CHƯƠNG 2: CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ TRẺ VIỆT
2.1. Cái tôi sử thi
2.1.2. Cái tôi xốn xang trong sự ẩn nhường riêng - chung
Cái tôi sử thi trong thơ trẻ không chỉ thuần nhất biểu hiện ở những tình cảm lớn, ở sự ngưỡng vọng về hình hài của dân tộc và vẻ đẹp của con người mà cái tôi
trên mảnh đất đời thường và cả trên mảnh đất tình yêu trong thơ trẻ giai đoạn này cũng thể hiện cảm quan sử thi. Đó chính là sự thống nhất riêng - chung, là ý thức đặt hạnh phúc riêng tư vào trong tình yêu đất nước, là thân phận tình yêu ẩn nhường trong số phận dân tộc. Tất cả là biểu hiện của cái tôi xốn xang trong sự ẩn nhường riêng - chung.
Bên tình yêu đất nước, tình cảm gia đình là một phần gắn bó với suy tư của thế hệ thơ trẻ. Trong cuộc sống yên bình, con người được thể hiện hết mực tình yêu thương ruột thịt âu cũng là lẽ thường tình. Nhưng trong hoàn cảnh nước nhà chia cắt, khi vận mệnh con người gắn chặt với sinh mệnh Tổ quốc thì những tình cảm gần gũi nhất có khi là sự kiềm nén, là tiếng lòng giấu lặng. Bởi vậy những vần điệu viết về tình yêu thương máu mủ luôn là tiếng thơ chứa chan xúc cảm. Lớp nhà thơ trẻ khơi sâu vào vùng cảm xúc rất đẹp của con người, ở đó tình thân càng xúc động khi trở thành một phần của tình yêu quê hương, đất nước; là sức mạnh tinh thần để con người thời chiến có thể tận hiến cho Tổ quốc, có thể tin đợi vào ngày trở về, ngày đoàn tụ…
Gia đình luôn là nơi trú ngụ dạt dào cảm xúc của những hồn thơ trẻ. Sâu đằm nhất bao thời thơ đã đi qua vẫn là cảm xúc của cái tôi trong tình cảm sinh thành. Lời mẹ ru con, dấu chân đời cha, tiếng khóc con thơ… là nguồn thơ thôi thúc, ân tình.
Nỗi đau mất mẹ, cả bi kịch không được làm mẹ… không khỏi ám ảnh tâm thức các nhà thơ trẻ. Có khi cái tôi trữ tình chính là âm bản của nhà thơ. Song hầu hết vẫn là sự nén lòng, là hi sinh tình cảm riêng tư để trọn vẹn với tình yêu Tổ quốc. Nỗi nhớ mẹ luôn thường trực trong tâm cảm con người. Đó là dòng kí ức tìm về thuở ấu thơ thật dịu dàng, sâu lắng: Có gì nhớ hơn khi lòng con nhớ mẹ/ Nghe xa xôi vời vợi một câu hò/ Con lại về trong lời ru thuở bé/ Như mẹ theo con trên mỗi chặng đường xa (Nghĩ về mẹ - Lâm Thị Mỹ Dạ). Cái tôi hiểu thấu nỗi mong mỏi của những người mẹ, không niềm hạnh phúc nào bằng hạnh phúc chứng kiến con mình lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc thiêng liêng: Ôi! Con mẹ ngày mai làm chiến sĩ/ Giọt máu đỏ của cha con - đồng chí/ Mấy hôm rày rạo rực quá con ơi/ Nghe không con!
Tổ quốc gọi con rồi (Mẹ - Phạm Ngọc Cảnh). Họ là hiện thân của nỗi đau suốt đời
chôn chặt. Là hậu phương ngày đêm vì tiền tuyến. Và cũng là hậu phương mòn mỏi đợi chờ. Bao nhiêu sự thầm lặng trong chiến tranh là bấy nhiêu tấm lòng vì quê hương đất nước: Mẹ nén đau/ giấu tờ báo tử/ sáng mai lại tiễn con nhập ngũ (Hữu Thỉnh), dù có khi trong sự ẩn nhường của những hi sinh thầm lặng đó là nỗi đau vượt quá sức chịu đựng của con người: Bao nhiêu cuộc tiễn đưa, bao bà mẹ chờ trông/ Bao nỗi nhớ nén vào im lặng/ Cắn răng lại để làm nên chiến thắng/ Giặc tan rồi bỗng nghe mặn trên môi (Từ biệt vùng quê sơ tán - Vũ Quần Phương). Nguyễn Duy cũng có những vần thơ chan chứa tình mẹ. Lời mẹ cứ xoáy vào thớ tim con, dỗ dành con mà vẫn nghe nghẹn ngào, dồn nén. Cái tôi vỡ òa mừng tủi trước tháng ngày trở về: - Răng mà khóc, con ơi…/ Gánh cực quằn vai đã trút hết rồi,/ Đất quê kiểng lẽ nào tang thương mãi/ Đau khổ quá chừng, lòng chai sạn lại/ Mười năm nay mẹ không khóc nữa rồi/ Nay con về, đừng khóc, con ơi… (Bà mẹ Triệu Phong). Cái tôi trong thơ Vương Trọng nghĩ về người mẹ trong cái nhìn có lỗi: Mẹ trở về chạng vạng dáng đi/ Bùn quánh khô rơi dần bước mỏi/ Nhìn dáng mẹ con thấy mình có lỗi/ Con ra đi chưa giúp mẹ được gì (Mẹ đồng chiêm). Cái tôi trữ tình không giấu được tiếng lòng thành thật, trong nỗi ray rứt về phận làm con. Hình ảnh người mẹ tảo tần, lam lũ, nhẫn nhịn càng làm cái tôi trăn trở. Ngực mẹ ướt đầm cho hạt thóc khô là hình ảnh về tháng ngày cơ cực của những người mẹ kiếm sống nhọc nhằn quen thuộc ở làng quê Việt Nam. Bằng sự sẻ chia, bằng trái tim nghẹn ngào yêu mẹ, cái tôi xúc động trước dấu ấn của đời mẹ gian lao: Móng thâm đen từ ngày cấy lúa/
Mùa gặt rồi sắc bùn ấy chưa phai. Khi viết về một người mẹ Gio Linh đang ngày ngày lầm lũi với nỗi đau ê chề trong ngục đá, thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường rơm rớm: Bỗng xót xa thương mẹ vô ngần/ Con đâu hiểu những cơn đau của mẹ/ Khi tỉnh dậy, ê chề trong ngục đá/ Mẹ chỉ quanh mình bầy quỷ đứng nhe răng/ Và một lưỡi dao kè cổ lạnh như băng (Bàn tay trên trán).
Người mẹ tảo tần nhìn thấu tận đường xa trở thành nguồn cảm hứng dạt dào của thi sĩ. Tình thương mẹ gửi cả vào những câu thơ viết về đời thường xen lẫn nguồn cảm hứng dân tộc. Trên mỗi con đường hành quân, bóng mẹ trải dài. Đối với thế hệ thơ thời chống Mỹ, tình mẹ có thể dệt thành vô vàn thi phẩm. Trở lại thơ Lưu
Quang Vũ, mẹ chính là hiện thân của những vẻ đẹp vĩnh cửu: Mọi giả dối quanh co mọi tàn bạo hận thù/ Đều nát vụn trước mắt hiền của mẹ (Gửi mẹ). Cái tôi dằn vặt khi tưởng nhớ về mẹ: Ngày ấy hay mơ lắm sắc biển xa/ Ta chưa biết trong ta có sóng cồn giận dữ/ Quá vô tư đôi khi ta chẳng nhớ/ Những nếp đau xưa trên trán mẹ già (Ngày ấy). Cái tôi thơ trẻ nặng lòng với những người mẹ chung, những bậc sinh thành. Những điều chưa kịp tâm sự, những nghĩa cử tri ân chưa có ngày bộc lộ luôn day dứt người chiến sĩ. Với thế hệ dàn hàng gánh đất nước trên vai, tình cảm mẹ cha luôn là một ngăn đằm sâu thiêng liêng nhất. Thu Bồn khắc họa bức tranh nhẫn nhịn, hi sinh của mẹ cha thật xúc động. Lời thơ không giấu nổi cái buồn của đói nghèo, cay cực. Chủ thể trữ tình lặng nghe trong lời ru của mẹ thuở xưa là tiếng khóc của niềm đau: Tiếng mẹ khóc òa vào trong tiếng hát/ Cha vẫn ngoài trời còng lưng nắng rát/ Vai kéo cày bụng thót chân teo/ Cái nắng đốt thiêu da thịt người nghèo/ Như tấm cháy mẹ xin ăn từng bữa/ Đâu hạt cơm thơm và đâu vú sữa?/ Con lớn lên bằng củ chuối bẹ môn/ Tiếng hát đau làm dựng sóng Thu Bồn (Em hát bằng lòng mẹ Việt Nam). Cái tôi mênh mang chìm lặn trong dư vị ngọt đắng của lời ru.
Đó là dư âm vọng về của đời mẹ ràn rụa nước mắt: Có phải một thời son trẻ/ Tiếng mẹ ru ngọt lịm cả nắng chiều/ Và gió bên đồng lại thổi hiu hiu/ Ru bé ngủ say nồng trong tã lót/ Tiếng trong sao như con chim hót/ Bay giữa vòm trời xanh vợi đến bao la/ Nước mắt nhỏ ròng trong mỗi tiếng ca. Còn đâu đó một khoảng lặng trong cái tôi trĩu nặng tình mẹ: Ba mươi lăm năm chưa một phút sum vầy/ giờ con bỗng nghĩ nhiều tới mẹ/ đến nỗi đau của phút giây sinh đẻ/ đêm sương mờ nước lã người dưng/ mẹ sinh ra con cuối bể ven rừng/ ngón chân bé đã bấm vào đá sỏi/ đôi môi đã chạm nhiều trận đói (Người gồng gánh phương Đông - Thu Bồn). Thời khai hoa của những người mẹ trong chiến tranh là thời khốn khó chưa xa, là giây phút gắng gượng thắt lòng thắt dạ; là thời của cái đói gặm nhấm những bào thai - nơi ấp iu, che ủ những mầm sống đang quẫy đạp nôn nao được cất tiếng chào đời. Nỗi nhớ mẹ hiển hiện trong tâm thức cái tôi có khi từ nhịp tim dội về của một thời êm dịu:
những nhịp giận dỗi/ thuở còn thơ mẹ bế bồng/ những nhịp ngoan hiền như gió
thoảng bờ sông/ căn nhà mình mẹ con cơm cá/ và con rùng mình những âm thanh lạ/ xoay tròn trong mỗi thớ tim (Thưa mẹ, trái tim - Trần Quang Long).
Cái tôi trữ tình trong thiên chức làm mẹ của các nhà thơ nữ luôn dành một góc đầy yêu thương để tâm tình với con thơ. Ngay trong lời thủ thỉ ru con vào giấc nồng, lòng mẹ nặng trĩu hi sinh: Mẹ sẽ nhận phần bão táp/ Khi đạn bom thù chuyển rung/ Cho con ngọt ngào êm mát/ Hai bầu sữa mẹ thơm trong (Nói chuyện với con trước giấc ngủ - Lâm Thị Mỹ Dạ). Trái tim làm mẹ của người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh ngổn ngang tâm trạng. Tất cả đều là tiếng lòng thương con quay quắt hòa trong tình yêu nước nồng nàn. Đi vào thế giới trẻ thơ khi đã mang thiên chức làm mẹ, cái tôi trong thơ Xuân Quỳnh nhuần chín trong lời ru của một người từng bồng bế, hát ru, dỗ dành, nựng nịu các con thơ. Âm thanh hỗn loạn bắn phá của những ngày đánh Mỹ không thể át được lời mẹ ru con. Giấc ngủ con thơ không hề bị đánh thức trong lời ru yên ả ấy. Cái tôi xốn xang hạnh phúc: Hàng mi tơ vẫn khép giấc ngon lành/ Con đâu biết máy bay thù gầm rít/ Con chỉ nghe lời mẹ quấn quýt/
Bom chuyển hầm con ngỡ tiếng nôi đưa (Lời ru). Thì ra tuổi thơ con là chuỗi ngày liên miên bom thù gầm rít. Tuổi thơ con là chặng đường ròng rã sơ tán, là tháng ngày khóc nhớ bầu sữa mẹ: Mười một tháng theo bà đi sơ tán/ Còn dại thơ con chưa biết cách xa/ Nghĩ thương con cai sữa suốt đêm qua/ Vú mẹ căng con khóc hoài không ngủ (Đưa con đi sơ tán). Cái tôi trong thiên chức làm mẹ chiếm phần nhiều đời thơ Xuân Quỳnh. Những vần thơ cho con là một thế giới hiền hậu, ấm áp với biểu hiện của cái tôi trữ tình trĩu nặng yêu thương.
Bên cạnh tình mẫu tử, các nhà thơ trẻ cũng dành cho người cha những dòng thơ thắm đượm mối ràng rịt cha con. Những bước chân người cha hằn lên mặt đất dáng hình khổ nhọc. Dấu chân cha là nhân chứng của vết tích chiến tranh đầm vào hiện tại. Từ nguồn mĩ cảm như thế, Vương Trọng có Những dấu chân son: Dấu bàn chân cha rộng dài/ Ngón cái choãi một đời chân đất/ Máu đã nhuộm, dấu chân không thể mất/ Ghi những ngày Hà Nội mới khai sinh.Hay đến với Thu Bồn, người đọc bắt gặp cái tôi quay quắt tìm kiếm trong mảng tường rêu phong ngày xưa nét vẽ đan kết cuộc đời hai thế hệ. Dấu ấn của ngày xưa thương tích vẫn hằn lên mảng
tường của đời con, thấm buốt: Đạn quân thù bắn sập mảng tường xưa/ Mảng tường/
Con vẽ lên chỗ ngày xưa ba vẽ/ Giờ ba lại nơi đây/ Cỏ dưới tường xanh sửng sốt/
Vết rêu bị thương/ Để lộ màu gạch đỏ/ Thời gian xanh bên ngoài/ Máu vẫn rỏ bên trong (Mảng tường - Thu Bồn). Vết thương chiến tranh xé đau qua những lời chất vấn bật thốt lên từ cái tôi mang nỗi hận tạ từ: Cha ơi! Đứa nào đã cùm cha hai mươi năm trong bóng tối/ Đứa nào bắt cha quỳ sám hối giữa trưa hè/ Bây giờ chúng nó chạy đi đâu? (Vĩnh biệt). Thơ trẻ còn là tiếng lòng của người cha ban tặng cho các con yêu. Trong không gian tù túng, giam cầm, tình yêu thương con càng ngập tràn tâm thức những người cha trong lòng đô thị miền Nam. Đâu chỉ lời ru dịu ngọt, ấm êm của người mẹ mới làm bạn đọc bao đời xốn xang. Trong thơ trẻ, lời cha ru con qua song sắt nhà lao càng làm rung động thế giới tâm hồn độc giả. Trong lời ru giữa không gian chia cắt ấy, có cả hạnh phúc - đắng cay, vỗ về - chia sẻ; có cả hứa hẹn - đợi trông: Ngủ đi con giấc ngọt bùi/ Sữa khô đã có tình người chở che/ Ngủ đi con giấc mải mê/ Trong mơ hẳn thấy cha về hôn con (Ru con - Trần Quang Long).
Cái tôi sử thi còn được biểu hiện sinh động trong mảnh đất thơ tình thời chiến.
Tình yêu là cây đàn muôn điệu không có tuổi, dẫu đó là tình yêu của thời bình hay trong thời ngùn ngụt khói bom. Trong không khí cay xè bom đạn, tình yêu cũng nhuốm sắc màu chiến tranh. Nỗi niềm riêng tư ấy theo người lính vào chiến trường, đi vào đời sống tâm hồn của cả một thế hệ như những bản tình ca nhiều cung bậc sâu kín nhất của đời sống nội cảm con người. Lớp thanh niên trai trẻ không chỉ mang vào chiến trường tuổi trẻ, ước mơ, hoài bão mà họ còn mang cả những lời đổi trao tình tứ của đôi lứa yêu nhau vào trong đạn lửa. Họ mang vào chiến trường nỗi nhớ yêu đương đằm kín và chính vì lẽ đó, họ gửi lại quê nhà cũng một nỗi ngóng trông da diết. Hiện thực nóng bỏng của chiến trường, chồng chất thăng trầm của cuộc sống thấm vào những vần thơ tình. Các cây bút trẻ tự họa chân dung tình yêu, mang đến cho thơ giai đoạn này thêm nhiều sắc diện mới. Đây hoàn toàn có thể xem là một dạng thức biểu hiện của cái tôi sử thi trong thơ trẻ, ở đó là sự nén chặt niềm riêng cho tình yêu nước cao cả.
Xuân Diệu từng gảy những bản tình ca của một thời yêu mê đắm. Luôn thấy thiếu, luôn thấy còn khoảng cách, luôn vội vàng… là cảm thức thành thực của cái tôi luôn thu mình vào chiếc ốc đảo chơi vơi, cô độc. Đó là bản sắc tình yêu của thời đại mà nói như Hoài Thanh, cái tôi “càng đi sâu càng lạnh”. Những mối tình của một thời quay quắt kiếm tìm ấy rồi cũng thuộc về quá vãng và đến thời của cái tôi thơ tình 1965 - 1975, mang một diện mạo mới của thơ tình chiến tranh, với biểu hiện xuyên thấm là cái tôi xốn xang trong hạnh phúc riêng - chung. Cái tôi trữ tình mang dấu ấn thời đại, bởi vậy tình yêu trong cảm xúc và điểm nhìn của chủ thể trữ tình cũng chịu sự chi phối của yếu tố lịch sử, thời đại. Đứng trước sự mất - còn của dân tộc, tình yêu được quan niệm trong một chiều sâu nhận thức. Đành rằng khoảng trời riêng tư của con người phần nhiều là tiếng thôi thúc của trái tim, song tình yêu trong các nhà thơ trẻ bấy giờ còn gắn với những ngẫm suy sâu sắc.
Từ trong nền thơ ca cách mạng, tình yêu dường như là mảnh đất chưa bao giờ bị bỏ trống. Mỗi thời ứng với một tiếng thơ tình mang bản sắc riêng. Câu chuyện Màu tím hoa sim đẫm tiếc thương, hẫng hụt từng để lại trong vườn thơ tình cách mạng những cánh hoa tình yêu thấm thía buồn. Cái tôi đau đớn đến tột cùng trước bi kịch đời tư. Chỉ còn lại trong thực tại là ngăn kí ức đẹp của những ngày chồng vợ: Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím/ Áo nàng màu tím hoa sim/ Ngày xưa/ Một mình/ Đèn khuya/ Bóng nhỏ/ Nàng vá cho chồng tấm áo/ Ngày xưa… Cái tôi trữ tình - cái tôi tác giả không nén được đau đớn trước cái chết không lời tạ từ. Dẫu đẫm nước mắt, dẫu bàng bạc một giọng thơ buồn não bi lụy song đó lại là tiếng lòng bật thốt thành thật của cái tôi trữ tình, là nguồn cảm xúc của chính người trong cuộc. Còn Núi đôilại là câu chuyện tình yêu ở một góc nhìn khác trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Hình ảnh núi đôi ám ảnh, gợi nhớ đến thắt lòng: Anh ngước nhìn lên hai dốc núi/ Hàng cây, bờ cỏ, con đường quen/ Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói/ Núi vẫn đôi mà anh mất em. Nếu chỉ dừng lại ở đây, bài thơ của Vũ Cao lại thêm vào khoảng thơ tình cách mạng một nỗi buồn bi lụy. Cái chết của người con gái là mất mát nhưng sự hi sinh là cao đẹp, là khúc bi tráng. Là bản tình ca buồn nhưng cũng là bản tình ca vượt lên nỗi đau buồn: Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Mãi