CHƯƠNG 3: CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN TỈNH HÀ TĨNH ĐẾN NĂM 2020
3.3. Các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn
3.3.4. Hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với công nghiệp nông thôn
Quy hoạch là vấn đề rất cần thiết và quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế nói chung cũng như quá trình phát triển công nghiệp nông thôn nói riêng. Do tính tự phát rất cao của các doanh nghiệp tư nhân và các cơ sở sản xuất cá thể nhỏ, nếu không có sự phù hợp dễ dẫn đến sự lãng phí, không hiệu quả cũng như ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan chung. Do đó, trên cơ sở các nội dung của “Đề án phát triển công nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2020” và tổ chức thực hiện các quy hoạch khác có liên quan như quy hoạch phát triển cụm công nghiệp; quy hoạch mạng lưới bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản và ngành nghề nông thôn; quy hoạch phát triển chế biến lâm; quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng v.v.. các huyện, thị xã, thành phố cần quan tâm đến vấn đề quy hoạch phát triển công nghiệp nông thôn để sắp xếp, bố trí không gian, địa điểm sản xuất một cách hợp lý khoa học từ đô thị đến đồng bằng, trung du, miền núi; chọn địa điểm thuận lợi về giao thông, gần nguồn nguyên liệu, có lực lượng lao động tại chỗ… vừa giải quyết công ăn việc làm, vừa tiêu thụ nông sản của nông dân. Quy hoạch để có điều kiện đầu tư phát triển cải tạo vật chất xã hội, nâng cao giá trị gia tăng và giá trị sản xuất đồng thời bảo vệ tốt môi trường sinh thái, kết hợp xây dựng nông thôn mới. Do vậy, trong khâu quy hoạch phát triển công nghiệp nông thôn phải tính toán một cách thận trọng cả vấn đề trước mắt và cả những vấn đề lâu dài phải đảm bảo phát triển bền vững, theo hướng hiện đại và phải
góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Muốn vậy, cần phải thực hiện tốt các nội dung sau:
Thứ nhất, trên cơ sở quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tổ chức thực hiện quy hoạch cụm công nghiệp theo hướng hình thành và phát triển các cụm công nghiệp nhằm tạo mặt bằng, giải quyết những vấn đề bức xúc trong việc đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn nông thôn. Tổ chức không gian hợp lý để bố trí các cơ sở sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ và các làng nghề ở nông thôn đang nằm rải rác trong đô thị, thị trấn, thị tứ, làng xóm như hiện nay vào các cụm công nghiệp, đồng thời vận động thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp để thực hiện được mục tiêu của nghị quyết số 73/2013/NQ-HĐND ngày 18/3/2013 của HĐND tỉnh về phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020. Đồng thời, các huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo các xã trong xây dựng nông thôn mới bố trí các điểm công nghiệp ở những nơi có khả năng xây dựng kết cấu hạ tầng, phù hợp với cảnh quan môi trường, thuận tiện cung cấp nguyên vật liệu, gần các trục lộ giao thông và có khả năng mở rộng phát triển. Kết hợp giữa quy hoạch mới với quy hoạch sắp xếp, tổ chức lại sản xuất trên địa bàn.
Thứ hai, trên cơ sở các quy hoạch phát triển ngành nông lâm thủy sản đã được UBND tỉnh phê duyệt, cần quan tâm đến việc phát triển các vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông - lâm- thủy hải sản như vùng nguyên liệu rừng trồng cho các nhà máy chế biến gỗ; vùng nguyên liệu thủy hải sản cho các nhà máy chế biến thủy hải sản;
vùng nguyên liệu chăn nuôi cho các nhà máy chế biến súc sản; vùng nguyên liệu mũ cao su cho nhà máy chế biến mũ cao su... Đây là một trong những nội dung ưu tiên trong quá trình phát triển công nghiệp nông thôn, trong đó cần chú trọng thế mạnh tiềm năng của từng vùng, tăng khả năng liên kết giữa các vùng và tăng cường liên kết giữa các ngành nhất là giữa nông nghiệp và công nghiệp. Ngoài việc đảm bảo nguyên liệu cho những nhà máy hiện có, cần tiếp tục quy hoạch mở rộng diện tích các loại cây công nghiệp, diện tích nuôi trồng thủy sản, con vật nuôi để đáp ứng công suất các nhà máy, doanh nghiệp dự định đầu tư như nhà máy sợi, nhà máy chế biến sữa; nhà máy chế biến súc sản... Do vậy, các huyện, thị xã, thành phố bố trí quỹ đất hợp lý cho việc quy hoạch và hình thành các vùng nguyên liệu tập trung để đảm bảo nguồn nguyên liệu tại chỗ, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển công nghiệp nông thôn, đặc biệt đối với ngành sản xuất cao su, chè, gỗ, mây tre đan, chế biến súc sản, thủy sản.
Thứ ba, quy hoạch trung tâm thương mại- dịch vụ quảng bá các sản phẩm công nghiệp nông thôn, làng nghề truyền thống tại các đô thị lớn, khu du lịch; hình thành các cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại các làng nghề; phát triển các điểm thương mại dịch vụ trong xây dựng nông thôn mới.. để góp phần tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp nông thôn tại chổ.
3.3.4.2. Tăng cường hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với CNNT
Trên cơ sở các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan có chức năng theo dõi hoạt động CNNT như: phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng thuộc UBND cấp huyện; Chi cục phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Công Thương … rà soát lại các văn bản đã ban hành và trên cơ sở kiến nghị hợp lý của các cơ sở CNNT, đề nghị các cấp có thẩm quyền loại bỏ những nội dung mâu thuẫn nhau, không còn phù hợp, từ đó điều chỉnh và bổ sung những nội dung cần thiết phục vụ tốt cho việc phát triển CNNT nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Nhà nước sớm ban hành văn bản quy định hoạt động CNNT để tạo sự thống nhất quản lý giữa các địa bàn hoạt động của CNNT. Trong khi chưa có quy định chung của Chính phủ thì tỉnh cần ban hành một số quy định nhằm phân công, hợp tác có hiệu quả giữa các cơ quan có liên quan đến việc quản lý công nghiệp nông thôn để tránh tình trạng có quá nhiều đầu mối quản lý nhưng không có cơ quan chịu trách nhiệm đến cùng đối với phát triển công nghiệp nông thôn. Đối với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố có sự phối hợp hiệu quả, cụ thể trong quản lý hoạt động và phát triển công nghiệp nông thôn.
Bổ sung lực lượng cả về số lượng và chất lượng cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đối với công nghiệp nông thôn (các Sở, phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện) đảm bảo đội ngũ cán bộ có năng lực, am hiểu về công nghiệp nông thôn để quản lý CNNT có hiệu quả. Phát triển các hội ngành nghề để tương trợ giúp đỡ lẫn nhau phát triển CNNT.
Để thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ thì chính quyền và các tổ chức đoàn thể cấp xã cũng phải được kiện toàn củng cố để quản lý và giúp đỡ các hộ sản xuất trong chuyển đổi nghề, phát triển nghề mới, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, chứng nhận và cấp các loại giấy phép theo quy định; đồng thời tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các hộ sản xuất về các cơ chế, chính sách phát triển CNNT.
3.3.4.3. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách
- Tổ chức thực hiện tốt thực hiện tốt các chính sách cho công nghiệp nông thôn như chính sách hỗ trợ đầu tư, chính sách đào tạo nhân lực, chính sách chuyển giao công nghệ và hỗ trợ kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách hành chính để các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn dễ dàng tiếp cận với các cơ quan nhà nước, các trung tâm tư vấn hỗ trợ dịch vụ cho công nghiệp nông thôn, giúp quá trình thực hiện các chính sách này có hiệu quả.
- Xây dựng và ban hành các chính sách mới khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn như chính sách phát triển cụm công nghiệp; chính sách phát triển làng nghề, chính sách phát triển sản phẩm chủ yếu, chính sách hỗ trợ sản phẩm sản xuất trong tỉnh.
Đặc biệt, quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ sản phẩm công nghiệp nông thôn chủ lực như hỗ trợ đầu tư chuyển giao công nghệ và máy móc, thiết bị tiên tiến (hỗ trợ lãi suất vốn vay; hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị trong lĩnh vực chế biến nông sản và lâm sản; hỗ trợ có đối ứng kinh phí xây dựng một số mô hình trình diễn áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp); hỗ trợ xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển thị trường;
hỗ trợ xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, sở hữu trí tuệ...