Người kể chuyện ngôi thứ ba

Một phần của tài liệu Lam vỹ của đỗ hoàng diệu từ góc nhìn phê bình văn học nữ quyền (Trang 54 - 59)

CHƯƠNG 3 NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN THIÊN TÍNH NỮ VÀ Ý THỨC NỮ QUYỀN TRONG TIỂU THUYẾT LAM VỸ

3.1. Sự hoà kết giữa những người kể chuyện

3.1.1. Người kể chuyện ngôi thứ ba

Người kể chuyện hàm ẩn ngôi thứ ba được sử dụng phổ biến hơn cả bởi tính đa dạng của nó. Người kể chuyện không hiện lên trực tiếp dưới dạng một nhân vật cụ thể trong tác phẩm mà luôn ẩn mình, chứng kiến và tường thuật những sự kiện liên quan đến các nhân vật dựa trên quan điểm của bản thân hoặc góc nhìn của một nhân vật khác. Có thể khẳng định, người kể này giữ vị trí quan trọng, giúp xâu

chuỗi, nối kết các sự kiện xảy đến trong cuộc đời từng nhân vật và cung cấp những thông tin có giá trị cho người đọc.

Trong Lam Vỹ, người kể chuyện ngôi thứ ba xuất hiện với tần suất dày đặc, tồn tại xuyên suốt câu chuyện nhằm định hướng mạch tư duy và cảm xúc cho bạn đọc. Những sự kiện có sức ảnh hưởng đến số phận các nhân vật cũng được người kể chuyện này cung cấp: Thơ gặp bố mẹ Việt, Thơ tự tử rồi phá thai, Thơ và Việt bắt đầu lại mối tình oan trái, … Người trần thuật này đã dành cho mỗi nhân vật nữ một cách gọi khác nhau. Ngoài đại từ “cô”, các nhân vật nữ xuất hiện qua các đại từ như

“chị” – thể hiện sự tôn trọng với Phan Thị Thục, “hoa khôi” – cho thấy vợ Việt luôn gò mình vào danh hiệu người ta đặt cho, “bà” – gọi mẹ Thơ một cách kính trọng,

“cô gái” – dành cho những người phụ nữ trên tàu, hay có khi gọi trực tiếp tên nhân vật một cách yêu thương, trìu mến như Lam, Thục, Thơ. Tác giả đã vô cùng linh hoạt trong sử dụng điểm nhìn của người kể chuyện này để người đọc có thể hình dung ra toàn bộ diễn biến cuộc đời và tâm trạng của các nhân vật. Có lúc, người kể dùng điểm nhìn bên trong, lấy cái nhìn của nhân vật để kể chuyện; khi thì đứng ngoài quan sát và ghi lại các hoạt động của nhân vật bằng điểm nhìn bên ngoài hay quan sát, tái hiện, bình luận, đánh giá mọi sự việc với điểm nhìn toàn tri. Các điểm nhìn được sử dụng luân phiên khiến thế giới trong văn bản được phơi trải sinh động, nhiều chiều, kích thích quá trình tiếp nhận tác phẩm của độc giả.

Có thể thấy, điểm nhìn chủ yếu trong tác phẩm là điểm nhìn toàn tri. Với điểm nhìn này, người kể chuyện được mở rộng tối đa tiêu cự, quan sát và đánh giá toàn bộ sự vận động của thế giới nghệ thuật. Nhờ vậy người kể có thể tái hiện các mốc sự kiện, phơi bày những hành động bên ngoài và thâm nhập vào diễn tiến tâm lý của từng nhân vật tham dự vào sự kiện ấy. Thế giới nội tâm của người nữ, vì vậy, được lột tả chân thực, trọn vẹn thông qua sự quan sát, đánh giá của người kể. Dường như Đỗ Hoàng Diệu đang nhập vai vào nhân vật giấu mặt này để kể một cách vẹn tròn và nghệ thuật nhất về thân phận nữ. Đó là những cung bậc cảm xúc mãnh liệt của Thơ và vợ Việt trong màn đánh ghen đầy mạnh bạo của cô hoa khôi này. Nếu Thơ nằm im bất động cùng triệu triệu giọt nước mắt rồi “bận bịu hồi tưởng, bận bịu một mình sắm vai cả Chúa cả con chiên lạc đường lẫn kẻ ngoại đạo xấu xa” [7, tr.221]

thì vợ Việt cũng đang gầm vang nỗi ghen tuông, tức giận qua nội tâm dữ dội cùng hành động “phi chồm lên giường, đập loạn xạ phần gần nhất của tình địch là hai bàn

chân bà bầu” [7, tr.221]. Một người chìm trong sự giằng xé giữa tình yêu và đạo đức để rồi phá vỡ lí trí, nương theo con tim; một người xả vai diễn hằng ngày để hành động cho thỏa cơn tức giận. Mọi biến thái tinh vi nhất của hai nhân vật nữ đều được người kể chuyện bắt lấy và thể hiện qua lời kể sống động cùng ngôn ngữ đậm sắc nữ tính.

Không chỉ quan sát, trần thuật về các sự kiện, nhân vật, bằng điểm nhìn đằng sau và ngôi thứ ba, người kể chuyện này còn dự phần cắt nghĩa, phân tích, đánh giá những biến động tế vi trong hành động hay tâm tư của nhân vật. Người kể chuyện đã lí giải hành động của Thơ và Việt trong cuộc hẹn tại chủa Trấn Quốc. Ban đầu, cả hai đều lẫn tránh cảm xúc, vạch nên ranh giới rõ ràng giữa anh họ em dâu.

Nhưng khi cảm xúc ngày xưa ùa về rồi bộc phát ở ngưỡng cao nhất, cả hai nguyện xóa bỏ Đạo đức kinh, chịu sự thống trị của tình yêu. Bởi theo người kể chuyện,

“Yêu đương về cơ bản là rối rắm và phù phiếm trong mù lòa” [7, tr.179]. Vì “mù lòa” nên người nữ sẵn sàng hiến dâng, bỏ qua mọi sự ràng buộc để nghe theo trái tim. Không chỉ khao khát tình yêu lứa đôi, nơi giới nữ còn có điểm tương đồng là lòng yêu và sự đồng cảm. Người kể rất tinh tế khi đi sâu vào tâm trí Thơ, gỡ từng mảnh rối rắm để phơi trải nỗi ngập ngừng, bối rối của cô trước cái chạm của tình người. “Cố giơ lên, Thơ tính chạm vào lưng người đàn bà, may có gió níu lại. Biết đâu chị sẽ đẩy cô ra, sẽ thét lên những uất ức bấy lâu nín nhịn. Biết đâu sự đụng chạm ấy hóa thành tình thân ái, chỉ tổ rạch thêm vết đứt giày vò vốn đã sâu hoắm trong Thơ” [7, tr.214]. Đồng cảm nên Thơ muốn sẻ chia, muốn truyền chút hơi ấm an ủi cho người nữ đồng thân phận, đồng cảnh ngộ với mình. Đồng cảm nên cô thấu hiểu những hành động rất tự nhiên của người phụ nữ bị cướp chồng và luôn chịu sự giày vò bởi chính mình cũng đã tước đoạt mất một phần hạnh phúc của người đàn bà kia. Nếu dự đồng cảm khiến Thơ muốn đưa tay vỗ về, xoa dịu nỗi đau của Thục thì mặc cảm và hèn nhát đã khiến đôi tay cô chững lại, “để mọi thứ tuân theo trật tự” [7, tr.214].

Bên cạnh việc tái hiện thế giới người nữ, nội tâm của người nam cũng được người trần thuật này chú ý quan sát và kiến giải. Có thể thấy điều này qua việc đặc tả hành động khóc của Việt sau khi trở về từ nhà cha mẹ Thơ. “Anh dừng xe bên vệ đường, bật đèn khẩn cấp, tháo dải khăn đen nơi bàn tay, mặc máu tanh anh áp lên mặt, điên đảo khóc òa. Người ta nói đàn ông ít khi khóc vì tình, càng không khóc vì

vài vết rách trên da. Ấy hẳn chủng loài đàn ông khác, không phải Việt” [7, tr.141].

Được sáng tạo bởi người nữ, bằng cảm quan nữ nên người kể chuyện này đã dùng cái nhìn nữ để quan sát nhân vật nam và phân tích, đánh giá thông qua nhận thức của giới nữ. Trong quan niệm xã hội, đàn ông là phái mạnh, là những người không bi lụy, không khóc vì những điều nhỏ nhặt như “vài vết rách trên da” hay tình ái và đàn bà. Tuy nhiên, người đàn ông cũng có những phút giây yếu mềm, những việc nhỏ nhặt cũng đủ khiến anh ta gục ngã. Nhìn thấy được những sợi yếu đuối trong nội tâm tưởng như mạnh mẽ ấy, người kể đã bắt lấy, nắm chặt và nỗ lực làm rõ nó.

“Chủng loại đàn ông khác” ấy chính là điều mà người ta áp đặt về nam giới, khiến biết bao người nam, cũng hệt như người nữ, phải giấu đi trái tim đang dậy sóng, oằn mình gồng gánh hàng triệu trọng trách trên vai. Thấu hiểu được điều đó, người kể chuyện đã phô bày khoảnh khắc mềm yếu nhất của Việt để anh được sống với nỗi lòng chính đáng của mình.

Bên cạnh đó, điểm nhìn bên trong cũng được người kể chuyện ngôi thứ ba sử dụng triệt để. Đây là điểm nhìn giúp người trần thuật kể những gì nhân vật nhìn thấy, cảm nhận, đánh giá về thế giới trong tác phẩm nghệ thuật. Tuy góc nhìn sẽ bị thu hẹp ngang mức nhận biết của nhân vật nhưng người kể chuyện có thể thấu tỏ toàn bộ khía cạnh trong nội tâm nhân vật. Vậy nên, người kể chuyện đã vận dụng linh hoạt điểm nhìn toàn tri và điểm nhìn bên trong: có lúc dùng điểm nhìn đằng sau để nắm bắt mọi hình thái, tâm lý của các nhân vật, có khi dần chuyển điểm nhìn vào nhân vật cố định nhằm soi chiếu tâm lý nhân vật ấy một cách tự nhiên và chân thực.

Ngay sau khi kể lại buổi hẹn ăn tối cùng lời tỏ tình bất ngờ từ Tỉnh, người kể chuyện chuyển điểm nhìn vào nhân vật Thơ để thể hiện cảm giác của cô lúc này.

“Cô mong máu sẽ sôi rần rật, tay sẽ vướng da sẽ đỏ. Nhưng tất cả sự tự nhiên của một người con gái đã bỏ Thơ đi, theo trăm ngàn mảnh vỡ tuyệt vọng từ cuộc tình bão táp. Phải cố thôi. Cố mà yêu” [7, tr.93]. Không có cảm xúc bất ngờ hay vỡ òa từ người con gái vừa nhận lời tỏ tình, Thơ chỉ ngập trong tâm trạng rối bời vì sự bình thản của bản thân. Nỗi đau Việt mang đến cho cô quá lớn đến nỗi những rung động bình thường nhất cũng không còn. Đến mức cô ép trái tim mình yêu thương một người khác để tìm lại những rung cảm đã bay theo người đàn ông bội bạc kia. Có thể nói, người kể chuyện này đang nhập vai, dời chỗ, chuyển điểm nhìn vào nhân

vật. Nhờ đó, mọi động thái trong tâm hồn người nữ đều được nhân vật ẩn mình này phát hiện, chiếm lĩnh.

Có lúc người kể hòa điệu với mạch suy tưởng của nhân vật. Sự thay đổi điểm nhìn này bộc lộ rất rõ trong những đoạn miêu tả tâm trạng nhân vật bằng lời văn nửa trực tiếp. “Sau khi trái phá nổ tung khối óc, trái tim Thơ hào hứng tấn công.

Trên đời có một số người không biết yêu, yêu thực sự. Có những người lại yêu thái quá, yêu tràn ra khỏi vòng tròn Adam – Eva đã tạo dựng và Thơ may mắn – bi thảm nằm trong số ấy. Cô yêu bằng vẹn nguyên tất cả thể xác và linh hồn, từ đỉnh đầu đến gót chân, từ tâm hồn đến trái tim đến cả cuộc đời” [7, tr.222]. Bản năng bấy lâu bị giam cầm, vào khoảnh khắc này, được tự do bộc phát, bất chấp đưa cô đến vòng tay cô luôn mong nhớ. Tình yêu Thơ dành cho Việt quá lớn, nó đẩy cô vượt thoát khỏi vòng tròn đã định, rơi vào hố thẳm bi kịch. Lời văn nửa trực tiếp cùng người kể chuyện hàm ẩn ngôi thứ ba đã diễn tả được tâm trạng đa chiều của Thơ. Sự phức tạp trong nội tâm nhân vật này nhờ vậy được thể hiện như nó vốn có.

Thậm chí có lúc người kể chuyện còn trao hẳn điểm nhìn trần thuật cho Thơ, để nhân vật này trở thành tiêu điểm thay cho người kể chuyện. “Hài nhi ơi, bình yên nào, bố vẫn sống, con không phải mồ côi. Chỉ có điều bố sẽ không thể tự tay cắt rốn cho con, không thể dắt con đi những bước đầu đời hay tập xe đạp cho con. Số mệnh, một lần nữa lại nhảy xổ ra khỏi chỗ nấp tấp thêm ớt bột vào nồi xúp đã thừa mứa cay nồng” [7, tr.215]. Không thể phân biệt được đây là suy nghĩ của Thơ hay của người kể chuyện nữa. Dường như Thơ và người kể chuyện đã hòa làm một, khoảng cách của cả hai bị xóa bỏ hoàn toàn. Giờ đây, chỉ còn rung ngân nỗi lòng của người mẹ dành cho đứa con bé bỏng sắp chào đời khi con không thể trải qua tuổi thơ êm đềm cùng bố. Sự chuyển dịch của điểm nhìn từ đằng sau vào bên trong đã cho phép người kể chuyện thâm nhập và tái hiện đầy đủ nhất ý thức sâu kín của nhân vật nữ. Qua đó, người đọc có thể thấu triệt được thân phận cùng thế giới nội tâm của người nữ để dành sự thấu hiểu, cảm thông và trân trọng cho họ.

Việc sử dụng linh hoạt từng điểm nhìn với ngôi kể thứ ba của người kể chuyện để phù hợp với mỗi diễn ngôn trong Lam Vỹ đã cho thấy tài năng của Đỗ Hoàng Diệu trong nghệ thuật kể chuyện. Người kể chuyện này đã làm tốt vai trò của mình trong việc dẫn dắt người đọc đến với thế giới trong tác phẩm, đặc biệt là khai thác những khía cạnh liên quan đến giới nữ. Khoảng cách giữa người trần thuật và các

nhân vật cũng được điều chỉnh tinh tế sao cho mọi ý đồ nghệ thuật đều được biểu hiện một cách trọn vẹn. Nhờ lối trần thuật đó, câu chuyện của người nữ không còn là những mảnh riêng rời rạc mà được nối kết thành một thân phận chung đa chiều, phức tạp.

Một phần của tài liệu Lam vỹ của đỗ hoàng diệu từ góc nhìn phê bình văn học nữ quyền (Trang 54 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)