CHƯƠNG 3: KINH NGHIỆM CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ QUỐC TẾ VÀ MỘT SỐ NƯỚC VỀ HÌNH PHẠT CHÍNH KHÔNG GIAM GIỮ
3.1 Kinh nghiệm của pháp luật hình sự quốc tế về hình phạt chính không giam giữ
3.1.2 Kinh nghiệm của pháp luật hình sự quốc tế về quy định nguyên tắc và biện pháp bảo đảm áp dụng hình phạt chính không giam giữ
Việc quy định và áp dụng hình phạt cho cá nhân người phạm tội có ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người phạm tội, của nạn nhân và của cộng đồng. Khi quy định và áp dụng các hình phạt chính không giam giữ cần đảm bảo sự công bằng và theo một cách chính thức, đồng thời phải bảo vệ các quyền tối thiểu cơ bản, cân nhắc trên các lợi ích lâu dài cho người phạm tội cũng như của cộng đồng. Trên cơ sở đó, Quy tắc Tokyo nhấn mạnh các nguyên tắc nhất định cho việc quy định và áp dụng các biện pháp không giam giữ thay thế cho hình phạt tù. Theo đó, pháp luật hình sự Việt Nam có thể tham khảo nhằm xác định các nguyên tắc cơ bản cho việc hoàn thiện các hình phạt chính không giam giữ. Các nguyên tắc cơ bản khi quy định và áp dụng các hình phạt chính không giam giữ phải cố gắng bao gồm:
- Cần tính đến các điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của từng quốc gia cũng như mục đích và mục tiêu của hệ thống tư pháp hình sự của quốc gia đó. Mục 1.3 Quy tắc Tokyo nhấn mạnh rằng Liên Hợp Quốc không có ý định tạo ra một khuôn mẫu hệ thống các biện pháp không giam giữ, các quốc gia tùy thuộc vào điều kiện đặc thù riêng để lựa chọn cách thức và phương pháp cụ thể khi quy định và áp dụng các biện pháp không giam giữ nói chung và hình phạt chính không giam giữ nói riêng. Các hình phạt chính không giam giữ là một phần trong chính sách hình phạt nên cần được cân nhắc trên tổng thể của chính sách hình sự phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
- Đảm bảo một sự cân bằng hợp lý giữa các quyền của cá nhân người phạm tội, quyền của các nạn nhân và sự quan ngại của xã hội đối với an ninh công cộng và việc phòng ngừa tội phạm theo tinh thần quy định tại Mục 1.4 Quy tắc Tokyo.
Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của tư pháp hình sự hiện nay, các nội dung của chính sách hình sự cần phải được đặt trong tổng thể cân bằng các lợi ích khác nhau. Hệ thống tư pháp hình sự trong một xã hội dân chủ tuân thủ triệt để chế độ pháp quyền cần phải cân bằng một cách cẩn trọng những lợi ích khác nhau và đôi khi là xung đột nhau: một là lợi ích hợp pháp của nhà nước trong sự tuân thủ pháp luật quốc gia, cuộc chiến chống tội phạm và duy trì an ninh nội địa; hai là quyền lợi của các nạn
nhân của tội phạm; ba là các quyền của người bị buộc tội và bị kết án.200 Mục 1.4 Quy tắc Tokyo yêu cầu các quốc gia thành viên phải xây dựng những biện pháp không giam giữ trong hệ thống pháp luật của nước mình nhằm đưa ra các cách lựa chọn khác, từ đó giảm sử dụng biện pháp cầm tù và nhằm tạo cơ sở hợp lý cho những chính sách tư pháp hình sự, thông qua việc giám sát các quyền con người, các yêu cầu công bằng xã hội cũng như nhu cầu phục hồi của người phạm tội (mục 1.5 Quy tắc Tokyo).
- Đảm bảo sự đa dạng và linh hoạt khi quy định các hình phạt chính không giam giữ. Mục 2.3 Quy tắc Tokyo nhấn mạnh rằng để tăng mức độ linh hoạt phù hợp với tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, phù hợp với nhân thân của người phạm tội, cũng như phù hợp với sự bảo vệ của xã hội, và để tránh sử dụng biện pháp cầm tù không cần thiết, hệ thống tư pháp hình sự cần đưa ra nhiều biện pháp không giam giữ, từ giai đoạn trước khi xét xử đến giai đoạn sau khi tuyên án. Cần phải xác định số lượng và loại hình các biện pháp không giam giữ có thể được áp dụng sao cho việc kết án vẫn tiến hành một cách hợp lý.
- Đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của luật hình sự, không có sự phân biệt đối xử. Quy tắc Tokyo yêu cầu các Quy tắc được áp dụng trên cơ sở không có sự phân biệt về chủng tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay các quan điểm khác, nguồn gốc xã hội hay dân tộc, tài sản, thành phần xuất thân hay địa vị khác, các quyền khiếu nại, tố cáo, kháng cáo của người phạm tội phải được bảo đảm (mục 2.2, mục 3.5, 3.6, 3.7 Quy tắc Tokyo).
Các biện pháp bảo đảm cho việc quy định, áp dụng và thực thi các hình phạt chính không giam giữ nói riêng.
Xây dựng và tuân thủ các biện pháp bảo đảm đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo cho các hình phạt chính không giam giữ có thể phát huy hiệu quả. Pháp luật hình sự Việt Nam quy định khá đầy đủ các hình phạt chính không giam giữ nhưng các hình phạt này vẫn chưa phát huy được hiệu quả trên thực tế. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có phần nguyên nhân của việc thiếu các biện pháp bảo đảm. Quy tắc Tokyo khuyến nghị các quốc gia thành viên cần xây dựng các biện pháp bảo đảm về chính sách, về pháp luật và cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả cho các biện pháp không giam giữ nói chung và các hình phạt chính không giam giữ nói riêng.
200 Dato’ Param Cumaraswamy & Manfred Nowak, Tlđd số 196, tr 2.
Các biện pháp bảo đảm về chính sách cho các hình phạt chính không giam giữ bao gồm:
- Cần sử dụng các hình phạt chính không giam giữ phù hợp với nguyên tắc can thiệp tối thiểu theo Mục 2.6 Quy tắc Tokyo.
- Việc sử dụng những biện pháp không giam giữ phải là một phần của tiến trình hướng tới bãi bỏ hình phạt và loại bỏ hành vi đó ra khỏi số hành vi phạm tội, thay vì can thiệp hay làm trì hoãn những nỗ lực theo hướng đó (mục 2.7 Quy tắc Tokyo)
Các biện pháp bảo đảm về pháp luật:
- Việc giới thiệu, định nghĩa và áp dụng những biện pháp không giam giữ phải do pháp luật quy định. Việc lựa chọn một biện pháp không giam giữ phải dựa trên sự đánh giá theo những tiêu chuẩn đã được quy định liên quan đến tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, tính cách, nhân thân của người phạm tội, mục đích của bản án và các quyền của nạn nhân.
- Danh dự, nhân phẩm của người phạm tội chịu các biện pháp không giam giữ phải luôn được bảo vệ. Những biện pháp không giam giữ không bao gồm các thí nghiệm y học hay tâm lý đối với người phạm tội, cũng như những biện pháp có nguy cơ gây tổn thương về tâm lý và thể chất đối với họ. Khi thực các biện pháp không giam giữ, các quyền của người phạm tội không bị hạn chế hơn những gì đã được quy định trong phán quyết ban đầu của cơ quan có thẩm quyền. Khi áp dụng các biện pháp không giam giữ, quyền bất khả xâm phạm đời sống riêng tư của người phạm tội cũng như của gia đình người phạm tội phải được tôn trọng. Hồ sơ cá nhân của người phạm tội phải được giữ bí mật hoàn toàn và giữ kín đối với các bên thứ ba. Khả năng tiếp cận những hồ sơ này chỉ được giới hạn trong số những người trực tiếp liên quan đến việc xử lý vụ án hoặc những người có thẩm quyền khác (mục 3.8, 3.9, 3.10, 3.11, 3.12 Quy tắc Tokyo).
Bên cạnh đó, cần có các biện pháp bảo đảm về cơ sở hạ tầng trong quá trình áp dụng các hình phạt chính không giam giữ. Cụ thể cần có một hệ thống các cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp không giam giữ, bao gồm bộ máy tổ chức, cơ sở hạ tầng, và các chuyên viên được đào tạo, huấn luyện phù hợp trong việc giám sát người bị kết án chấp hành các biện pháp. Đồng thời cần có sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức xã hội và đội ngũ tình nguyện viên.
Việt Nam cần tham khảo Quy tắc Tokyo khi xây dựng các nguyên tắc và biện pháp bảo đảm cho việc quy định, áp dụng và thực thi các hình phạt chính không giam giữ nhằm tạo ra định hướng dài hạn cho việc hoàn thiện chính sách hình phạt.