Nhóm giải pháp về thể chế, chính sách

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ triết học) Nhận thức mới về dân chủ xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thời kỳ đổi mới (Trang 137 - 142)

Chương 4 MỘT SỐ QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP NHẰM BỔ SUNG, PHÁT

4.2. CÁC NHÓM GIẢI PHÁP NHẰM BỔ SUNG, PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC

4.2.2. Nhóm giải pháp về thể chế, chính sách

Cơ chế, thể chế, chính sách là vấn đề rất hệ trọng của quá trình tổ chức, thiết lập và vận hành nền dân chủ trong xã hội đương đại. Ở nước ta hiện nay, những vấn đề lý luận, thực tiễn đã và đang đặt ra về dân chủ XHCN và xây dựng nền dân chủ XHCN đều có liên quan đến những hạn chế, bất cập về cơ chế, thể chế, chính sách của Đảng, Nhà nước. Sự bất cập của cơ chế, thể chế, chính sách trở thành một trong những tác nhân, “thủ phạm” trói buộc tư duy, nhận thức và kìm hãm, cản trở việc thực hành dân chủ XHCN trên các lĩnh vực đời sống xã hội của đất nước. Do đó, theo logích của vấn đề, cơ chế, chính sách là một trong những nguyên nhân thì cơ chế, chính sách đồng thời cũng phải là một trong những giải pháp để giải quyết. Tất nhiên, trong nhóm giải pháp thể chế, cơ chế, chính sách có những việc, những nội dung cần và có thể làm ngay nhưng cũng có những nội dung, những việc cần phải có thời gian chuẩn bị. Luận án nhấn mạnh mấy giải pháp cụ thể sau đây:

Một là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách thúc đẩy dân chủ hóa XHCN trên các lĩnh vực đời sống xã hội của đất nước

Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013 đánh dấu bước phát triển quan trọng trong tư duy lý luận của Đảng, Nhà nước ta về dân chủ XHCN và xây dựng nền dân chủ XHCN. Đây là sự chuẩn bị về cơ sở tư tưởng, định hướng chính trị và nền tảng pháp lý cho quá trình đổi mới, hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách đáp ứng yêu cầu dân chủ hóa XHCN trên các lĩnh vực đời sống xã hội của đất nước ta trong giai đoạn phát triển mới. Theo đó, các cơ quan Đảng, Nhà nước, nhất là Quốc hội và Chính phủ cần tăng cường xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách, pháp luật nhằm tạo môi trường, hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện dân chủ XHCN trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật để bảo đảm mọi quyết định của Đảng, Nhà nước đều xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến; bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện. Xây dựng các cơ chế, chính sách công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện tốt quyền con người, quyền công dân. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trên cơ sở giải quyết, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng XHCN. Bổ sung, hoàn thiện các thể chế, chính sách xây dựng con người và phát triển nền văn hóa Việt Nam XHCN đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển bền vững đất nước. Thể chế hóa quan điểm: Phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; Nhà nước và nhân dân cùng làm văn hóa; nhân dân là chủ thể sáng tạo văn hóa, đồng thời hưởng thụ ngày càng nhiều thành quả văn hóa. Bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật bảo đảm thực hiện xã hội đoàn kết, đồng thuận, công bằng, an sinh, văn minh theo định hướng XHCN.

Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế chính trị dân chủ XHCN, trong đó, chú trọng việc thể chế hóa, cụ thể hóa nguyên tắc dân chủ tập trung (thay cho tập trung dân chủ), cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ trong tổ chức, hoạt

động của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị. Xây dựng, ban hành quy chế dân chủ trong sinh hoạt đảng. Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, quy chế bầu cử, chất vấn trong Đảng;

tiến tới xây dựng, ban hành Luật về hoạt động lãnh đạo của Đảng. Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, nguyên tắc phân cấp, phân quyền, phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước; cơ chế công khai tài sản, giải trình, lắng nghe, tiếp thu ý kiến nhân dân của Đảng, Nhà nước; cơ chế ngăn ngừa lạm quyền, trừng trị quan liêu, tham nhũng; nguyên tắc bầu cử có số dư, có cạnh tranh; cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, bãi miễn, từ chức, cách chức... Hoàn thiện cơ chế, quy chế giám sát, phản biện xã hội, nguyên tắc kết hợp tập trung dân chủ với hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; tiến tới xây dựng, ban hành Luật Giám sát và phản biện xã hội, Luật về hội, Luật Biểu tình, Luật Dân chủ ở cơ sở...

Hai là, tiếp tục đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển đội ngũ trí thức, chuyên gia lý luận

Để công tác lý luận hoàn thành trọng trách của mình trước Đảng, Nhà nước và nhân dân thì vấn đề then chốt nhất là phải xây dựng đội ngũ cán bộ lý luận bảo đảm về số lượng và chất lượng. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định trực tiếp đối với việc nâng cao chất lượng nghiên cứu lý luận và đổi mới tư duy lý luận của Đảng, trong đó có việc đổi mới tư duy, phát triển nhận thức lý luận về dân chủ XHCN và xây dựng nền dân chủ XHCN ở nước ta. Tất nhiên, để phát triển đội ngũ trí thức, chuyên gia lý luận đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan, từ cơ chế, chính sách tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đến cơ chế, quy định về đánh giá, bố trí sử dụng và chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ lý luận.

Muốn xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, chuyên gia lý luận trước hết cần phải đặc biệt quan tâm đến yếu tố đầu vào tuyển dụng. Theo đó, cần có cơ chế, chính sách thích hợp để thực sự thu hút, tuyển chọn được những người có năng khiếu, thông thạo ngoại ngữ, có triển vọng từ những sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc ở các chuyên ngành khác nhau, nhất là từ các lớp cử nhân tài năng hoặc lấy từ những nhà hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm, đam mê, tâm huyết. Trên cơ sở đầu vào có chất lượng, cần có cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực để đổi mới căn bản, toàn diện nội

dung, chương trình và phương thức đào tạo cán bộ lý luận. Việc học tập lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng, lý luận về dân chủ và dân chủ XHCN phải được xem là một trong những nội dung cơ bản cần được học tập, nghiên cứu một cách bài bản, khoa học, hiệu quả từ những điều cơ bản, sơ đẳng. Cần tổ chức những lớp bồi dưỡng ngắn hạn và lớp đào tạo chính quy dài hạn có tính chất đặc biệt với một chương trình đặc biệt, học viên được tuyển chọn đặc biệt, giảng viên đặc biệt giỏi ở trong nước và quốc tế để có thể có những cán bộ nghiên cứu với trình độ lý luận và bản lĩnh khoa học cao, am hiểu sâu sắc thực tế và có phẩm chất chính trị vững vàng [15, tr.537-538]. Đây sẽ là bước khởi đầu quan trọng để từng bước chuẩn bị cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ lý luận sinh ra và trưởng thành trong đổi mới có đủ trí tuệ, bản lĩnh để giải quyết những vấn đề do thực tiễn đất nước và thời đại đặt ra, trong đó có vấn đề xây dựng nền dân chủ XHCN.

Tất nhiên, đào tạo phải gắn liền với bố trí, sử dụng. Tôn trọng trí thức, nhân tài phải thể hiện bằng việc bố trí, sử dụng đúng việc, đúng sở trường của từng người và từng tập thể khoa học. Đây là một trong những khâu có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của đội ngũ trí thức, chuyên gia lý luận nước nhà. Do đó, đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải đổi mới, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để sử dụng có hiệu quả đội ngũ trí thức khoa học và đội ngũ cán bộ lý luận hiện có, nhất là đội ngũ các chuyên gia lý luận đầu ngành. Cần có cơ chế, chính sách bảo đảm cơ cấu, sự phân bố hợp lý của đội ngũ trí thức, cán bộ lý luận giữa các cấp, các ngành, các địa phương. Đồng thời, sắp xếp, kiện toàn các cơ quan, tổ chức, đơn vị hoạt động lý luận của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân theo hướng thống nhất, tinh gọn, linh hoạt và năng động để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Tiếp tục rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách bảo đảm sự gắn bó mật thiết giữa công tác nghiên cứu lý luận với công tác tổng kết thực tiễn, giữa cán bộ nghiên cứu lý luận với cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, giữa công tác nghiên cứu lý luận với công tác giảng dạy, đào tạo lý luận...

Đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển đội ngũ trí thức, chuyên gia lý luận là giải pháp quan trọng có ý nghĩa quyết định trực tiếp đối với việc nâng cao chất lượng nghiên cứu lý luận và đổi mới tư duy lý luận của Đảng ta hiện nay.

Sẽ không có những bước tiến căn bản trong lý luận về dân chủ XHCN và xây dựng nền

dân chủ XHCN ở Việt Nam nếu chúng ta không xây dựng được đội ngũ cán bộ lý luận hùng hậu, trong đó có những nhà lý luận, những chuyên gia về dân chủ có bản lĩnh, trung thành, kiên định với mục tiêu, con đường XHCN.

Ba là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật bảo đảm tự do, dân chủ trong nghiên cứu, sáng tạo và sinh hoạt lý luận

Hoạt động nghiên cứu, sáng tạo khoa học nói chung, khoa học xã hội nhân văn và lý luận chính trị nói riêng rất cần có môi trường bảo đảm tự do, dân chủ. Nghiên cứu, sáng tạo lý luận về dân chủ lại càng cần nhiều hơn một môi trường như thế. Ở nước ta, môi trường đó trước hết được tạo bởi hệ thống các cơ chế, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy quá trình dân chủ hóa các lĩnh vực đời sống xã hội của đất nước, trong đó có lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, lý luận. Gần đây, Đảng, Nhà nước ta vẫn tiếp tục nỗ lực bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm đầy đủ hơn môi trường tự do, dân chủ cho sáng tạo khoa học và nghiên cứu lý luận. Hiến pháp năm 2013, Luật Khoa học và công nghệ năm 2013, Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 9-10- 2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030, Quyết định 501/QĐ-TTg ngày 15-4-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm tổ chức Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức khi tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội và Quy định số 285-QĐ/TW ngày 25-4-2015 của Bộ Chính trị về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan đảng, nhà nước là những minh chứng sinh động. Tuy nhiên, những nỗ lực đó mới chỉ là bước đầu.

Phát huy dân chủ, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do sáng tạo và phản biện xã hội là những nhu cầu tất yếu trong quá trình dân chủ hóa XHCN ở nước ta hiện nay. Vì vậy, đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật bảo đảm tự do, dân chủ trong nghiên cứu, sáng tạo và sinh hoạt lý luận. Đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền XHCN với chức năng của mình phải làm tốt vai trò kiến tạo phát triển cho công tác lý luận bằng những thể chế, chính sách cụ thể. Cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, biện pháp thu hút, tập hợp, huy động tối đa, hiệu quả sự tham gia, đóng góp sức lực, trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia ở các cơ quan, đơn vị nghiên cứu khoa học, các trường đại học

trong cả nước; kể cả các cán bộ nguyên lãnh đạo, quản lý cấp cao, nhất là những người từng giữ vị trí chủ chốt trong các cơ quan tham mưu chiến lược để có những đóng góp cụ thể, thiết thực, kịp thời, hữu ích cho Đảng, Nhà nước trong quá trình hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật. Có cơ chế, quy định bảo đảm tạo lập môi trường dân chủ, trân trọng mọi sự tìm tòi, sáng tạo; tôn trọng các ý kiến khác biệt, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, cùng nhau thảo luận, tranh luận một cách khoa học, dân chủ để tìm ra chân lý. Cần phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch về đặt hàng, đấu thầu đề tài, tổng kết thực tiễn, về nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, cơ chế sử dụng kinh phí, quỹ đầu tư mạo hiểm, cơ chế đánh giá, nghiệm thu, cơ chế hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, cơ chế phản ánh kết quả nghiên cứu, cơ chế tiếp thu, ứng dụng, tổ chức thí điểm, cơ chế sinh hoạt học thuật, hội thảo, tọa đàm khoa học, quy định về bản quyền, sở hữu trí tuệ, quy định về xã hội hóa kết quả nghiên cứu, về đối thoại lý luận chính trị và phản biện chính sách... Đồng thời, phải đổi mới, cải tiến mạnh mẽ các qui định, thủ tục tài chính và hành chính trong quản lý khoa học.

Tóm lại, muốn có đột phá về lý luận, trong đó có lý luận về dân chủ XHCN và xây dựng nền dân chủ XHCN ở Việt Nam cần phải có những đổi mới căn bản, đồng bộ về cơ chế, thể chế, chính sách bảo đảm tự do, dân chủ trong nghiên cứu, sáng tạo và trong sinh hoạt lý luận.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ triết học) Nhận thức mới về dân chủ xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thời kỳ đổi mới (Trang 137 - 142)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(179 trang)