CHƯƠNG 3 NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN THIÊN TÍNH NỮ VÀ Ý THỨC NỮ QUYỀN TRONG TIỂU THUYẾT LAM VỸ
3.3. Giọng điệu nghệ thuật
3.3.2. Giọng xác quyết, mạnh mẽ
Giọng xác quyết, mạnh mẽ thể hiện những đánh giá, tình cảm, thái độ chủ động, quyết liệt của người viết về những đối tượng khác nhau trong đời sống. Giọng văn này giúp cho tác giả nữ thể hiện cá tính, cất cao tiếng nói của giới mình. Bởi khi ý thức tìm lại tiếng nói đã mất, người nữ tiến đến một bước cao hơn là khẳng định giá trị của mình, đòi lại những quyền lợi chính đáng và vị thế của mình. Trong Lam Vỹ, giọng xác quyết, mạnh mẽ xuất hiện ở những câu văn đầy quyết đoán và cuồng nhiệt về tình yêu. “Đến nước này em vẫn yêu con người ấy. Suy cho cùng, anh ấy chưa hề nói tiếng yêu em” [7, tr.99]. Đây là câu nói thể hiện tình yêu mãnh liệt Lam
dành cho Tỉnh, dù không nhận được sự hồi đáp của anh. Hay như lời thề không phản bội Thơ trao cho Việt khi cô treo chiếc đồng hồ lên tường. Đó là tiếng nói của giới nữ khi tim họ căng tràn niềm yêu cùng khao khát yêu đương đầy bản năng.
“Ngủ! Ngủ như đêm đêm ngàn vạn gái trai chồng vợ người ta làm ấy! Ngủ như anh đã ngủ để phòi ra đứa con gái kia kìa!” [7, tr.168]. Lam đã dũng cảm bày tỏ khát khao ân ái, muốn cùng Tỉnh trải qua đêm mặn nồng để thỏa nhớ nhung bấy lâu nay.
Đi cùng lời nói là hành động không kém phần táo bạo: “Lam ném huỵch đôi giày đỏ vào tường, ngang nhiên tụt quần” [7, tr.168]. Hành động quyết liệt của Lam là sự giải tỏa cho chuỗi ngày mong nhớ, đau đớn, tủi hờn khi yêu và khát thèm người đàn ông không hề yêu mình. Việc để những người nữ của mình thành thật, chủ động thể hiện tình yêu thông qua lời nói đầy quyết liệt cùng hành động táo bạo, dứt khoát đã cho thấy sự thấu hiểu, thái độ đồng tình của người viết đối với bản năng nữ tính và cách thể hiện bản năng rất mạnh mẽ của giới nữ. Cùng với nỗi đau về tình yêu, cảm giác tội lỗi của một người mẹ phải bỏ đi đứa con của mình luôn bám rễ trong lòng Thơ. “Nhưng cha ơi, thế thì con phải chém chính mình. Vì con đã gây nghiệp, con đã giết hại cháu ngoại của cha. … Đúng, vấn đề của con là đã tận diệt đứa con với người đàn ông con yêu thương và căm hận nhất cõi đời” [7, tr.187]. Ý thức được nỗi tuyệt vọng mà mình nếm trải, thấu hiểu được trái tim mình nên người nữ ấy càng đau đớn trước những lựa chọn mình buộc phải làm. Với Đỗ Hoàng Diệu, thẳng thắn thừa nhận nỗi đau cũng là hành động cho thấy sự mạnh mẽ của người nữ.
Giọng xác quyết, mạnh mẽ là yếu tố thể hiện giá trị của nữ giới. Đã không ít lần tác giả để Thơ khảng khái bày tỏ bản thân khi đáp trả chất vấn và định kiến của người khác về năng lực của mình: “Em ơi, dù em có là rồng bay trên trời và chị là con kiến bò dưới đất thì cũng từ bụng mẹ mà ra với phận sự được định sẵn trên đường chỉ tay mỗi người, nhà văn thành danh vĩ đại cũng cần người sửa bản thảo cũng năm lần bảy lượt nhờ chị nữa là em!” [7, tr.210]. Ngạo nghễ khẳng định giá trị, tin vào năng lực bản thân là một trong những nét đẹp lấp lánh ở người nữ khi họ giành lại được tiếng nói của mình. “Ông đại diện cho ai mà dám phán xét tôi? Chúa của ông ngăn cấm phá thai nhưng thần của tôi cho phép. Thần của tôi là ai? Tôi, chính tôi đây!” [7, tr.38]. Người nữ đề cao vị trí của mình ngang bằng chúa trời, xem bản thân là vị thần có toàn quyền quyết định vận mệnh của họ. Không một ai trên thế giới này có quyền điều khiển người nữ ngoài chính họ. Giọng văn mạnh mẽ
còn được tác giả sử dụng thông qua đoạn đối thoại căng thẳng giữa Thơ và bố Việt khi ông xúc phạm đến người bố đáng kính của cô: “Bố cháu ít học nên đâu dám dạy. Ông chỉ có tình thương và lòng nhân ái thôi. … Với lại bố cháu không có con trai, cũng chẳng mấy để ý chuyện nối dõi tông đường” [7, tr.42-43]. Thơ hiểu người đàn ông trước mặt đề cao lễ giáo Nho gia và xem trọng đích tử thờ tự ông bà tổ tiên như thế nào. Vậy nên cô không ngại đối đầu với quan niệm lạc hậu và bất công ấy.
“Trên thực tế thời phong kiến qua lâu rồi mà dân mình vẫn mê đắm trong những bổn phận lễ giáo nặng mùi giai cấp mùi giới tính đó. [7, tr.43]. Tác giả đã mạnh mẽ vạch rõ giới hạn của tư tưởng nam quyền bao đời cùng sự bất công người phụ nữ phải chịu trước thang đo tam tòng tứ đức. Bản thân tư tưởng Nho giáo không xấu.
Nhưng cách người nam và xã hội áp dụng đã khiến tư tưởng tốt đẹp ấy trở thành thứ gông cùm kiềm hãm cuộc đời người nữ. Và Đỗ Hoàng Diệu đã dũng cảm chỉ ra, quyết liệt lên án những điều còn hạn chế ấy.
Nhà văn còn để Thơ gây chiến với hai hậu duệ của gia tộc họ Võ – một người bỏ cô mà đi, một người bỏ vợ con để tìm đến cô và con trai. Hai người đàn ông này có điểm chung là mang trong mình dòng máu nam quyền cố hữu bao đời. “Anh sợ tuổi già sẽ chông chênh nếu sống bên em, anh tự ti không giữ được đôi cánh kỳ diệu của Lam Vỹ, anh lo nỗi buồn truyền kiếp của tổ tông nhà em sẽ làm hỏng dòng giống sạch đẹp bên anh. Tất cả là cho anh cho anh cho anh. Anh bỏ đi hòng dập tắt nỗi hãi sợ nhen nhóm từ tương lai” [7, tr.178]. Thơ nhìn thấu nỗi tự ti Việt mang trong người khi quen cô. Bởi hơn hết, trong con người Việt vẫn còn một phần nam quyền đầy ích kỷ, chỉ muốn kết hôn cùng người phụ nữ bình thường chứ không dám tính chuyện lâu dài với người nữ đặc biệt như Thơ. Hết vạch tội Việt, Thơ tiến đến tra vấn Vĩnh: “Đồ phản bội! Thế vợ anh, người gắn bó với anh từ thuở hai bàn tay trắng thì sao? Hai đứa con tật nguyền của anh, chúng tội tình gì mà anh nỡ loại trừ?
… Vì em trẻ hơn vợ anh và đứa con này có chim à?” [7, tr.189-190]. Sự quyết liệt, mạnh mẽ trong ngôn ngữ và hành động của nhân vật nữ đã thể hiện được thái độ không khoan nhượng của Đỗ Hoàng Diệu, một người viết nữ, đối với sự bội bạc của người đàn ông. Giọng văn này còn thể hiện mong muốn được giải phóng khỏi những luật lệ hà khắc mà giới mình phải chịu cũng như khẳng định vị thế của mình cùng những người phụ nữ.
Chỉ khi nào giới nữ làm chủ được tiếng nói, thân thể và quyết định của mình thì khi ấy họ mới làm chủ được cuộc đời mình. Để bày tỏ nhu cầu được bình đẳng
trên mọi khía cạnh, Đỗ Hoàng Diệu đã sử dụng giọng mạnh mẽ, quyết liệt trong các trang văn của mình. Đó không còn chỉ là tiếng nói nội tâm sâu thẳm, cảm nhận về nam giới mà nhu cầu thể hiện giá trị và vị thế của mình đã được người nữ mạnh dạn, thẳng thắn đề cập qua những cuộc đối thoại với phái nam. Nhờ đó, tiếng nói nữ quyền càng được lan tỏa và có tác động không nhỏ đến mọi người.