CHƯƠNG 1: CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ TRẺ VIỆT
1.2. Đặc trưng của cái tôi trữ tình
1.2.2. Biểu hiện của cái tôi mang giá trị thẩm mĩ
Cái tôi trữ tình tồn tại trong một thế giới nghệ thuật, thế giới của những giá trị thẩm mĩ. Khi bước vào lãnh địa nghệ thuật, hiện thực đời sống được nâng lên một ý nghĩa mới. Đất nước là ngôi nhà chung của con người nhưng mỗi nhà thơ lại có một
đất nước của riêng mình. Hình tượng đất nước ở mỗi cách nhìn mang một khuôn mặt không lặp lại. Dưới cái nhìn tin yêu, hi vọng, đất nước gắn với những tầm cao, những cửa gương hi vọng, là nơi đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm; qua lăng kính đổ vỡ, hẫng hụt, đất nước lại trở mình khó nhọc trong cõi lòng quặn đau của cái tôi. Hay ở địa hạt thơ tình cũng thế, vẫn là một câu chuyện của muôn đời song mỗi nhà thơ lại phát hiện trong thế giới riêng tư ấy những giá trị thẩm mĩ không giống nhau. Khó ai biểu lộ tình yêu si dại, mê đắm, quấn quýt như Xuân Diệu nhưng đó lại là một tình yêu diệu vợi, là thèm khát không thành, là ham muốn tột độ, là nỗi buồn đeo đẳng. Còn với Xuân Quỳnh, tình yêu là máu thịt, là lời ru, là tiếng thầm thỉ dỗ dành, là mái ấm, là bàn tay; là niềm khát yêu không thỏa; là quan niệm hạnh phúc mong manh; là chênh vênh trong dự cảm. Giá trị thẩm mĩ ấy không chỉ là “ý nghĩa tinh thần” của riêng đời sống nội tâm chủ thể mà đó còn là sự kết tinh những giá trị văn hóa, lịch sử, thời đại. Tình yêu của Xuân Diệu đâu chỉ là niềm hướng vọng không bao giờ đến đích mà đó còn là nỗi cô đơn, trống trải của cái tôi một thời; là khát vọng thành thực của con người dẫu cuối cùng một thời đại của cái tôi đã khép lại trong khoảng trống không thể lấp đầy. Ở Xuân Quỳnh cũng thế, đâu chỉ là thổn thức trong nhiều cung bậc yêu thương, đâu chỉ là xốn xang rung động của những trái tim yêu mà đó còn là quan niệm về hạnh phúc, về những khát khao bình dị; là chiêm nghiệm... Cái tôi trữ tình ngoài nhu cầu tự bạch, đối thoại, còn là một thực thể mang nhiều ý nghĩa tinh thần khái quát.
Cái tôi chỉ trở thành cái tôi trữ tình khi chủ thể có nhu cầu tạo kênh giao tiếp với đối tượng tiếp nhận, nghĩa là phải có văn bản nghệ thuật. Cái tôi trữ tình được biểu hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau, thông qua thế giới nghệ thuật ngôn từ.
Có thể xem cái tôi trữ tình là một thế giới nghệ thuật, ở đó những phương thức thể hiện đều mang quy luật riêng. Hình ảnh thơ, chất liệu tạo nên thế giới hình tượng nghệ thuật là thế giới giàu tính biểu trưng. Không - thời gian nghệ thuật là “hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật”. Khi đi vào thế giới nghệ thuật văn chương, chúng không còn nguyên chiều kích khách quan nữa mà đã được tạo dựng bằng sự phong phú của các phương tiện nghệ thuật ngôn từ thông qua trạng thái cảm xúc
của chủ thể thẩm mĩ. Hay nói khác hơn, không gian và thời gian nghệ thuật được tạo nên từ lăng kính của cái tôi trữ tình. Với điểm nhìn dịch chuyển trên nhiều chiều không gian và thời gian, người nghệ sĩ có thể khám phá nhiều góc cạnh về con người, về cuộc đời.
Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngát… (Đoàn Phú Tứ). Đây là mảng màu từng làm xôn xao cung đàn thơ một thời quá vãng. Thi sĩ đã tạo nên một gam màu đặc biệt của cảm xúc. Thời gian như nhuộm cái buồn thân phận. Và phải chăng là định mệnh, vườn thơ mấy mươi năm sau lại hiện hữu một sắc trắng thời gian đến não nề: Em ở đây không sớm không chiều/ Thời gian trắng, không gian toàn màu trắng (Thời gian trắng - Xuân Quỳnh). Chủ thể trữ tình đã mất ý niệm thời gian? Dòng đời vẫn trôi chảy, vậy mà em rơi vào cõi không sớm không chiều. Hóa ra cái tôi trữ tình đang trải mình trong màu thời gian. Không phải màu thời gian tím ngát thê thiết trong hồn thơ Đoàn Phú Tứ mà ở Xuân Quỳnh, thời gian não nề sắc trắng. Cái tôi ngập chìm trong màu trắng tang tóc, lạnh lẽo - màu trắng của cõi chết im lìm. Hay những hình tượng thời gian dự cảm, thời gian hồi sinh, thời gian khát vọng… trong thế giới nghệ thuật thơ đều là sự thể hiện đa dạng của thời gian tâm tưởng. Thời gian không còn thuần túy là thời gian hiện thực nữa mà có khi trong thơ trữ tình đã xuất hiện kiểu thời gian đồng hiện. Trong thơ Lưu Quang Vũ, con người thường được phát hiện ở chiều thứ tư của thời gian - đó là chiều của đời sống tâm linh. Có thể thấy, hình tượng thời gian trong sự kết hợp đồng hiện quá khứ - hiện tại - tương lai là nghệ thuật xây dựng thời gian đời tư, thời gian tâm tưởng trong thế giới thơ Lưu Quang Vũ. Chính dòng thời gian đồng hiện này làm cho con người đời tư bộc lộ tâm trạng trên nhiều chiều kích. Tưởng nhớ thì tưởng nhớ đến quắt quay, âu lo thì âu lo đến ám ảnh, còn khao khát thì khao khát đến tận cùng. Sự giao thoa của ba chiều thời gian như thế đã tạo trong thơ Lưu Quang Vũ hình tượng thời gian mang chiều kích mới: quá khứ trở nên xưa hơn, hôm nay đã đan cài đường vân của cái đang còn phía trước và nhất là tương lai lại ôm chứa cả chiều xưa quá khứ và chiều sâu thực tại: Nắng đầu hạ chưa về/ mưa cuối xuân sắp
tạnh/ một cái gì mong manh, thấp thoáng/ đang bồn chồn chuyển động giữa không gian (Em có nghe...).
Cũng như thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật thể hiện trong thế giới trữ tình với nhiều chiều kích mới. Ngay trong thời gian lịch sử xã hội đã mang cái nhìn đa chiều của chủ thể trữ tình. Con đường là không gian nghệ thuật tiêu biểu trong thơ Tố Hữu. Đó là con đường ra trận, con đường lớn, con đường của ánh sáng và khát vọng… Cái tôi trữ tình chính trị trong thơ Tố Hữu được bộc lộ ấn tượng trong những không gian như thế. Chính góc nhìn không gian đó góp phần khắc sâu hơn bản sắc thơ Tố Hữu, ở đó cái tôi trữ tình chính trị là cái tôi chủ đạo. Hay cái tôi đời tư của thơ hiện đại trải mình trong nhiều không gian, thể hiện được chiều sâu nội cảm của chủ thể trữ tình. Đó là không gian hồi tưởng, không gian tái sinh, không gian tiên cảm… Mỗi vùng không gian như thế phản ánh sâu sắc thế giới tinh thần con người. Khi đối mặt với những vênh lệch đời tư, cái tôi đắm mình trong không gian hồi tưởng. Khi hạnh phúc trở về, con người sống trong cảm thức không gian tái sinh. Và khi niềm đau của quá khứ chưa thể nào lành hẳn, khi quá nâng niu hạnh phúc có lại sau mất mát, cái tôi lại không yên với những khoảng trống hẫng hụt đang đón đợi. Như vậy, đó là không gian tâm tưởng gắn với sự tự nghiệm về bản thân hay đó là sự thức nhận của cái tôi về thế giới khách quan.
Thể thơ cũng là một sự lựa chọn có dụng ý của chủ thể sáng tạo, góp phần đắc lực trong việc biểu hiện cái tôi trữ tình. Nguyễn Duy tìm đến lục bát như là một cách làm mới bút pháp nghệ thuật từ chất liệu truyền thống. Hơi hướm dân gian phả vào tác phẩm của nhà thơ thương mến đến tận cùng chân thật. Phạm Tiến Duật lại xáo mình trong những vần thơ tự do. Đây là môi trường phù hợp nhất với một hồn thơ dí dỏm, không chịu bó mình vào ràng buộc. Và thơ tự do cũng là sự lựa chọn hiệu quả của rất nhiều cây bút thơ trẻ. Ở đó, cái tôi trữ tình thỏa sức trong những đề tài giàu chất chính luận, đề tài thế sự đời tư. Thơ tự do cũng là mảnh đất đủ sức ôm chứa hiện thực ngồn ngộn của thời đại thơ 1965 - 1975 và đặc biệt là thơ sau 1975 với muôn điệu đời thường. Mỗi thể thơ là hình thức nghệ thuật để cái tôi trữ tình thể hiện mình.
Cái tôi trữ tình còn được biểu hiện thông qua chất liệu ngôn từ, yếu tố quan trọng làm nên tác phẩm nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên nhiều nhà thơ nhọc nhằn trong việc lựa chọn một nhãn tự hay trăn trở để tìm ra những lời thơ giàu sức gợi. Ngôn từ nghệ thuật là một thế giới có quy luật riêng, thậm chí có những lí lẽ riêng mà nếu đi tìm cái hữu lí của nó sẽ là việc làm vô lí. Bởi đó là quy luật của sự sáng tạo, là cái lí của tâm hồn. Hiện tượng chuyển đổi cảm giác trong thơ là một dẫn chứng. Huy Cận có một thời gian xa cách được đo bằng thời gian cảm giác:
Thuở chờ đợi thời gian ôi rét lắm. Trần Đăng Khoa như chạm vào được tiếng rơi của chiếc lá, bằng cả sự rung động khẽ khàng trong tâm hồn: Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng. Hay nhiều cách dùng từ rất mới trong thơ cũng là sự thể hiện cách cảm, cách nhìn độc đáo của cái tôi trữ tình đối với hiện thực. Ngay khi ngôn ngữ của cuộc sống đời thường ồ ạt vào thơ thì đó cũng là thứ ngôn ngữ mang giá trị thẩm mĩ, là khuynh hướng tăng cường chất tự sự trong thơ trữ tình. Và chính thế giới nghệ thuật trần trụi của ngôn ngữ đời thường ấy lại là cái tạng của nhà thơ, làm nên phong cách nghệ thuật tác giả. Tính chất này tạo nên những diện mạo mới cho cái tôi trữ tình trong thơ hiện đại.
Cái tôi trữ tình còn biểu hiện mình ở sắc giọng khác nhau. Thăng - trầm, được - mất trong tôi tạo nên những sắc giọng chồng chất. Cùng nếm trải tình yêu, song mỗi cái tôi là một cung bậc. Hay ngay trong cái tôi, cũng là sự đan xen nhiều chất giọng. Thơ tình đâu chỉ là tiếng nói dịu dàng đằm thắm, đâu chỉ là chất nồng nàn sôi nổi, cũng đâu chỉ có đắm đuối mê say mà còn là phấp phỏng âu lo, là ngóng đợi, là thổn thức, giằng xé, đớn đau… Mỗi cái tôi trữ tình lại là một cung âm không lẫn, góp phần chủ yếu tạo nên sự đa dạng của cái tôi trữ tình, tạo nên nhiều phong cách nghệ thuật thơ. Trong đó giọng điệu chủ đạo là sự thể hiện đậm nét nhất cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ.
Tồn tại trong thế giới nghệ thuật, đặc trưng thẩm mĩ của cái tôi trữ tình còn được thể hiện ở những phương thức nghệ thuật khác. Một chỉnh thể nghệ thuật với hình thức biểu đạt càng phong phú càng góp phần khắc họa sinh động dạng thức cái
tôi trữ tình. Đây là hệ quả tất yếu của sự kết hợp hài hòa giữa nội dung trữ tình và hình thức trữ tình của thơ ca.