Chương 4 MỘT SỐ QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP NHẰM BỔ SUNG, PHÁT
4.2. CÁC NHÓM GIẢI PHÁP NHẰM BỔ SUNG, PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC
4.2.1. Nhóm giải pháp về tư tưởng
Thứ nhất, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về dân chủ cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân
Nhận thức lý luận về dân chủ XHCN và xây dựng nền dân chủ XHCN ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới được thể hiện tập trung ở quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Lý luận ấy thể hiện trình độ nhận thức của Đảng, của nhân dân vì nó là sự kết tinh trí tuệ của nhân dân, của dân tộc và của Đảng ta trong tiến trình đổi mới. Khi lý luận ấy trở thành hiểu biết, nhận thức, tình cảm, niềm tin và hành động cách mạng tự giác, sáng tạo của mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân cụ thể thì lý luận đi trọn chu trình logic của mình. Tuy nhiên, việc đưa lý luận dân chủ XHCN trở về với chính thực tiễn thực hành dân chủ XHCN của Đảng và nhân dân ta còn nhiều hạn chế. Trong đổi mới, chúng ta đã có hệ thống lý luận mới về dân chủ XHCN và xây dựng nền dân chủ XHCN ở Việt Nam với nội dung tương đối phong phú, nhưng nhiều chủ trương, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về dân chủ chưa được nhận thức và thực hiện đầy đủ.
Mặc dù trình độ dân trí và trình độ đảng trí đều đã được nâng lên, nhưng cả cán bộ, đảng viên và nhân dân, cả công dân và công bộc đều đang thiếu rất nhiều tri thức, kỹ năng thực hành dân chủ. Nhiều cán bộ, đảng viên và người dân chưa ý thức sâu sắc về trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ, quyền lợi của mình; chưa có tư duy, phong cách dân chủ, thiếu năng lực làm chủ và chưa hình thành thói quen sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Tất nhiên, khi đường lối, chính sách, pháp luật về dân chủ của Đảng, Nhà nước chưa xâm nhập sâu rộng vào thực tiễn, chưa được thực tiễn kiểm chứng một cách đầy đủ để kịp thời điều chỉnh, bổ sung thì trong điều kiện đó chưa thể có một hệ thống lý luận dân chủ XHCN đầy đủ, sâu sắc và thành thục.
Rõ ràng, công tác giáo dục, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về dân chủ có ảnh hưởng lớn đến việc phát triển nhận thức lý luận về dân chủ XHCN và xây dựng nền dân chủ XHCN ở Việt Nam. Do đó, trong điều kiện hiện nay,
Đảng, Nhà nước cần tăng cường vai trò lãnh đạo, quản lý của mình đối với công tác tư tưởng; đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, phổ biến, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về dân chủ cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Nội dung, mục tiêu giáo dục, tuyên truyền, phổ biến về dân chủ phải bao gồm việc quán triệt đường lối, chính sách, pháp luật về dân chủ của Đảng, Nhà nước; trang bị tri thức lý luận về dân chủ, nhân quyền, kinh nghiệm dân chủ, kỹ năng, thái độ, phẩm chất, năng lực làm chủ cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Thực chất đây là việc xây dựng, phát triển văn hóa dân chủ, văn hóa pháp quyền trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong xã hội. Theo đó, phổ biến, giáo dục về dân chủ và thực hành dân chủ phải là một trong những nội dung cơ bản, thường xuyên trong tổ chức, sinh hoạt của các cơ quan của đảng, nhà nước, trước hết là trong sinh hoạt tư tưởng. Giáo dục về dân chủ phải là một trong những nội dung cơ bản trong chương trình giáo dục ở các cấp học, bậc học, cả giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp, cả giáo dục công dân và đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ cấp chiến lược.
Tuyên truyền, phổ biến về dân chủ phải là một trong những nhiệm vụ cơ bản trong hoạt động của các cơ quan tuyên giáo, dân vận, xuất bản, báo chí, truyền thông, văn hóa, nghệ thuật và của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu các cơ quan đảng, nhà nước, những người trực tiếp làm công tác giáo dục, dân vận, tuyên giáo, xuất bản, báo cáo viên, người làm báo và các văn nghệ sĩ, trí thức. Đồng thời, cần đổi mới, đa dạng hóa các phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức giáo dục, phổ biến, tuyên truyền về dân chủ phù hợp với từng loại đối tượng cụ thể.
Ví dụ: thực hiện cập nhật kiến thức, thông tin mới (trong đó có thông tin lý luận và thực tiễn về dân chủ, nhân quyền trong nước và quốc tế cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; tăng cường hình thức trao đổi, đối thoại, xây dựng kế hoạch thực hiện gắn với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân trong phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; chú trọng phân tích, xử lý tình huống lãnh đạo, quản lý theo phương pháp, phong cách dân chủ trong đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ dự nguồn cao cấp; tăng cường in ấn, xuất bản, phát sóng những tài liệu, chương trình, phim ảnh phản ánh sinh động các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng,
Nhà nước về dân chủ, nhân quyền, về điển hình, kinh nghiệm thực hành dân chủ phù hợp, thiết thực với từng đối cụ thể như hình thức: xuất bản tài liệu tìm hiểu về Hiến pháp, pháp luật, tài liệu hỏi đáp về thực hiện dân chủ; tường thuật trực tiếp các phiên chất vấn của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Đối thoại trực tuyến; Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời; Đối thoại chính sách, Hộp thư truyền hình, Nhịp cầu bạn đọc trên báo điện tử, báo in, truyền hình... Đó là những hình thức thực hành dân chủ và phương thức giáo dục, tuyên truyền về dân chủ rất hiệu quả cần tiếp tục phát huy.
Tóm lại, hệ thống lý luận mới về dân chủ XHCN và xây dựng nền dân chủ XHCN ở Việt Nam được Đảng và nhân dân ta xây dựng trong 30 năm qua là tài sản tinh thần quý báu. Nếu không đem tài sản này vào sử dụng thì nó sẽ trở nên khô cứng;
nếu không xã hội hóa rộng rãi thì tài sản ấy sẽ hao mòn, thất thoát. Tài sản ấy phải được phổ biến, “tiêu dùng” rộng rãi, và càng “tiêu dùng” rộng rãi nó càng tạo nên sự thống nhất nhận thức trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội và nhờ đó, nó sẽ biến thành sức mạnh vật chất vô địch mang lại sự giàu có cả về tinh thần và vật chất cho Đảng và nhân dân ta. Với thinh thần đó, đổi mới, nâng cao hiệu quả giáo dục, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về dân chủ cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân là một trong những giải pháp cơ bản vừa cấp bách vừa có ý nghĩa lâu dài để phát triển nhận thức về dân chủ XHCN và xây dựng nền dân chủ XHCN ở Việt Nam trong tiến trình đổi mới.
Thứ hai, ngăn chặn các biểu hiện lệch lạc trong nội bộ gắn liền với đấu tranh chống các tư tưởng, hành động sai trái, thù địch về dân chủ, nhân quyền
Xây dựng, phát triển nền dân chủ XHCN là sự nghiệp mới mẻ, chưa có tiền lệ lịch sử. Trong quá trình đó, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và cũng khó tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm. Bên cạnh đó, lợi dụng những khó khăn, sai lầm, khuyết điểm ấy, các thế lực thù địch sẽ đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, ra sức xuyên tạc, phủ nhận tính đúng đắn của con đường cách mạng XHCN, con đường dân chủ XHCN ở nước ta hòng “lái” con đường phát triển của Việt Nam sang quỹ đạo CNTB và DCTS. Những điều ấy đã, đang và sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp xây dựng CNXH, xây dựng, phát triển nền dân chủ XHCN ở nước ta, cả trên phương diện lý luận và thực tiễn, cả nhận thức, niềm tin và hành động…
Lệch lạc trong nội bộ là những hạn chế, khiếm khuyết chủ quan thuộc về bản thân các chủ thể của nền dân chủ XHCN ở Việt Nam. Đó là hiện tượng dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan, vô chính phủ; lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ; ngại nói về CNXH, chủ nghĩa Mác - Lênin, mơ hồ về DCTS, ngợi ca một chiều CNTB và DCTS; thấy cái đúng không dám bảo vệ, thấy cái sai không dám lên án, phê phán; đề cao quyền lợi, xem nhẹ nghĩa vụ, trách nhiệm; tách rời, đối lập giữa dân chủ và kỷ cương, kỷ luật... Đó là tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Những hạn chế, lệch lạc đó nếu không được ngăn chặn, khắc phục, sửa chữa sẽ là nguy cơ, thách thức thực sự đối với sự tồn vong của chế độ XHCN và nền dân chủ XHCN ở Việt Nam.
Điều quan trọng là, những lệch lạc trong nội bộ vừa là nguyên liệu, chất liệu, phương tiện, công cụ, vũ khí, vừa là nội dung, mục đích trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các thế lực thù địch sử dụng ngày càng nhiều nội dung, hình thức, thủ đoạn xuyên tạc, vu cáo, chống phá vừa tinh vi vừa trắng trợn là vì chúng ta chưa ngăn chặn được một cách căn bản những hạn chế, lệch lạc trong nội bộ của mình. Hơn nữa, lâu nay, dường như việc đấu tranh, phê phán tư tưởng, quan điểm, hành động sai trái của các thế lực thù địch chúng ta thường phó mặc cho các lực lượng chức năng, các cơ quan chuyên trách.
Chúng ta đã bỏ trống nhiều trận địa, bỏ sót nhiều lực lượng. Im lặng, không dám phê phán những lệch lạc, khuyết điểm trong nội bộ; thờ ơ, bỏ mặc sự xuyên tạc, vu cáo, tấn công của các thế lực phản động, thù địch đang trở thành hiện tượng “bình thường” rất đáng lo ngại trong xã hội ta. Khó khăn của ta lại là thuận lợi của kẻ thù. Điểm yếu của ta sẽ là mục tiêu tấn công của kẻ địch. Vì thế, trong quá trình xây dựng CNXH, xây dựng, phát triển nền dân chủ XHCN ở nước ta nhất thiết phải gắn liền, kết hợp chặt chẽ việc ngăn chặn các biểu hiện lệch lạc trong nội bộ với việc đấu tranh chống các tư tưởng, hành động sai trái, thù địch. Theo đó, cần:
- Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xem đây là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính
quyền, các tổ chức chính trị - xã hội gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
- Đề cao trách nhiệm, sự nêu gương của cá nhân người đứng đầu gắn với phát huy vai trò của tập thể cơ quan, đơn vị; kết hợp “xây” với “chống”; nói đi đôi với làm;
dùng cái đẹp dẹp cái xấu; lồng ghép đấu tranh tư tưởng, lý luận trong sinh hoạt tư tưởng; kịp thời nắm bắt, uốn nắn những lệch lạc trong tư tưởng, nhận thức, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện dân chủ, nhân quyền; kiên quyết chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan.
- Phát huy vai trò nòng cốt của các lực lượng chuyên trách về công tác tư tưởng kết hợp với sức mạnh của lòng dân, sự đồng thuận của xã hội trong việc phổ biến, bảo vệ đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về dân chủ, nhân quyền. Tổ chức tốt việc đấu tranh phê phán, bác bỏ các tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch bằng nhiều hình thức, phương pháp và phương tiện, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng ở các cấp, các ngành. Bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai phải bằng lý lẽ khoa học và bằng những minh chứng thực tiễn là chính; kiên quyết, triệt để và có lý có tình.
Phải xem đây vừa là giải pháp cấp bách, phải làm ngay, không thể chần chừ, vừa phải xác định đây cũng là giải pháp mang tầm chiến lược lâu dài cần phải thực hiện kiên trì, bền bỉ.
Thứ ba, nhận thức đầy đủ vai trò của công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về dân chủ và dân chủ XHCN
Là lực lượng lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo sự nghiệp xây dựng, phát triển nền dân chủ XHCN, Đảng phải không ngừng nâng tầm trí tuệ, bản lĩnh, đổi mới tư duy, nhận thức lý luận, trong đó có lý luận về dân chủ XHCN; nêu gương thực hành dân chủ XHCN trong tổ chức, sinh hoạt và đổi mới, dân chủ hóa phương thức lãnh đạo của mình đối với Nhà nước và xã hội. Tất nhiên, trí tuệ và bản lĩnh chính trị của Đảng không chỉ do vốn sống, kinh nghiệm, sự từng trải trong đấu tranh, sự trong sáng về đạo đức của cán bộ, đảng viên mà còn nhờ hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của giới lý luận và các nhà lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn. Do đó, để giải quyết những vấn đề đặt ra về dân chủ XHCN và xây dựng nền dân chủ XHCN ở Việt Nam hiện nay, đòi
hỏi mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng, trước hết là đội ngũ trí thức, giới lý luận và các nhà lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn phải ý thức sâu sắc về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công tác lý luận, công tác tổng kết thực tiễn và thực sự coi trọng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về dân chủ và dân chủ XHCN. Theo đó, đòi hỏi:
- Các cơ quan lãnh đạo của Đảng, trước hết là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ phải quan tâm đặc biệt đến công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, trong đó có nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về dân chủ và dân chủ XHCN theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
Đảng, Nhà nước cần chủ động tổ chức, thu hút sự tham gia tích cực của các cơ quan khoa học, các nhà khoa học, các chuyên gia lý luận và sử dụng kết quả nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn vào quá trình xây dựng, hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về thực hiện dân chủ XHCN.
- Đảng, Nhà nước cần kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị hoạt động lý luận theo hướng thống nhất, tinh gọn, hiệu quả. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa điều kiện làm việc cho các đơn vị có tiềm lực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về dân chủ và dân chủ XHCN như: Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. Đồng thời, kết nối, xây dựng mạng lưới nghiên cứu về dân chủ và dân chủ XHCN trên phạm vi toàn quốc.
- Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 9-10-2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 và khẩn trương triển khai thực hiện Quy định số 285-QĐ/TW ngày 25-4-2015 của Bộ Chính trị về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan đảng, nhà nước. Theo đó, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, nhất là nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về dân chủ và dân chủ XHCN phải dân chủ, khoa học, cầu thị, tôn trọng ý kiến khác nhau để huy động được sự tham gia, đóng góp sức lực, trí tuệ của đông đảo các nhà khoa học, nhà lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn ở các trung tâm lớn, các cấp, các ngành và các địa phương.
- Việc tổng kết thực tiễn phải góp phần phát triển tư duy lý luận và việc nghiên cứu lý luận phải góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn của đất nước, nhất là