Chương 3 NHỮNG NỘI DUNG MỚI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA
3.2. NHỮNG NỘI DUNG MỚI TRONG NHẬN THỨC VỀ XÂY DỰNG NỀN DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM THỜI KỲ ĐỔI MỚI
3.2.3. Xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ,
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật của Đại hội VI, năm 1988, trong Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đảng ta đánh giá: “trong nhiều năm, chưa có lần nào bàn kỹ và ra nghị quyết về văn hoá, văn nghệ, chưa chú ý cải tiến phương thức lãnh đạo văn hoá, văn nghệ cho phù hợp với tình hình mới… Công tác lãnh đạo và quản lý văn hoá, văn nghệ có nhiều biểu hiện giản đơn, thô thiển, thiếu dân chủ” [33, tr.478]. Từ đó, Đảng chủ trương đổi mới, dân chủ hóa công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa, nghệ thuật; xem khâu đột phá này là điều kiện cơ bản để phát triển văn hóa, nghệ thuật và thực hiện dân chủ XHCN trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật ở nước ta trong hoàn cảnh mới. Một năm sau đó, tại Hội nghị Trung ương 6 (3-1989) Đảng ta khẳng định quan điểm quan trọng: Thực hiện chính sách bảo đảm phát huy trí tuệ, tài năng của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hoá XHCN, đậm đà bản sắc dân tộc và từng bước đáp ứng nhu cầu văn hoá của các tầng lớp xã hội; bảo đảm tự do sáng tác, tự do phê bình, nâng cao trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ. Thực hiện quyền được thông tin của nhân dân,
mở rộng thông tin, thực hiện thông tin hai chiều, quyền phát biểu ý kiến, tranh luận thẳng thắn… [34, tr.625].
Năm 1991, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội Đảng ta khẳng định, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa là một trong những phương hướng cơ bản để xây dựng, phát triển dân chủ XHCN và xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam với 6 đặc trưng bản chất.
Đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, nhận thức lý luận của Đảng về xây dựng điều kiện văn hóa của dân chủ XHCN và thực hiện dân chủ XHCN trong lĩnh vực văn hóa đã có bước phát triển quan trọng. Đảng chủ trương: Làm cho vǎn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người [47]. Nghị quyết còn chỉ rõ: Xây dựng và phát triển vǎn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng. Xây dựng, ban hành các vǎn bản luật pháp về vǎn hóa, nghệ thuật, thông tin trong điều kiện của cơ chế thị trường. Ban hành chính sách kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, xã hội hóa hoạt động văn hóa, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, hợp tác quốc tế về văn hóa và thực hiện phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống vǎn hoá”. Tinh thần đổi mới đó được Đảng ta tiếp tục bổ sung, phát triển qua các nhiệm kỳ Đại hội IX, X, XI và các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Xây dựng điều kiện văn hóa và thực hiện dân chủ XHCN trên lĩnh vực văn hóa là quá trình làm cho văn hóa mang nội dung dân chủ, hướng tới phát triển dân chủ và dân chủ đi vào văn hóa, thấm vào văn hóa nhằm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trên lĩnh vực văn hóa. Trong đổi mới, Đảng ta nhận thức rằng, điều kiện và nội dung thực hiện dân chủ XHCN trong lĩnh vực văn hóa ở Việt Nam bao gồm:
Thứ nhất, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, làm cho hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hoá dân tộc, những tinh hoa văn hoá thế giới giữ vai trò nền tảng và chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Phải làm cho vǎn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư. Xây dựng, phát triển nền văn
hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng với các đặc trưng: dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” [41, tr.126].
Thứ hai, Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do sáng tạo, thông tin, báo chí, quyền hưởng thụ, tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa… Các hoạt động văn hóa chú trọng chăm lo bồi dưỡng hình thành con người mới có ý thức, năng lực làm chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; có tri thức, sức khoẻ và lao động sáng tạo; sống có văn hoá và tình nghĩa, kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội, đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội; giàu lòng yêu nước, tự hào dân tộc và tinh thần quốc tế chân chính.
Thứ ba, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Phát triển văn hóa phải gắn kết chặt chẽ, đồng bộ, hài hòa với phát triển kinh tế, chính trị và phát triển xã hội. Thực hiện chính sách kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế. Xây dựng thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam. Nâng cao tính chiến đấu của các hoạt động tư tưởng, văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí; khẳng định mạnh mẽ và sâu sắc những nhân tố mới, những giá trị cao đẹp của dân tộc ta, khắc phục những gì cản trở quá trình đi lên của đất nước. Phê phán cái sai, cái ác, cái xấu để hướng con người tới cái đúng, cái tốt, cái đẹp.
Thứ tư, xây dựng, phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; Nhà nước và nhân dân cùng làm văn hóa; mọi cấp, mọi ngành, mọi cơ quan, đơn vị, mọi người đều có nghĩa vụ, trách nhiệm tham gia hoạt động văn hóa; nhân dân là chủ thể sáng tạo văn hóa, đồng thời hưởng thụ ngày càng nhiều thành quả văn hóa; đội ngũ nhân tài, trí thức, văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, nhất là văn hóa trong hệ thống chính trị, trong kinh tế, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Đảng cầm quyền không những phải tiên phong về tư tưởng, lý luận mà còn phải nêu gương về đạo đức và văn hóa.
Những nội dung trên đây cho thấy, Đảng ta đã có sự đổi mới tư duy, phát triển nhận thức lý luận về điều kiện văn hóa và thực hiện dân chủ XHCN trong lĩnh vực văn hóa ở nước ta. Theo đó, điều kiện văn hóa và nội dung thực hiện dân chủ XHCN trong lĩnh vực văn hóa ở nước ta là xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học. Đây là sự vận dụng, phát triển tư tưởng xây dựng nền văn hóa vô sản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng về xây dựng nền văn hóa mới của Hồ Chí Minh và của chính Đảng ta thời kỳ trước đổi mới, trong đó có tinh thần dân tộc, khoa học, đại chúng từ Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) của Đảng. Tất nhiên, trong đổi mới, vấn đề xây dựng nền văn hóa với tư cách là điều kiện và nội dung thực hiện dân chủ XHCN ngày càng được Đảng ta đặt trong mối tương quan mật thiết với các điều kiện, nội dung kinh tế, chính trị, xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế sâu rộng. Những quan điểm lý luận này không những phản ánh sinh động thực tiễn đổi mới, dân chủ hóa đời sống xã hội của đất nước mà còn trực tiếp định hướng, dẫn đường cho tiến trình dân chủ hóa XHCN trong lĩnh vực văn hóa ở Việt Nam trong 30 năm qua.