Cái tôi thấm thía nỗi đau chiến tranh

Một phần của tài liệu cái tôi trữ tình trong thơ trẻ việt nam 1965 1975 (Trang 97 - 111)

CHƯƠNG 2: CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ TRẺ VIỆT

2.3. Cái tôi phi sử thi

2.3.1. Cái tôi thấm thía nỗi đau chiến tranh

Các cây bút thơ trẻ chạm vào rất sâu hiện thực chiến tranh. Không phải là những người vác ống kính đứng ngoài cuộc để chụp lấy khoảnh khắc ác liệt nhất của chiến tranh mà hầu hết họ là những người trong cuộc. “Thời tính là một đóng góp hết sức lớn lao vào đời sống của tác phẩm nghệ thuật” [236, tr.2 - 14]. Chính hiện thực đau thương của chiến tranh đã góp phần tạo nên cái nhìn phi sử thi. Theo đó, cái tôi trữ tình là tiếng nói âm bản của tang thương, mất mát, chia lìa…

Mang tâm thế ngấm nghiệm nỗi đau chiến tranh, phải nói các cây bút trẻ đưa vào thơ vùng hiện thực được bóc trần. Vào thời điểm đó, hơn ai hết, những người lăn lộn trực tiếp trong đói khổ, cay cực hiểu thấu cái giá của những ngày tranh đấu.

Chiến trường là nơi ác liệt, nơi cái chết thành chuyện cơm bữa, nơi xác người chồng chất lên nhau. Trong hoàn cảnh ấy, thơ vào tận sâu những mảng hiện thực chiến tranh, ở đó “chủ thể sáng tạo đã không hề né tránh sự thật ở những tình huống bi kịch, bi tráng xuất hiện trong mối quan hệ giữa khát vọng sống của từng cá nhân và vận mệnh của Tổ quốc, và đã phản ánh những tình huống bi kịch đó một cách chân thực và rắn rỏi” [113, tr.130]. Thậm chí, trong nhãn quan một bộ phận thơ trẻ, chiến tranh không là gì khác ngoài bi kịch. Chính vì vậy, thơ trẻ 1965 - 1975 thể hiện sinh động biểu hiện nổi bật của cái tôi phi sử thi - cái tôi thấm thía nỗi đau chiến tranh.

Đối mặt với sự thật chiến tranh, phần nhiều thế hệ thơ trẻ tách mình ra khỏi âm vực cao vút của chất giọng sử thi. Ngay cả trong những vần thơ thể hiện cái tôi sử thi đích thực đôi khi đã tiềm ẩn cảm quan phi sử thi. Theo nhận định của tác giả luận án, đây là độ nhòe tất yếu của sự giao thoa giữa những dạng thức cái tôi trữ tình trong một văn bản nghệ thuật, một thế giới nghệ thuật thơ. Hay nói cách khác, đây là hệ quả của yếu tính “động” trong nội tại cái tôi trữ tình, thể hiện mối quan hệ tưởng mâu thuẫn song lại thống nhất biện chứng trong một chỉnh thể tư duy nghệ thuật, quan niệm thẩm mĩ, phong cách tác giả.

Ở bộ phận thơ trẻ cách mạng, ngay hình tượng nhân vật trữ tình người lính cũng được xây dựng qua cảm quan thấm thía nỗi đau chiến tranh của cái tôi trữ tình.

Trong hoàn cảnh khốc liệt, người lính thường xem hiểm nguy không phải là mối đe

dọa dù nó có thể cướp đi sự sống; họ bận tâm về vận mệnh dân tộc, số phận con người. Song ngòi bút thơ trẻ vẫn không nén được cái tôi xót xa khi chạm đến những cơn đau thân xác tưởng chừng quá sức của đời lính: Những người sốt rét đang cơn/

Dấu chân bấm xuống đường trơn, có nhoè? (Dấu chân qua trảng cỏ - Thanh Thảo).

Các nhà thơ đã viết về hiện thực vật vãcủa cơn sốt rét, viết thật cảm động về những con người đang từng ngày chống chọi với hoàn cảnh. Nguyễn Đức Mậu không nén được tiếng thơ rưng rức về hình ảnh đồng đội mang căn bệnh quái ác: Cái giây phút người anh như lửa nóng/ Núi cũng ngồi, cũng đứng khác chi anh/ Những câu thơ lẫn vào cơn sốt/ Con chữ cháy đen xiêu vẹo dáng hình (Nhật ký sau cơn sốt). Người đọc cảm nhận đằng sau sức chịu đựng phải chăng là những đớn đau ngấm lịm vào da thịt. Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ hết sức khốc liệt, tàn bạo. Cuộc sống là bom dội từ trời sâu, đạn nổ dưới chân người, là cát tím bầm, là cây cụt ngọn dựng bia vào trời xanh căm giận… Với những người lính biển, sự xa cách đất liền càng làm họ phải đối mặt thêm một hoàn cảnh bi kịch trong chiến tranh: sự cô đơn. Cái tôi khát thèm được kết nối với con người: Đôi khi phải gõ vào một cái gì đó/ Để nghe tiếng con người (Hữu Thỉnh). Chiến tranh quá tàn khốc, người lính như chỉ dám ước ao những gì thật nhỏ bé, khiêm nhường. Giữa lòng biển bao la, điều giản dị thế thôi cũng thành mơ ước: Nhìn xuôi mặt đảo chờ đợi/ Khao khát gặp/ Một cành san hô/ Một hòn đá nhô/ Bởi nỗi chơi vơi côi cút(Vương Trọng). Hay sự đơn độc của người lính còn như một lời thú nhận trong tôi: Có khi quên mình là con trai/ Tin các em văn công sắp tới/ Làm hồi sinh những góc khuất trong người (Vương Trọng).

Chủ thể trữ tình trong thơ Nguyễn Khoa Điềm phẫn uất trước sự chết mòn của nhân dân dưới âm mưu hiểm độc của Mỹ. Cái tôi trữ tình nghẹn ngào: Chúng đánh để ta không tìm được chiều cao/ Của thân thể, của ước mơ, hạnh phúc/ Chúng đánh ta bật rễ ngoài mặt đất/ Hết cầm cày, cầm búa, dắt trẻ, yêu thương/ Chúng đánh ta tê liệt những phản ứng bình thường/ Vui với con người, buồn khi nắng xuống/

Chúng đánh ta trụy hết những bào thai truyền thống/ Từng đẻ ra nhân nghĩa, anh hùng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… (Giặc Mỹ - trích Mặt đường khát vọng). Đây là

một trong những biểu hiện làm nên chất phi sử thi của cái tôi trữ tình. Hình tượng đất nước giằng xé trong những cảnh tượng tan tác. Là nỗi buồn đã được gọi tên, là những chấm không bình yên, là lời chất vấn xót xa: Mẹ đưa ta vào đời/ Thành phố đã đầy bóng giặc/ Thành phố đầy dáng người ngửa tay/ Ôi những con cò “tỵ nạn”

khô gầy/ Đêm đêm lại về hàng cây thành phố/ Lao xao tìm chốn ngủ/ Những bờ bãi nào không dành cho cò nữa/ Những lũy tre nào bom đã khai quang? (Tuổi trẻ không yên - trích Mặt đường khát vọng). Có khi ẩn trong hồn thơ dịu dàng là hố sâu căm thù, là cái tôi giằng xé khi phải chạm vào số phận nghiệt ngã của chiến tranh.

Ngay trong tiếng nói cộng đồng đã tiềm ẩn tiếng nói riêng tư, hé lộ góc nhìn đa chiều về số phận cá nhân của cái tôi trữ tình: Em đã qua rồi - trong đêm - Khâm Thiên/ Không khóc được bởi căm hờn quá lớn/ Chúng nó đã ném bom hòng hủy diệt/ Hủy diệt việc ăn làm, hủy diệt Tình yêu/ Ngõ Hồ dài vụn nát dưới bom sâu/ Bà con ta - hai trăm mười lăm người - không còn nữa (Từ Khâm Thiên - Phan Thị Thanh Nhàn).

Sống giữa cái ác hoành hành, giữa thời kẻ thù tính suất bom chia cho mỗi con người, cái tôi trữ tình trong thơ trẻ không lảng tránh sự thật thắt lòng. Với cái nhìn chiến tranh là những nỗi đau chịu tang, là bi kịch đeo đẳng lên những phận người còn sống, Phạm Tiến Duật đã bỗng dưng rẽ lối trong một tác phẩm mà ở đó, chiến tranh thực sự là một di chứng tinh thần quá sâu trong đời sống con người: Khăn tang, vòng tròn như một số không (Viết về số 0). Cái tôi trữ tình lặng đi trước hệ lụy đau xót của chiến tranh: Khói bom lên trời thành một cái vòng đen/ Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng. Cũng với nguồn cảm hứng đó, cái tôi trong thơ Lưu Quang Vũ đau xót, thậm chí bi quan khi hình hài dân tộc hiện lên với: Những áo quần rách rưới/ Những hàng cây đắm mình vào bóng tối/ Chiều mờ sương léo lắt đèn dầu (Việt Nam ơi - Lưu Quang Vũ). Đất nước trở mình khó nhọc dưới con mắt hụt hẫng của trái tim ôm nặng tình quê. Lời thơ nức nở trong hàng loạt câu hỏi chất vấn dồn dập. Tác giả chất vấn để rồi tự vấn: Tôi làm sao sống được nếu xa Người. Có lúc, nhà thơ ghi lại nhật kí quê hương. Trong một đêm 1972, nhà thơ lưu lại bao nhiêu cảnh tượng đổ nát trước cơn bão đạn. Mặt đất chao nghiêng, ga xưa đã sập tan

tành… làm chủ thể lặng người: Ngực nghẹn lại không còn khóc được/ Thương mọi người cơ cực mấy mươi năm/ Thương ga xưa đã sập tan tành/ Thương những chuyến lên đường xưa đã chết (Ghi vội một đêm 1972). Lưu Quang Vũ quả đã nhìn vào bề sâu của chiến tranh, khơi sâu vào nỗi đau mất mát của con người. Đây cũng là tư duy nghệ thuật của những cây bút thâu nhận thế giới khách quan qua lăng kính đổ vỡ. Lưu Quang Vũ hướng về nhân dân trong nhiều nguồn cảm hứng đan xen, trong sự thành kính đã pha lẫn xót xa: Máu ướt đẫm bàn tay khi tôi nâng xác bạn/

Anh ấy chết cho Hà Nội của tôi (Viết lại một bài thơ Hà Nội). Có thể thấy đây là sự nỗ lực của ngòi bút thơ trẻ trong việc phá vỡ âm hưởng sử thi thuần túy, một chiều theo khuynh hướng ngợi ca mà tập trung xoáy vào nỗi đau dân tộc. Đó có khi là những thân phận chiến tranh tác động đến tư duy nghệ thuật của người nghệ sĩ.

Hình tượng nhân dân trở về trong tiềm thức, trong những giấc mơ đánh động đến trách nhiệm người cầm bút. Những bóng gầy lặng im, những nụ cười ràn rụa, những bà thím suốt đời không ngẩng mặt, những ông tướng mất thành chết chém, muôn người chết đứng lên cùng kẻ sống... (Giấc mộng đêm) là hiện thực buồn thương của cuộc sống đạn bom mà người cầm bút không thể lảng tránh. Đó là khách thể thẩm mĩ qua điểm nhìn của cái tôi trữ tình trải nghiệm, thấm thía tận cùng nỗi đau chiến tranh. Xuất phát từ quan niệm nghệ thuật như thế, Lưu Quang Vũ thể hiện cái tôi cầu nguyện cứa cắt lòng người: Tôi không tin/ Lỗ đinh trong tay tượng Chúa/ Chúa của tôi ngồi ở bên đường/ Ngủ gục trên nắp hầm trú ẩn/ Chúa của tôi bom thiêu cháy xém/ Chúa của tôi hát xẩm trên tàu điện/ Chúa của tôi bới gạch vụn tìm con. Có thể khẳng định Lưu Quang Vũ là một bút thơ thể hiện đậm nét cảm quan phi sử thi của cái tôi trữ tình. Nhà thơ quả đã lật trở nhiều suy cảm về dân tộc, ở đó là cả một sự phức hợp của cái tôi trữ tình. Cái tôi thấm thía nỗi buồn bị đọa đầy lăng nhục, cái tôi đầm đìa trong nước mắt của trời khuya. Cái tôi ám ảnh trước bước chân trở về nặng tình dân tộc của những con người đã thuộc về cõi âm, cái tôi day trở trước trăng trối không thể thành lời của đồng đội đã khuất. Quá khứ sừng sững hiện về, trong vóc dáng của những hoài niệm chia lìa, những ẩn khuất chưa giải tỏa: Các cậu về đăm đắm mắt nhìn nhau/ Các cậu về đau đớn, khát khao (Giấc

mộng đêm). Cái tôi đau thương lẫn vào nỗi buồn tê dại. Người đọc thảng thốt trước lời thức nhận của chủ thể về bản chất chiến tranh:

Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông Ta kịp biết gì đâu

Vừa hết trẻ con đã là người lính Cô bạn gái cánh tay trần rám nắng Ngực phập phồng thở mạnh đến lo âu

Đừng nói với ta những lời hào nhoáng về chiến tranh Tuổi trẻ ta đã qua bạn bè ta đã chết

(Những bông hoa không chết) Trong tư duy thơ trẻ, việc chiếm lĩnh hiện thực phải từ những sự kiện bộn bề rất thật của cuộc sống. Nhãn quan người cầm bút xoáy vào những điều từng chứng kiến, từng trải qua. Họ không chỉ tái hiện thực tại mà còn làm sống dậy thực tại, trong đó mỗi bức tranh hiện thực đều được nhìn qua lăng kính trải nghiệm sâu sắc của người cầm bút. Chiến tranh đâu chỉ là vẻ đẹp chiến thắng, là hào quang chói lọi, là tâm thế ra đi đầu không ngoảnh lại mà chiến tranh với thế hệ thơ trẻ còn là cái ngưỡng quá mong manh giữa hai bờ sống - chết, mất - còn. Các nhà thơ trẻ đưa ngòi bút vào nhiều bề mặt trần trụi của chiến tranh. Khi tách ra khỏi âm hưởng sử thi, thơ trẻ 1965 - 1975 khắc họa cái tôi trữ tình chiêm nghiệm, day trở.

Những phận người lao vào tội lỗi, nhơ nhuốc; những sự thật hoen ố ngày ngày bày trên quê hương tác động mạnh mẽ đến tư duy của người nghệ sĩ. Cái tôi trữ tình trong thơ Lưu Quang Vũ nhạy cảm với bao nhiêu kiếp người bất hạnh, đúng như nguyện ước của nhà thơ lúc sinh thời, được đấu tranh cho thân phận con người nhỏ bé. Lưu Quang Vũ dừng lại trước bao nhiêu số phận cụ thể. Đó là tuổi thơ không có tuổi thơ, là cô gái trở nên suồng sã. Là cô Kiều đàn nguyệt tặng chàng Kim, là người họa sĩ già mắt buồn ngơ ngác, là xích lô lầm lụi lên cầu. Dừng ở Những tuổi thơ, chúng ta còn bắt gặp một nỗi buồn nhân hậu. Bên trong những mảnh tuổi thơ nhàu nát đó là sự đảo lộn của tình người: Em gái mười lăm đã không còn thiếu nữ/

Dưới mái tóc quăn trơ trụi vai gầy/ Em đi đâu đêm nay/ Để lòng tôi se lại. Con người thơ nhiều chiêm nghiệm này không lảng tránh hiện thực dù mỗi khi chạm đến nó, cái tôi quặn thắt. Trước sự khắc nghiệt của chiến tranh, trong góc khuất những xóm nghèo là bao mảnh đời lem luốc. Bùi Minh Quốc lại đặt bút trước hình ảnh rất nhân văn, chiếc nôi chống chếnh của trẻ thơ trong trận dội bom kinh hoàng của đế quốc Mỹ. Và đó không còn là chuyện chiếc nôi nữa mà chính là chuyện sinh mạng những em bé vô tội trong chiến tranh. Lại là hai hình ảnh đối lập giữa cái bất nhân của tiếng bom Mỹ và giấc ngủ non nớt trong veo của trẻ thơ: Chiếc nôi, chiếc nôi nho nhỏ/ Bom Mỹ/ Xé đôi/ Một nửa mắc cành xoan cháy đỏ/ Một nửa đất vùi/ Ôi/

nụ cười/ Mùi sữa hoi hoi/ Với bầy chim chích/ Đâu rồi ?/ Đâu rồi ?/ Bé ơi! (Chiếc nôi). Dưới điểm nhìn phi sử thi, di chứng chất độc màu da cam vẫn là vết thương không thể lành, là nỗi đau còn lại của bi kịch chiến tranh. Những khuôn mặt biến dạng, những thân thể tàn phế, những nụ cười ngây dại, những dòng nước mắt vô vọng đến bây giờ vẫn là nỗi ám ảnh thắt lòng. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã tìm ra một khái niệm chua chát về màu da cam: Màu da cam không phải của mùa cam/

Làm nên sắc xanh trời thu, dịu dàng giọng nói/ Màu da cam thành màu phản bội/

Thiêu cháy trăm tầng lá biếc quê hương/ Cướp vỏ quế mẹ già, chùm mơ em gái/

Thui chột những mầm thai chín tháng mười ngày mong đợi (Nghĩ về một nhãn hiệu). Màu da cam vô tội, màu của sự tươi sáng, rực rỡ thành màu phản bội, màu của hủy diệt, tàn sát. Đằng sau khái niệm chua chát đó là nỗi xót cay của cái tôi trữ tình. Điều ám ảnh nhất trong bức tranh màu da cam có lẽ là hình ảnh những mầm thai chín tháng mười ngày mong đợi. Đó là những số phận tật nguyền, gắn với chuỗi ngày lê thê bất hạnh; là những mầm sống không còn trong cõi sống.

Dừng lại ở những chi tiết nhỏ của đời sống, ngòi bút thơ trẻ lại dâng lên nguồn cảm xúc mới. Hiện thực chiến tranh càng chi tiết, xác thực hơn. Vương Trọng cảm nhận cuộc sống cay cực của người nông dân từ hình ảnh giàu sức gợi: Cọng lúa gầy xác xơ ruộng chua/ Những bông lúa gặt cùng hoa cỏ/ Hố củ mài dắt người xa quê cũ/ Thuế sưu đè xiêu vẹo dáng đi (Trong sắc lá mùa xuân). Trải qua chiến tranh, các nhà thơ trẻ mang vào sáng tác của mình những sự kiện, chi tiết rất nhỏ của đời sống.

Nhưng chính từ những điều tưởng vụn vặt, nhỏ bé ấy lại nằm sâu trong sự thật chiến tranh, trong hoàn cảnh đất nước và số phận con người những năm chống Mỹ. Con gà đất trong lời hứa của mẹ năm xưa chỉ còn là niềm mơ ước không thành. Nhân vật trữ tình chỉ còn một ước ao về con gà bốn mùa không vỡ nát, những con gà giục mùa sinh sôi. Người thổi kèn với giấc mơ vụn vỡ thức động hồn thơ Nguyễn Khoa Điềm. Bằng cái tôi nhạy cảm, tác giả cảm nhận tiếng kèn có ý nghĩa nhất trong đời người thổi kèn giờ đây là thanh âm chân thật của cuộc sống buồn thương:

Những tiếng kèn

Nấc lên giữa bốn bức tường địa ngục

Ngoài cửa kia những đứa em giơ tay gầy chầu chực Cuối đường kia rung đất tiếng bom rơi

(Con gà đất, cây kèn và khẩu súng) Trong sáng tác vùng tạm chiếm miền Nam, chuyện đời thường phần nhiều gắn với những nỗi buồn, những suy tư trĩu lòng của ngóng trông, chờ đợi hay đó là thế giới nỗi niềm phức tạp của con người… Chủ thể trữ tình nhẩn nha kể chuyện quê hương, song thẳm sâu là cái tôi day dứt cho thân phận con người: Hải Phố quê hương tôi/ hôm nay có tiếng người uất nghẹn/ có tiếng kêu của những đời cùng bần/

trong âm thầm mơ ước một ngày vui/ có mẹ chờ con, tóc dài theo tuổi nhớ/ mong ngày về, ngồi hát giữa sương khuya (Hải Phố, quê hương tôi ngày tháng tuyệt vời - Trần Phá Nhạc). Thái Ngọc San lại có cái nhìn ám ảnh về dấu vết u buồn của cuộc sống hằn trong kí ức:

Tôi vẫn đi qua những con đường Khô dấu cây in hằn dấu đạn Có những hình người thật lạ lùng Có những khẩu súng thật lớn

Những hố bom thật sâu, những mộ phần thật lạ Có những tiếng cười thật nhăn nheo

In dấu tích rạn vỡ

Tôi nhìn tôi thật đau thương

Một phần của tài liệu cái tôi trữ tình trong thơ trẻ việt nam 1965 1975 (Trang 97 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(213 trang)