Nhận thức đầy đủ hơn về các cơ chế, nguyên tắc tổ chức, vận hành của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ triết học) Nhận thức mới về dân chủ xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thời kỳ đổi mới (Trang 86 - 90)

Chương 3 NHỮNG NỘI DUNG MỚI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

3.1. NHỮNG NỘI DUNG MỚI TRONG NHẬN THỨC VỀ DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM THỜI KỲ ĐỔI MỚI

3.1.4. Nhận thức đầy đủ hơn về các cơ chế, nguyên tắc tổ chức, vận hành của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Yếu tố quyết định hiệu quả của những cơ chế, nguyên tắc dân chủ chính là việc nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa con người với tổ chức, con người với con người, tổ chức với tổ chức, cá nhân với tập thể, cấp dưới với cấp trên, địa phương và trung ương, quyền lợi và nghĩa vụ, dân chủ và pháp luật, kỷ luật, dân chủ và tập trung...

Khái quát việc giải quyết những quan hệ đó thành nguyên tắc, V.I.Lênin gọi là tập trung dân chủ và Hồ Chí Minh chủ yếu sử dụng khái niệm dân chủ tập trung. Thời kỳ trước đổi mới, Đảng ta khẳng định tập trung dân chủ là cơ chế, nguyên tắc lãnh đạo, quản lý, vận hành chung nhất của nền dân chủ XHCN ở Việt Nam. Tuy nhiên, cả trong nhận thức và xử lý những vấn đề thực tiễn, Đảng ta giải quyết chưa hài hòa những mối quan hệ phức tạp nói trên nên đã dẫn đến tình trạng tập trung quan liêu và quyền làm chủ tập thể của nhân dân thiếu sức sống thực tế. Do đó, việc đổi mới, phát triển nhận thức lý luận về cơ chế, nguyên tắc tổ chức, vận hành nền dân chủ XHCN trở thành một trong những mối quan tâm của Đảng ta trong tiến trình đổi mới. Nguyên tắc tập trung dân chủ đã được vận dụng, phát triển và thể chế hóa thành những nguyên tắc, cơ chế cụ thể với hiệu lực pháp lý và tính thực tiễn ngày càng cao.

Thứ nhất, nhận thức mới về nguyên tắc, cơ chế“Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” trong tổ chức, vận hành hệ thống chính trị và tổ chức, vận hành toàn bộ đời sống xã hội nói chung. Cơ chế này đã được Đảng ta đặt ra từ trước đổi mới.

Tuy nhiên, trên thực tế, cơ chế đó đã trở thành cơ chế tập trung quan liêu. Đảng bao biện, làm thay; nhân dân rơi vào thụ động. Trong đổi mới, Đảng ta đã phân định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước và các đoàn thể nhân dân.

Theo đó, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nhưng Đảng không đứng trên Nhà nước và xã hội; Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng không làm thay Nhà nước; Đảng lãnh đạo Nhà nước ban hành Hiến pháp, pháp luật nhưng tổ chức đảng và đảng viên của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

Nhà nước quản lý xã hội chủ yếu bằng pháp luật đã dần trở thành nguyên tắc, cơ chế, phương thức tổ chức, quản lý của Nhà nước ta trong tiến trình đổi mới. Đến nay, Đảng ta đã hình thành về cơ bản một hệ thống lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam, trong đó, các cơ chế, nguyên tắc dân chủ, pháp quyền (chủ quyền nhân dân, phân quyền, kiểm soát quyền lực, pháp quyền tối thượng…) được triệt để vận dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Thực tiễn đổi mới đã chứng minh, Nhà nước pháp quyền XHCN là phương thức hữu hiệu nhất để giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và bảo đảm thực hiện đầy đủ trên thực tế quyền làm chủ của nhân dân ta.

Nhân dân làm chủ cũng được Đảng ta nhận thức ngày càng rõ hơn. Từ chỗ khẳng định: nhân dân làm chủ tập thể có phần chung chung, trừu tượng (trước đổi mới) đến chỗ khẳng định nhân dân làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện [40, tr.85]. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua Nhà nước do Đảng lãnh đạo; làm chủ thông qua các tổ chức chính trị, xã hội như Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; và tự mình trực tiếp thực hiện các quyền dân chủ theo luật định.

Thứ hai, có sự đổi mới vượt bậc trong nhận thức về quan hệ giữa dân chủ với tập trung trong nền dân chủ XHCN. Từ chỗ xem nhẹ dân chủ, nhấn mạnh quá mức tập trung đến chỗ nhận thức biện chứng, đầy đủ và sâu sắc hơn về quan hệ giữa dân chủ

với tập trung. Ở Việt Nam, dân chủ và tập trung gắn bó tự nhiên, chặt chẽ trong cơ chế:

Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Điều này được biểu hiện ở sự thống nhất giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách; thiểu số phục tùng đa số; cấp dưới phục tùng cấp trên; cá nhân phục tùng tổ chức; dân chủ gắn với đoàn kết toàn dân và đồng thuận xã hội trên cơ sở lấy mục tiêu độc lập, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phân nhiệm, phân cấp, phối hợp và kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau, đồng thời, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương…

Thứ ba, nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm trong nền dân chủ XHCN. Trước đổi mới, ở quan hệ này, chúng ta chú trọng quyền làm chủ tập thể trong khi xem nhẹ quyền tự do, tự chủ của cá nhân; nhấn mạnh nghĩa vụ trong khi quyền lợi về cơ bản không được bảo đảm trên thực tế. Khắc phục hạn chế đó, trong đổi mới, Đảng ta khẳng định: quyền đi liền với nghĩa vụ, trách nhiệm. Quyền càng cao, trách nhiệm càng lớn. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân, mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Nhân dân không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định và thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đảng thực hiện quyền lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội;

Đảng có sứ mệnh, trách nhiệm phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Nhà nước thực hiện quyền quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, có nghĩa vụ, trách nhiệm công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người.

Thứ tư, nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về quan hệ giữa dân chủ với pháp luật, kỷ cương, kỷ luật. Trước đây, trong quan hệ giữa dân chủ với chuyên chính của hệ thống CCVS, hạn chế lớn nhất là nhấn mạnh quá mức mặt chuyên chính. Trong đổi mới, hạn chế ấy đã cơ bản được khắc phục. Trong nền dân chủ XHCN ở Việt Nam, dân chủ đi đôi với với kỷ luật, kỷ cương; dân chủ và chuyên chính, dân chủ và kỷ luật được thể chế hóa bằng pháp luật và được pháp luật bảo đảm. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng,

bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Dân chủ với nhân dân và nghiêm trị những kẻ phá hoại thành quả cách mạng, an ninh trật tự và an toàn xã hội. Thực hiện dân chủ rộng rãi đi đôi với tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí bằng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các giải pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế và hình sự.

Thứ năm, nhận thức mới về sự đa dạng, phong phú các hình thức, cơ chế thực hiện dân chủ XHCN của hệ thống chính trị cũng như các tổ chức chính trị - xã hội và của cả xã hội nói chung. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng nói: để cho nền dân chủ XHCN ăn sâu, bám chắc vào cơ thể xã hội, trở thành nếp sống bình thường của mỗi người, mỗi tổ chức và toàn xã hội, chúng ta phải phấn đấu kiên trì và có sự nỗ lực to lớn. Cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và xây dựng mới các thiết chế và cơ chế dân chủ (bao gồm việc nghiên cứu thành lập các tổ chức cần thiết, xây dựng pháp luật, chính sách, quy định thể lệ...) nhằm xác định quyền lợi và nghĩa vụ công dân trên các lĩnh vực hoạt động khác nhau... [35, tr.28]. Theo tinh đó, các bản Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001), Hiến pháp năm 2013 và hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước các cấp đã thể chế hóa đường lối chính sách của Đảng thành những cơ chế, nguyên tắc dân chủ pháp quyền có hiệu lực pháp lý cao để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình dân chủ hóa XHCN của đất nước. Từ đó, xuất hiện nhiều hình thức, cơ chế dân chủ như: chất vấn, trả lời chất vấn của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được tường thuật trực tiếp trên sóng phát thanh, truyền hình;

hình thức công khai kết luận kiểm tra, kỷ luật đảng viên và tổ chức đảng; đa dạng các hình thức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân đối với các dự thảo văn bản pháp luật, Hiến pháp và văn kiện đại hội Đảng; thực hiện đối thoại trực tiếp, trực tuyến;

thực hiện giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; thực hiện phản biện xã hội của báo chí, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; thực hiện các quy ước, hương ước tự quản của nhân dân; thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở...

Đây là những minh chứng nói lên rằng nhận thức mới của Đảng là sự phản ánh sinh động quá trình đổi mới, dân chủ hóa đời sống xã hội của đất nước và chính những nhận thức mới này là cội nguồn lý luận định hướng cho sự phát triển đa dạng, sống động của các hình thức, cơ chế dân chủ XHCN ở Việt Nam trong 30 năm qua.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ triết học) Nhận thức mới về dân chủ xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thời kỳ đổi mới (Trang 86 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(179 trang)