1.2. Một số vấn đề lý luận cơ bản về phát triển các Khu công nghiệp nhỏ
1.2.4. Tiêu chí đánh giá sự phát triển các Khu công nghiệp nhỏ
Việc đưa ra các chỉ tiêu đánh giá sự phát triển của các KCNN là rất cần thiết. Nó là cơ sở để các địa phương cũng như quốc gia nhìn lại hiệu quả hoạt
33
động xây dựng các KCNN tại địa phương mình. Có thể đưa ra một số tiêu chí đánh giá sau đây:
(i) Vị trí đặt KCNN:
Tiêu chí này một mặt phản ánh chất lượng quy hoạch KCNN. Vị trí KCNN là thước đo quan trọng đánh giá tính bền vững KCNN từ giai đoạn quy hoạch, xây dựng và vận hành, nó cho thấy tính hợp lý, đồng bộ, khoa học và hiệu quả của KCNN. Các tiêu chí cụ thể bao gồm: sự bố trí khoa học các KCNN trong phạm vi không gian của toàn tỉnh (đây là điều kiện thúc đẩy tăng cường sự liên kết giữa các KCNN); bố trí vụ trí KCNN trong không gian địa phương; vị trí so với khu dân cư so với vị trí đường giao thông; và nguồn gốc đất đai cho phát triển KCNN nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế, bảo vệ và cải thiện môi trường thu hút lao động.
Mặt khác, đây là dấu hiệu dẫn đến sự thành công của KCNN. Các tiêu chí cụ thể là: KCNN đặt ở vị trí thuận lợi hay khó khăn về cơ sở hạ tầng kỹ thuật như đường sá, bến cảng, nhà ga, sân bay, hệ thống viễn thông; chất lượng các dịch vụ xã hội của địa phương... Ngoài ra, khi xét đến vị trí của KCNN cũng cần xem xét đến yếu tố tác động kinh tế- xã hội và môi trường mà KCNN có thể mang lại. Tất cả những dấu hiệu này phải cần được xem xét cả ở hiện tại và khả năng duy trì nó tròng tương lai lâu dài của KCNN.
(ii) Tỷ lệ lấp đầy KCNN:
Chỉ số này được đo bằng tỷ lệ giữa diện tích đất KCNN đã cho các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ thuê và tổng diện tích đất có khả năng, sẵn sàng cho thuê của KCNN. Chỉ số này cho phép đánh giá mức độ thành công về thu hút đầu tư của KCNN và so sánh giữa KCNN này với KCNN khác trong việc khai thác, sử dụng đất đai. Một KCNN có tỷ lệ diện tích được lấp đầy là 100% là một KCNN
34
đã khai thác triệt để phần diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê, không còn phần diện tích đất trống.
Tất nhiên tỷ lệ lấp đầy không thể đạt cao ngay từ đầu mà nó phải được đánh giá theo từng giai đoạn. Giai đoạn đầu là thời kỳ xây dựng kết cấu hạ tầng kéo dài khoảng 3-4 năm, tiếp sau đó là giai đoạn thu hút đầu tư và hoàn thiện thủ tục với mục tiêu là thu hút nhanh chóng các nhà đầu tư vào KCNN để “làm sống” KCNN, thu hồi chi phí xây dựng, tạo lập việc làm cho người lao động.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy thời gian để thu hồi kinh phí đầu tư xây dựng có thể kéo dài 15-20 năm, vì vậy nếu sau 5-10 năm mà “tỷ lệ khoảng trống” trong KCNN vẫn còn cao thì coi như KCNN này không có hiệu quả và mục tiêu PTBV KCNN nhỏ này là không đảm bảo.
(iii) Số lượng vốn đăng ký và vốn thực hiện:
Tiêu chí này phản ánh tổng vốn đầu tư thu hút vào KCNN qua đó tính toán các chỉ tiêu: tỷ suất vốn đầu tư trên 01 ha đất cho thuê, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện trên tổng vốn thu hút...Các chỉ tiêu này càng cao thì KCNN hoạt động càng có hiệu quả. Điều đó cho phép kết luận về khả năng duy trì tính bền bỉ trong hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp.
(iv) Kết quả và hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp trong KCNN:
Đây là tiêu chí quan trọng nhất đánh giá tính ổn định lâu dài về kinh tế đảm bảo hoạt động sản xuất của KCNN. Đo lường tiêu chí này có thể dựa trên các chỉ số cụ thể về quy mô và tốc độ tăng trưởng các chỉ số đầu ra: qui mô, tốc độ tăng trưởng về GTSX, kim nghạch xuất khẩu và tỉ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của địa phương, đóng góp với ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong KCNN.
35
(v) Trình độ công nghệ của doanh nghiệp và các hoạt động triển khai khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh
Tiêu chí này phản ánh khản năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong KCNN, giữa KCNN với các KCNN khác trong nước và quốc tế. Tiêu chí này thể hiện bằng các chỉ số: cơ cấu trình độ công nghệ của máy móc thiết bị sử dụng trong KCNN theo tỷ lệ vốn đầu tư trên một dự án: Quốc gia đầu tư, tính chất công nghệ; Tỷ lệ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và triển khai trong tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp, tỷ lệ doanh thu từ hoạt động nghiên cứu và triển khai so với tổng quy mô hoạt động của doanh nghiệp và của toàn KCNN.
(vi) Tạo việc làm và thu nhập cho người lao động địa phương:
Một trong các mục tiêu quan trọng của KCN, KCX là tạo việc làm tại chỗ cho người dân địa phương, theo đó là cải thiện thu nhập và đời sống cho họ.
Trong tiêu chí này thì thu nhập của người lao động là chỉ số quan trọng, nó là dấu hiệu có tính chất quyết định đến khả năng ổn định và thu hút lao động vào KCNN, duy trì đội ngũ lao động có tay nghề cao trong các doanh nghiệp. Chỉ số này được đo bằng: quy mô và tỷ lệ lao động làm việc trong các KCNN so với tổng số lao động tại địa phương, thu nhập bình quân/tháng/lao động (bao gồm tiền lương và các loại thu nhập khác). Nếu mức thu nhập thấp sẽ dẫn đến nguy cơ luân chuyển lao động không thể kiểm soát được. Tiêu chí thu nhập được đo lường bằng mức thu nhập bình quân, tốc độ tăng thu nhập bình quân của người lao động trong KCNN so với thu nhập của người lao động làm việc cùng nghành ở các KCN khác và các doanh nghiệp bên ngoài KCNN.
Ngoài ra, nó còn được đánh giá thông qua đời sống vật chất và tinh thần của người lao động trong KCNN. Người lao động khi đến làm việc tại các KCNN phần lớn sẽ cư trú tại địa phương và trở thành một bộ phận dân cư mới
36
của địa phương nên việc chăm lo đời sống cho họ là trách nhiệm của không chỉ các doanh nghiệp mà là toàn xã hội. Hơn nữa, đời sống người lao động được đảm bảo cũng góp phần ổn định lao động trong các KCNN. Chỉ số quan trọng nhất phản ánh tiêu chí này là điều kiện nơi ở của người lao động, các hoạt động văn hóa tiếp đó là các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người lao động và số lượng các hoạt động văn hóa, tinh thần của doanh nghiệp, BQL các KCNN tổ chức hàng năm, số điểm vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao phục vụ người lao động. Chi phí đầu tư chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần của người lao động của doanh nghiệp, BQL các KCNN, địa phương có KCNN; hoặc tỷ lệ sử dụng thời gian sau giờ làm việc của người lao động...
(vii) Bảo vệ tài nguyên môi trường:
Quá trình phát triển KCNN phải gắn liền với vấn đề bảo đảm và nâng cao chất lượng môi trường của địa phương nơi KCNN đứng chân. Điều đó có nghĩa là để PTBV thì bản thân các KCNN phải có khả năng xử lý tốt vấn đề ô nhiễm môi trường do mình gây nên, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống và sức khỏe của con người, bảo vệ được môi trường sinh thái. Từ những vấn đề lý luận PTBV về môi trường và thực tiễn môi trường trong các KCNN, tác giả cho rằng các tiêu chí đánh giá PTBV về môi trường của KCNN bao gồm ba nhóm cơ bản sau: Mức độ khai thác hợp lý và tiết kiệm nguồn tài nguyên, mức độ giải quyết ô nhiễm môi trường (xử lý nước thải KCNN, xử lý chất thải rắn và ô nhiễm không khí); mức độ ứng dụng công nghệ sạch.