Những vấn đề đặt ra trong nhận thức lý luận về dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thời kỳ đổi mới

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ triết học) Nhận thức mới về dân chủ xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thời kỳ đổi mới (Trang 106 - 112)

Chương 3 NHỮNG NỘI DUNG MỚI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

3.3. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG NHẬN THỨC LÝ LUẬN VỀ DÂN CHỦ

3.3.1. Những vấn đề đặt ra trong nhận thức lý luận về dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thời kỳ đổi mới

Một là, mâu thuẫn giữa yêu cầu bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân trong một mô hình tổ chức và cơ chế vận hành hệ thống chính trị thống nhất, tinh gọn, dân chủ, pháp quyền, hiệu quả với thực trạng còn nhiều bất cập trong cơ chế vận hành và sự cồng kềnh về tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội

Yêu cầu căn bản đặt ra hiện nay đối với Việt Nam là tiếp tục đổi mới, dân chủ hóa hệ thống chính trị, hoàn thiện thể chế chính trị dân chủ XHCN, trong đó trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN cả về phương diện mô hình tổ chức và nguyên tắc, cơ chế hoạt động để thể chế dân chủ khách quan này có khả năng ngăn ngừa quan liêu, tham nhũng, bảo vệ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người, quyền làm chủ của nhân dân trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Trong khi đó, đến nay, nhận thức về bản chất, mô hình tổ chức, cơ chế vận hành của hệ thống chính trị; về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị còn những bất cập, có những mặt chưa phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Nhận thức về cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ còn nhiều điểm lúng túng. Vị trí, vai trò trung tâm của nhân dân làm chủ trong cơ chế chưa rõ về nhận thức và chưa thuyết phục về thực tiễn. Nhân dân là chủ, làm chủ nhưng nhân dân lại không có quyền quyết định những vấn đề

quan trọng của đất nước, không có quyền trực tiếp lựa chọn người lãnh đạo của mình một cách trực tiếp và nhân dân ủy quyền nhưng lại không kiểm soát được quyền lực...

Tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội còn cồng kềnh và chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Nội dung, phương thức và cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; vai trò vừa là thành viên vừa là hạt nhân lãnh đạo của tổ chức Đảng trong hệ thống chính trị các cấp; thẩm quyền và trách nhiệm giữa Đảng lãnh đạo với Nhà nước quản lý còn có những điểm chưa sáng rõ. Đảng lãnh đạo, vậy Đảng có quản lý không? Nhà nước quản lý, Nhà nước có lãnh đạo không? Đảng, Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình nhưng hình thức chịu trách nhiệm như thế nào và ai phán quyết điều đó? Mặt trận và các tổ chức thành viên sẽ bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, hội viên ra sao; thực hiện việc kiểm tra, giám sát, phản biện đối với Đảng, Nhà nước như thế nào cho khách quan, thực chất trong khi Đảng lãnh đạo và Nhà nước cấp kinh phí hoạt động? Trong điều kiện Nhà nước pháp quyền XHCN, tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị, kể cả sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng tất yếu phải được thể chế hóa bằng pháp luật và được pháp luật bảo đảm; tuy nhiên, đến nay việc xây dựng, ban hành luật về sự lãnh đạo của Đảng vẫn chưa được đặt ra một cách chính thức.

Hai là, mâu thuẫn giữa yêu cầu giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích, bảo đảm đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở liên minh công, nông, trí thức với những biểu hiện “dân chủ phi giai cấp”, “nhân quyền không biên giới” và những xung đột về lợi ích, sự chi phối của "lợi ích nhóm” trong quá trình phát triển dân chủ XHCN

Yêu cầu khách quan của việc thực hiện dân chủ ở nước ta hiện nay là phải giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích, phải làm cho mọi người dân, mọi giai cấp, tầng lớp đều tiến bộ, đều có cơ hội, có điều kiện để tự do, tự chủ phát huy năng lực tìm kiếm hạnh phúc phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế sâu rộng. Tuy nhiên, việc thực hiện những yêu cầu đó đang phải đối mặt với những bất cập, lệch lạc, những nguy cơ khó lường. Trong nhận thức và thực tiễn, có hiện tượng xem nhẹ bản chất giai cấp của vấn đề dân chủ; xem nhẹ bản chất cấp công nhân của Nhà nước, của chế độ chính trị XHCN, của nền dân chủ XHCN; có hiện tượng đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng lại hạ thấp vai trò chủ nghĩa Mác - Lênin; ngợi ca một

chiều DCTS trong khi nhận thức về DCTS lại rất mơ hồ; đề cao việc tiếp nhận các giá trị dân chủ phổ biến của nhân loại nhưng lại thoát ly đặc điểm, điều kiện đặc thù về lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa của dân tộc Việt Nam; trong không ít trường hợp, “lợi ích nhóm” chi phối và làm phương hại đến lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và lợi ích của quốc gia, dân tộc... Cùng với sự chống phá của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, đây sẽ là những thử thách, nguy cơ không thể xem thường đối với công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng, phát triển nền dân chủ XHCN ở nước ta.

Nhận thức về vị trí, vai trò của các thành phần, bộ phận nhân dân, nhất là vị trí, vai trò của doanh nhân, của kinh tế tư nhân và đặc biệt là vị trí, vai trò của công nhân, công đoàn, của nông dân, trí thức và vấn đề làm chủ - làm thuê của công nhân trong nền dân chủ XHCN là chưa đầy đủ và sâu sắc. Nhân dân gồm nhiều tầng lớp, giai cấp, thành phần, bộ phận khác nhau, trong đó, hiện nay và cả trong tương lai liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức vẫn là lực lượng đông đảo và là nền tảng của dân chủ XHCN. Do đó, nếu không bảo đảm đầy đủ quyền làm chủ của công, nông, trí thức thì tính chất XHCN và tính nhân dân rộng rãi của nền dân chủ cũng khó thể hiện rõ. Tính chất XHCN, tính ưu việt của dân chủ XHCN ở Việt Nam khó được bảo đảm đầy đủ nếu giai cấp công nhân vẫn ít về số lượng, thấp kém về chất lượng; nếu trong hệ thống chính trị có ít những cán bộ, đảng viên xuất thân, trưởng thành từ công nhân…

Ba là, mâu thuẫn giữa yêu cầu bảo đảm dân chủ XHCN thực sự là mục tiêu, động lực của đổi mới, phát triển đất nước với những biến đổi nhanh chóng, phức tạp của cơ cấu xã hội, trong đó có cơ cấu xã hội - giai cấp

Trong đổi mới Đảng ta xác định dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới và của sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam. Nhận thức như thế là đúng. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, trước những biến đổi nhanh chóng của đất nước và thời đại, nhất là từ những biến đổi sâu sắc về nội dung, tính chất, hình thức đấu tranh giai cấp, đấu tranh xã hội, nhận thức về dân chủ XHCN với tính cách là mục tiêu, động lực của cuộc đấu tranh đó cũng nảy sinh những khía cạnh cần giải quyết. Trong đó, có 2 khía cạnh sau đây:

- Với tư cách là mục tiêu của CNXH, dân chủ XHCN có nhiều khía cạnh, cấp độ khác nhau, vừa là vấn đề cụ thể, trước mắt vừa là vấn đề ở tầm chiến lược lâu dài.

Tuy nhiên, trong không ít chủ trương, chính sách, quyết định chính trị từ cấp trung ương tới cơ sở, cả vĩ mô và vi mô thì mục tiêu dân chủ vừa chưa toàn diện lại còn nặng tính trừu tượng, chung chung nên các chủ trương, chính sách, kể cả những chủ trương, chính sách đúng đắn vẫn thường khó vào cuộc sống. Do đó, yêu cầu đặt ra hiện nay là dân chủ XHCN phải trở thành mục tiêu, nhiệm vụ, thành những tiêu chí định lượng rất cụ thể để có thể dễ dàng đánh giá, kiểm chứng tính khả thi và tính hiệu quả thực tế của nó. Tuy nhiên, vấn đề là những mục tiêu, nhiệm vụ, tiêu chí định lượng đó phải phù hợp với nhu cầu khách quan đa dạng chính đáng của các giai cấp, tầng lớp và các thành phần xã hội trong điều kiện mới. Rõ ràng, trước sự biến đổi nhanh chóng, phức tạp của cơ cấu xã hội thì việc bảo đảm các quyền tự do, dân chủ cho các bộ phận nhân dân, các thành phần xã hội sẽ là một thử thách lớn của Đảng, Nhà nước ta.

- Nhận thức về động lực dân chủ và việc tạo lập, phát huy động lực dân chủ ở nước ta còn nhiều bất cập. Nhiều quy định thực hiện dân chủ ở nước ta xuất phát từ những bức xúc, trả giá của thực tiễn đời sống xã hội hoặc do đấu tranh của một bộ phận quần chúng nhân dân chứ không phải do Đảng, Nhà nước chủ động xây dựng, ban hành. Trong điều kiện cơ cấu xã hội biến đổi đa dạng, phức tạp thì những bức xúc, trả giá của nhân dân, những điểm nóng chính trị xã hội có thể không thúc đẩy dân chủ, thậm chí có thể đặt nền dân chủ XHCN và chế độ XHCN đứng trước những rủi ro khôn lường. Do đó, cần phải tạo lập, thực hiện và phát huy động lực dân chủ XHCN một cách đồng bộ, toàn diện, không chỉ trong xã hội (từ các bộ phận nhân dân, các thành phần xã hội) mà trước hết phải từ trong Đảng, không chỉ từ

“dưới lên” mà còn từ “trên xuống”, không chỉ trong kinh tế, từ kinh tế mà phải trong chính trị, từ chính trị, trong văn hóa, xã hội và từ văn hóa, xã hội. Dân chủ XHCN phải trở thành nguồn vốn, thành sức mạnh vật chất, tinh thần và là phương thức để đổi mới, phát triển.

Bốn là, mâu thuẫn giữa yêu cầu thực hiện đầy đủ dân chủ XHCN bằng các cơ chế, thể chế, pháp luật với tình trạng vừa thiếu vừa yếu trong xây dựng và thực thi thể chế, pháp luật dân chủ XHCN

Trong 30 năm đổi mới, nhận thức lý luận của Đảng về dân chủ XHCN với tính cách là cơ chế, nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của các cộng đồng người và các tổ chức chính trị - xã hội đã có những bước tiến khá dài. Tuy nhiên, trong đổi mới, nhất là

những năm gần đây nổi lên không ít vấn đề lý luận và thực tiễn gai góc, phức tạp. Có vấn đề mới nảy sinh nhưng cũng có vấn đề đã kéo dài từ nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ đại hội Đảng. Đó là tình trạng thiếu cơ chế, quy chế, thể chế, quy định cụ thể, chi tiết mang tính pháp lý dẫn đến không thể thực thi quyền dân chủ; tình trạng có cơ chế, quy chế, quy định thực hiện dân chủ với tính pháp lý cao nhưng vẫn khó thực thi, thậm chí không thể đi vào cuộc sống; tình trạng vận dụng, thực thi đúng quy chế, quy định, thủ tục, “đúng quy trình” nhưng dân chủ vẫn hình thức, thậm chí vẫn mất dân chủ. Trong không ít trường hợp, các quy định, cơ chế, thể chế không có khả năng, sức mạnh bảo vệ, tôn vinh cái đúng, cái tốt và ngăn ngừa, thải loại cái sai, cái xấu, nhất là chống dân chủ hình thức và phòng chống quan liêu, tham ô, tham nhũng.

Trong điều kiện hiện nay, việc luật hóa, thể chế hóa các nguyên tắc, cơ chế dân chủ cần phải được thực hiện với yêu cầu cao hơn, bài bản, đồng bộ, khoa học và khả thi hơn. Nhất là vấn đề thể chế hóa, cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ, cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; luật hóa cơ chế giám sát, phản biện xã hội; xây dựng, hoàn thiện quy chế dân chủ trong sinh hoạt đảng, quy chế bầu cử, chất vấn trong Đảng; luật hóa cơ chế, nguyên tắc phân cấp, phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước; thể chế hóa, luật hóa cơ chế công khai, giải trình, lắng nghe, tiếp thu ý kiến nhân dân của Đảng, Nhà nước; thể chế hóa, luật hóa cơ chế ngăn ngừa, trừng trị quan liêu, tham nhũng; nguyên tắc bầu cử có số dư, có cạnh tranh; cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, bãi miễn, từ chức, cách chức; thể chế hóa, luật hóa sự kết hợp dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, nhất là các hình thức, cơ chế dân chủ tự quản, dân chủ trực tiếp như Luật Dân chủ ở cơ sở, Luật về hội, Luật Biểu tình...

Năm là, mẫu thuẫn giữa yêu cầu bảo đảm quyền công dân, quyền con người trong các lĩnh vực đời sống xã hội với điều kiện nước ta còn nhiều hạn chế về trình độ phát triển kinh tế, xã hội, pháp luật, đặc thù văn hóa, phong tục và vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội

Dân chủ, nhân quyền là thành quả phát triển tổng hợp của kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và chịu tác động của các yếu tố lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán.

Việc thực hiện dân chủ, nhân quyền không thể thoát ly các điều kiện, đặc điểm về

kinh tế, chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa của quốc gia, dân tộc. Ví dụ, trong văn hóa truyền thống, người Việt thường đặt chủ quyền quốc gia dân tộc và lợi ích cộng đồng lên trên quyền lợi cá nhân, tự do cá nhân; coi trọng đạo đức, đạo lý hơn tôn trọng pháp luật... Hay những khó khăn, thách thức như: hậu quả của chiến tranh còn nặng nề; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế; đời sống, thu nhập của đại bộ phận nhân dân còn thấp; bước đầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN nên hệ thống pháp luật chưa đồng bộ; tâm lý thói quen sản xuất nhỏ còn nặng nề... Thêm vào đó, các thế lực phản động, thù địch vẫn ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng chiêu bài “dân chủ”, "nhân quyền” để chống phá cách mạng Việt Nam. Do đó, mâu thuẫn giữa yêu cầu bảo đảm quyền công dân, quyền con người trong các lĩnh vực đời sống xã hội với điều kiện nước ta còn nhiều hạn chế về trình độ phát triển kinh tế, xã hội, pháp luật, đặc thù văn hóa, phong tục và vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là mâu thuẫn khách quan cần phải nhận thức và giải quyết trong quá trình xây dựng, phát triển nền dân chủ XHCN.

Giải quyết mâu thuẫn đó, đòi hỏi phải nhận thức và xử lý tốt hơn quan hệ giữa quyền lợi với nghĩa vụ, trách nhiệm; dân chủ với tập trung; dân chủ với kỷ cương, pháp luật trong quá trình thực hiện dân chủ và bảo đảm nhân quyền. Nhận thức sâu sắc hơn việc thực hiện các cam kết quốc tế về dân chủ, nhân quyền phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế, chính trị, văn hóa, phong tục của Việt Nam. Nhận thức thấu đáo hơn về việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, pháp luật, kể cả việc hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng. Nhận thức đầy đủ hơn về nội dung, cơ chế, hình thức thực hiện quyền công dân, quyền con người phù hợp với nhu cầu, điều kiện của các bộ phận nhân dân khác nhau, nhất là những bộ phận cơ bản, nền tảng, bộ phận đặc thù và yếu thế. Nhận thức đúng đắn, sâu sắc hơn về thực hiện quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực văn hóa, xã hội vì đây là những lĩnh vực cho đến nay đã bộc lộ rất nhiều hạn chế, trong khi đây lại là những lĩnh vực thể hiện rõ, trực tiếp và sâu sắc bản chất tốt đẹp, ưu việt của chế độ XHCN và của nền dân chủ XHCN.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ triết học) Nhận thức mới về dân chủ xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thời kỳ đổi mới (Trang 106 - 112)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(179 trang)