Chương 3: CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ TRẺ 1965 -
3.2. Chất khẩu ngữ và yếu tố văn xuôi
3.2.1. Chất khẩu ngữ - Sự lột tả cái gân guốc của chất liệu hiện thực
Từ quan niệm nghệ thuật là sự phản ánh chân thực đến từng chi tiết của cuộc sống và chiến trường, thơ trẻ 1965 - 1975 đã để ngôn ngữ của lời nói thường ngày xâm lấn vào địa hạt thơ. Sự gia nhập của yếu tố khẩu ngữ có thể xem là một xu thế không thể cưỡng lại được của ngòi bút thơ trẻ. Và chính sự phổ biến của thơ tự do, chính yêu cầu tăng chất chính luận khiến cho thơ trẻ giai đoạn này mang điệu nói.
Sự cộng hưởng này giúp người nghệ sĩ lột tả hết cái gân guốc của cuộc đời thường nhật. Và có lẽ đưa ngôn ngữ gần với lối nói rất đời thường là cách rút gần khoảng cách giữa thơ và đời, đưa thơ chạm sâu vào muôn mặt đời sống. Có thể nói, chất khẩu ngữ dường như trở thành “chủ âm” của không ít hiện tượng thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975.
Phải nói khoảng cách giữa ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ đời sống được thu hẹp đáng kể trong thơ 1945 - 1975. Để tăng cường chất liệu hiện thực, không ít nhà thơ đã thể nghiệm trong việc đưa ngôn ngữ đời sống vào thơ trên một lằn ranh mỏng mảnh giữa yếu tố “thơ” và “ngoài thơ”. Với nhu cầu hướng ngoại, các nhà thơ lớp trước đã mở đường cho việc tạo kênh giao tiếp gần gụi giữa thơ với đời thông qua những cách biểu đạt, cách dùng từ đậm chất khẩu ngữ: Sao đến chỗ ni/ Trước mắt tôi như có hào sâu ngăn lại/ Đất Việt Nam, người Việt Nam không bước tới/ Mắt mải nhìn mòn hết nửa con ngươi/ Thân đứng đây, thân chết nửa con người/ Lời tôi nói lời tôi nghe, đứt đoạn (Sóng vỗ cửa Tùng - Lưu Trọng Lư); Chúng tôi đi nhớ nhất câu ni/ Dân chúng cầm tay lắc lắc:/ Độc lập nhớ rẽ viền chơi với chắc (Nhớ - Hồng Nguyên); Thằng giặc không chạy được/ Mày chết với chúng ông (Lên đường - Nguyễn Đình Thi)… Đến thế hệ thơ trẻ thời chống Mỹ, có thể xem Phạm Tiến Duật là nhà thơ đã “cấp chứng minh thư” cho ngôn ngữ đời thường đi vào thế giới nghệ thuật ngôn từ của thơ ca. Đây là cây bút tỏ ra thuần thục trong việc tiếp nhận sự du
nhập của yếu tố khẩu ngữ. Nhớ, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Gửi em - cô thanh niên xung phong… là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện năng lực của Phạm Tiến Duật trong việc tiếp nhận yếu tố khẩu ngữ một cách tinh tế. Thậm chí có những từ ngữ ngỡ không thể thành ngôn ngữ thơ ca, vậy mà lại đầy chất thơ. Chính nhiều khi chất khẩu ngữ tràn vào thơ khiến người đọc thấy thơ và cuộc sống không thể là những bước đi lạc điệu. Phạm Tiến Duật đã viết rất tự nhiên về hình ảnh người lính. Nỗi nhớ xoáy sâu, như thành hình thành khối đang cựa quậy trong tâm hồn chủ thể trữ tình. Với ý nghĩ chỉ là vết thương xoàng, tâm hồn người lính muốn bứt ra khỏi sự ràng buộc của nỗi đau thân thể, để hướng lòng mình về phía thiên nhiên với một cách nói tự nhiên đến tưởng chừng vượt ngưỡng thông thường. Vậy mà lại có duyên đến lạ: Nằm ngửa nhớ trăng/ Nằm nghiêng nhớ bến/ Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo (Nhớ). Có thể khẳng định Phạm Tiến Duật là người nghệ sĩ rất thành công khi phát hiện chất thơ ẩn giấu trong những chi tiết chằng chịt của đời sống. Hay chính nhà thơ là người đã phá vỡ quan niệm thông thường về đặc trưng ngôn ngữ thơ bằng chính hệ thống ngôn từ tưởng chỉ có thể xuất hiện trong lời ăn tiếng nói hằng ngày: Người tinh nghịch là anh dễ thân/ Bởi vì thế có em đứng gần/
Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là Thạch Nhọn (Gửi em cô thanh niên xung phong). Đến với Bài thơ về tiểu đội xe không kính, người đọc dường như hoàn toàn bị chinh phục bởi chất liệu của khẩu ngữ tự nhiên xâm chiếm vào phong cách nghệ thuật thơ: Không có kính ừ thì có bụi/ Bụi phun tóc trắng như người già/ Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc/ Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha. Không hề gây cho người đọc cảm giác thô vụng, chất liệu khẩu ngữ trong thơ Phạm Tiến Duật đã thực sự được chuyển hóa nhuần nhuyễn thành ngôn từ nghệ thuật, tạo nên một tứ thơ đẹp. Cuộc đời của người lính lái xe thời chống Mỹ hiện lên rất thực và cảm động.
Họ lạc quan ngay cả trong cách nhìn, cách nghĩ; ngay trong tư thế, giọng cười…
Nổi bật lên trên nền của hàng loạt cách nói đầy chất khẩu ngữ đó là chất thơ, chất thơ trong tâm hồn, trong sự bình thản của cái tôi trữ tình ngạo nghễ đến lạ lùng.
Như vậy mạnh dạn sử dụng yếu tố khẩu ngữ có chọn lọc, tinh tế không hề làm giảm
đi giá trị của thơ mà ngược lại còn góp phần tạo nên bản sắc riêng của phong cách người sáng tạo, khẳng định thơ ca khởi đi từ cuộc sống và trở về với cuộc sống.
Trong thơ tự do vùng tạm chiếm miền Nam, cái tôi trữ tình cũng mang nhiều sắc thái ngữ điệu cuộc đời. Chủ thể có ý thức trong việc diễn tả cạn cùng nỗi niềm của con người bằng cách nói rất khẩu ngữ: Trong cuộc hành trình gian khổ ấy/ Tôi làm rớt tình yêu/ xuống giòng nước/ đỏ phù sa của thời gian/ Cuồn cuộn chảy vào đại dương/ hư vô (Trong cuộc hành trình - Đynh Hoàng Sa). Hay với chất liệu khẩu ngữ, cái tôi thú nhận sự tồn tại chênh vênh của kiếp người, sự bấu víu cần kiếp ở tình yêu: đâu chốn muôn thu/ mà chiều nay tay níu lấy/ chạm miền hư không/ bước chân mình loạng choạng/ thôi hãy vin vào đời/ dù vẫn ngại ngần (Vết lệ nồng cho một ngày vui - Hà Nguyên Thạch). Cũng có khi mượn lối nói khẩu ngữ, người nghệ sĩ tự trào trong một chuỗi hỗn loạn tinh thần của cái tôi trữ tình:
Em có thương tôi hãy nhắm giùm đôi mắt lại hãy nhốt tôi chật hừ trong đó
đừng thả tôi ra, lỡ dại tôi điên tôi nói tôi cười rồi trời đất thất kinh phải tận thế trước ngày phán xét Chúa sẽ phạt tôi không cho tôi chết
đọa đày thêm một kiếp nữa cho nư…
(Tình ca trên biển - Lê Ký Thương)
Chất khẩu ngữ của thơ trẻ thường thể hiện tập trung ở những trợ từ: ừ, nhỉ…
Cách diễn đạt này hết sức tự nhiên, càng kéo thơ về với ngôn ngữ thường ngày. Lối nói đầy tính chất khẩu ngữ này mới thực sự diễn tả hết cái gồ ghề, góc cạnh của hiện thực lúc bấy giờ. Có lẽ không còn cách vận dụng ngôn từ nghệ thuật nào đắc địa hơn là mượn chính cách nói của đời sống ngôn ngữ thường ngày để tái hiện bản chất cuộc sống và hiện thực chiến trường: Ừ. Đã ở chiến trường/ Nhiều bom đạn chẳng có gì lạ cả (Nguyễn Đức Mậu). Lời thơ là tiếng nói của cái tôi lạc quan, coi mọi thứ hiểm nguy trong chiến trận là chuyện thường tình, để con người có thể vượt qua bao thử thách. Chính cách nói tự nhiên mở đầu bằng một trợ từ - câu đặc biệt
“Ừ” khiến cho hiện thực chiến tranh gần như là chuyện thường, cái tưởng rất đe dọa đến tính mạng con người lại được nhìn như một sự tồn tại hiển nhiên. Hay khi Phạm Tiến Duật viết: Không có kính ừ thì ướt áo. Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời/ Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa/ Mưa ngừng, gió lùa, khô mau thôi (Bài thơ về tiểu đội xe không kính) thì hình ảnh người lính đã tạo được ấn tượng đẹp trong lòng người đọc - dũng cảm, bình thản đến “lạ” và cũng hết sức ngang tàng. Quan niệm sống của thế hệ thơ trẻ chính là biết vượt lên tất cả hiểm họa, gian nguy bằng cái nhìn lạc quan. Hay lớp trợ từ này còn chạm khắc đậm nét cái tôi tự trào trước những mảnh vỡ đời tư: Lá cơm nguội rụng vàng mặt phố/ Mùa đông sắp tới rồi/ Mùa đông này ta sẽ phải chia tay/ Một chuyện chia tay có gì đâu em nhỉ/ Một chuyện tình tan vỡ có gì đâu/ Kết thúc một năm bao giờ chả thế/ Sau mọi điều, lại chỉ có mùa đông (Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên I - Lưu Quang Vũ).
Mở rộng yếu tố khẩu ngữ còn thể hiện qua việc đưa lời tự sự vào thơ, đôi khi tạo dựng nên những đoạn đối thoại - vốn là những câu thơ mang cấu trúc văn xuôi.
Xuất phát từ những lời gọi rất tự nhiên, xúc động của những người mẹ tìm con, thơ trẻ thành thị miền Nam đã làm vỡ động cái tôi vò xé, oán thán. Cách xưng hô khẩu ngữ trong các đoạn hội thoại như lời nói phát ra từ gan ruột, lại đầy chất thơ bởi đó là nguồn mạch khởi đi từ cái tôi chan chứa yêu thương trước bất hạnh của con người: Tội tình gì một sớm ven sông/ Lũ chúng bạo hành em/ Lưỡi lê gờm đầu súng/
Mẹ rên xiết kêu gào/ Máu trào lên uất hận/ Con tôi, tội nghiệp con tôi/ Hai ơi, con đã đi rồi/ Vườn hoang cỏ rậm mẹ ngồi khóc con (Thừa Phủ ơi lòng ta hồng biển lửa - Võ Quê). Hình thức đối thoại kết hợp với đại từ xưng hô đầy khẩu ngữ tao - bay càng khoét vào lòng người nỗi căm phẫn chiến tranh: Có người hỏi con mẹ đâu?/
Đang vui mẹ bỗng rầu rầu nét mi: Tổ cha bay! Hỏi làm chi?/ Con tao bốn đứa ra đi chưa về/ Đứa vượt núi, đứa qua khe,/ Đứa lăn súng, đứa lái xe hàng đầu/ Con tao?
Hả? Con tao đâu,/ Sao con bỏ mẹ cơ cầu mần ri? (Mẹ giữa phố người - Đông Trình). Việc tăng cường lời nói của cuộc sống đời thường thông qua những đoạn độc thoại cũng chính là đối thoại của nhân vật trữ tình khiến cho người đọc như đang trực diện với đối tượng được miêu tả, trực tiếp lắng nghe tiếng nói căm hận
của nạn nhân chiến tranh. Qua đó, người đọc ám ảnh trước hình tượng cái tôi căm thù tận cùng gan ruột: An ninh, Quân đội, Côn Đảo, Tổng Nha…/ Những lò sát sinh của loài man rợ/ Không thể được, không chần chừ được nữa/ Tội ác chúng bay đã chất ngất trời xanh (Bài ca khởi nghĩa - Trần Quang Long).
Nhiều lời tự sự của nhân vật trữ tình trong thơ trẻ khiến cho ngôn ngữ thơ như lời bộc bạch thường ngày. Tăng cường yếu tố tự sự, với việc sử dụng phong phú cách diễn đạt của ngôn ngữ thường ngày như thế là một trong những phương thức hiệu quả để người nghệ sĩ tự họa chân dung thế hệ: Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông/ Ta kịp biết gì đâu/ Vừa hết trẻ con đã là người lính (Những bông hoa không chết - Lưu Quang Vũ); Có người nói oan cho chiều là buồn/ tôi nghe chiều vui khi tôi vui chiều nhớ khi tôi nhớ (Chiều khẩu đội - Nguyễn Duy)… Những lời tự sự vừa mang tính chất cá thể vừa thể hiện được ý nghĩa khách quan. Đó là lời nói trực tiếp của nhân vật xưng tôi và cũng có thể là lời nói gián tiếp của tác giả đại diện cho tiếng nói của nhân vật trữ tình, hóa thân vào nhân vật trữ tình. Dù xuất hiện với tư cách nào, lời tự sự dưới hình thức xưng tôi cũng mang lại sự gần gũi, sẻ chia của tư duy thơ trẻ, góp phần đưa ngôn ngữ thơ gần với lời ăn tiếng nói thường ngày. Đây là dụng ý nghệ thuật của người cầm bút, để làm giàu hơn phương thức tái tạo hiện thực, đưa thơ ca đến gần hơn và trở lại cuộc sống. Có khi, lời tự sự của nhân vật trữ tình thật thà, tự nhiên đến mức khiến người đọc không còn nghĩ giữa ngôn ngữ thơ ca và ngôn ngữ đời sống là một khoảng cách: tới mùa xuân, khi cây thay lá mới/
chúng mình sẽ có thêm một đứa con/ mong nó là con gái/ nhưng nếu là con trai, cũng được thôi em ạ/ miễn ông mãnh sau này đừng hư hỏng/ miễn khi nó lớn lên/ sẽ không còn trận mạc (Những ngày hè cuối - Lưu Quang Vũ).