Quan niệm nghệ thuật của Đỗ Hoàng Diệu

Một phần của tài liệu Lam vỹ của đỗ hoàng diệu từ góc nhìn phê bình văn học nữ quyền (Trang 25 - 30)

CHƯƠNG 1 LAM VỸ TRONG DÒNG Ý THỨC NỮ QUYỀN CỦA TIỂU THUYẾT NỮ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

1.2. Đỗ Hoàng Diệu và tiểu thuyết Lam Vỹ

1.2.1.2. Quan niệm nghệ thuật của Đỗ Hoàng Diệu

Trên hành trình gần 30 năm theo đuổi văn chương, trải qua nhiều thăng trầm, Đỗ Hoàng Diệu đã giữ cho mình quan niệm nghệ thuật riêng. Trong cuộc phỏng vấn của Tạp chí Hợp Lưu, Đỗ Hoàng Diệu đã chia sẻ quan điểm của mình về người viết văn: “Nhưng phàm là người viết văn, phải đau nỗi đau của thân phận mình tạo dựng, để khi đến tay độc giả, người đọc lại đau nỗi đau của nhân vật” [37]. Với cô, người viết phải mang trong mình nỗi đau đời, gửi nỗi đau ấy vào văn chương để tác động đến thế giới nội cảm của bạn đọc. Vậy nên, người viết phải thật khéo, phải

“dung hòa kỹ thuật và nội dung tư tưởng, nội dung thông điệp” [31] để người đọc có thể cảm nhận hết điều mà người viết muốn truyền tải. Đỗ Hoàng Diệu rất đề cao

“trí tưởng tượng, hành văn và cảm xúc” [50] bởi chỉ khi có những yếu tố này, nhà văn mới có thể sáng tạo nên một tác phẩm thực thụ.

Đỗ Hoàng Diệu luôn quan niệm bản thân “viết văn bằng linh cảm” [31]. Bằng nhãn quan tinh tường cùng sự nhạy cảm vốn có, nhà văn luôn thấu thị mọi chuyển biến của đời sống và có những linh cảm về đời sống. Với riêng Đỗ Hoàng Diệu, mất

đi linh cảm của mình thì cô sẽ không thể tồn tại. “Trước đây và cả bây giờ cũng vậy, tôi nghĩ gì viết nấy. Theo đúng những cái mà tôi có. … Bố tôi sau khi đọc tập sách cũng bảo: "Viết khác đi, viết thế người ta không chấp nhận được đâu, gây sốc thế là đủ rồi". Tôi nói với bố, cũng là nói với mình: nếu viết khác thì tôi không còn là tôi nữa” [15]. Đỗ Hoàng Diệu không cho phép bản thân làm trái lời mách bảo của cảm xúc mà phải luôn lắng nghe, tận dụng triệt để tiếng nói bên trong đầy quyền uy của mình. Linh cảm mãnh liệt của người nghệ sĩ, theo Đỗ Hoàng Diệu, được tạo lập từ bản năng viết. “… bản năng của một nhà văn chính là yếu tố quan trọng nhất giúp hình thành tác phẩm, ít ra là đối với tôi, bây giờ. Những ai đã từng gặp tôi, tinh nhạy để thấu hiểu bên trong cái vẻ ngoài hình như hiện đại kia là gì, họ đều biết tôi đang lặn ngụp trong vực thẳm rẫy nóng của chính mình và phát ra tiếng kêu khát khao hạnh phúc” [37]. Càng trở về với chính mình, người viết nữ này càng tiệm cận với bản năng vốn có và sẵn sàng bộc lộ chúng vào trong sáng tác của mình. Trước trùng điệp thách thức, Đỗ Hoàng Diệu đã quyết không đánh mất linh hồn mình, can đảm dùng linh cảm để viết về con người và cuộc đời. Và đó cũng là “lý do tồn tại”

của một nhà văn đích thực” (Thụy Khuê) [31].

Đỗ Hoàng Diệu cũng bày tỏ quan niệm về văn chương cùng các yếu tố cấu thành nên nó. Cô đã đưa ra quan điểm về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực thông qua đối tượng là nhân vật. “Diệu cũng nghĩ như thế với trường hợp các nhân vật truyện ngắn của Diệu, nó không phải là hiện thực xung quanh Diệu, nhưng nó bắt nguồn từ hiện thực” [31]. Trong quan điểm của nhà văn, nhân vật bắt nguồn từ đời sống thứ nhất nhưng tồn tại trong đời sống thứ hai – thế giới nghệ thuật do nhà văn sáng tạo nên và xuất phát từ hiện thực. Bên cạnh đó, Đỗ Hoàng Diệu còn đưa ra những nhận xét về văn chương và tính dục. “Suy cho cùng, tình dục là sự sống, tựa hơi thở con người. Lẽ nào văn chương lại sống mà không thở? Và mỗi nhà văn có một cách thở riêng. Tôi thích thở sâu từng hơi rồi hắt ra khoái lạc chừng nào trái tim tôi còn đập. Trong hơi thở tôi chứa đựng cả niềm vui và sự bất hạnh của cuộc sống chính tôi và quanh tôi” [37]. Với Đỗ Hoàng Diệu, những trang văn tràn đầy tính dục của mình được viết nên trong vô thức. Cô luôn khao khát mang đến sáng tác của mình những gì chân thực, dịu dàng nhưng cũng dữ dội nhất. Đặc biệt là khi viết về tình yêu. Tình yêu càng thật thì những khao khát nhục cảm càng mãnh liệt, khiến cho từng “câu văn run rẩy mang trong mình hơi thở mãnh liệt, khi mơn man rồi gấp

gáp, mỗi nhịp văn tựa một tiếng rên phát ra không phải từ cuống họng mà từ da thịt, từ nỗi đam mê” [37].

Thông qua những trải nghiệm văn chương chân thực, Đỗ Hoàng Diệu đã đúc kết cho mình những quan niệm nghệ thuật là kim chỉ nam cho hoạt động sáng tạo của mình. Chính sự nhiệt thành và tình yêu với văn chương đã giúp cô vượt qua áp lực xã hội, luôn giữ vững lòng tin vào giá trị mà tác phẩm của mình mang đến. Tin vào văn chương và tin vào chính mình cũng là hành trang mỗi người viết cần trang bị cho quá trình sáng tạo nghệ thuật của mình.

1.2.2. Lam V – cánh chim l trong tiu thuyết n Vit Nam đương đại

Lam Vỹ là cuốn tiểu thuyết được bao trùm bởi bóng tối – bóng tối của số phận, của xã hội, của lòng người. Cũng chọn đề tài về thân phận con người nhưng Đỗ Hoàng Diệu đã tạo nên một Lam Vỹ rất riêng. Người viết tập trung bút lực viết về thế giới người nữ với đời sống tinh thần phức tạp cùng thân phận bi kịch. Điểm đặc biệt của tiểu thuyết này là tất cả nhân vật đều tồn tại nhiều mặt hạn chế và luôn bị giam hãm trong khổ đau, bi kịch. Những con chữ đào sâu đến tận cùng ngõ ngách nội tâm nhân vật, khai phá hang sâu tăm tối luôn ẩn trong mỗi người nữ. Trong Lam Vỹ, mọi vấn đề thuộc về người nữ đều được người viết đẩy đến tột cùng từ tình yêu, bản năng đến bi kịch giới cùng ý thức nữ quyền. Cảm hứng nhân văn và nhân đạo sâu sắc, vì thế, cũng được thể hiện khi Đỗ Hoàng Diệu khám phá nên bản năng của giới mình. Đằng sau từng con chữ trong Lam Vỹ là giọt nước mắt hòa kết giữa nỗi đau đớn, xót xa và thương yêu của người viết dành cho những thân phận nữ. Lam Vỹ không chỉ là niềm thương cảm dành cho người nữ, là thái độ quyết liệt chỉ ra những hạn chế của người nam mà còn là tiếng nói trân trọng, khẳng định giá trị, vai trò của người nữ trong xã hội.

Không chỉ khác lạ về mặt nội dung, phương thức nghệ thuật của Lam Vỹ cũng có sự khác biệt. Lam Vỹ chính là sự phát triển lớn trong phong cách nghệ thuật của nhà văn này. Có thể thấy điều này qua cách nhà văn triển khai diễn biến tâm lý nhân vật: yêu thương nồng nàn đến đau khổ tột cùng để rồi nỗ lực quên lãng bản năng yêu nhưng không thành. Nhờ đó, khát khao được yêu đương đến tận cùng của người nữ được thể hiện rõ nét hơn. Người viết cũng tạo nên kết cấu phân mảnh với sự thay đổi liên tục của những người kể chuyện. Điều này giúp cho thế giới hỗn độn của người nữ được tái hiện, đồng thời tạo nên sự lôi cuốn, buộc người đọc phải theo dõi

đến trang cuối cùng. Yếu tố tính dục cũng được sử dụng chừng mực trong tác phẩm nhằm khai phá bản năng người nữ cùng những ẩn ức thầm kín. Đặc biệt, Đỗ Hoàng Diệu đã sáng tạo nên một hình tượng riêng biệt Lam Vỹ - vừa là tên của tiểu thuyết, vừa là tên của loài chim luôn trú ẩn trong tâm hồn nhân vật nữ. Loài chim kỳ lạ ấy chính là hiện thân cho những đau đớn, tổn thương, yếu đuối cũng như những nhạy cảm, bản năng và tình yêu thương của mỗi người nữ. Lam Vỹ chính là nỗ lực phác họa và thấu hiểu giới mình của Đỗ Hoàng Diệu.

Đến với Lam Vỹ, người đọc cứ ngỡ bóng tối sẽ xâm lấn toàn bộ thế giới bởi cái chết xuất hiện từ những trang đầu tiên đến trang cuối cùng. Thế nhưng, cái chết ấy lại tái tạo thứ ánh sáng nhỏ bé lấp lánh, rồi sẽ xoa dịu nỗi đau của lớp người bi kịch. Ánh sáng ấy không chỉ là đứa con trai vừa chào đời của Thơ mà còn là niềm hi vọng và hơn hết là tình yêu thương. Những riêng biệt và giá trị mà tiểu thuyết Lam Vỹ thể hiện không chỉ khẳng định tài năng của Đỗ Hoàng Diệu mà còn tạo nên ấn tượng mạnh, khiến người đọc khó lòng lãng quên.

Tiểu kết

Đến nay, lý thuyết nữ quyền và phê bình văn học nữ quyền đã nhận được sự tiếp cận và ủng hộ đông đảo từ mọi người. Đòi quyền lợi cho người phụ nữ, đòi nam nữ bình quyền, khẳng định giá trị và vị thế của người nữ trong xã hội là điều mà các nhà nữ quyền trên toàn thế giới luôn hướng đến. Trong đó, văn học là một kênh không thể thiếu giúp lan tỏa tư tưởng, ý thức nữ quyền và tác động đến bạn đọc. Văn học nữ quyền và phê bình văn học nữ quyền đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình khi trở thành tiếng nói bênh vực, trân trọng, cảm thông cho người nữ. Hiện nay, văn học nữ quyền, đặc biệt là tiểu thuyết nữ quyền đang ngày càng phát triển ở Việt Nam với sự góp sức của những cái tên nữ nổi bật như Y Ban, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyện Thị Thu Huệ, … Trong đó, các sáng tác của Đỗ Hoàng Diệu đã góp phần tạo nên sự đa dạng, đậm sắc nữ tính cho dòng văn học này. Là một nhà văn đề cao linh cảm, Đỗ Hoàng Diệu tập trung hướng đến thế giới bên trong người nữ để khám phá và phân tích. Sự nhạy cảm và đồng cảm giữa những người nữ đã giúp nhà văn này hiểu sâu sắc hơn về giới mình. Điều này được thể hiện rõ trong tiểu thuyết Lam Vỹ. Điểm mới trong nội dung và nghệ thuật của Lam Vỹ đã khiến cho tiếng nói về người nữ và các vấn đề xung quanh họ trở nên lôi

cuốn, hấp dẫn. Lam Vỹ chính là sự phát triển lớn trong phong cách nghệ thuật của Đỗ Hoàng Diệu.

Một phần của tài liệu Lam vỹ của đỗ hoàng diệu từ góc nhìn phê bình văn học nữ quyền (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)