Cái tôi tự thức trong quan niệm về thơ

Một phần của tài liệu cái tôi trữ tình trong thơ trẻ việt nam 1965 1975 (Trang 83 - 88)

CHƯƠNG 2: CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ TRẺ VIỆT

2.2. Cái tôi sử thi biến thể

2.2.1. Cái tôi tự thức trong quan niệm về thơ

Cái tôi sử thi biến thể của thơ trẻ biểu hiện trước hết ở những quan niệm nghệ thuật về thơ. Những nhà thơ lớp trước vốn giàu trải nghiệm như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi…, khi đứng trước yêu cầu mới của lịch sử cũng tìm đến với quan niệm nghệ thuật mới. Họ tìm cách từ bỏ quan niệm cũ của một thời, dẫu con đường tự vượt mình cũng tròng trành, cản trở. Nhưng gạt đi vướng vít của con người cũ còn sót lại, vượt qua nhiều trở lực, họ đã có những tuyên ngôn nghệ thuật thể hiện quan niệm mới về thơ ca. Chế Lan Viên, nhà thơ từng sở hữu thế giới Điêu tàn đã nghiệm ra: Nửa nước hòa bình/ Nửa nước chiến tranh/ Máu thấm vào lòng đất đã sâu/ Sao trang giấy lòng anh nghĩ cạn. Đây đâu chỉ là lời than phiền cho chính mình, cho những người cầm bút mà còn là sự thức tỉnh của một ngòi bút ý thức sâu sắc được mối dây liên hệ mật thiết giữa thơ và thực tại. Với Chế Lan Viên, thơ ca phải có ích cho cuộc đời là một tuyên ngôn nghệ thuật sâu sắc. Đến lượt mình, lớp trẻ lại ý thức sâu sắc mạch kết nối giữa sáng tạo nghệ thuật và chất liệu mặn mà của đời sống. Là người trong cuộc, họ nhận ra mối quan hệ máu thịt giữa thơ và đời, giữa khẩu súng và cây bút, giữa hiện thực chiến trường nghiệt ngã và yêu cầu khắc nghiệt của thơ. Cái tôi thơ trẻ tự thức về trách nhiệm của người cầm bút, trong quan niệm về thơ.

Như lời phát ngôn trực tiếp của cả một thế hệ làm thơ, Hữu Thỉnh giãi bày:

Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình. Có thể xem Đường tới thành phố của tác giả là con đường đích thực của thơ được nung nấu ngay từ trong những ngày lửa đạn. Không khuôn mình vào cái nhìn hoành tráng, chiêm ngưỡng như trong quan niệm của các nhà thơ lớp trước, là một nhà thơ trẻ ý thức về số phận của mình và đồng đội, tác giả tha thiết bộc bạch: Đừng viết về chúng tôi như cốc chén trên bàn/ Xin hãy viết như dòng sông chảy xiết. Đó là khát vọng thành thực của cái tôi muốn in lại dấu ấn của thế hệ mình với sự dấn thân vào chiến trường không ngớt tiếng đau thương. Với quan niệm thơ phải là sự nhào nặn của máu thịt cuộc đời, thơ trẻ có sự lựa chọn nghệ thuật tất yếu của thời đại. Đây cũng là con đường tất yếu từ sự thôi thúc bên trong hồn thơ của một người từng đối

diện với những gương mặt hằn lên đau khổ trong chiến tranh. Những nhà thơ cùng thời với Hữu Thỉnh không chỉ nhìn chiến tranh ở một phía. Chủ thể nhìn thấu vào sự thật chiến tranh, ở đó có rác rưởi và mộ người, có những tiếng cười xen vào tiếng nấc (Hoàng Nhuận Cầm), có cả thân xác ê chề, lê lết từng đêm (Trần Quang Long). Ở Phạm Ngọc Cảnh, thơ là sinh hoạt đời thường dung dị, là thực tại bừng sức sống, là hứa hẹn, chờ trông: Có trong thơ những công trường mới dựng/ Có trong thơ bếp lửa ấm cơm chiều/ Cây gạo ngoài sông ráng trời đỏ lựng/ Có cuộc đời đầy ước vọng tin yêu (Cho được mỗi vần thơ).

Có không ít nhà thơ gần như không hình thành quan niệm về thơ bằng thơ, song chính sáng tác của họ lại là sự thể hiện ý thức về nghệ thuật đáng trân trọng.

Đời thơ Nguyễn Đức Mậu trải dài trên đời lính. Gần như chưa từng lập ngôn về nghệ thuật thơ ca song thơ Nguyễn Đức Mậu là ngọn lửa nhen nhóm lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, là lời khích lệ tuổi trẻ dấn thân lên đường. Nhà thơ nặng lòng với điệu dân ca, áo ngụy trang, với cành ổi chìa tay dắt người lên dốc. Cùng đi trên con đường Trường Sơn, Phạm Tiến Duật cũng như nhiều nhà thơ trẻ khác đã lấy hiện thực chiến trường nhào nặn nên chất liệu của ngòi bút. Người đọc tìm thấy trong thế giới nghệ thuật người nghệ sĩ của huyền thoại Trường Sơn ấy tuổi trẻ chống Mỹ với những con người rất đời, những tình huống rất đời và cả những điều tưởng chỉ có thể ở ngoài thơ. Hiện thực ngồn ngộn, thậm chí những chi tiết thật đến khó tưởng trở thành hình tượng thơ lại rất thơ trong dòng thác thơ Phạm Tiến Duật. Không trang bị cho mình một tuyên ngôn nghệ thuật nào rõ rệt nhưng tự thân tác phẩm của người nghệ sĩ với chất bề bộn của cuộc sống lại là những quan niệm sống về thơ.

Dường như nếu vắng đi khí hậu nóng bỏng của thời sự, thiếu cái rộn ràng của cuộc sống thì không thể có thơ Phạm Tiến Duật, vốn được xem là “mối tình đầu” của thơ thời chống Mỹ.

Có một thời người ta hoàn toàn tin vào những điều tốt đẹp, hầu như chỉ có trong sách vở. Có một thời con người sống bằng hứa hẹn, bằng niềm tin xa vợi.

Thời đó đã qua, chỉ còn lại là cuộc đời đối mặt với từng ngày lo toan, từng ngày chỉ thấy máu và nước mắt. Lưu Quang Vũ đi trên chặng đường thơ, từ những quan

niệm sống đủ đầy như thế: Người ta không thể sống bằng niềm tin đẹp/ Bằng áp phích trên tường bằng những lời đanh thép/ Phải mang cho mọi người áo đẹp cơm ăn/ Phải có nhà trường cửa sổ trời xanh/ Những bàn tay dám làm những tấm lòng dám thật/ Những điều hôm qua tưởng tuyệt vời tốt đẹp/ Đến nay thành không đủ nữa rồi (Viết lại một bài thơ Hà Nội). Với cảm nhận sắc sảo về thế giới và con người, nhà thơ lật trở nhiều vấn đề của cuộc sống. Lưu Quang Vũ hình thành một số quan niệm về thơ. Dẫu đó chỉ là phần khiêm nhường trong sáng tác nhưng lại là những suy tưởng sâu sắc về nghề. Có thể thấy quan niệm nghệ thuật và thực tiễn sáng tác ở Lưu Quang Vũ là một thể thống nhất. Người nghệ sĩ ấy luôn nhắc nhủ mình sống thật trách nhiệm với nghiệp văn chương: Ta đã làm gì? như lũ viết thuê/ Chạy theo những biển hàng ngắn ngủi/ Những khuôn phép những trang in những hư danh một buổi/ Ta nịnh người để người lại khinh ta. Chính phẩm chất này ở Lưu Quang Vũ đã mang đến cho độc giả những vần thơ thấm đẫm tình người. Quả thật nhà thơ nâng cảm nhận lên thành suy tưởng, chân thành mà sâu sắc: Càng thương yêu càng không vừa ý với mọi điều/ Đã qua cái thời nhà thơ nhìn đời bằng con mắt trong veo (Nói với mình và các bạn). Dẫu đương thời, thơ Lưu Quang Vũ được đánh giá là lạc điệu trong âm hưởng chung của thời đại, song tận sâu hồn thơ ấy là những dằn vặt, trăn trở cho vận mệnh đất nước, vận mệnh thơ ca. Và cũng khởi đi từ quan niệm thơ rất thật như thế, sáng tác của Lưu Quang Vũ dẫu có lúc tưởng lặn chìm trong đổ vỡ, trong chuỗi bất tận những bi kịch riêng tư đổ nát nhưng cuối cùng, cái tôi trữ tình trong thế giới nghệ thuật ấy vẫn đến được thềm cao của niềm tin, vẫn lấy lại niềm tin yêu từ trong cõi sống: Cuộc đời đã đi qua những ngày đông xám ngắt/ Sẽ trẻ lại con sóng già đầu bạc/ Sẽ quây quần mọi gió dại đảo hoang/ Sẽ có ước mơ và những quả dưa vàng (Viết cho em từ cửa biển).

Nhìn lại nghiêm túc ngòi bút của mình cũng là một cách chiêm nghiệm về nghề đáng trân trọng của các nhà thơ trẻ. Anh Ngọc từng dằn vặt, ân hận về những trang viết hời hợt một thời. Lời thơ thực sự là sự kiểm nghiệm của cái tôi muốn vượt lên mình: Tôi không bao giờ tha thứ cho mình/ Đã có lúc viết vần thơ dễ dãi/

Những câu thơ nằm biếng lười uể oải/ Trên chiếc giường của trang giấy trắng tinh

(Không bao giờ). Thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975 không thiếu những thể nghiệm, cốt mang lại cho thơ ngọn nguồn cảm xúc mới trong những hình thức biểu hiện tìm tòi.

Riêng Nguyễn Duy lại tâm niệm với một cách làm mới mình rất riêng, đủ sức đánh thức tiềm lực, không ở đâu ngoài hơi hướng dân gian: Nghìn năm trên dải đất này/ Cũ sao được cánh cò bay la đà/ Cũ sao được sắc mây xa/ Cũ sao được khúc dân ca quê mình (Khúc dân ca). Nhà thơ nâng niu hình ảnh thân thuộc của vườn cau, cánh , hương lúa, khúc dân ca… Chủ thể trữ tình đắm mình trong dư vị cuộc sống dân gian. Chính cái ngọt lành của hương vị dân gian đó phả vào thơ Nguyễn Duy linh hồn dân tộc. Thế giới nghệ thuật thơ vì thế đằm thắm cái tôi thương mến đến tận cùng chân thật. Luôn cảm thấy mắc nợ cuộc đời, mắc nợ chiến trường, nghĩa là tác giả cũng mang nhiều nợ nần với đường thơ. Nguyễn Duy tạo được dấu ấn riêng trong nét vẽ đầy cá tính, dẫu có thể đó chỉ là nét vẽ đơn sơ. Người nghệ sĩ tìm được hướng đi của chặng đường thơ sau này, cũng không nằm ngoài quan niệm thơ đi tìm cái mới trong chất liệu tưởng đã là xưa cũ bằng một điệu hồn da diết, ấm nồng.

Không chỉ hình thành nên quan niệm về chất liệu thơ, nghệ thuật thơ, các nhà thơ trẻ còn thể hiện lăng kính sử thi biến thể trong cái tôi trữ tình sâu nặng với nghiệp thơ, như thể đó là duyên phận. Đáng trân trọng xiết bao khi trong thời loạn lạc, hoang tàn ấy vẫn tồn tại những sợi dây gắn bó máu thịt giữa thơ và nhu cầu sáng tác. Xuân Quỳnh, người đàn bà “sinh ra để làm thơ”, mang nỗi sợ một ngày mai nghiệp thơ sẽ bỏ mình ở lại, như cuộc đời mãi dở dang. Với trái tim nhạy cảm, luôn muốn hiến mình cho tình yêu, lẽ sống và cho nghệ thuật, Xuân Quỳnh chưa bao giờ thấy đủ đầy trong hiện tại. Dễ lí giải vì sao thế giới nghệ thuật thơ ấy ăm ắp cái tôi dự cảm. Suốt đời thơ Xuân Quỳnh, một ngày còn được cầm bút là một ngày được rung động yêu đương:

Ôi trời xanh, xin trả cho vô tận

Trời không xanh trong đáy mắt em xanh Và trong em không thể còn anh

Nếu ngày mai em không làm thơ nữa!

(Nếu ngày mai em không làm thơ nữa)

Đối với những người từng ngày nếm trải cay đắng của cuộc sống đầy rẫy tội ác của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, họ càng hướng ngòi bút về những thức nhận sắc sảo. Với các nhà thơ sống trong lòng đô thị miền Nam, thơ càng không thể là mảng màu sơn phết vô nghĩa mà phải lấy chất liệu từ chính màu lá chết; thơ không chỉ là tiếng khóc than mà phải bật thốt từ cái tôi sôi sục căm thù: Chiếc xích ngàn năm ít nhiều rỉ sét/ mà hai chân còn kéo lết đau thương/ đừng phết sơn lên phích để trang sức cuộc đời/ đừng mang ý nghĩ sơn xanh cho màu lá chết/ không chỉ làm thơ khóc tro tàn gạch vụn/ hãy căm thù như lửa đốt khai hoang (Bài thơ bắt đầu - Triệu Từ Truyền). Trong tâm thế của một nhà thơ “viết trên đường tranh đấu”, Trần Quang Long là một trong số những nhà thơ trẻ đô thị miền Nam quan niệm dùng thơ để

“phá tan thành trì áp bức”. Sinh ra trong chiến tranh và trưởng thành từ lòng tin rạn vỡ, đó là bi kịch của một thế hệ cầm bút trẻ trong lòng đô thị miền Nam. Chính vì thế, Tổ quốc đau thương, mái ấm gia đình trắng toát một màu tang luôn xoáy vào tâm khảm họ: Tang cha mẹ quấn trên đầu võng/ Để nhắc cho con một mối thù/

Tang chồng mẹ đội trên đầu/ Cho màu tóc bạc tiếp màu khăn tang. Thơ ca yêu nước miền Nam là tiếng thét căm phẫn của cái tôi đối với cái trật tự xã hội được vẽ tô phù phiếm, là lời nguyền quyết lật đổ kẻ thù gian trá, thâm độc. Đây có thể xem là nỗi niềm day dứt của các cây bút trẻ yêu nước thành thị miền Nam. Cái tôi căm phẫn tột cùng đã hình thành nên một quan niệm hàm súc về thơ: Con sẽ vót nhọn thơ thành chông/ xuyên vào gan lũ giặc/ con sẽ mài thơ như kiếm sắc/ chặt đầu văn nghệ tay sai/ trả thù cho cha, rửa hờn cho nước/ cho con ngửng đầu nhìn thẳng tương lai (Thưa mẹ, trái tim).

Chính cái tôi chân thành được bộc lộ, được khẳng định đã chi phối quan niệm nghệ thuật của người nghệ sĩ trên bước đường sáng tạo. Nghệ thuật đích thực đối với lớp trẻ làm thơ, không gì khác chính là âm bản của cuộc sống ắp đầy. Buồn - vui, khổ đau - hạnh phúc, nước mắt - nụ cười, vết thương - vết thương được xoa dịu.

Từ đó, thế hệ trẻ khảm vào thế giới nghệ thuật thơ bức chân dung tự họa chằng chịt đường nét rất thật của một thời, thể hiện sự thức nhận sâu sắc, tinh tế và cũng không ít những trăn trở, chiêm nghiệm về vai trò của thơ ca, về ý nghĩa đích thực của thơ

ca đối với cuộc sống. Những quan niệm thơ đậm chất sử thi biến thể của cái tôi trữ tình dẫu chưa thực sự có nhiều bứt phá song đó cũng khởi nguồn từ ý thức làm mới thơ ca, nhất là trong xu hướng đưa thơ chạm sâu vào bản chất hiện thực.

Một phần của tài liệu cái tôi trữ tình trong thơ trẻ việt nam 1965 1975 (Trang 83 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(213 trang)