Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ triết học) Nhận thức mới về dân chủ xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thời kỳ đổi mới (Trang 142 - 154)

Chương 4 MỘT SỐ QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP NHẰM BỔ SUNG, PHÁT

4.2. CÁC NHÓM GIẢI PHÁP NHẰM BỔ SUNG, PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC

4.2.3. Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện

Những đổi mới về nhận thức phải gắn liền với những đổi mới về hành động thực tiễn vì thực tiễn là nguồn gốc, động lực và là mục đích của nhận thức, trong đó có nhận thức lý luận. Nếu không có hành động thực tiễn thì nhận thức vẫn chỉ là nhận thức thuần túy. Mọi nhận thức, mọi chính sách, pháp luật; mọi lời tuyên bố chỉ được xem là đúng đắn, có giá trị khi được chính đời sống thực tiễn kiểm nghiệm, khẳng định. Đồng thời, “Thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành”[116, tr.247]. Vì thế, nhóm giải pháp tổ chức thực hiện phải là những giải pháp cơ bản có ý nghĩa sống còn đối với quá trình xây dựng, phát triển nền dân chủ XHCN ở Việt Nam, xét cả trên phương diện nhận thức và thực tiễn. Trong nhóm giải pháp này, luận án nêu bốn giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu và đẩy mạnh việc thực hành dân chủ XHCN trên các lĩnh vực đời sống xã hội của đất nước

Giải pháp này yêu cầu tập trung nhận thức và giải quyết một cách đồng bộ, hài hòa vấn đề dân chủ hóa XHCN trong bốn lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội là kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa:

- Nghiên cứu làm sáng tỏ về nhận thức lý luận, hoàn thiện về mặt thể chếquyết liệt, đồng bộ trong tổ chức thực hiện việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong đó, bảo đảm: Một, giải quyết hài hòa các quan hệ về lợi ích, trước hết là lợi ích kinh tế của các thành phần kinh tế, các giai cấp, tầng lớp xã hội, giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, giữa chủ và thợ, giữa lợi ích của công nhân, nông dân, trí thức, doanh nghiệp và lợi ích của Nhà nước, lợi ích trước mắt và lâu dài, lợi ích quốc gia và quốc tế; Hai, kinh tế nhà nước thực sựgiữ những vị trí then chốt, đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế xã hội và chấp hành pháp luật” [38, tr.721] để nó làm đúng vai trò chủ đạo của mình đối với nền kinh tế quốc dân theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013 tại điều 51; Ba, các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh theo pháp luật; khuyến khích, tạo thuận lợi cho sự phát triển đa dạng các hình thức liên kết, hợp tác phù hợp để phát triển sản xuất nhằm mang lại no đủ, giàu có, thịnh vượng, công bằng, tiến bộ, hạnh phúc cho đại đa số nhân dân; Bốn, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, dân sự có điều kiện hợp tác, hỗ trợ Nhà nước, khi cần thiết có thể đấu tranh với Nhà nước và với các thế lực tự phát của thị trường để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân…

- Tập trung nghiên cứu và tích cực thực hiện đổi mới, dân chủ hóa đời sống chính trị mà trọng tâm là đổi mới, dân chủ hóa tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị. Đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế; thực hiện dân chủ trong Đảng phải gắn liền dân chủ trong Nhà nước và dân chủ trong xã hội; kết hợp đổi mới, dân chủ hóa hệ thống chính trị cả từ cấp Trung ương và từ cơ sở, cả từ “dưới lên” và từ “trên xuống”, trong đó, Đảng phải đi trước và cấp Trung ương phải thực sự nêu gương. Cần phân biệt, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đề cao vai trò làm chủ của nhân dân

trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, xây dựng Đảng, Nhà nước, đổi mới, dân chủ hóa hệ thống chính trị. Tiếp tục phát triển nhận thức và giải quyết hài hòa, hiệu quả hơn mối quan hệ giữa quyền với nghĩa vụ, trách nhiệm; dân chủ với tập trung; dân chủ với kỷ luật, kỷ cương; giữa dân chủ với chuyên chính; giữa “xây” và “chống”

trong quá trình đổi mới, dân chủ hóa đời sống chính trị. Tổng kết, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, hình thức dân chủ đã có và mạnh dạn tìm tòi, thí điểm, thực hiện những cơ chế, hình thức dân chủ mới, cả dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện như: thực hiện giám sát, phản biện xã hội; công khai hóa kết quả lấy phiếu tín nhiệm, kê khai tài sản, kiểm tra, thanh tra, xử lý kỷ luật các tổ chức và cá nhân vi phạm; cơ chế lấy ý kiến nhân dân trong xây dựng đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; xây dựng cơ chế, quy chế dân chủ cụ thể, chặt chẽ, khả thi về tiến cử, bổ nhiệm, giải trình, cách chức, giáng chức, từ chức, bãi miễn đại biểu; nghiên cứu, xây dựng, áp dụng các bộ tiêu chí, chỉ số khách quan đo lường, kiểm chứng tính hiệu quả của dân chủ XHCN.

- Chú trọng nghiên cứu, tổ chức xây dựng, thiết lập các điều kiện xã hội và thực hiện dân chủ XHCN trong đời sống xã hội với mô hình phát triển xã hội đoàn kết, đồng thuận, công bằng, an sinh, văn minh theo định hướng XHCN. Xây dựng, thực hiện các chính sách phù hợp với các giai tầng, thành phần, nhóm xã hội, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế và thể hiện rõ những ưu việt của chế độ XHCN. Bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về xã hội hóa, về cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội, về kết hợp Nhà nước và nhân dân cùng làm đối với các vấn đề xã hội. Nghiên cứu ban hành Luật về hội, thúc đẩy phát triển xã hội công dân theo định hướng XHCN. Quan tâm giải quyết và giải quyết có hiệu quả bằng hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật những vấn đề xã hội như: điều kiện lao động, tiền lương; bảo hiểm xã hội, quyền bảo đảm an sinh xã hội; an toàn thực phẩm; bảo đảm nhà ở, an toàn giao thông, đô thị; bảo đảm môi trường giáo dục và chất lượng giáo dục; vấn đề chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường; phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; xóa đói, giảm nghèo, hạn chế phân hóa giàu nghèo; kiểm soát rủi ro, giải quyết mâu thuẫn xã hội… Qua đó, tạo ra các bảo đảm xã hội để mọi người dân đều được bảo đảm an toàn, được thụ hưởng ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới và có cơ hội, điều kiện phát triển toàn diện.

- Đẩy mạnh nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện tốt việc xây dựng con người, phát triển nền văn hóa Việt Nam XHCN toàn diện, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học. Sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện tốt các văn bản pháp luật về văn hóa, thông tin, nghệ thuật bảo đảm quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận thông tin, sáng tạo, thụ hưởng, tiếp cận giá trị văn hóa của nhân dân. Chú trọng nghiên cứu, thực thi quan điểm xây dựng, phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; Nhà nước và nhân dân cùng làm văn hóa; nhân dân là chủ thể sáng tạo văn hóa, đồng thời hưởng thụ ngày càng nhiều thành quả văn hóa. Xây dựng môi trường văn hóa và đời sống văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong mỗi địa phương, trong từng cộng đồng dân cư, trong mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Xây dựng, hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa, đạo đức công bộc, văn hóa, đạo đức công dân. Đề cao tính chiến đấu của các hoạt động tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật, báo chí; khẳng định, tôn vinh những nhân tố mới, những giá trị cao đẹp của dân tộc; phê phán cái sai, lên án cái ác, cái xấu, hướng con người tới cái đúng, cái tốt, cái đẹp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bảo đảm văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dân chủ cơ sở và tăng cường nghiên cứu, thực thi các hình thức dân chủ trực tiếp

Sau khi có Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị, Đảng, Nhà nước ta đã từng bước thể chế hóa chủ trương này thành các cơ chế, quy định, nhất là quy định pháp luật để thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở khác nhau. Các cơ quan, đơn vị cơ sở đã tích cực xây dựng quy chế, quy định; làng, bản, thôn, ấp, tổ dân phố, cụm dân cư xây dựng hương ước, quy ước thực hiện dân chủ trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo đó, thực tiễn dân chủ cơ sở ở nước ta đã có những đổi thay sâu sắc có tính bước ngoặt.

Tuy nhiên, thành tựu đạt được về thực hiện dân chủ ở cơ sở dù to lớn thì cũng mới chỉ là bước đầu. Bệnh hình thức trong xây dựng quy chế cũng như trong tổ chức thực hiện quy chế dân chủ còn rất nặng nề. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, mất đoàn kết nội bộ diễn ra ở nhiều đơn vị cơ sở, ở cả loại hình cơ sở

xã, phường, thị trấn và các cơ quan, doanh nghiệp. Rõ ràng, để dân chủ thực sự ăn sâu, bám chắc vào cơ thể xã hội, vào từng tế bào của nó; thành văn hóa, phong tục, tập quán, nếp sống, sinh hoạt của mỗi người dân, mỗi tổ chức và các cộng đồng dân cư trong mỗi loại hình cơ sở thì hãy còn nhiều gian nan. Do đó, cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân chủ đối với mỗi loại hình cơ sở, nhất là đối với cơ quan và các loại hình doanh nghiệp.

Việc hợp nhất chức danh đảng, chính quyền ở các cấp, nhất là ở cơ sở cần phải tổng kết, nghiên cứu rất công phu, cẩn trọng. Ưu điểm của việc hợp nhất đã thấy rõ và hạn chế, nguy cơ của nó cũng đã không khó nhận diện. Thâu tóm quyền lực, độc đoán, chuyên quyền, lạm quyền, lộng quyền đã diễn ra ở không ít đơn vị cơ sở. Đã đến lúc cần phải nghiên cứu, xây dựng, ban hành Pháp lệnh về xây dựng và thực hiện dân chủ ở các loại hình doanh nghiệp, Pháp lệnh về xây dựng và thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan và Luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tất nhiên, cần phải quán triệt sâu sắc để thống nhất nhận thức và thống nhất hành động trong tổ chức thực hiện để các chính sách, quy chế, quy định pháp luật về dân chủ ở cơ sở thực sự đi vào thực tiễn đời sống.

Việc ban hành và thực hiện cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật về dân chủ ở cơ sở trong thời kỳ đổi mới đã cho thấy giá trị thực tiễn sâu sắc của sự kết hợp giữa dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp ở nước ta. Thực tiễn dân chủ hóa đời sống xã hội ở nước ta hiện nay đang đặt ra yêu cầu tất yếu phải chú trọng hơn đến việc thực hiện các hình thức dân chủ trực tiếp. Vì vậy, cần tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để thực thi có hiệu quả các hình thức dân chủ trực tiếp. Cần nghiên cứu và thiết kế các chủ trương, chính sách, pháp luật đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm; Nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì luật pháp cho phép. Tích cực nghiên cứu để sớm thực hiện cơ chế nhân dân trực tiếp bầu chủ tịch xã, rồi tổng kết, hoàn thiện để thực hiện thí điểm đối với cấp cao hơn. Nghiên cứu mở rộng các cơ quan và chức danh được thành lập bằng con đường bầu cử; xây dựng, ban hành cơ chế, quy trình bầu cử có số dư, có tính cạnh tranh và quy trình, thủ tục bãi miễn đại biểu một cách chặt chẽ nhưng phải dễ dàng, thuận lợi trong thực thi. Khẩn trương, tích cực hơn trong việc xây dựng, vận hành đồng bộ chính phủ điện tử và các hoạt động giao dịch điện tử bảo

đảm tính công khai, minh bạch, kịp thời, tiện lợi cho quản lý nhà nước và cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Hoàn thiện các cơ chế, thủ tục, quy định, quy trình, hình thức lấy ý kiến nhân dân, đối thoại, giải trình, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Nghiên cứu xây dựng, ban hành Luật Giám sát và phản biện xã hội; sửa đổi, hoàn thiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Thanh tra, Luật Phòng, chống tham nhũng...

Kết hợp nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng; tăng cường nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu định lượng, nghiên cứu thiết kế các mô hình, cơ chế thực tiễn với các công cụ, tiêu chí, kỹ thuật, công nghệ đánh giá, kiểm chứng kết quả thực hiện dân chủ một cách khách quan, dễ dàng để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và thực thi các hình thức dân chủ trực tiếp. Thực tiễn dân chủ đang cần các chuyên gia, các nhà khoa học tập trung vào cuộc và thực tiễn cũng rất cần các nhà quản lý, lãnh đạo thấy rõ trách nhiệm của mình để ra sức ủng hộ. Đây là hướng nghiên cứu đầy triển vọng đối với tiến trình dân chủ hóa XHCN ở nước ta hiện nay.

Thứ ba, tập trung nghiên cứu và đẩy mạnh việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, trong sạch, vững mạnh

Chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân được xem là bước ngoặt quan trọng cả trên phương diện nhận thức và thực tiễn xây dựng, phát triển nền dân chủ XHCN ở Việt Nam. Trong thời gian tới, việc đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, trong sạch, vững mạnh sẽ là một trong những giải pháp vừa có tính cấp bách vừa có tính chiến lược để tiếp tục đổi mới tư duy, phát triển nhận thức về dân chủ XHCN và xây dựng nền dân chủ XHCN ở nước ta.

Trong thời gian tới, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta cần chú ý nhận thức và giải quyết có hiệu quả một số vấn đề sau:

Một, tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Hoàn thiện cơ chế giám sát, đánh giá đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Nâng cao chất lượng lập pháp của Quốc hội để xây dựng hệ thống pháp luật

đồng bộ, ổn định, tiên tiến và khả thi. Cần có những cơ chế, hình thức thích hợp để thu hút nhân dân tham gia lập pháp nhằm bảo đảm pháp luật của nền dân chủ XHCN là sự bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.

Hai, bảo đảm để Hiến pháp và pháp luật XHCN giữ vai trò tối thượng. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không dung túng đặc quyền ngoài pháp luật dưới bất kỳ hình thức nào. Đảng, Nhà nước, công dân, các tổ chức kinh tế, văn hoá, xã hội đều phải tuân thủ, chấp hành pháp luật. Xử lý, trừng trị nghiêm khắc theo pháp luật những hành vi vi phạm pháp luật của mọi cá nhân, tổ chức, bất kể ở cương vị, chức vụ nào. Đổi mới, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bảo đảm nguyên tắc độc lập, tranh tụng trong xét xử, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo và của đương sự. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của luật sư và các tổ chức bảo trợ tư pháp. Bảo đảm các điều kiện cần thiết về cơ chế, thể chế để khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật như quy định tại điều 103 của Hiến pháp năm 2013.

Ba, trong tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước trước hết phải bảo đảm thực hiện nguyên tắc phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát có hiệu quả giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Giữa các cơ quan Nhà nước các cấp, các ngành và mọi cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan phải được phân định rõ ràng, cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm. Tập trung xây dựng hệ thống hành chính Nhà nước trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục kiện toàn bộ máy của Chính phủ, nâng cao hiệu quả quản lý vĩ mô, nhất là chất lượng quy hoạch, xây dựng thể chế, năng lực dự báo và khả năng phản ứng chính sách trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Hoàn thiện cơ chế phân cấp, bảo đảm quản lý thống nhất về quy hoạch và những định hướng phát triển, đồng thời đề cao vai trò chủ động, tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực của từng cấp, từng ngành và cơ sở.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ triết học) Nhận thức mới về dân chủ xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thời kỳ đổi mới (Trang 142 - 154)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(179 trang)