CHƯƠNG 2. THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU
2.3. Phương pháp thiết kế HTTTKT
Thiết kế hệ thống là một giai đoạn của quá trình xây dựng và phát triển HTTT nói chung, HTTTKT nói riêng. Giai đoạn thiết kế hệ thống được thực hiện sau giai đoạn phân tích hệ thống - nhằm xác định nhu cầu thông tin trên cơ sở đó cung cấp những dữ liệu cơ sở cho giai đoạn thiết kế.
Thiết kế hệ thống nhằm tìm kiếm các giải pháp CNTT để đáp ứng các yêu cầu đặt ra đối với hệ thống. Để đảm bảo thông tin kế toán cung cấp đầy đủ, kịp thời, minh bạch, rõ ràng, đáng tin cậy, thiết kế HTTTKT cần phải đáp ứng các yêu cầu:
- HTTTKT phải đảm bảo yêu cầu khoa học và hợp lý, trên cơ sở chấp hành đúng các nguyên tắc tổ chức và phù hợp với các chính sách, chế độ, thể lệ quy chế tài chính kế toán hiện hành.
- HTTTKT phải đảm bảo thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ kế toán trong đơn vị, thu nhận, xử lý, kiểm tra và cung cấp thông tin kế toán đáp ứng yêu cầu quản lý, quản trị của đơn vị.
- HTTTKT phải đảm bảo cung cấp thông tin đáp ứng yêu cầu chất lượng thông tin kế toán về sự phù hợp, chính xác, khách quan, kịp thời, đầy đủ và hệ thống…
- HTTTKT phải đảm bảo phù hợp với đặc điểm hoạt động, đặc điểm tổ chức quản lý, quy mô và địa bàn hoạt động của đơn vị.
- HTTTKT phải thiết kế phù hợp với biên chế đội ngũ và khả năng trình độ của đội ngũ cán bộ nhân viên kế toán hiện có.
- Cuối cùng, HTTTKT phải được thiết kế trên cơ sở quan tâm đến vấn đề hiệu quả và tiết kiệm chi phí, cần phải tính toán, xem xét đến tính hợp lý giữa chi phí thiết kế xây dựng HTTTKT với những kết quả mà hệ thống mang lại.
Nhiệm vụ chính của thiết kế HTTTKT khi đó sẽ bao gồm nhiều nội dung nhưng quan trọng nhất là thiết kế CSDL (Nguyễn Văn Vỵ, 2010; Nguyễn Thị Thanh Huyền, 2010; Nguyễn Văn Ba, 2005).
Hiện nay, có hai phương pháp cơ bản để thực hiện việc thiết kế HTTT là tiếp cận theo chức năng và tiếp cận theo hướng đối tượng. Phương pháp tiếp cận theo đối tượng không tập trung vào các nhiệm vụ (như tiếp cận theo chức năng) mà tìm hiểu xem hệ thống gồm những đối tượng nào cần quan tâm, xem xét và xử lý. Ví dụ, khi xây dựng HTTT quản lý bệnh viện thì trước hết phải tìm hiểu xem hệ thống gồm những lớp đối tượng hoặc khái niệm nào, chẳng hạn như các nhóm bệnh nhân, bệnh án, bác sĩ, đơn thuốc… Khi đó, việc thiết kế HTTT theo hướng đối tượng là tổ chức thành tập các đối tượng tương tác với nhau và mô tả được cách để hệ thống thực thi nhiệm vụ của mình. Phương pháp thiết kế hệ thống theo hướng đối tượng là xu hướng được sử dụng rộng rãi trong thiết kế hệ thống do có những ưu điểm chính sau:
- Đối tượng là cơ sở để kết hợp các đơn thể thành hệ thống lớn hơn do đó dễ dàng xây dựng một vài chức năng riêng biệt và đưa vào sử dụng ngay mà không cần phải hoàn thiện tất cả các chức năng khác. Đồng thời, việc mở rộng các chức năng của hệ thống không ảnh hưởng tới các đơn thể khác, không đòi hỏi phải thiết kế lại.
- Quy ước truyền thông điệp giữa các đối tượng đảm bảo cho việc mô tả các giao diện giữa các đối tượng thành phần bên trong hệ thống và những hệ thống bên ngoài trở nên dễ dàng hơn.
- Nguyên lý bao gói, che giấu thông tin hỗ trợ cho việc xây dựng những HTTT an toàn và tin cậy.
- Nguyên lý kế thừa không những có thể giảm thiểu được thời gian thực hiện mà còn làm cho hệ thống có tính mở, tin cậy hơn.
- Định hướng đối tượng cung cấp những công cụ, môi trường mới, hiệu quả để phát triển phần mềm theo hướng công nghiệp và hỗ trợ để tận dụng được những khả năng kế thừa, sử dụng lại ở phạm vi diện rộng để xây dựng được những hệ thống phức tạp, nhạy cảm như: hệ thống thời gian thực, hệ thống đa phương tiện…
Hệ thống điều hành và quản lý bệnh viện nói chung, HTTTKT bệnh viện nói riêng liên quan đến nhiều hệ thống chức năng, với nhiều loại thông tin, dữ liệu khác nhau nên phương pháp tiếp cận hướng đối tượng sẽ phù hợp để thực hiện thiết kế HTTTKT.