CHƯƠNG 1: LÝ LUẬN VỀ HÌNH PHẠT CHÍNH KHÔNG GIAM GIỮ
1.4 Hình thức của hình phạt chính không giam giữ và phân biệt các hình phạt chính không giam giữ với các biện pháp cưỡng chế khác
1.4.2 Phân biệt các hình phạt chính không giam giữ với các biện pháp cưỡng chế khác
Phân biệt các hình phạt chính không giam giữ với các hình phạt bổ sung Hình phạt bổ sung là một bộ phận trong hệ thống hình phạt, đóng vai trò hỗ trợ hình phạt chính nhằm đạt được các mục đích của hình phạt. Vì mang tính chất hỗ trợ nên hướng tác động chủ yếu của hình phạt bổ sung là loại trừ các điều kiện mà người phạm tội có thể tiếp tục sử dụng để tái thực hiện hành vi phạm tội. Do vậy, tính nghiêm khắc của hình phạt bổ sung chủ yếu mang tính chất tước hoặc hạn chế một số quyền nhân thân, quyền về tài sản nên có những điểm tương đồng và khác biệt nhất
136 Nguyễn Thị Ánh Hồng (2015), “Hoàn thiện quy định của BLHS về các hình phạt chính không tước tự do”, Tạp chí Khoa học pháp lý (08), tr. 54.
định với hình phạt chính không giam giữ.
Điểm tương đồng cơ bản nhất giữa các hình phạt chính không giam giữ và các hình phạt bổ sung là tính chất tước hoặc hạn chế quyền của người bị kết án. Người phạm tội không bị tước quyền sống hoặc quyền tự do thân thể mà chỉ bị tước quyền tài sản, hạn chế quyền tự do hoặc tước các quyền dân sự, chính trị khác. Hình phạt tiền và hình phạt trục xuất vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung khi không áp dụng với tư cách hình phạt chính. Quy định này của pháp luật hình sự thể hiện tính hiệu quả của hình phạt tiền và trục xuất đồng thời thể hiện tính đa dạng của hệ thống hình phạt.
Các hình phạt bổ sung có phạm vi các quyền bị tước hoặc hạn chế rộng hơn các hình phạt chính không giam giữ. Hình phạt bổ sung còn bao gồm việc hạn chế hoặc tước các quyền chính trị, dân sự khác như: hạn chế quyền tự do cư trú (hình phạt quản chế và cấm cư trú); tước về tài sản (hình phạt tịch thu tài sản); tước một số quyền chính trị như quyền bầu cử, ứng cử, quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân (hình phạt tước một số quyền công dân); tước các quyền dân sự khác (hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định).
Phân biệt các hình phạt chính không giam giữ với án treo
Án treo được xếp vào nhóm các biện pháp miễn giảm trách nhiệm hình sự vì
“Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện”, người bị áp dụng án treo phải chịu những tác động mang tính tước hoặc hạn chế quyền. Trong số các hình phạt chính không giam giữ, hình phạt cải tạo không giam giữ có nhiều nét tương đồng với án treo. Tuy khác nhau về bản chất pháp lý nhưng về nội dung, cả án treo và cải tạo không giam giữ đều hướng tới răn đe, giáo dục và cải tạo người phạm tội nhưng không cách ly họ ra khỏi đời sống xã hội. Các quy định về hình phạt cải tạo không giam giữ và án treo đều xác định cơ quan có thẩm quyền quản lý và giám sát người bị kết án là cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú.137
Về điều kiện áp dụng: bên cạnh những điều kiện mang tính chất định lượng như loại tội phạm được áp dụng, có nơi làm việc hoặc thường trú rõ ràng (đối với hình phạt cải tạo không giam giữ); mức phạt tù, tình tiết giảm nhẹ (đối với án treo), các điều kiện áp dụng khác còn nhiều điểm khá chung chung, phần nhiều tạo điều kiện cho tòa án tự
137 Điều 74,75,76 Luật thi hành án
xem xét và giải quyết như xét thấy không cần thiết bắt chấp hành hình phạt tù, căn cứ vào nhân thân người phạm tội (đối với án treo); hoặc căn cứ xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội (đối với hình phạt cải tạo không giam giữ).
Bên cạnh đó, khác với hình phạt cải tạo không giam giữ có thời hạn từ 6 tháng đến ba năm, pháp luật quy định đối với án treo người bị kết án phải chịu thời gian thử thách gấp đôi hình phạt tù đã được cho hưởng án treo nhưng không được thấp hơn một năm và không quá năm năm theo hướng dẫn tại Điểu 3 Nghị quyết 01/2013 của HĐTP TANDTC.
Về phạm vi áp dụng, hình phạt cải tạo không giam giữ chỉ được áp dụng cho các tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, đối với người dưới 18 phạm tội thì có thể áp dụng cho người phạm tội rất nghiêm trọng theo quy định tại Điều 36, 100 BLHS năm 2015, trong khi đó, khoản 1 Điều 65 BLHS năm 2015 trên cơ sở kế thừa Điều 60 BLHS năm 1999 quy định án treo được áp dụng cho những người bị tòa án phạt tù không quá ba năm, không kể tội đã phạm là tội gì. Liệu rằng một người phạm tội rất nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng về lý thuyết vẫn có thể được hưởng án treo nghĩa là chỉ chịu một sự cưỡng chế là hạn chế quyền tự do là có phù hợp với tính chất cưỡng chế trong hình sự phải phù hợp với tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm không? Quy định mang tính chất mở này có thể trở thành lổ hỏng của pháp luật được người áp dụng pháp luật tận dụng vì động cơ cá nhân trong qúa trình xét xử.
Khắc phục hạn chế trong quy định tại Điều 60 BLHS năm 1999, ngày 6/11/2013 Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 01/2013 hướng dẫn áp dụng Điều 60 BLHS, Điều 2 Nghị quyết đã hướng dẫn áp dụng các điều kiện áp dụng án treo theo hướng chặt chẽ hơn như không áp dụng án treo cho đối tượng bị kết án về tội đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng tái phạm nguy hiểm; hướng dẫn chi tiết thế nào là nhân thân tốt,… Đây là một hướng dẫn kịp thời cho thực tiễn xét xử, nhưng xét về mặt khoa học đây chỉ là văn bản hướng dẫn cho ngành Tòa án, nên nhất thiết cần phải được luật hóa bằng những quy định cụ thể trong BLHS.
Phân biệt các hình phạt chính không giam giữ với một số biện pháp cưỡng chế hành chính
Trong số bốn hình phạt chính không giam giữ, các hình phạt cảnh cáo, phạt tiền và trục xuất tương tự các hình thức xử phạt hành chính là quy định tại Luật xử lý vi
phạm hành chính năm 2012.138 Cảnh cáo, phạt tiền, trục xuất là ba biện pháp cưỡng chế nhà nước được quy định với các hình thức trách nhiệm pháp lý khác nhau. Do vậy yêu cầu pháp luật hình sự phải quy định các hình phạt này với nội dung và hình thức phản ánh tính nghiêm khắc nhất của hình phạt. Thực tiễn áp dụng pháp luật hình chính cho thấy trừ trường hợp bắt buộc áp dụng đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện theo Điều 22 Luật xử lý vi phạm hành chính, biện pháp xử lý cảnh cáo rất ít được áp dụng trên thực tế. Từ thực tiễn áp dụng, luật hình sự cần thiết phải có sự đánh giá một cách toàn diện về tính nghiêm khắc của hình phạt cảnh cáo. Bên cạnh đó, hình phạt cải tạo không giam giữ có nhiều điểm tương đồng với biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.139 Vì các hình phạt chính không giam giữ có nhiều điểm tương đồng với các biện pháp xử phạt và xử lý hành chính, chỉ khác nhau về mức độ và hậu quả pháp lý nên dẫn đến tâm lý e ngại áp dụng các hình phạt này của người áp dụng pháp luật vì cho rằng nó không đủ tính răn đe.
138 Điều 21, 22, 23, 24, 27 Luật xử lý vi phạm hành chính;
139 Khoản 3 Điều 2, điều 89, 90 Luật xử lý vi phạm hành chính.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
1. Khoa học pháp lý hình sự ghi nhận sự tồn tại và phát triển của các học thuyết về hình phạt. Học thuyết trừng trị và học thuyết vị lợi ra đời từ thế kỷ XVIII và là hai học thuyết chính của hình phạt, trong giai đoạn từ nửa sau thế kỷ 20 đến nay, nhiều nhà khoa học quan niệm rằng lý thuyết hình phạt bao gồm bốn học thuyết: học thuyết trừng trị, học thuyết ngăn ngừa, học thuyết phòng ngừa, học thuyết cải tạo. Theo đó quan niệm về học thuyết trừng trị không có sự thay đổi, ba học thuyết còn lại là trên cơ sở phát triển từ học thuyết vị lợi. Pháp luật hình sự các nước thường không tuyệt đối hóa một học thuyết nào nhưng có thể lựa chọn một học thuyết làm điểm tựa chính cho việc xây dựng hệ thống hình phạt. Hình phạt nhằm mục đích cải tạo và phục hồi người phạm tội đang là xu hướng được ủng hộ rộng rãi trên toàn cầu, là kết quả của quá trình thay đổi trong lĩnh vực hình phạt. Do vậy, sự ra đời và phát triển của các hình phạt chính không giam giữ mang tính tất yếu của hệ thống hình phạt và phù hợp với xu hướng phát triển của pháp luật hình sự.
2. Hình phạt chính không giam giữ có lịch sử lâu đời và sự ra đời và phát triển của các hình phạt chính không giam giữ xuất phát trên ba luận điểm quan trọng là đảm bảo sự tương xứng giữa tính nguy hiểm của tội phạm và tính nghiêm khắc của hình phạt; xu hướng phát triển tiến bộ của luật hình sự; và tính hiệu quả của hình phạt.
Nghiên cứu lý luận về hình phạt chính không tước tự nhằm hoàn thiện cơ sở lý luận để đánh giá thực trạng quy định và áp dụng các hình phạt chính không giam giữ của pháp luật hình sự Việt Nam.
3. Các hình phạt chính không giam giữ được quy định từ sớm và ngày càng có vai trò quan trọng trong pháp luật hình sự Việt Nam. Hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự về các hình phạt chính không giam giữ là một trong các nội dung quan trọng của cải cách tư pháp. Các hình phạt chính không giam giữ là cơ sở quan trọng để thể chế hóa các nguyên tắc của luật hình sự như nguyên tắc nhân đạo, nguyên tắc dân chủ, nguyên tắc phân hóa hình sự. Bên cạnh đó, sự tham gia của xã hội, cộng đồng vào quá trình thi hành một số hình phạt chính không giam giữ như hình phạt cải tạo không giam giữ mang lại hiệu quả cao trong giáo dục ý thức pháp luật của chính người bị kết án và những người khác trong xã hội.
CHƯƠNG 2