Trùng điệp - Sự giải tỏa ám ảnh dồn nén

Một phần của tài liệu cái tôi trữ tình trong thơ trẻ việt nam 1965 1975 (Trang 174 - 180)

Chương 3: CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ TRẺ 1965 -

3.3. Thủ pháp đối lập và trùng điệp

3.3.2. Trùng điệp - Sự giải tỏa ám ảnh dồn nén

Với mong muốn khơi sâu vào tận cùng sự thật chiến tranh, các nhà thơ trẻ khao khát thể hiện nguồn cảm xúc phức hợp, thường trực của cái tôi trữ tình trên nhiều điểm nhìn. Vì vậy trùng điệp được sử dụng khá phổ biến trong thơ trẻ như là một thủ pháp hiệu quả trong việc thể hiện những trạng thái cảm xúc căng trào, những ám ảnh trong cuộc sống… Phổ biến nhất trong thơ trẻ là điệp từ và điệp ngữ, xuất hiện với tần số cao, mang lại giá trị thẩm mĩ, góp phần khắc họa đa dạng hơn những biểu hiện của cái tôi trữ tình trong thơ trẻ 1965 - 1975.

Sự trở lại của những từ, ngữ với tần suất cao nhằm nhấn mạnh điều được phản ánh và thể hiện nguồn cảm xúc mãnh liệt của chủ thể trữ tình có thể xem là mục đích tối ưu của thủ pháp trùng điệp. Không ít ngòi bút thế hệ trước đã sử dụng thuần thục kĩ thuật trùng điệp trên nhiều cấp độ: vần, nhịp, cấu trúc; mang đến cho thơ âm hưởng luyến láy, da diết trong tình điệu và thâm trầm trong cả nghiệm suy. Đó là khúc hát ru vừa chan chứa lời mẹ vỗ về, vừa thấm hồn dân tộc, quê hương: Nằm trong tiếng nói yêu thương/ Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời/ Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi/ Hồn thiêng đất nước đã đã ngồi bên con (Nằm trong tiếng nói - Huy Cận); là lời khẩn cầu “kính cẩn nghiêng mình” trước vẻ đẹp cao cả của nhân dân:

Cho tôi hôn đôi bàn chân em lạnh ngắt/ Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt (Người con gái Việt Nam - Tố Hữu); là tiếng tự vấn của cái tôi đầy triết lí, nghiệm suy: Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc/ Khi lòng ta đã hóa những con tàu/ Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát/ Lòng ta là Tây Bắc, chứ còn đâu? (Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên).

Cũng có thể dễ dàng tìm thấy kĩ thuật trùng điệp trong sáng tác của các cây bút vùng tạm chiếm miền Nam giai đoạn trước, khi cái tôi trữ tình trong thế giới nghệ thuật thơ là hiện thân của những khối đơn độc đang đè nặng linh hồn:

Từng đêm từng đêm đời hấp hối Nghiêng tay xin vuốt mắt giùm nhau Từng đêm từng đêm đời tội lỗi Cắn răng xin nguyện khúc kinh cầu

Từng đêm từng đêm từng đêm tối Quên em còn biết nhớ ai đâu?

(Bóng tối - Hoàng Trúc Ly)

hay của khuôn mặt tình ái đậm đặc nồng độ yêu thương mơ mộng:

Anh sẽ vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc Anh sẽ nâng tay cho ngọc sát vào môi Anh sẽ nói thầm như gió thoảng trên vai Anh sẽ nhớ một đời mưa tháng sáu

(Tháng sáu trời mưa - Nguyên Sa)

Đến giai đoạn này, chính sự lặp lại một cách đầy dụng ý nghệ thuật của kĩ thuật trùng điệp lại một lần nữa tạo ra trong thế giới nghệ thuật thơ trẻ những hình tượng đầy sức ám ảnh, những cung bậc cảm xúc căng trào. Thủ pháp này gây hiệu ứng thẩm mĩ cao, tác động đến tâm lí tiếp nhận của độc giả. Trùng điệp còn tạo nên nhịp điệu của thơ ca, góp phần tạo sức vang tỏa và cả điểm nhấn cho giọng điệu của tác phẩm. Hay nói khác hơn, dưới góc độ tiếp nhận văn học, việc vận dụng thành công thủ pháp trùng điệp tạo được ở người đọc cái nhìn xoáy sâu vào hình tượng, từ đó có thể khám phá được chiều sâu cảm xúc, tư tưởng của người nghệ sĩ; đồng thời hướng người đọc đến những vùng rung động thẩm mĩ.

Điệp từ thể hiện tối đa hiệu quả tu từ khi nói về nỗi đau trong chiến trường bom đạn: một dòng thư viết vội gửi mẹ già/ một giấc mơ chợp ngủ thấy quê nhà/

một tình yêu chúng tôi chưa được sống/ một khu vườn chúng tôi chẳng kịp qua (Cơn bão - Lưu Quang Vũ). Với dồn dập số từ một, tác giả đã tạo nên một từ mới chỉ số nhiều, thậm chí là gấp nhiều lần một. Đó là nỗi đau tiếp nối nỗi đau của những người lính trong chiến trận. Đó là tình yêu còn dang dở, là hụt hẫng của giấc mơ chưa kịp đến, là tình yêu chỉ đến trong nguyện ước, là khoảng không gian bình yên chưa kịp đặt chân. Như vậy điệp từ một đã mang lại hiệu ứng tu từ cao, qua đó hình tượng cái tôi trữ tình như đi đến tận sâu nỗi ám ảnh về cái gọi là khuyết vắng, mất mát của chiến tranh. Đọng lại trong tâm thức bạn đọc là một dấu hỏi dài - con người còn lại gì đằng sau những ngày tháng đạn bom? Phải nói trong dòng chảy của thơ

trẻ, thơ Lưu Quang Vũ khá giàu âm vang. Nhịp điệu câu thơ không hẳn được tạo nên từ sự ngắt nhịp, gieo vần mà hầu hết đấy là âm hưởng nhịp nhàng được mang lại từ biện pháp trùng điệp xuất hiện với một mật độ dày đặc. Nói một cách hình ảnh hơn, thơ Lưu Quang Vũ chật ních cấu trúc trùng điệp. Có khi sự trùng điệp còn là biểu hiện của một thái độ khẳng định trong quan niệm của người nghệ sĩ về thơ.

Chỉ là những lời tâm sự bằng thơ nhưng thao tác sáng tạo ngôn từ theo phương thức này đã mang lại cho quan niệm nghệ thuật của nhà thơ chất triết luận sắc sảo, giàu sức thuyết phục: Dẫu bay đi không một lời đáp lại/ Dẫu trơ trọi trong lạnh lùng bóng tối/ Dẫu đường dài xa ngái/ Đừng phút nào mệt mỏi, thơ ta ơi (Nói với mình và các bạn). Lời tâm niệm của Lưu Quang Vũ cũng chính là quan niệm về ý thức cầm bút của những người bạn thơ cùng thời. Đó là lời nhắn nhủ đối những người lấy văn chương làm nghiệp.

Lưu Quang Vũ là một nhà thơ có tâm hồn luôn khát khao khuấy động vào cái tĩnh tại. Vì thế cảm xúc của chủ thể trữ tình cứ nhân lên thành những kết cấu trùng điệp, tạo một phong cách thơ nồng nhiệt, hối hả: Nơi xa/ Một con tàu xuyên bóng tối/ Đi về miền núi đá vôi/ Một vùng nước trắng xa xôi/ Một nhà ga cô quạnh/ Một người đàn bà ướt lạnh/ Đứng chờ anh (Không đề). Đặc biệt, khi viết về đời tư, nhà thơ thường sử dụng cấu trúc trùng điệp như là một sự giải tỏa: Dẫu anh mất nhà ga êm đẹp đó/Vẫn còn con tàu chuyển bánh đi xa/ Anh đã mất ngôi sao trên mái nhà/

Anh vẫn còn ngôi sao ngoài cửa sổ/ Và nếu mất em rồi anh vẫn còn đôi mắt của em (Anh đã mất chi anh đã được gì). Và đó cũng là cách chủ thể vượt lên nỗi đau thực tại. Thủ pháp trùng điệp không phải là mới song sức ám gợi của nó đã khẳng định sở trường của Lưu Quang Vũ; hơn nữa, kết cấu này thích hợp với đặc điểm tâm hồn nhà thơ - “đắm đuối” và nồng say. Ý tứ cứ tiếp nối, trùng phức lên nhau, tạo cho bài thơ âm điệu trùng trùng lớp lớp. Thường thì cấu trúc trùng điệp thể hiện sắc thái khẳng định mạnh mẽ. Đó lại là cái tạng riêng của Lưu Quang Vũ, ngay khi hồn thơ bâng khuâng trong hạnh phúc bình yên. Cái tôi sợ khoảng cách, sợ sự mơ hồ: Em như gần như xa lẩn khuất/ Anh bỗng thành chim nhạn vọng trời xanh/ Anh nhớ em trong nỗi lá nhớ cành/ Nhớ nỗi nhớ của vườn xưa tội quá (Bài thơ khó hiểu về em).

Trong thơ 1965 - 1975, hình tượng người lính không chỉ được khắc họa ở tâm trạng dứt áo ra đi, sẵn sàng lên đường không vướng bận như trong thơ của thời kháng chiến chống Pháp. Đến thơ thời kháng chiến chống Mỹ, ngòi bút của thế hệ trẻ đã đi vào sâu hơn những suy tư của người chiến sĩ khi bắt đầu hành trình dấn thân cứu nước. Ở đó, có thể thấy được những ngậm ngùi, những nỗi buồn cách chia buộc lòng nén lại, những hình ảnh của người ra đi mang không ít nỗi niềm gửi lại quê nhà. Nhịp điệu câu thơ dồn dập như tiếng lòng hồi hộp, cháy bỏng của những con người mang nhiệt huyết ra đi vì Tổ quốc. Lời từ tạ lên đường của người lính trẻ vì thế dội trong tâm thức người nghệ sĩ như một điệp khúc chứa chan tình cảm: Từ biệt tỉnh địa đầu Tổ quốc/ Từ biệt người yêu cưới chửa ấm giường/ Từ biệt căn nhà sàn, mà ra đi, như con tàu xa bến/ Từ biệt mẹ già trong sắc áo chàm xanh (Một người anh hùng - Ngô Văn Phú).

Với biện pháp trùng điệp, khi đến với thơ trẻ, độc giả hình dung giá trị sức mạnh tinh thần của một thế hệ. Ý thức dấn thân của tuổi trẻ được cụ thể hóa trong điệp từ mang in đậm dấu ấn của cả một lớp người. Đó là lời khẳng định một cách ấn tượng về chân dung của thế hệ những người con luôn hướng lòng về ngày mai của Tổ quốc. Với họ, chưa lúc nào trách nhiệm đối với non sông ngừng thôi thúc tâm can: Từ buổi con đi mang tình yêu đất nước/ Mang dòng máu người cha, đi khắp chiến trường/ chiếc áo sờn vai đi khắp quê hương/ Mang cả chiến công gởi về quê mẹ (Vĩnh biệt - Thu Bồn). Cũng trong khoảnh khắc lắng dịu của tâm hồn, Nguyễn Khoa Điềm đã hướng về những thanh âm thân thuộc. Từ tiếng chim gõ thời gian vào đời đều đặn, người nghệ sĩ lắng nghe nhịp khúc trầm ấm của những hồi ức vọng lại từ hiệu ứng trùng điệp: Ta bỗng nghe/ Tiếng nhặt khoan nhịp sênh tiền mẹ hát/

Tiếng âm ấm giọt tranh vừa nặng hạt/ Tiếng phồng căng con gà đất đầu xuân/

Tiếng chìm sâu buổi phóng cọc Bạch Đằng/ Tiếng đục vào đất đêm/ Tiếng khoan tường xuyên phố/ Tiếng đất rang lật dưới chân cha vỡ/ Tiếng bào thai mẹ đạp dưới hầm sâu/ Và tiếng em rơi rơi…/ Như những mảnh lá đêm, mùa chia tay Hà Nội (Con chim thời gian -Nguyễn Khoa Điềm).

Thơ trẻ khắc sâu hình tượng cái tôi cháy bỏng căm thù. Chủ thể trữ tình khát vọng dấn thân đi cuối đất cùng trời để trả nỗi hận cho mẹ cha, cho dân tộc. Tiếng thơ sôi trào căm giận đó cũng chính là tiếng lòng đau thương, tủi hờn của thế hệ trẻ.

Tất cả ùa đến dồn dập qua tần suất dày đặc những điệp ngữ: Cha trút cho con nỗi nhục cha đau/ Cho xương con có dáng trăm cọc bêu đầu/ Cho mắt con có màu gươm của mắt nghìn người bị chém/ Cho tay con có mười chiếc đinh của nghìn tay bị đóng/ Cho môi con khô nỗi thèm sữa em con/ Con muốn làm người, mẹ ơi, Việt Nam (Khoảng lớn âm vang - trích Mặt đường khát vọng). Trong thơ Hữu Thỉnh, nỗi hờn căm quân thù cũng được đẩy lên đến cao trào bởi hàng loạt điệp từ: Một con đường đất đỏ như son/ Một màu rừng xanh bạt ngàn hi vọng/ Một ý chí bay ra đầu họng súng/ Một niềm tin nghiến nát mọi quân thù (Trên một chiếc xe tăng).

Ngô Kha - nhà thơ của lòng đô thị miền Nam - cũng sử dụng khá thành công thủ pháp trùng điệp. Đó là cách nhà thơ lí giải về ý nghĩa của vấn đề làm người trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh. Lời thơ mang giá trị triết luận về ý thức của con người sống trong những ngày đất nước chìm trong đạn lửa. Đó là nguyên cớ để con người giải thoát mình khỏi thân phận nô lệ. Tiếng nói thơ Ngô Kha, cũng trong mạch cảm hứng của thơ trẻ thành thị miền Nam, lấy uất hận để rửa uất hận, để dấn thân đòi nợ máu cho đồng bào. Điệp từ bởi với hàng loạt hình tượng đau thương, mất mát, bất hạnh… thực sự ăn sâu vào lòng căm hận của ngòi bút thơ trẻ. Có cái gì đó vừa cay xót, mỉa mai mà cũng đầy căm phẫn. Ngô Kha đã lột tả hết nỗi khốn cùng của thân phận nô lệ. Đây cũng là một trong những quan niệm nghệ thuật của thơ trẻ 1965 - 1975: tình thương nào sót lại nơi đây/ em dũng cảm trong lò nung thép/ bởi làm người nước mắt phải đun sôi/ bởi làm người nên nhục nhằn đau đớn/

bởi làm người ngựa kéo trâu cày/ bởi làm người chưa một lần hạnh phúc/ bởi làm người đói khát tự do/ bởi làm người màu da lận đận/ bởi làm người tay còng xiềng xích/ bởi làm người đánh mất quê hương/ bởi làm người chết đầu mũi giáo/ bởi làm người nên phải đấu tranh (Trường ca Hòa bình). Hay qua hàng loạt lượng từ những, Trần Quang Long đã mở ra nhiều hình ảnh đầy ám gợi về một thế giới tuổi thơ, thân phận non nớt vô tội trong chiến tranh. Bức tranh hiện thực cùng với nhiều

sự thật khủng khiếp được phơi bày. Song từ đó người nghệ sĩ cũng nhìn thấy sự đổi đời của những kiếp người hứng chịu bi kịch: Những tuổi thơ trong nhà tù, trong góc chợ/ Những vành môi khát sữa, những bước nhớ lang thang/ Những tuổi thơ héo tàn trong vòng nô lệ/ Những tuổi thơ ánh mắt rạng sao vàng (Ngày sinh của bé - Trần Quang Long). Khi chứng kiến sự lụi tàn, héo mòn, lẩn khuất của thế giới hiện thực dưới sức tàn phá của chiến tranh, hiển lộ cái tôi chao đảo trong hàng loạt kết cấu trùng điệp: Vẫn những con bù nhìn tàn tạ/ Những con đường bụi đỏ những con đường quanh những con đường thẳng/ Những con đường không có mặt trời lờ mờ không có lá gân xanh/ Những thân cây khô cằn nhựa nguyên, tua tủa gai nhọn/

Những con đường đi xa dần quê hương, đi rưng rưng bên bóng con người (Dưới bóng tôi, lờ mờ những đời người - Thái Ngọc San).

Kĩ thuật viết trùng điệp nhiều lúc còn mang lại hiệu quả thẩm mĩ bất ngờ ở thế giới nghệ thuật thơ tình của những cây bút vùng tạm chiếm miền Nam, đặc biệt khi chủ thể trữ tình xoáy vào nỗi thèm khát rất thành thực của con người:

Những sáng của thương những chiều của nhớ những đêm thèm một chút ái ân

nằm đợi mãi trăng không về gọi cửa ta cắn vào thơ buốt cả răng

(Tương tư - Lê Ký Thương)

Và với cách nói trùng điệp, cái tôi trữ tình trong những hồn thơ lạc loài giữa cuộc sống chiến tranh ở vùng tạm chiếm miền Nam bấy giờ có thể diễn giải nỗi khát thèm cuộc sống bứt phá, một cuộc sống không câm nín: muốn quên đi sao vẫn còn bịn rịn/ muốn ngàn khơi sao mãi mãi nghe gần/ muốn đui mù sao mắt mãi tìm trông/ muốn câm nín mà lòng thì thầm bày tỏ/ muốn bỏ đi sao tần ngần đứng ngó/

muốn thét gào để được hóa thân (Hồi tưởng 69 - Lan Sơn Đài). Cũng với dụng ý bày hết tình yêu thương sâu kín, dự cảm không lành, chủ thể có khi dùng trùng phức những lời tự thú, lộ diện cái tôi khắc khoải yêu thương như một lời trăng trối: Hãy ngủ ngoan bằng tình thương nghe con/ Dù lớn lên con gặp nhiều phản bội/ Hãy ngủ

ngoan bằng tình anh nghe em/ Dù mai sau em hôn người khác/ Và quên anh đã chết giữa rừng (Lời cho vợ con trước giờ hành quân - Lê Nhược Châu).

Như vậy, với một số thủ pháp nghệ thuật vừa khảo sát, có thể khái quát được sự thành công của thơ trẻ trong việc tạo nên một thế giới nghệ thuật phong phú, thể hiện sự đa dạng sắc thái giọng điệu - một yếu tố quan trọng hình thành phong cách nhà thơ. Thơ trẻ quả đã tạo được một giọng riêng giữa nguồn thơ 1965 - 1975.

Một phần của tài liệu cái tôi trữ tình trong thơ trẻ việt nam 1965 1975 (Trang 174 - 180)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(213 trang)