Yếu tố văn xuôi - Sự xích lại ngữ điệu đời thường

Một phần của tài liệu cái tôi trữ tình trong thơ trẻ việt nam 1965 1975 (Trang 163 - 167)

Chương 3: CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ TRẺ 1965 -

3.2. Chất khẩu ngữ và yếu tố văn xuôi

3.2.2. Yếu tố văn xuôi - Sự xích lại ngữ điệu đời thường

Ngoài việc tăng cường yếu tố khẩu ngữ, việc tiếp nhận táo bạo yếu tố văn xuôi cũng là một trong những xu hướng không thể cưỡng lại của thơ trẻ 1965 - 1975.

Hoài Thanh nhận định: “Phong trào thơ mới lúc bột phát có thể xem như một cuộc xâm lăng của văn xuôi. Văn xuôi tràn vào địa hạt thơ, đập phá tan tành” [176, tr.43].

Cái tôi Thơ mới khao khát bộc bạch đến tận cùng gan ruột, vì thế dung lượng câu thơ gần với văn xuôi là đủ sức chuyển tải tâm trạng của người nghệ sĩ hơn cả.

Nhưng “cuộc xâm lăng” đó không lâu và không nhiều. Mãi đến thời kì thơ 1945 - 1975 thì lời nói mới đóng vai trò chủ đạo trong thơ. Từ đó, cấu trúc văn xuôi trở thành xu hướng tự do hóa hình thức khá phổ biến. Như vậy, đến giai đoạn 1965 - 1975, các tác giả trẻ có điều kiện đưa vào thơ nhiều ngữ điệu cuộc đời, làm phong phú ngôn ngữ thơ Việt Nam hiện đại nói chung, đồng thời cũng tạo ra một thế giới ngôn từ nghệ thuật mang giọng điệu riêng qua việc tự do hóa hình thức thơ.

Phá vỡ khuôn khổ hình thức thơ cách luật, thậm chí đưa thơ tự do đi đến địa hạt thơ văn xuôi cũng là một cách để thơ trẻ đến gần với cuộc sống. Hay nói khác hơn, chất khẩu ngữ có quan hệ mật thiết với yếu tố văn xuôi, là chất xúc tác để đưa yếu tố văn xuôi xâm nhập vào thế giới nghệ thuật thơ. Song ở thơ trẻ giai đoạn này, chủ yếu mới chỉ là sự tự do hóa hình thức thơ bằng những cấu trúc văn xuôi. Bên cạnh việc tiếp nhận yếu tố khẩu ngữ, việc đưa cấu trúc văn xuôi vào thơ như thế cũng góp phần làm đa dạng hình thức diễn đạt, tạo nên diện mạo hiện đại của thơ ca giai đoạn này. Đến với thơ thời chống Mỹ, cùng với số lượng tăng đáng kể của thơ tự do, cú pháp câu thơ thực sự linh động, gần với cấu trúc của một câu văn xuôi.

Khi chất văn xuôi được tăng cường, câu thơ có xu hướng dài ra, hình thức câu kể được ưa chuộng. Ngôn ngữ thơ gần với văn xuôilà đặc điểm đễ nhận thấy trong thế giới nghệ thuật thơ trẻ 1965 - 1975. Đến với các thể thơ truyền thống, yếu tố vần, nhịp được đặt lên hàng đầu. Còn khi đến với thơ trẻ giai đoạn này, sự xuất hiện yếu tố văn xuôi đã mang lại một khuôn diện mới cho nghệ thuật ngôn từ. Con đường đến với thế giới nghệ thuật thơ cổ điển phần nhiều thông qua những yếu tố liên kết bên ngoài (thanh, vần, nhịp). Song đến với thơ tự do, như đã phân tích ở tính năng thể loại, trước những tác phẩm được tổ chức theo cấu trúc văn xuôi, độc giả như được thâm nhập trực tiếp vào mạch ngầm trong thế giới nội cảm của người nghệ sĩ để đi vào kiến tạo tác phẩm. Các cây bút trẻ có xu hướng mở rộng câu thơ thành những lời tự sự: Chính ủy của tôi xa quê hương hai mươi sáu năm trời (Giọt nước mắt và nụ cười - Nguyễn Duy); những hạt muối thân quen, dù lưỡi không chạm

vào, lòng sao thấm thía (Muối trắng - Nguyễn Duy); Tôi chẳng muốn điệu hát buồn là kỉ niệm về tôi, Tiếng than van tiếng nỉ non tiếng đùa tiếng khóc, Khao khát của em không phải của người con gái... (Lưu Quang Vũ); Chúng ta đã bao nhiêu lần chong đèn thức đợi (Tố Chân - Trần Quang Long); Ở đó, những niềm hạnh phúc, những ngày khốn khó (Hoa máu còn hồng truớc ngôi nhà cũ - Đông Trình)…, phù hợp với cách biểu hiện cảm xúc đắm đuối của cái tôi. Tâm can người nghệ sĩ bật thốt thành lời nói, vì thế tự nhiên mà cảm động vô cùng. Thơ là ngôn ngữ của độc thoại nhưng rõ ràng câu thơ gần với văn xuôi như thế đã đưa thơ trẻ xích lại lời đối thoại, trần tình: Anh đã cho nhiều anh đã phải lãng quên/ Người ta chê anh nhiều lưu luyến quá/ Anh gắng gượng nghe theo anh vứt bỏ/ Bao diệu kì chân thực thuộc về anh/ (Anh đã mất chi anh đã được gì - Lưu Quang Vũ).

Hàng loạt lời thơ gần với văn xuôi theo mô hình câu kể tạo kênh giao tiếp mở;

người đọc như đang trực diện với chuỗi trạng thái tâm lí thường trực của cái tôi trữ tình trong lòng đô thị miền Nam - bế tắc, cô đơn, nuối tiếc, oán thán, tủi hận: Anh vừa nghe trong lòng có chút buồn bã/ len lỏi thật vô tình (Đợi giờ phục sinh - Phạm Cao Hoàng); tôi đã mất tuổi thơ/ nhưng không có tuổi già/ tôi chỉ có tuổi yêu/ tuổi thất tình/ tuổi mơ mộng/ tuổi làm thơ (Vẽ em lên thơ lên cuộc đời - Luân Hoán); Tôi chết rồi đây hơn một nửa/ Những ngọn nến đời mình/ Tôi đã thổi tắt hết từ lâu/ Họa còn chăng một chút hơi thừa (Nói một mình - Tô Thùy Yên); Tôi là một con chiên không có nhà thờ/ Một tín đồ ngoan đạo chưa bao giờ xem lễ/ Và đọc kinh cầu nguyện (Khát vọng của một người cô đơn - Lê Nghiêm Vũ). Khi cái tôi mang thân phận bi thảm vùng tạm chiếm miền Nam chất vấn chiến tranh, lời đối thoại lại càng có sức nặng như một lời buộc tội chua chát, như sự phơi bày bi kịch chiến tranh:

vinh quang đâu đời tôi đó hôm nay/ bạn bè tôi thằng hóa đá đứa mây bay/ đứa còn kẹt ở chiến khu một cánh tay một bàn chân/ dăm ba sợi tóc/ điều không tưởng là tôi được thoát/ nên biết cười hay khóc thế nào đây (Hồi tưởng 69 - Lan Sơn Đài).

Thơ trẻ 1965 - 1975 gần với ngôn ngữ của lời nói văn xuôi còn nhờ vào sự xuất hiện đậm đặc hệ thống hư từ. Văn học hiện đại đã tìm cách vượt qua khỏi rào cản từ ngữ trang trọng truyền thống để đưa vào văn chương vốn từ không chỉ thuộc

về giao tiếp đời thường mà chính sự xuất hiện lớp hư từ vốn mang đậm yếu tố khẩu ngữ như thế còn kéo hình thức câu thơ gần với văn xuôi. Đối với thơ cách mạng mà yêu cầu triết luận sắc sảo được đặt lên hàng đầu thì nghệ thuật sử dụng ngôn từ như thế không phải là hiếm. Song không đơn thuần nâng tầm khái quát, triết luận như cách thơ cách mạng thường sử dụng mà trong thế giới nghệ thuật thơ trẻ 1965 - 1975, hệ thống từ này tồn tại trong những cấu trúc văn xuôi còn giúp ngòi bút các tác giả cọ xát được với muôn mặt đời thường. Thơ trẻ rất thích hợp với những phụ từ chỉ sự phủ định có khả năng nhấn mạnh thái độ, tình cảm của cái tôi trữ tình, nhất là khi cái tôi muốn chất vấn cuộc đời: Anh chẳng mang cho đời những tiệc vui ảo ảnh/ Nỗi buồn chân thành đời chẳng nhận hay sao? (Có những lúc - Lưu Quang Vũ). Nhưng chính sự phủ định như thế đôi khi lại làm dịu đi nỗi đau trong hồn thơ:

Thôi chẳng chờ mong nữa/ Chẳng đua chen với cuộc đời này/ Xin chối từ cái bàn tiệc đắng cay (Ngã tư tháng chạp). Bên cạnh đó, thơ trẻ còn mang cách nói tự nhiên nhưng giàu chất triết lí nhờ phương thức liên kết ý thơ bằng lớp từ nối: chỉ, cùng, dẫu, để, nên, nếu, nhưng, và... Lớp từ nối này thường tạo được thế tăng cấp hay tương phản cho câu thơ. Người đọc hẳn phải bàng hoàng khi nhà thơ ngẫm nghĩ về thế thái nhân tình, bằng những hình ảnh thơ tương phản: Quán cà - phê chạng vạng khói bay/ Mùi khói cũ cay xè con mắt/ Ngồi quanh bàn giờ bao người lạ khác/ Cãi ồn ào những chuyện làm ăn/ Chỉ anh điên vẫn đứng sững ngoài đường/ Thân tiều tụy ôm mặt cười lặng lẽ (Quán cà phê ngoại ô - Lưu Quang Vũ). Có lúc tác giả đặt từ nối vào giữa hai dòng thơ khiến người đọc có cảm tưởng cái tôi nén lại đau xót, giận hờn khi lí giải về sự tan vỡ niềm tin mà chủ thể trữ tình không phải là người chịu lỗi: Em biết đấy, anh chẳng tin định mệnh/ Nhưng trên đời này chỉ ước mơ là có thật/ Hai ta hãy là giấc mộng của nhau thôi (Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên I). Và cũng chính nhờ khả năng khẳng định mạnh mẽ của từ nối, đặc biệt là từ nhưng mà nhiều khi thơ trẻ tạo trong công chúng văn học ấn tượng sâu sắc về những hồn thơ không bao giờ bằng lòng với định mệnh và luôn tìm cách đứng lên từ những tổn thất và lầm lỗi đời mình để gây dựng lại sự lạc quan trong tư tưởng: Có những lúc tôi xuôi tay đuối sức/ Nhưng từ đáy nỗi buồn tôi thẳm thẳm/

Một cái gì như nhựa thắm trong cây/ Một cái gì trắng xóa tựa mây bay/ Là hoa gạo lòng tôi chẳng tắt (Có những lúc - Lưu Quang Vũ).

Cũng với cách gieo từ nối vào giữa những dòng thơ và ngay giữa một dòng thơ, chủ thể trữ tình trong thơ vùng tạm chiếm miền Nam có thể chia sẻ được rất nhiều về trạng thái tinh thần của con người không giải thoát mình ra khỏi cô đơn:

trong sự sống này và buổi chiều yên tĩnh đó/ những bọt sóng đã vỡ ra từ vô cùng/

anh sinh hoạt âm thầm như loài dơi khốn khổ/ trong sự vô tình của nắng, niềm bao dung của gió/ cơn phẫn nộ của rừng/ và sự ưu tư của đá/ anh già đi bằng những nỗi than van/ cùng mặt trời thầm thì soi mói đó (Trên đỉnh trời An Khê - Trần Thúc Vũ). Với tâm thế của con người sống trong những đổ vỡ của niềm tin, cảm thức hiện sinh, như đã khẳng định, càng được hiển lộ. Lí giải về hạnh phúc, các cây bút trẻ trong lòng đô thị sử dụng lớp phụ từ phủ định để được nếm trải cảm thức đơn độc trong một thế giới trống rỗng của thực tại chiến tranh: Em đừng hỏi ở rừng có gì lạ/ Có gì đâu ta từ buổi lên đường/ Hôn chưa kịp em - bây giờ hôn đất/ Thay chiếu giường bằng hầm hố cô đơn (Thư gửi người ở lại - Trần Dzạ Lữ). Hay mượn từ ngữ phủ định, thơ trẻ vùng tạm chiếm miền Nam tạo lập được những hình thức diễn đạt gần với câu văn xuôi. Qua đó, cái tôi trữ tình hoảng hốt kiếm tìm ý nghĩa của hạnh phúc khi đứng trước dự cảm mơ hồ về cái vô nghĩa của chiến tranh: Nhiều lúc anh tự hỏi không biết chiến tranh để làm gì/ không biết để làm gì/ nhưng dù không biết để làm gì đi nữa/ hãy nhớ hôn anh một lần đi/ em nhé (Trước khi đi lính - Triều Uyên Phượng).

Với nhu cầu thâm nhập vào tận sâu những chi tiết bộn bề của đời sống, phản chiếu một hiện thực chiến tranh sinh động với chân dung đa diện của cái tôi trữ tình thì việc tiếp nhận yếu tố khẩu ngữ và yếu tố văn xuôi là một sự lựa chọn tất yếu của thơ trẻ 1965 - 1975. Sự tiếp nhận khá táo bạo này là minh chứng cho xu hướng tăng cường mối quan hệ ràng rịt giữa thơ và đời.

Một phần của tài liệu cái tôi trữ tình trong thơ trẻ việt nam 1965 1975 (Trang 163 - 167)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(213 trang)