thuật hóa” [45, tr.74] nhưng không tách rời khỏi cái tôi nhà thơ mà thống nhất trong biểu hiện phong phú của cái tôi chủ thể sáng tạo. Như chốn dừng chân cuối cùng của kiếp người trở thành nỗi trở trăn không dứt trong hồn thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường. Có phải nhà thơ mang nặng quá những dự cảm chia xa hay đó là nỗi lo sợ cõi đời vội vàng đóng khép? Thế giới tâm linh, thế giới cõi âm rờn rợn... đều thành gần gụi như thể tự đó con người tái sinh: Mai kia về ngủ trên đồi/ Nắng rải hoa vàng quanh chỗ tôi/ Con chim sơn ca ngày thơ bé/ Nó bay về khóc mãi không thôi (Sinh nhật). Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường nhiều lần chạm vào cái chết. Con người hiện sinh trong ông dằn vặt quá nhiều với sự cô đơn đến trống rỗng. Đến nỗi thi sĩ ban cho mình

quyền được buồn như là một quan niệm nghệ thuật: Nỗi buồn là căn - nhà - ở - đời của thơ. Nhà thơ nguyện gánh trên vai sức nặng của thiên chức nghệ sĩ, không trốn chạy buồn sầu. Thậm chí, ngôi nhà ở đời cũng thành địa chỉ buồn, hoang lạnh như nấm mồ vô chủ: Nhà tôi ở phố Đạm Tiên. Nhu cầu đối thoại, dù là đối thoại với người cõi âm, vẫn giải tỏa được những khắc khoải, giằng xé trong đời sống nội tâm chất chồng mâu thuẫn. Cũng như nhiều nhà thơ sau 1975, Hoàng Phủ Ngọc Tường muốn dùng tiếng nói tâm linh để đến thẳm sâu bí ẩn tâm hồn con người. Không chìm trong nỗi ám ảnh cái chết mà thi sĩ của cõi âm này chạm đến cái chết như là đối tượng thẩm mĩ để tâm niệm về triết lí nhân văn từ sau thế giới tha ma nghĩa địa.

Chút tình nhân gian ủ ấm con người khi họ trở về nằm trong cát bụi, đó là cái còn lại của kết cuộc một đời người. Còn niềm an ủi nào hơn thế: Món quà tặng sau cùng đời dành cho anh/ Là nắm đất ủ nơi bàn tay bè bạn (Nói với bóng mình in trên vách). Hay trước sự tạ từ, người thơ cũng cảm thấy chống chếnh và cô độc: Rồi em vội vã ra đi/ Hân hoan, nồng thắm, xuân thì/ Và hoa tàn trong phút chốc/ Không còn ai người để khóc/ Anh chết một mình đêm qua (Không đề). Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đau đáu trăn trở giữa sống - chết, nhất thời - vĩnh cửu... Chiêm nghiệm cái chết, để được sống đầy với đoạn đời còn lại. Cái tôi thử đi đến cõi âm để quay về chăm chút hơn nữa cho cuộc sống hiện tại. Song trong hồn thơ ấy, dường như mọi thứ đều vô thường. Ở đó, không còn sân si, không còn thói đời phàm tục, chỉ có tôi ngồi với bóng tôi. Trong một tác phẩm, người đọc thường tiếp xúc với tiếng nói trữ tình hòa quyện của hai cái tôi như thế, có khi không thể phân biệt rạch ròi.

“Trong thế giới trữ tình, cái tôi nhà thơ tự biểu hiện và tự biến cải theo quy luật sáng tạo thẩm mĩ để trở thành cái tôi trữ tình với một chất lượng khác, một tầm vóc khác, mang tính khái quát hóa” [4, tr.40]. Sự gắn kết này chính là đặc trưng của cái tôi trữ tình, góp phần thể hiện bản sắc thơ trữ tình.

Cái tôi trữ tình và chủ thể trữ tình cũng là một mối quan hệ thống nhất nhưng không đồng nhất. Cái tôi là bản sắc trữ tình của chủ thể, là khả năng tự ý thức, tự phân tích của chủ thể. Hay nói khác hơn, cái tôi trữ tình có chức năng thiết kế quan niệm của chủ thể về chính mình, xây dựng hình tượng của chủ thể trữ tình. Cái tôi

trữ tình luôn ý thức thiết lập vị thế của mình trong thế giới nghệ thuật để chủ thể trữ tình góp phần nhận thức thế giới. Như vậy, cái tôi trữ tình có thể xem là nguyên cớ để chủ thể trữ tình tồn tại. Ứng với mỗi chủ thể là một dạng thức cái tôi trữ tình phù hợp. Thơ mới 1932 - 1945, là thế giới riêng tư “càng đi sâu càng lạnh” của chủ thể cá nhân, vì thế cái tôi trữ tình là cái tôi cá nhân với những nỗi niềm thân phận cô độc, rợn ngợp, vội vàng… Trong khi đó, ở thơ 1945 - 1975, chủ thể trung tâm lại là cộng đồng, dân tộc; vì vậy, cái tôi trữ tình mang cảm quan chủ đạo của giai cấp, thời đại là cái tôi sử thi, cái tôi đặt trong cái ta: Ví phải mắc vào vành xiềng xích/

Đành cắn răng một chết không khai/ Chết là chết cái hình hài/ Sắt son một tấm gương đời treo cao (Khương Hữu Dụng). Đến thơ sau 1975, với bản chất của thế giới khách quan là bộn bề cuộc sống, là tầng lớp bi kịch riêng tư thì chủ thể trữ tình lại là chủ thể cá thể; vì thế cái tôi trữ tình chủ yếu là cái tôi “phi sử thi” - cái tôi thế sự, đời tư với khuynh hướng nhìn lại, nghiệm lại những nấc thang giá trị và nhìn lại chính mình hay đó là cái tôi tự thú: Em chết trong nỗi buồn/ Chết như từng giọt sương/ Rơi không thành tiếng (Lâm Thị Mỹ Dạ). Như vậy, cái tôi trữ tình là biểu hiện cho yếu tính “động” của chủ thể. Ứng với mỗi chủ thể của từng thời đại, từng giai đoạn văn học, cái tôi trữ tình mang diện mạo riêng, theo quy luật vận động và phát triển. Cái tôi trữ tình thể hiện bản chất xã hội của chủ thể trữ tình. Việc phác họa diện mạo chung của cái tôi trữ tình trong thơ trẻ 1965 - 1975 - nhìn từ sự vận động của cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam 1945 - 1975 vì lẽ đó tạo cơ sở lí giải về những dạng thức đặc trưng và những biểu hiện mới của cái tôi trữ tình trong thơ trẻ giai đoạn này; ngược lại đây cũng là minh chứng cho tính tất yếu của sự vận động và phát triển của cái tôi trữ tình trong tiến trình thơ ca 1945 - 1975, qua đó thấy được sự vận động, chiều hướng phát triển của đời sống thơ ca nói riêng và đời sống văn học hiện đại nói chung.

Một phần của tài liệu cái tôi trữ tình trong thơ trẻ việt nam 1965 1975 (Trang 22 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(213 trang)