Giọng nghiệm suy, chất vấn

Một phần của tài liệu cái tôi trữ tình trong thơ trẻ việt nam 1965 1975 (Trang 187 - 191)

Chương 3: CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ TRẺ 1965 -

3.4. Bản tự thuật đa giọng điệu

3.4.3. Giọng nghiệm suy, chất vấn

Mang tâm thế tự nghiệm, cái tôi trữ tình trong thơ trẻ 1965 - 1975 luôn dằn vặt và không nguôi đi tìm lời giải đáp về nhiều vấn đề bức thiết của đời sống chiến tranh. Nhất là vấn đề thân phận dân tộc, số phận con người, cái còn lại đằng sau những vinh quang, mất - còn… Chính vì thế, bên cạnh sắc điệu hoan ca, lạc quan, đẫm yêu tin, thơ trẻ còn dành một khoảng ngẫm suy trong sắc giọng suy tưởng, chất vấn. Ở đó, cái tôi trữ tình trải nghiệm cùng những điều lớn lao gắn chặt với sinh mệnh dân tộc đến những điều tưởng rất đời thường.

Chiến tranh trong nhãn quan của thế hệ thơ trẻ đâu chỉ là đường ra trận mùa này đẹp lắm (Phạm Tiến Duật), không chỉ là chiến công thành điệp khúc suốt mùa thu (Hoàng Nhuận Cầm) mà đó còn là tổn thất, thương tật, di chứng. Dù trong dòng chung của thơ thời kháng chiến chống Mỹ, những ngẫm suy như thế không phải là tư tưởng chủ đạo song đó là sắc diện rất thật của cái tôi trữ tình. Trong tư duy thơ trẻ miền Nam, hằn sâu vào cuộc sống là nỗi buồn chiến tranh. Cảnh tượng chới với của con người bị bỏ lại phía sau những trận càn đã trở thành niềm đau dai dẳng, đâu đâu cũng chỉ còn là dấu vết của thương tổn chiến tranh. Giọng điệu hẫng hụt gieo vào những dòng thơ tự do với biên độ câu thơ dài ngắn đan xen càng tạo nên chất trầm buồn, day trở: giữa lòng quê/ cuộc chiến bỏ quên người/ xe lăn đi/ đất mở rộng cơn đau/ đường gai chạy qua đồng máu chảy (Hành trình - Ngô Kha).

Sự thật của cuộc chiến là những vành khăn tang, những vòng trắng. Trong lòng đô thị miền Nam, với cái tôi thơ trẻ, sự thật nghiệt ngã chiến tranh là những gì họ phải chứng kiến hàng ngày, là hình ảnh tội nghiệp của những người hoảng hốt trong nỗi đau vĩnh viễn mất người thân: khi trời đổ mưa/ tôi thấy người chị/ tay cầm cây nhang/ với vầng mây cô đơn trải làm khăn chế/ tôi thấy người lính trẻ/ chĩa súng dài trên mặt nước/ với giòng sông/ tôi thấy đứa bé mồ côi/ ngước nhìn ảnh cha/ với tương lai trên chiến địa (Mùa đông chiến tranh ở Huế - Ngô Kha).

Những nghiệm suy về bức tranh xót đau của cuộc sống đạn lửa có khi còn phối vào thơ trẻ âm điệu của niềm bi quan, tuyệt vọng. Trở đi trở lại trong hồn thơ là nỗi ám ảnh về cái chết, về sự ra đi, về những âm thanh tức tưởi của con người.

Đây là cung bậc cái tôi nếm trải đến tận cùng hiện thực đổ vỡ của chiến tranh.

Giọng thơ chùng xuống, thao thiết với niềm đau thấm thía. Giọng bi quan trải thấm trên hàng loạt hình tượng thơ đầy ám gợi: Bây giờ con sống đây/ Bên những người đã chết/ Bên những người đang chết/ Cuộc sống mù lòa giữa mặt trời đen/ con mang máng thấy mình còn sống/ Khi ngồi âm thầm đếm nhịp trái tim/ Và con đếm nhịp trái tim/ Trong cơn hấp hối (Thưa mẹ, trái tim - Trần Quang Long). Hay với cái tôi phủ định, chối bỏ “thiên đường của thế giới tự do” vùng đô thị, thế giới nghệ thuật thơ là âm hưởng của giọng vỡ lẽ ê chề trước bi hài kịch chất chồng mâu thuẫn

giữa “kiếp sống con người và bài học tô son”. Trước những “sách vở buồn thiu như cơm nguội” bấy giờ, thơ trẻ chỉ còn tái tê sắc giọng của “những điều trông thấy”:

Thấy mẹ già khóc từng buổi chợ/ Thấy em thơ vá áo vá quần/ Thấy cha tháng ngày còm cõi/ Thấy mẹ buồn nước mắt rưng rưng (Hòa bình ở Sài Gòn - Nguyễn Tường Giang). Cũng trong vùng thơ tạm chiếm miền Nam, song mang nặng cảm thức bi quan về chiến tranh, các nhà thơ đi ra ngoài khuynh hướng cách mạng của thời đại đã thể hiện một hình tượng cái tôi trữ tình đa đoan trong những hợp âm não nề.

Giọng điệu thơ thảng thốt, suy sụp, tột cùng bẽ bàng khi người thơ chạm vào nỗi đau đơn độc:

tôi đã về

chiều nay không còn ai cổng ngoài kia đã khép chỉ còn lại một tôi

cầm lòng nghe mưa chết không còn ai

không còn ai

(Mùa mưa này không còn ai - Phạm Cao Hoàng) Thơ trẻ có một sự chuyển đổi chất giọng trong trẻo hồn hậu sang bè trầm của giọng buồn. Dấu ấn đời tư có khi hằn vào thơ viết về dân tộc sự xót xa, hoài nghi…

trong tuyệt vọng. Đó là giọng điệu chất vấn trong niềm thổn thức của cái tôi trữ tình: Đến bao giờ Người mới được nghỉ ngơi/ Trong nắng ấm và tiếng cười trẻ nhỏ?/ Đến bao giờ đến bao giờ nữa/ Việt Nam ơi? (Việt Nam ơi - Lưu Quang Vũ).

Trong hoàn cảnh chống chọi với những cơn sốt rừng già, không ít người lính trong thời chống Mỹ đã ra đi và bỏ lại đằng sau những lời đính hẹn dở dang, những mỏi mòn trông đợi. Cái tôi ngẫm ngợi về sự ra đi đột ngột của người lính trẻ, giọng thơ buồn thương, tiếc hẫng: Gió đi giật cục bàng hoàng/ Mây đỉnh núi chít khăn tang ngang trời/ Bao người yêu đã chết rồi/ Còn đau chưa nói được lời yêu nhau (Người đang yêu - Nguyễn Duy).

Nỗi đau mất mát không chỉ là câu chuyện bi kịch chiến tranh mà đó còn là những thương tổn tinh thần, vì thế, có thể thấy suy tư, trải nghiệm là chất giọng thể hiện chiều sâu tư tưởng của thơ trẻ. Thường xuất hiện trong thơ những câu hỏi tu từ vừa như chất vấn vừa là tự vấn. Nhất là ở mảng đời riêng tư, giọng thơ đầy dằn vặt qua câu hỏi mang màu sắc hoài nghi, trăn trở: Em nơi đâu? bao năm tháng qua rồi/

Người ta bảo rằng em đã chết/ Người ta bảo quên đi đừng phí sức/ Hãy chấp nhận những vách tường có sẵn/ Em làm gì có thật mà mong (Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên III - Lưu Quang Vũ). Có lúc đối mặt với không gian tròng trành, hiểm trở, cái tôi như rơi vào vô vọng; giọng thơ buồn chao chát: Đây cửa sông, nơi anh ra biển/ Nơi anh về. Mong anh được bình yên/ Được bình yên trở lại cùng em/ Nhưng anh chỉ trở về trong những ngày bão tố (Một vùng cửa sông - Xuân Quỳnh). Khi nỗi cô đơn và hụt hẫng đã tột cùng thì con người mang vào thơ chất giọng tự trào. Nhưng chủ thể càng tỏ ra bất cần, giọng thơ lại càng cay đắng:

Anh như thằng bờm/ Chẳng thiết trâu bò chẳng thiết lim/ Chỉ nhận nắm xôi cười ngặt nghẽo (Ngã tư tháng chạp - Lưu Quang Vũ). Trong suốt hành trình rong ruổi giữa nhân gian, người nghệ sĩ vẫn khắc khoải với những ước vọng không thỏa. Cái tôi đành gửi câu hỏi còn bỏ ngỏ về bản ngã đích thực của con người vào “di chúc tình yêu”. Giọng thơ rơi vào nỗi mong mỏi kiếm tìm, đầy chất nghiệm sinh: Lẽ sống và lẽ chết của anh/ Ta đi mãi về nhau tìm mãi bản thân mình/ Cuộc tìm kiếm suốt đời không tới đích (Di chúc tình yêu - Lưu Quang Vũ). Khi cuộc sống là những ngày hứng chịu cái nghèo cay cực, khi tiếng máy bay uy hiếp lưng trời, con người rơi vào cảm giác tủi phận trong tình yêu. Nhà thơ không giấu nổi giọng cay đắng xót lòng khi choán hết tâm can là ám ảnh áo cơm: Có tình yêu nào không cần cơm áo? Em ơi…/ Em đã thấy sáng nay từng mảng cuộc đời/ Buộc vào nhau bằng những manh áo mỏng/ Những bát cơm không đủ níu lòng/ Đi giữa trời/ Rét mướt (Đi giữa rừng súng máy - Trần Phá Nhạc).

Trong thơ trẻ vùng tạm chiếm miền Nam, bắt gặp không ít giọng suy nghiệm của cái tôi trữ tình cô đơn trong trống rỗng: Có một quảng đời tôi để trắng/ Sống cho qua/ Qua/ Cho qua luôn những tháng ngày còn của một đời/ Những tình nghĩa

không tròn/ Những hận thù không trả/ Những dự định không thành/ Những nét mặt nhòe tan trong kí ức/ Cũng cho qua (Nói một mình - Tô Thùy Yên). Cái tôi gắn với cái nhìn về tình yêu như là một số phận chung đôi bi thảm: cây buồn lá đến rơi thôi/

hồn dang cánh muộn thu đời nhá nhem/ mối đùn đất đắng cay em/ bù nhau chưa đủ lệ hoen ngày vàng/ chung thân tôi - địa ngục nàng (Phúc âm riêng của hai người - Du Tử Lê). Ý thức hiện sinh giữa một thực tại muôn vàn bế tắc, giữa cuộc sống ngột ngạt đã mang đến những trạng thái tình yêu đượm buồn, giọng thơ tự trào, in đậm cái tôi cô độc - cô độc hiện sinh: Ta về theo dấu chân mưa/ Hắt hiu phố chợ, ngày vừa xế tan/ Em đi, vỡ một cung đàn/ Hoàng hôn từ đấy mênh mang một trời (Lệ mưa - Trần Dzạ Lữ). Hay với cảm thức cô đơn đi cùng cái chết như một sự giải thoát, con người tình yêu hiện sinh thu mình trong thế giới của tình tự, cô độc, tôi đơn độc giữa tha nhân; giọng thơ bình thản nhưng đắng cay như lời tự thú: Như con thú nhận mũi tên tẩm độc/ Một phút thương em trải mấy thu sầu/ Ta muốn lánh mọi người - nghe tình khóc/ Một mình nằm chết lặng giữa hang sâu (Ngồi dưới trăng tan - Hạc Thành Hoa). Với cái tôi tình yêu mang nỗi bi lụy thường trực, trong thế giới nghệ thuật thơ giằng xé gam giọng não nùng, ai oán: sao thiên thu không là chôn sâu? Nên nắng xưa còn hanh mái tóc nhầu/ tôi đứng như xe tang ngừng ngập/

và một họ hàng khăn trắng buồn đau (Thiên thu - Nguyễn Tất Nhiên).

Một phần của tài liệu cái tôi trữ tình trong thơ trẻ việt nam 1965 1975 (Trang 187 - 191)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(213 trang)