Lý giải sự bất toàn của người nam

Một phần của tài liệu Lam vỹ của đỗ hoàng diệu từ góc nhìn phê bình văn học nữ quyền (Trang 72 - 75)

CHƯƠNG 3 NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN THIÊN TÍNH NỮ VÀ Ý THỨC NỮ QUYỀN TRONG TIỂU THUYẾT LAM VỸ

3.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

3.2.2. Lý giải sự bất toàn của người nam

Khi có ý thức sâu sắc về giá trị giới, người nữ bắt đầu xét lại những khuôn mặt nam giới bằng cảm quan của nữ giới. Với góc nhìn riêng, thế giới người nam trong sáng tác của mỗi tác giả nữ mang một màu sắc riêng. Tiểu thuyết Lam Vỹ của Đỗ Hoàng Diệu không chỉ có những người phụ nữ với nội tâm khó nắm bắt mà còn hiện diện những nhân vật nam bất toàn. Họ là những người đàn ông không hoàn hảo, luôn tồn tại khiếm khuyết ở một khía cạnh nào đó thuộc về đời sống và bản thể. Mỗi người nam trong Lam Vỹ đều mang trong mình một căn bệnh khác nhau và chính Đỗ Hoàng Diệu đã tìm thấy được nỗi đau ẩn sau cái tên mà người đời thường hay gọi – phái mạnh.

Bố Thơ và Tỉnh được xây dựng là những người đàn ông có xuất thân không hoàn hảo và tuổi thơ đầy đau thương. Tỉnh đã phải trải qua mọi bi kịch trên đời: mẹ ngoại tình với người đàn ông khác vì tiền; cha hành nghề trộm cắp vào ban đêm, vì nóng giận đã hiếp dâm cô bé câm chưa đến mười bốn tuổi. Không chỉ vậy, cậu bé Tỉnh còn chứng kiến cảnh cha bị người ta đánh đến chết rồi phanh thây giữa đường;

phải lớn lên bên bóng tối chuồng trâu cùng tiếng chửi rủa của mọi người, tiếng rên rỉ của người mẹ đang “bận đánh đĩ” [7, tr.74] trên chiếc giường duy nhất của ngôi nhà. Nếu Tỉnh chịu đau thương từ năm mười tuổi thì bố Thơ đã hứng chịu buồn đau từ thuở lọt lòng: khi còn là hài nhi đỏ hỏn còn nguyên cuốn rốn đã bị bỏ rơi nơi nghĩa địa hoang vu, lớn lên trong sự đồn đoán của người đời cùng danh xưng “thằng con hoang”. Nghề đánh xe bò kiêm thợ đào đá chân chính của ông cũng bị người ta bè dỉu. Chính xuất thân có phần thua kém của những người nam này đã vô tình tạo nên những mảnh khuyết không thành hình trong tâm hồn của họ. Với Tỉnh, ký ức kinh hoàn đã dai dẳng bám lấy cuộc đời anh, ăn sâu vào tiềm thức, trở thành ẩn ức không thể xóa mờ và làm dấy lên thứ nhục cảm tội lỗi nơi Tỉnh. Chàng thanh niên mười tám tuổi có mối quan hệ bất chính suốt hai năm với người đàn bà đứng tuổi mang khuôn mặt “thừa mứa hoóc môn” [7, tr.146] giống mẹ. Sự đan xen giữa hận và yêu mẹ là nguồn cơn của bi kịch tinh thần anh. Anh làm tình điên loạn, dồn dập, thô lỗ cáu xé thân xác phồng căng nhục cảm ấy để đón lấy cơn khoải cảm và trút đi nỗi oán hận. Tỉnh, như con bệnh mang chấn thương tinh thần, bám víu vào liều thuốc dục tình nhưng vẫn vật vã trong cơn bạo bệnh. Ám ảnh từ quá khứ đã tạo nên hang sâu trong tâm hồn Tỉnh, càng đi sâu càng tăm tối mịt mờ và đớn đau. Trái ngược với Tỉnh, bố Thơ lớn lên bằng bầu vú căng mọng tình mẫu tử và vòng tay ấm áp tình mẹ của bà Yến. Thế nhưng, nỗi đau từ thuở hoài thai vẫn còn vẹn nguyên trong ông. Đến khi nhận lại tổ tông, ông vẫn không thoát được “gien yếu đuối bi lụy gia truyền” [7, tr.187] cùng “cuộc đời buồn bã mãn tính” [7, tr.187] của mình.

Đỗ Hoàng Diệu đã để cho phần lớn nhân vật nam của mình mang một khiếm khuyết chung là bị ràng buộc bởi văn hóa Nho giáo và thiết chế nam quyền cố hữu.

Tư tưởng nam quyền này in hằn trong hành động, suy nghĩ, lời nói của các nhân vật nam. Tác giả đã xây dựng nên thế giới nam đặc mùi nam quyền và đạo Khổng từ đời xưa (cha của bà Yến – ông đồ già tự thiêu khi không dạy nổi con gái giữ gìn tiết hạnh, cha của người yêu bà Yến từ chối nhận cháu nội và dâu với lí do: “Rằng nhà tôi có gia phong, ràng cháu nó con trưởng, ràng không bao giờ chấp nhận đứa con dâu đã nghèo hèn lại còn hư hỏng” [7, tr.56]) đến đời nay. Đó là cả gia tộc họ Võ

“biết là trái luân thường đạo lý nhưng cũng mừng” bởi “một cục chim cứu được cả vương triều” [7, tr.173] với những đại diện tiêu biểu là ông Vịnh – bố Việt, bố Vĩnh và những thế hệ sau là Việt và Vĩnh. Bố Việt là người đàn ông “tin vào tổ tiên hơn

bản thân mình” [7, tr.69] cùng quan niệm lạc hậu như môn đăng hộ đối trong hôn nhân, gia đình phải có cháu trai nỗi dõi tông đường và chỉ con trai mới có quyền cúng tế, thờ phụng ông bà tổ tiên. Những tư tưởng như gông cùm trói chặt thân phận của người nữ cũng chảy trong cơ thể ông: phụ nữ trước khi kết hôn phải “vẫn còn trinh nguyên” [7, tr. 32] hay người vợ phải trọn nghĩa tam tòng tứ đức. Hành động của ông Vịnh cũng được người viết chú ý miêu tả từ cách ông lau dọn bàn thờ, đối thoại với Thơ về việc cúng tế, đến cách ông ngã bệnh khi biết con dâu sinh con gái rồi mất dạ con hay cái chết của chính ông khi biết mình “tuyệt vọng giống nòi”

[7, tr.157]. Sinh ra trong gia đình ấy, không lạ khi bố Vĩnh, vì muốn có cháu trái đích tôn, đã đi ngược luân thường đạo lí. Dù đã có Thục là con dâu, ông vẫn vái lạy tổ tiên để chấp nhận mẹ con Thơ bước vào gia đình mình.

Nối bước những người đi trước, Việt và Vĩnh – người đàn ông của xã hội mới – đã truy trì và gìn giữ tư tưởng lạc hậu trong mình. Không chỉ đặc quánh tư tưởng nam quyền, hai người đàn ông này còn mang dòng máu bội phản. Việt vì nỗi sợ vô hình Thơ sẽ biến mất cùng “bộ não được tẩm ướp đầy gia vị Khổng giáo” [7, tr.44]

đã bỏ rơi Thơ để lấy cô hoa khôi đạt chuẩn thước đo công dung ngôn hạnh. Đến khi vợ anh sinh con gái và mất khả năng sinh con, Việt lại ngoại tình với Thơ để chắp nối mảnh tình dang dở và mong muốn nuôi dưỡng con của cô. Còn Vĩnh, vì muốn tìm truyền nhân cho dòng họ, đã bỏ lại người vợ hiền dịu cùng hai đứa con gái ngây thơ, bệnh tật để tìm đến người đàn bà khác. Vinh tin “Tổ tiên đã dẫn đường cho anh khuya hôm đó đến gặp em vì các đấng biết gien cua chúng ta hòa quyện với nhau sẽ tạo ra người nối dõi” [7, tr.153]. Đến cả khi tàn tật và biết tin Thơ sắp chết, Vĩnh vẫn “trật trẹo giơ cánh tay trái huơ huơ thành dấu hỏi khổng lồ: con trai tôi – người nối dõi duy nhất của dòng họ Võ ra chưa?" [7, tr.235].

Với cái nhìn sắc sảo của người nữ, Đỗ Hoàng Diệu đã tóm được những tàn tích xưa cũ cùng quan điểm nam quyền vẫn còn lẫn khuất trong nội tâm của những người đàn ông. Cùng với đó, những hạn chế của người nam như gia trưởng, chuyên quyền, thiếu trách nhiệm, ngoại tình, hèn nhát cũng được Đỗ Hoàng Diệu thể hiện qua các nhân vật nam của mình. Đây như sự đối thoại của người nữ đối với quan điểm người nam luôn toàn diện vẫn đang cố hữu trong xã hội. Viết về nhân vật nam bất toàn, các tác giả nữ đã hướng ngòi bút của mình theo thái độ, đánh giá, cách thức xây dựng nhân vật riêng. Nếu nhân vật nam của Y Ban hiện lên với rất nhiều

điểm khiếm khuyết, hạn chế cùng thái độ coi thường, hạ bệ của tác giả thì nhân vật nam trong Lam Vỹ, tuy bất toàn nhưng vẫn nhận được sự cảm thông và tôn trọng của Đỗ Hoàng Diệu. Người đàn ông cũng như người phụ nữ, họ đều là con người, là những sinh vật không hoàn hảo. Họ cũng tồn tại những sai lầm, vẫn in dấu những tổn thương. Khi viết về nam giới, người nữ đã vượt qua rào cản thân phận, dám đối diện và dùng cái nhìn nữ để xét lại người nam – những người luôn cho rằng mình làm chủ và chiếm lĩnh toàn bộ xã hội. Điều này còn làm tăng thêm vẻ đẹp lấp lánh của người nữ, giúp họ thay đổi vị trí của mình trong văn học và đời sống: từ ngoại vi tiến vào trung tâm.

Một phần của tài liệu Lam vỹ của đỗ hoàng diệu từ góc nhìn phê bình văn học nữ quyền (Trang 72 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)