CHƯƠNG 1: LÝ LUẬN VỀ HÌNH PHẠT CHÍNH KHÔNG GIAM GIỮ
1.2 Khái niệm, đặc điểm và cơ sở của hình phạt chính không giam giữ
1.2.1 Khái niệm hình phạt chính không giam giữ
Hình phạt chính không giam giữ có lịch sử lâu đời và ngày càng có vai trò quan trọng trong pháp luật hình sự quốc tế và chính sách hình phạt của các nước. Khi tư tưởng xã hội học pháp luật, nhân đạo, công bằng và bảo đảm quyền con người trong tư pháp hình sự ngày càng được quan tâm và trở thành chuẩn mực của pháp luật hình sự càng phát huy vai trò của các hình phạt không giam giữ. Pháp luật hình sự thời kỳ sơ khai của các nhà nước phương Tây và phương Đông đều ghi nhận sự hiện diện của các hình phạt về tài sản hoặc hạn chế, tước các quyền khác của người phạm tội. Bộ luật Hammurapi cổ xưa nhất của nhân loại, mang nặng tính chất hà khắc nhưng vẫn quy định các hình phạt không giam giữ là hình phạt tiền và hình phạt trục xuất khỏi cộng đồng.100 Pháp luật hình sự Phong kiến của Viêt Nam như Quốc triều hình luật, Hoàng Việt luật lệ cũng đã quy định các hình phạt này. Bên cạnh đó, pháp luật hình sự quốc tế và các nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đến nhóm hình phạt này thể hiện trong các văn kiện pháp lý quốc tế và quy định của pháp luật hình sự các nước. Pháp luật hình sự Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung khi hình phạt chính không giam giữ được quy định xuyên suốt trong các văn bản pháp luật hình sự.
Khoa học pháp lý hình sự thế giới ghi nhận nhiều thuật ngữ khác nhau dùng cho nhóm hình phạt này tùy thuộc vào phạm vi tiếp cận. Phạm vi rộng nhất là tiếp cận các hình phạt chính không giam giữ là một phần trong các biện pháp được xây dựng nhằm thay thế cho các biện pháp giam giữ trong quá trình tố tụng. Trong đó các hình phạt
100 Larry J. Siegel (1999), Tlđd số 25, tr. 27; Xem thêm: The Code of Hammurapi, The Original Version of this Text was Rendered into HTML by Jon Roland of the Constitution Society. Converted to PDF by Danny Stone as a Community Service to the Constitution Society.
chính không giam giữ là các biện pháp được áp dụng trong giai đoạn kết án. Theo đó pháp luật hình sự quốc tế và các nước thường sử dụng thuật ngữ các biện pháp thay thế giam giữ (alternative to imprisonment)101 để quy định cho tất cả các biện pháp không giam giữ (bao gồm các biện pháp ngăn chặn, hình phạt, các biện pháp miễn giảm không mang tính chất tước tự do) được áp dụng trong qúa trình tố tụng. Bên cạnh đó, khoa học pháp lý hình sự còn sử dụng thuật ngữ các chế tài không giam giữ (non- custodial sanctions) hoặc các hình phạt không giam giữ (non-custodial penalties) với phạm vi hẹp hơn chủ yếu là các biện pháp không giam giữ quy định trong Luật hình sự, đặc biệt là các hình phạt không giam giữ. Các hình phạt không giam giữ được hiểu là các hình phạt mà qúa trình chấp hành nằm ở bên ngoài nhà tù.102
Tuy nhiên, việc phân chia hệ thống hình phạt mang tính chất đặc thù trong pháp luật hình sự của mỗi quốc gia. Khái niệm hình phạt chính không giam giữ trong pháp luật hình sự Việt Nam là nhóm hình phạt được xác định dựa trên sự kết hợp của cả hai căn cứ phân loại là vai trò của các hình phạt và nội dung của hình phạt. Về ngữ nghĩa, khái niệm “hình phạt chính không giam giữ” được kết hợp trên hai khái niệm là hình phạt chính và hình phạt không giam giữ nên phải bảo đảm được sự kết hợp nội dung của hai khái niệm trên. Khái niệm hình phạt chính không giam giữ dựa trên nền tảng khái niệm hình phạt nói chung và hình phạt chính nói riêng, đồng thời làm rõ tính chất đặc thù không mang tính chất tước quyền sống hoặc quyền tự do của người phạm tội.
Khoa học pháp lý hình sự Việt Nam thường định nghĩa hình phạt chính như sau:
“Hình phạt chính là loại hình phạt được áp dụng chính thức cho tội phạm và được Tòa án tuyên một cách độc lập. Đối với trường hợp phạm tội cụ thể thì chỉ được áp dụng một hình phạt chính”103 hoặc “Hình phạt chính là hình phạt được áp dụng chính cho một tội phạm và được tuyên độc lập”.104 Các định nghĩa trên chủ yếu nêu cách thức áp dụng của hình phạt chính mà chưa làm rõ vai trò, cách thức tác động chủ yếu của các hình phạt này. Hình phạt chính là các loại hình phạt tương ứng về cơ bản với tội phạm, có khả năng thể hiện gần như đầy đủ sự phản ứng của Nhà nước đối với tội phạm, hình phạt chính trong mối liên kết của cả hệ thống hình phạt cho phép lựa chọn loại hình phạt và mức độ xử phạt tương ứng với các hành vi phạm tội trong thực tế. Hơn nữa
101 United Nations Standard Minimum Rules for Non-custodial Measures (The Tokyo Rules); UNODC (2007), Tlđd số 26.
102 Michael Tonry (2000), The handbook of Crime and Punishment, Oxford University Press.
103 Trần Thị Quang Vinh (Chủ biên) (2012), Tlđd số 93, tr. 273.
104 Võ Khánh Vinh (Chủ biên) (2012), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (phần chung), Trường Đại Học Huế, NXB CAND, tr 360.
hình phạt chính được Tòa án tuyên độc lập và hình phạt bổ sung phải tuyên kèm với hình phạt chính nên bản thân hình phạt chính phải chứa đựng những yếu tố mang tính chất tước, hạn chế quyền nhất định của người phạm tội đủ để đạt được mục đích của hình phạt. Do vậy, hình phạt chính phải đủ nghiêm khắc để có thể đạt được các mục đích của hình phạt hướng đến cá nhân người phạm tội và những người khác trong xã hội. Từ phân tích trên, có thể đưa ra định nghĩa đầy đủ về hình phạt chính như sau:
“Hình phạt chính là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất được áp dụng cho tội phạm và được Tòa án tuyên một cách độc lập, đối với trường hợp phạm một tội cụ thể thì chỉ được áp dụng một hình phạt chính nhằm mục đích giáo dục, cải tạo, răn đe, ngăn ngừa và phòng ngừa tội phạm”
Bên cạnh đó, khái niệm các hình phạt không giam giữ là một khái niệm mang tính khoa học, chưa được ghi nhận về mặt pháp lý nên mỗi tác giả tùy vào góc độ tiếp cận khác nhau có thể đưa ra các định nghĩa khác nhau. Quan niệm tương đối phổ biến hiện nay cho rằng hình phạt không giam giữ là nhóm hình phạt không có tính chất tước quyền sống hoặc quyền tự do của người bị kết án. Cùng tiêu chí này, các hình phạt không giam giữ còn được gọi tên là các hình phạt không tước tự do hoặc các hình phạt không phải tù để phân biệt với nhóm còn lại là hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân và hình phạt tử hình.105 Các hình phạt chính không giam giữ ngày càng được quan tâm nghiên cứu trong khoa học pháp lý hình sự Việt Nam và các nhà khoa học đã đưa ra định nghĩa nhóm hình phạt này dưới các góc độ tiếp cận khác nhau. Tác giả Nguyễn Minh Khuê nhận định rằng “Trên cơ sở phân tích nội dung và bản chất của các hình phạt chính không tước tự do so với hình phạt tù, chung thân và tử hình chúng tôi có thể đưa ra khái niệm về hình phạt chính không tước tự do như sau: hình phạt chính không tước tự do là biện pháp cưỡng chế do Toà án quyết định trong bản án đối với người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm, buộc người bị kết án phải chịu một hoặc một số hậu quả pháp lý bất lợi nhưng không tước hoặc hạn chế các quyền tự chủ và tự quyết của người phạm tội trong cuộc sống, tạo điều kiện phát huy tính tự cải tạo, giáo dục và hoàn thiện bản thân của người phạm tội trong cộng đồng và xã hội”.106 Định nghĩa nhấn mạnh tính chất không tước tự do của nhóm hình phạt này là “không tước hoặc hạn chế quyền tự chủ và tự quyết của người phạm tội trong cuộc sống”, đồng thời nêu đặc trưng của các hình phạt này là “tạo điều kiện phát huy tính tự cải tạo,
105 Bộ Tư Pháp, Tlđd số 36, tr. 123.
106Nguyễn Minh Khuê (2016), Tlđd số 50 , tr. 31.
giáo dục và hoàn thiện bản thân của người phạm tội trong cộng đồng và xã hội”.
Trong định nghĩa trên, các hình phạt chính không tước tự do được xác định chủ yếu dựa trên sự loại trừ các hình phạt khác, đồng thời việc xác định nội hàm quyền tự chủ và tự quyết của người phạm tội có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Định nghĩa trên đã thành công trong việc nhấn mạnh vào bản chất nội dung của nhóm hình phạt nhưng chưa làm rõ đặc trưng hình phạt chính.
Xét về bản chất, các hình phạt không giam giữ là các hình phạt mà qúa trình chấp hành hình phạt ở bên ngoài nhà tù, nghĩa là người bị kết án không bị cách ly khỏi cộng đồng nhưng phải chịu sự tác động nhất định của Nhà nước, xã hội thông qua việc bị tước hoặc hạn chế các quyền, lợi ích nhất định. Khái niệm hình phạt chính không giam giữ cần phải nêu bật được các đặc trưng nội dung của hình phạt và các đặc điểm của hình phạt chính. Theo đó hình phạt chính không giam giữ có thể định nghĩa như sau:
“Hình phạt chính không giam giữ là các hình phạt tuy người bị kết án không bị cách ly khỏi cộng đồng nhưng phải chịu sự tác động của Nhà nước và xã hội bằng việc bị tước hoặc hạn chế các quyền, lợi ích nhất định. Hình phạt chính không giam giữ được Tòa án tuyên độc lập, trường hợp phạm một tội cụ thể thì chỉ được áp dụng một hình phạt”.