Giọng triết lí, chiêm nghiệm

Một phần của tài liệu Lam vỹ của đỗ hoàng diệu từ góc nhìn phê bình văn học nữ quyền (Trang 84 - 88)

CHƯƠNG 3 NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN THIÊN TÍNH NỮ VÀ Ý THỨC NỮ QUYỀN TRONG TIỂU THUYẾT LAM VỸ

3.3. Giọng điệu nghệ thuật

3.3.4. Giọng triết lí, chiêm nghiệm

Xuất hiện trong sáng tác các nhà văn nữ, giọng triết lí được sử dụng để nhấn mạnh những thông điệp nhà văn muốn gửi đến bạn đọc, khẳng định chân lí mang bẳn sắc giới. Càng trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời, nhân sinh quan, thế giới quan của người nữ càng thêm sâu sắc, nhờ đó tư tưởng nữ quyền được thể hiện rõ nét hơn qua giọng văn này. Giọng triết lí, chiêm nghiệm xuất hiện trong Lam Vỹ gắn với triết luận của Đỗ Hoàng Diệu về các vấn đề thuộc về đời sống, con người, đặc biệt là người nữ và vị thế, thân phận của họ. Mang trong mình tâm hồn nhạy cảm và trái tim mỏng manh, các nhân vật nữ không ít lần trăn trở về tình yêu. Với họ “Yêu không có chỗ cho sáng suốt. Còn sáng suốt, bạn còn chưa yêu” [7, tr.37]. Vì thế họ luôn nhiệt thành, hết mình khi yêu. Bởi luôn để trái tim dẫn lối nên Thơ, Thiên Lam, Thục và bà Yến đã “yêu thái quá, yêu tràn ra khỏi vòng tròn Adam – Eva đã tạo dựng” [7, tr.222] khiến cho “não bộ càng thiếu máu” [7, tr.181], tê liệt. Những định nghĩa đầy triết lí về tình yêu của tác giả được đan cài trong từng lời độc thoại

của nhân vật. Tác giả phát hiện bản năng yêu đương không bao giờ cạn trong mỗi người nữ. Họ rơi vào bể khổ chính bởi sự nhiệt huyết, mù quáng khi dành hết tình yêu, trao đi tất cả những gì mình có cho những người đàn ông vô tình. Thế nhưng, dù phải nhận lấy bi kịch tình yêu, người phụ nữ vẫn luôn hết mình vì tình yêu đó.

Giọng triết lý còn là những chiêm nghiệm về giá trị con người mà chính nhà văn rút ra được sau bao thăng trầm cuộc đời và được thể hiện trọn vẹn qua lời tâm sự Thơ dành cho con. “Con là một thực thể độc lập dù lớn lên trong mẹ. Con là tất yếu, như cây cỏ tự nhiên như Chúa đã giáng thế Phật đã tái sinh, không phải do bố cầu xin hay mẹ lỡ làng” [7, tr.231]. Hay qua lời Tỉnh nhận xét về con gái mình:

“Còn con gái là mảnh độc lập, sẽ tự thích ứng để gắn kết với bất kỳ mảnh ghép nào”

[7, tr.197]. Mỗi người đều là cá thể độc lập khi sinh ra, không chịu sự quyết định của bất kỳ ai, không do lời nguyện cầu của ai mà tồn tại. Vậy nên cả người nam lẫn người nữ đều đều phải tự nắm bắt và có trách nhiệm với cuộc đời mình. Nhận định của hai nhân vật đã giúp những suy nghĩ, quan điểm của Đỗ Hoàng Diệu được thể hiện đa dạng, trọn vẹn qua điểm nhìn của hai giới. Chất giọng triết lý đầy chiêm nghiệm còn thể hiện qua lời khuyên Thơ dành cho con khi nói về cách đối mặt với nỗi buồn trong đời: “Con ơi, chỉ là lẽ thường tình ở đời. Con hãy quên phắt chúng đi, tống khứ chúng đi khi người ta cắt dây cuốn rốn nối mình với nhau. Đừng làm giống mẹ, đừng trút chúng xuống hố thẳm hãy còn non tơ, bởi phía trước có biết bao nỗi buồn tương tự chờ con trong cuộc đời” [7, tr.232]. Đời người rồi sẽ trải qua những ngày giông bão với nhiều nỗi buồn đau cần được đối diện. Vậy nên, thay vì dồn hết chúng vào hố thẳm u tối hãy để nó tan biến vào miền lãng quên. Qua lời tâm tình đầy dịu dàng với những chiêm nghiệm sâu sắc của người mẹ, những triết lí tác giả gửi gắm trong tác phẩm trở nên gần gũi, ấm áp. Đây cũng là một lợi thế của lối viết nữ trong việc khiến những câu chữ triết lí trở nên nhẹ nhàng, dễ dàng tác động đến người đọc.

Đỗ Hoàng Diệu cũng đã gửi nhận thức day dứt về cuộc đời cùng chiêm nghiệm về giới hạn con người của mình vào suy tư của nhân vật Thơ: “Tội nghiệp người sống, luôn giới hạn mình trong cái hữu hình” [7, tr.239]. Những gì con người biết và chiếm lĩnh chỉ chiếm phần nhỏ so với cái vô hình, nhất là nội tâm con người.

Mà người ta lại thường cho mình đã nắm hết cả thế giới trong tay, bó hẹp cuộc đời trong những điều đã tỏ. Nhưng thật ra đó chỉ là giới hạn mà con người tự tạo. Khi

đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết, suy ngẫm về cái chết cũng được đưa ra: “Người ta chỉ tìm cách chết khi thấy trước mặt, sau lưng, trên đầu, dưới chân toàn hố sâu bóng tối đen ngòm” [7, tr.24]. Theo tác giả, phải bị đẩy đến cùng đường tuyệt lộ, bị đày ải đến mức tuyệt vọng con người ta mới phải chọn lấy cái chết để giải thoát chuỗi ngày tăm tối bởi “sống mà như chết, chết tốt hơn” [7, tr.15].

Trong Lam Vỹ, Đỗ Hoàng Diệu đã thể hiện ý thức giới đầy nhân văn qua sự đồng cảm, thấu hiểu với thân phận nữ. Người đọc dễ dàng thấy điều này qua những chiêm nghiệm về các vấn đề của người nữ, đặc biệt là chuyện phá thai. “Giả sử năm xưa bà nội đã tìm đến ông lang nào đó xin thuốc loại cha khỏi dạ con, rồi vui vẻ yêu đương vui vẻ kết hôn sống đầu bạc răng long, thì tội của bà có bằng việc sinh cha ra, đem bỏ bãi tha ma rồi loạn cuồng trẫm mình xuống sông sâu không? … Tội lỗi, trong trường hợp bà nội và con, hay hàng triệu đàn bà khác nữa, suy cho cùng đều do những cú nhảy chồm không đúng lúc của định mệnh” [7, tr.187]. Trước sự vô thường của cuộc đời, người nữ luôn phải nhận lấy muôn vàn đắng cay. Ngay cả việc lựa chọn giải pháp cho cơ thể và cuộc đời mình, họ cũng phải chịu sự phán xét của người khác. Người ta xem phá thai là tội ác. Người ta dùng ánh mắt lạnh lùng cùng sự chỉ trích dành cho người nữ khi họ thực hiện một trong những quyền lợi chính đáng của mình. Thú vị hơn khi Đỗ Hoàng Diệu để cho một nhân vật nam – cha Thơ, nói về điều này. Câu hỏi ông đặt ra cũng chính là câu hỏi mà tác giả hay những người nữ khác muốn mọi người tìm lời giải đáp: giữa việc phá thai và việc sinh con ra nhưng không thể chăm sóc, nuôi dưỡng tốt cho con, đâu mới là điều không được làm. Bằng giọng văn triết lý, chiêm nghiệm, mọi cảm xúc, tâm tư, nhận thức, quan điểm riêng biệt của người nữ được thể hiện một cách đầy đủ, chân thật và sâu sắc nhất. Việc sử dụng giọng văn này cũng góp phần xác lập vị thế của người nữ trong văn học nói riêng và trong xã hội nói chung.

Tiểu kết

Nhà nữ quyền người Pháp Hélène Cixous đã cho rằng: “Hầu như tất cả những gì về nữ tính hãy nên chờ đợi phụ nữ viết ra: về những đặc trưng giới tính của họ, tức là những tính phức tạp rối ren đang biến đổi vô cùng tận, nhất là về tính dục, rồi những xao động đột ngột vừa tế vi vừa lớn lao của họ. Không phải là về số phận, mà là về những chợt tỉnh từ thân thể họ” [Dẫn theo 73, tr.99]. Để viết về giới mình một cách

trọn vẹn nhất, Đỗ Hoàng Diệu đã sử dụng các phương thức nghệ thuật nhằm làm nổi bật thiên tính nữ và ý thức nữ quyền trong tác phẩm. Về nghệ thuật kể chuyện, tác giả đã tạo ra ba người kể chuyện chính: người kể chuyện ngôi thứ ba, người kể chuyện ngôi thứ nhất Thơ và người kể chuyện ngôi thứ nhất Việt. Với những góc nhìn khác nhau, sự kết hợp của ba người kể chuyện này làm nên sự đa điểm nhìn cho câu chuyện, làm cho thế giới sâu thẳm trong nội tâm người nữ và vấn đề nữ quyền được thể hiện đầy sinh động. Về nghệ thuật xây dựng nhân vật, tác giả này đã tập trung vào ngoại hình và hành động của nhân vật nữ để làm nổi bật thế giới tinh thần, tính cách và số phận của họ. Cùng với thế giới người nữ, hệ thống nhân vật nam bất toàn cũng được xây dựng không chỉ đưa ra cái nhìn, quan điểm mới về người nam mà còn khẳng định sự quan trọng của người nữ trong xã hội. Về giọng điệu nghệ thuật, tác giả đã sử dụng bốn giọng văn chính là yêu thương, nhẹ nhàng, tha thiết; triết lí, chiêm nghiệm; xác quyết, mạnh mẽ và châm biếm, giễu nhại. Mỗi giọng văn mang nét đặc sắc riêng hòa vào nhau tạo nên tính đa thanh cho tác phẩm.

Nhờ đó, thiên tính nữ và ý thức nữ quyền hiện lên rõ nét, dễ tạo ấn tượng đối với người đọc. Từ những phân tích trên, chúng ta có thể thấy người viết nữ đã mang đến một lối viết nữ riêng biệt để thể hiện tuyên ngôn nữ quyền đầy tinh tế. Phá vỡ những rào cản vốn có dành cho giới mình chính là cách thức duy nhất để người nữ khẳng định tài năng và vị thế của mình.

Một phần của tài liệu Lam vỹ của đỗ hoàng diệu từ góc nhìn phê bình văn học nữ quyền (Trang 84 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)