Kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự về các hình phạt chính không giam giữ

Một phần của tài liệu Hình phạt chính không giam giữ trong luật hình sự việt nam (Trang 151 - 165)

CHƯƠNG 3: KINH NGHIỆM CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ QUỐC TẾ VÀ MỘT SỐ NƯỚC VỀ HÌNH PHẠT CHÍNH KHÔNG GIAM GIỮ

4.2 Các kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của hình phạt chính không giam giữ

4.2.2 Kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự về các hình phạt chính không giam giữ

Quy định các hình phạt chính không giam giữ trong BLHS cần đảm bảo yêu cầu lý luận, các nguyên tắc cơ bản của luật hình sự và tăng cường hiệu quả của hệ thống hình phạt. Trên cơ sở tính chất đặc thù với các ưu và nhược điểm nhất định của

từng loại hình phạt, luận án tập trung kiến nghị hoàn thiện quy định của BLHS năm 2015 về các hình phạt chính không giam giữ với các nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất: Sửa đổi, bổ sung quy định của BLHS năm 2015 về hình phạt cảnh cáo theo hướng tăng cường tính cưỡng chế của hình phạt.

Sự tồn tại một hình phạt chính trong hệ thống hình phạt yêu cầu trước hết phải đảm bảo hình phạt đó có khả năng đạt được các mục đích của hình phạt. Mỗi hình phạt khác nhau có các ưu và nhược điểm nhất định, có thế mạnh ở các mục đích khác nhau.

Tuy nhiên để được quy định là các hình phạt chính – các hình phạt được tuyên một cách độc lập không phụ thuộc vào các hình phạt khác thì hình phạt đó phải đảm bảo tính nghiêm khắc cao hơn các biện pháp cưỡng chế hành chính hoặc dân sự. Hình phạt chính phải đảm bảo tính nghiêm khắc nhằm đạt được mục đích răn đe, phòng ngừa và giáo dục người phạm tội.

Hình phạt cảnh cáo có tính nghiêm khắc hạn chế vì chỉ có khả năng tác động về tinh thần, không tước hoặc hạn chế các quyền, lợi ích cụ thể của người bị kết án nên chỉ phù hợp với những vi phạm pháp luật có tính nguy hiểm ở mức độ thấp. Hệ thống pháp luật Việt Nam bao gồm nhiều ngành luật và biện pháp cảnh cáo phù hợp để quy định là biện pháp cưỡng chế của luật hành chính. Thậm chí trên thực tế việc áp dụng biện pháp cảnh cáo trong xử lý các vi phạm hành chính cũng không phải là biện pháp phổ biến. Do vậy, có nhiều ý kiến cho rằng cần bãi bỏ hình phạt cảnh cáo trong hệ thống hình phạt244 vì một hình phạt cụ thể được quy định trong BLHS trước hết cần thể hiện đúng bản chất của hình phạt thì mới đảm bảo được mục đích của hình phạt và thực tiễn áp dụng hình phạt này rất hạn chế.Kết quả khảo sát trong khuôn khổ luận án cho thấy có 168/409 ý kiến khảo sát cho rằng nên bãi bỏ hình phạt cảnh cáo trong hệ thống hình phạt vì “Không tương xứng với tính nguy hiểm của tội phạm, không đảm bảo tính răn đe; không có sự khác biệt với biện pháp xử lý hành chính”.245

Tuy nhiên, tác giả cho rằng trong giai đoạn hiện nay cần duy trì hình phạt cảnh cáo trong hệ thống hình phạt vì các cơ sở sau:

- Hình phạt cảnh cáo tuy tính nghiêm khắc có phần hạn chế nhưng cần quy định trong hệ thống hình phạt nhằm đảm bảo sự tiếp nối trong thang bậc xử lý hành vi vi phạm pháp luật đồng thời đảm bảo tính nhân đạo, khoan hồng của luật hình

244Lý Văn Tầm (2012), “Nên bỏ hình phạt cảnh cáo trong Bộ luật Hình sự Việt Nam”, Tài liệu được truy cập lúc 15.45 ngày 11/6/2018 tại http://vksbacninh.gov.vn/kiem-sat-vien-viet/chuyen-de-nghiep-vu/nen-bo-hinh-phat- canh-cao-trong-bo-luat-hinh-su-viet-nam-7097.html

245Phụ lục 2.1

sự. Pháp luật hình sự Việt Nam tồn tại một hệ thống các biện pháp miễn giảm đa dạng cả về hình thức và mức độ nhưng hình phạt cảnh cáo vẫn có vai trò là biện pháp cưỡng chế nhà nước tiếp nối giữa biện pháp hành chính và biện pháp hình sự. Hình phạt cảnh cáo có thể phù hợp với những trường hợp phạm tội có tính nguy hiểm hạn chế. Kiến nghị duy trì hình phạt cảnh cáo trong hệ thống hình phạt nhận được sự đồng thuận của đa số các chuyên gia được khảo sát. Kết quả khảo sát cho thấy 240/409 ý kiến cho rằng hình phạt cảnh cáo nên được quy định trong hệ thống hình phạt, trong đó 178/409 ý kiến cho rằng hình phạt cảnh cáo phù hợp với loại tội phạm ít nghiêm trọng và 62/409 ý kiến cho rằng hình phạt cảnh cáo tuy “Không phù hợp với tính nguy hiểm của tội phạm nhưng nên quy định để thể hiện tính chất khoan hồng của nhà nước”.246

- Hình phạt cảnh cáo được giới thiệu trong Quy tắc Tokyo như là một hình phạt nhằm thay thế cho hình phạt tù. Đây là chuẩn mực pháp lý quốc tế khuyến khích các quốc gia quy định trong hệ thống hình phạt nhằm hạn chế việc áp dụng hình phạt tù góp phần bảo đảm quyền của người bị kết án. Việc duy trì hình phạt cảnh cáo trong hệ thống hình phạt là minh chứng cho sự tiến bộ và hội nhập với xu hướng phát triển của pháp luật hình sự quốc tế.

- Thực tiễn cho thấy tuy tỷ lệ áp dụng hình phạt cảnh cáo ngày càng giảm nhưng vẫn được áp dụng trên thực tế cho thấy hình phạt này vẫn phù hợp với các trường hợp phạm tội cụ thể.

Việc duy trì hình phạt cảnh cáo là cần thiết nhưng để phát huy hiệu quả cần phải có các sửa đổi nhất định theo hướng tăng cường tính cưỡng chế của hình phạt.

Sửa đổi này nhằm đảm bảo sự tương xứng giữa tính nguy hiểm của tội phạm và tính cưỡng chế của hình phạt cũng như đảm bảo sự tiếp nối trong thang bậc xử lý giữa xử lý hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, tác giả kiến nghị bổ sung thêm nội dung giám sát tại cộng đồng cho người bị kết án hình phạt cảnh cáo với thời hạn từ 1 đến 3 tháng. Giám sát tại cộng đồng hay còn gọi là giám sát tư pháp (judicial supervision) là một biện pháp được khuyến nghị trong Quy tắc Tokyo là một hoạt động nhằm giám sát người bị kết án tại cộng đồng và các trung tâm giám sát tư pháp có chức năng tương tự như Trung tâm quản chế. Trong bối cảnh Việt Nam chưa có các Trung tâm quản chế chuyên biệt thì có thể giao người bị kết án cảnh cáo về địa phương và giao cho các tổ chức xã hội hoặc tổ chức đoàn thể dưới sự điều phối của

246Phụ lục 2.1

chính quyền địa phương giám sát họ. Việc giám sát này không mang tính giám sát, giáo dục nặng tính hành chính như hình phạt cải tạo không giam giữ mà chủ yếu nhằm tư vấn, hỗ trợ đồng thời theo dõi các biểu hiện giúp người bị kết án. Quá trình giám sát tại cộng đồng cần được cụ thể hóa trong Luật thi hành án và các văn bản hướng dẫn.

Cần lập hồ sơ giám sát tại cộng đồng và đưa vào lý lịch tư pháp của người bị kết án nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu hỗ trợ cho hoạt động tư pháp.

Theo đó Điều 34 BLHS năm 2015 được sửa đổi như sau:

“Cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.

Người bị phạt cảnh cáo phải chịu giám sát tại cộng đồng từ 1 đến 3 tháng”

Thứ hai: Sửa đổi, bổ sung quy định BLHS năm 2015 về phạt tiền là hình phạt chính.

- Sửa đổi quy định tại Điều 35 BLHS năm 2015 theo hướng phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính cho người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng trong một số nhóm tội phạm. Hình phạt tiền đóng vai trò quan trọng trong hệ thống hình phạt nhưng do tính chất đặc thù chỉ tước về tài sản nên hình phạt tiền chỉ phù hợp với tội phạm có tính chất, mức độ nguy hiểm nhất định và những nhóm tội phạm nhất định.247 Tính nghiêm khắc của hình phạt tiền thể hiện ở việc tác động về tài nên phù hợp nhất với các tội phạm ở mức độ nguy hiểm vừa phải là tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng. Đối với loại tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng vì tính chất, mức độ nguy hiểm đã ở mức cao nên việc quy định hình phạt tiền là hình phạt chính sẽ không tương thích với tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm.

Theo đó cần bãi bỏ quy định hình phạt tiền trong chế tài của 5 trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng là khoản 3 Điều 188, khoản 3 Điều 189, khoản 2 Điều 190, khoản 3 Điều 196 và khoản 4 Điều 283 BLHS năm 2015.

- Sửa đổi quy định trong Phần các tội phạm BLHS theo hướng bãi bỏ quy định phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội cố ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; các tội phạm về ma túy; các tội phạm về chức vụ vì không phù hợp với tính nguy hiểm và bản chất của nhóm tội phạm. Việc quy định phạt tiền là hình phạt chính cho tội cố ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm sẽ không có tác dụng răn đe, giáo dục, cải tạo người phạm tội và có thể tạo tâm lý bất

247 Nguyễn Thị Ánh Hồng (2017), “Một số thành công và hạn chế trong quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các hình phạt chính không tước tự do”, Tạp chí KHPL Số 08 (102), tr.33.

bình cho người bị hại và cộng đồng. Đối với các tội phạm về chức vụ và tội phạm về ma túy, là nhóm tội phạm có tính nguy hiểm cao, cần tăng cường đấu tranh nên việc quy định và áp dụng phạt tiền là hình phạt chính không phù hợp với tính nguy hiểm của tội phạm, không có tác dụng phòng ngừa chung, thậm chí có thể gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội. Theo đó bãi bỏ quy định phạt tiền trong phần chế tài của quy phạm pháp luật hình sự quy định tại khoản 1 các Điều 135 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh); Điều 136 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội); Điều 155 (Tội làm nhục người khác); Điều 156 (Tội vu khống); Điều 259 (Tội vi phạm quy định về quản lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần); Điều 364 (Tội đưa hối lộ). Quy định về hình phạt tiền trong các chế tài của các quy phạm pháp luật hình sự nêu trên có thể được thay thế bằng hình phạt cải tạo không giam giữ.

- Sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 35 BLHS năm 2015 theo hướng tăng mức tiền phạt tối thiểu của hình phạt tiền là hình phạt chính. Việc tăng mức tối thiểu của hình phạt tiền là hình phạt chính sẽ đảm bảo cơ sở lý luận và tình hình thực tế của Việt Nam. Về lý luận, hình phạt tiền phải mang tính chất nghiêm khắc hơn biện pháp xử phạt hành chính và phải thể hiện trước hết ở mức tiền phạt. Mức tối thiểu 1 triệu đồng của hình phạt tiền được quy định từ năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và đến nay đã không còn phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam. Khi quy định mức tối thiểu của hình phạt tiền, nhà làm luật có thể lựa chọn quy định riêng mức tối thiểu cho hình phạt tiền với tư cách là hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Trong giai đoạn hiện nay có thể quy định mức tối thiểu là 5 triệu đồng cho phù hợp với mức tối thiểu được quy định trong chế tài của quy phạm pháp luật hình sự của các tội phạm cụ thể. Tuy nhiên, trong tương lai, trên cơ sở của thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự cần phải tiếp tục nghiên cứu về mức tối thiểu, mức tối đa của hình phạt tiền nhằm đảm bảo hiệu quả.248 Kiến nghị này cũng tương đồng với đa số ý kiến của các chuyên gia pháp lý, khi có 283/409 ý kiến cho rằng cần nâng mức tối thiểu của hình phạt tiền

248 Nguyễn Thị Ánh Hồng (2017), Tlđd số 244, tr.33.

trong đó 154 ý kiến cho rằng mức tối thiểu của hình phạt tiền nên là 5 triệu đồng và 129 ý kiến cho rằng cần nâng lên mức 10 triệu đồng.249

- Bổ sung quy định cho phép Tòa án quyết định cách thức chấp hành hình phạt tiền có thể là một lần hoặc nhiều lần. Hiện nay, cách thức thi hành hình phạt tiền chưa được quy định trong Luật Thi hành án hình sự năm 2010, nghĩa là quá trình thi hành hình phạt tiền sẽ do cơ quan thi hành án dân sự thực hiện. Do vậy, cần thiết phải quy định về cách thức thi hành hình phạt tiền trong quy định của BLHS.250

- Về kỹ thuật lập pháp, điểm b khoản 1 Điều 35 BLHS năm 2015 cần thay đổi trật tự của cụm từ “trật tự cộng cộng, an toàn công cộng” thành “an toàn công cộng, trật tự công cộng” cho phù hợp với tên nhóm tội phạm được quy định tại Chương 21 BLHS năm 2015. Bên cạnh đó, sửa đổi cụm từ “tình hình tài sản” thành

“tình hình tài chính” sẽ phù hợp hơn về thuật ngữ.

Theo đó, Điều 35 BLHS năm 2015 được sửa đổi như sau:

“Điều 35: Phạt tiền

1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, an toàn công cộng, trật tự công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.

2. Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật này quy định.

3. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài chính của người phạm tội, sự biến động của giá cả,nhưng không được thấp hơn năm triệu đồng.

4. Tiền phạt có thể thi hành một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn do Tòa án quyết định trong bản án.

5. Hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại Điều 77 của Bộ luật này.”

Thứ ba: Sửa đổi, bổ sung quy định của BLHS năm 2015 về hình phạt cải tạo không giam giữ.

- Bổ sung vào quy định của Điều 36 BLHS năm 2015 cơ quan chịu trách nhiệm giám sát, giáo dục cho người bị kết án cải tạo không giam giữ là người đang

249 Phụ lục 2.1.

250 Nguyễn Thị Ánh Hồng (2017), Tlđd số 244, tr.33.

thực hiện nghĩa vụ quân sự. Quy định này hoàn toàn phù hợp với các quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2010 về tổ chức thi hành án phạt cải tạo không giam giữ. Theo đó khoản 2 Điều 36 BLHS năm 2015 được sửa đổi như sau: “Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập, thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc giám sát, giáo dục người đó”.

- BLHS năm 2015 cần bổ sung quy định về nghĩa vụ thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian chấp hành hình phạt đối với người bị phạt cải tạo không giam giữ. Việc thực hiện các hoạt động phục vụ cộng đồng trong qúa trình chấp hành hình phạt nhằm giúp thay đổi nhận thức của người phạm tội, giúp cho người phạm tội nâng cao ý thức pháp luật, trách nhiệm đối với xã hội. Pháp luật hình sự quốc tế và pháp luật hình sự các nước khi quy định các hình phạt có tính chất cộng đồng luôn quy định nghĩa vụ thực hiện các hoạt động phục vụ cộng đồng hoặc phải tham gia các khóa học nhằm thay đổi nhận thức của người phạm tội.

- Sửa đổi quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội theo mức tối đa của hình phạt cải tạo không giam giữ là 5 năm. Sửa đổi này nhằm đảm bảo nguyên tắc công bằng, nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm một tội và phạm nhiều tội, phân hóa với trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo đó điểm a khoản 1 Điều 55 BLHS năm 2015 sửa đổi như sau: “Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 05 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn”;

- Sửa đổi tên Điều 105 BLHS năm 2015 theo hướng tên gọi của điều luật phải bao hàm được nội dung của điều luật. Điều 105 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định biện pháp miễn chấp hành và giảm chấp hành hình phạt tù, hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tiền cho người dưới 18 tuổi phạm tội. Do đó, tên điều luật phải là “Miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên”.

Thứ tƣ: Sửa đổi, bổ sung quy định của BLHS năm 2015 về hình phạt trục xuất theo hướng xác định cụ thể phạm vi áp dụng của hình phạt.

Một phần của tài liệu Hình phạt chính không giam giữ trong luật hình sự việt nam (Trang 151 - 165)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(256 trang)